Thiệu Hóa tích tụ đất đai, tạo tiền đề thu hút doanh nghiệp
Để thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, huyện Thiệu Hóa đã tích cực thực hiện tích tụ, tập trung đất đai, hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn... Nhờ đó đã thu hút được hơn chục doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và thu nhập cho người sản xuất.
Gạo được đóng bao tại Công ty TNHH Lương thực Thuần Dũng, địa chỉ xã Thiệu Phúc (Thiệu Hóa).
Công ty TNHH Lương thực Thuần Dũng, địa chỉ xã Thiệu Phúc là doanh nghiệp đầu tiên của huyện tiên phong đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp. Giám đốc Công ty Lê Văn Thẩn cho biết: Đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp có rất nhiều rủi ro và khó khăn, như: thiên tai, sâu bệnh, giá cả, ruộng đất manh mún... Rất may, từ khi thành lập công ty (năm 2017) đến nay, tôi luôn được các cấp chính quyền, người dân Thiệu Hóa đồng hành, ủng hộ.
Để có nguồn nguyên liệu cho nhà máy hoạt động, ngoài xây dựng được vùng nguyên liệu, thông qua ký hợp đồng bao tiêu nông sản cho bà con trong huyện và một số huyện: Triệu Sơn, Thọ Xuân, Hà Trung với diện tích hàng trăm ha, công ty còn thuê 50 ha đất lúa 1 vụ không ăn chắc của các hộ dân tại xã Thiệu Nguyên để đầu tư, cải tạo trồng các giống lúa như ST25, 225, Q5... Đặc biệt, được sự quan tâm, tạo điều kiện của chính quyền địa phương đã giúp công ty thuê được mặt bằng 8.000 m2, xây dựng kho và Nhà máy chế biến gạo tại xã Thiệu Phúc. Hiện nhà máy xay, chế biến lúa gạo đang được công ty xin mở rộng thêm mặt bằng, đáp ứng nhu cầu đầu tư dây chuyền lò sấy công suất từ 130 tấn/mẻ lên 500 tấn/mẻ và dây chuyền xay xát công suất từ 6 tấn/giờ lên 8 tấn/giờ. Khi nhà máy được đầu tư mở rộng là cơ hội tốt để công ty đẩy mạnh sản xuất, liên kết tiêu thụ sản phẩm tốt hơn, góp phần nâng cao giá trị thu nhập trên ha đất canh tác.
Hiện trên địa bàn huyện còn có Công ty TNHH Thực phẩm công nghệ cao Tâm Phú Hưng, địa chỉ Quốc lộ 45, thị trấn Thiệu Hóa cũng ký hợp đồng với bà con nông dân thị trấn thuê 146 ha đất để trồng lúa, cung cấp nguồn nguyên liệu cho nhà máy hoạt động. Ngoài ra, công ty đã liên kết với bà con trong huyện (thông qua HTX và chính quyền địa phương) bao tiêu sản phẩm, diện tích 3.500 ha/vụ.
Nói về hiệu quả tích tụ đất đai, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp trên địa bàn huyện thời gian qua, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Thiệu Hóa Trịnh Viết Hùng cho biết: Thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TU, ngày 11-1-2019 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về tích tụ, tập trung đất đai để phát triển nông nghiệp quy mô lớn, công nghệ cao đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, huyện Thiệu Hóa đã tập trung chỉ đạo và đã đạt được những kết quả đáng khích lệ. Sau gần 5 năm thực hiện nghị quyết, đến nay huyện Thiệu Hóa đã tích tụ được 684 ha. Từ diện tích này, không chỉ giúp địa phương hình thành các vùng sản xuất chuyên canh lớn, ứng dụng công nghệ cao mà còn tạo tiền đề thu hút doanh nghiệp. Đến thời điểm này, Thiệu Hóa đã thu hút được trên 10 doanh nghiệp liên kết bao tiêu sản phẩm với diện tích liên kết trên 1.000 ha. Trong số đó, có 2 doanh nghiệp đứng chân trên địa bàn vừa liên kết bao tiêu sản phẩm, vừa tham gia tích tụ đất xây dựng vùng nguyên liệu phục vụ cho nhà máy hoạt động như Công ty TNHH Lương thực Thuần Dũng, Công ty TNHH Thực phẩm công nghệ cao Tâm Phú Hưng.
Việc thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, không chỉ tạo cho người dân thay đổi phương thức cũng như nhận thức trong quá trình sản xuất phải chuyên nghiệp, mà còn giúp sản phẩm của bà con làm ra có giá cả và đầu ra ổn định, từ đó góp phần nâng cao giá trị thu nhập trên ha đất canh tác. Hiện, giá trị thu nhập trên ha đất canh tác của Thiệu Hóa đạt 140 triệu đồng/ha/năm, tăng hơn 1 triệu đồng/ha so với năm 2021. Với kết quả này, huyện Thiệu Hóa đang phấn đấu trong năm 2023 sẽ tích tụ thêm 150 ha để tạo điều kiện thu hút doanh nghiệp vào đầu tư, nâng cao giá trị trên cùng diện tích.