Thiếu hụt lao động cục bộ ở nhiều địa phương

Giai đoạn hậu Covid-19, cung lao động về số lượng và chất lượng đã có sự thay đổi rõ nét. Tuy nhiên, sự thiếu hụt lao động cục bộ diễn ra ở một số địa phương, lĩnh vực, ngành nghề là một thách thức.

Nhiều ngành nghề đang có nhu cầu tuyển dụng lớn. Ảnh minh họa

Nhiều ngành nghề đang có nhu cầu tuyển dụng lớn. Ảnh minh họa

Doanh nghiệp và người lao động cần chủ động

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội – TS Lâm Văn Đoan nhấn mạnh, trong bối cảnh phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, tình trạng thiếu hụt lao động cục bộ, tạm thời xảy ra trong một số ngành, lĩnh vực.

Tình trạng thiếu hụt lao động tạm thời, cục bộ tập trung vào các doanh nghiệp có “thâm dụng lao động” trong ngành dệt may, da giày… gắn với nhu cầu các đơn hàng tăng. Tuy nhiên, mức lương còn thấp, điều kiện lao động chưa cao, thời gian làm việc dài khiến các doanh nghiệp khó khăn trong tuyển dụng lao động, ước thiếu 120.000 lao động từ nay đến cuối năm.

Theo các chuyên gia, một mặt, việc thiếu hụt lao động là do nhiều ảnh hưởng trực tiếp của đại dịch Covid-19. Mặt khác là do hệ quả của những xu thế tiềm ẩn trong thị trường lao động - việc làm mà đại dịch toàn cầu đã đẩy nhanh hơn, làm trầm trọng hơn.

Có nhiều nguyên nhân của tình trạng này, trước hết dưới góc độ xã hội, tâm lý người dân lo lắng dịch bệnh vẫn chưa dứt dẫn đến việc lao động chưa muốn quay lại đi làm ngay. Do vậy, họ vẫn trú ẩn ở các khu vực an toàn tại các vùng nông thôn, sống cùng gia đình với chi phí sinh hoạt thấp hơn khi ở thành thị, tiết kiệm chi tiêu.

Bộ LĐ-TB&XH cho rằng, doanh nghiệp cần đầu tư duy trì môi trường làm việc an toàn để giữ chân lao động hiện có và duy trì sản xuất bảo đảm an toàn phòng dịch. Các doanh nghiệp cũng chưa linh hoạt giữa các phương thức làm việc tại nhà, trực tuyến, thay đổi mô hình kinh doanh để tạo được sự kết nối chặt chẽ với người lao động.

Thêm vào đó, doanh nghiệp cũng chưa đón được xu hướng tự động hóa và số hóa, tăng cường ứng dụng công nghệ, tìm hướng đi mới phù hợp và hiệu quả hơn cho doanh nghiệp trong tương lai.

Về phía người lao động, còn thiếu chủ động trong việc nâng cao trình độ chuyên môn, ngoại ngữ, tay nghề, tác phong công nghiệp để đáp ứng nhu cầu tuyển dụng. Điều này cũng góp phần không nhỏ trong việc làm mất cân đối cung cầu cục bộ.

Ngoài ra, điểm mấu chốt trong giai đoạn phục hồi và phát triển sau đại dịch là bảo đảm thông tin thị trường lao động được thông suốt để người tìm việc gặp được việc tìm người sớm nhất và thuận tiện nhất. Hệ thống tổ chức dịch vụ việc làm cần nhận thức được vai trò này của mình, tăng cường tổ chức các phiên, sàn giao dịch việc làm, cung cấp thông tin thường xuyên tới người lao động và doanh nghiệp.

Nhiều ngành nghề thiếu lao động

Ông Tào Bằng Huy, Phó Cục trưởng Cục Việc làm (Bộ LĐ-TB&XH) cho biết, cung – cầu lao động là 2 yếu tố cơ bản góp phần hình thành và phát triển thị trường lao động. Sự biến động của cung, cầu lao động sẽ dẫn đến biến động của cả thị trường lao động.

Dưới sự tác động cộng hưởng của đại dịch Covid-19, cách mạng công nghiệp lần thứ 4, hội nhập quốc tế và các xu thế lớn khác, hơn lúc nào hết đang tác động mạnh mẽ đến cả cung và cầu lao động.

Theo ông Huy, thời kỳ hậu Covid-19, cung lao động về số lượng đã có sự thay đổi rõ nét. Lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên trong quý III/2022 là 51,9 triệu người, tăng hơn 0,2 triệu người so với quý trước. Đặc biệt tăng gần 2,8 triệu người so với cùng kỳ năm trước.

Tỷ lệ tham gia lực lượng lao động quý III/2022 là 68,7%, tăng 0,2 điểm phần trăm so với quý trước và tăng 3,1 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ tham gia lực lượng lao động của nữ là 62,5%, thấp hơn 12,6 điểm phần trăm so với nam (75,1%).

Về chất lượng cũng đang có sự thay đổi tích cực. Tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng, chứng chỉ quý III/2022 là 26,3%. “Tuy nhiên, thách thức đang đặt ra rất nhiều đối với cung lao động cả về số lượng và chất lượng, khi thiếu hụt lao động cục bộ vẫn đã và đang diễn ra ở một số địa phương, lĩnh vực ngành nghề”, ông Huy thông tin.

Về cầu lao động cũng có sự thay đổi đáng kể theo chiều hướng tích cực. Trong quý III/2022, tình hình kinh tế - xã hội nói chung và tình hình lao động việc làm nói riêng tiếp tục có nhiều chuyển biến tích cực.

Số người từ 15 tuổi trở lên có việc làm là 50,8 triệu người, tăng 255,2 nghìn người so với quý trước và tăng 3,5 triệu người so với quý III/2021 (quý chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch Covid-19). Tuy nhiên, sự biến động về cầu lao động đã và đang diễn ra ở khắp các lĩnh vực ngành nghề, đòi hỏi nguồn cung lao động thích ứng phù hợp cả về số lượng và chất lượng.

Ông Huy cho rằng, sự biến động về cung và cầu lao động diễn ra là sự tất yếu, theo quy luật khách quan của sự chuyển đổi về kinh tế luôn song hành cùng chuyển đổi của thị trường lao động. “Tuy nhiên, thay vì bị động, chúng ta cần chủ động để nắm bắt, làm chủ được những diễn biến thay đổi của cung và cầu lao động thì mới có thể quản trị, điều tiết được thị trường lao động”, ông Huy nhấn mạnh.

Thiếu hụt lao động cũng được đề cập trong một báo cáo về tình hình thị trường lao động trong năm 2022 của VietnamWorks - Trang tìm kiếm việc làm trực tuyến phát hành hồi tháng 8 năm nay. Khảo sát của đơn vị này cho thấy trong nửa đầu năm 2022 thị trường tuyển dụng vẫn bị mất cân bằng giữa nguồn cung và nhu cầu. Đặc biệt, tình hình thiếu hụt nhân lực tại TPHCM và Hà Nội tăng cao, lần lượt là gần 23% và gần 15%.

Các ngành thiếu hụt nhân lực lớn nhất thuộc về ngành dịch vụ – xây dựng/ kiến trúc – bất động sản – bán buôn/ bán lẻ – nhà hàng/ khách sạn/ du lịch – công nghệ thông tin – tài chính/ kế toán/ kiểm toán…

Trong khi đó, trong 6 tháng cuối năm 2022, có đến gần 90% doanh nghiệp sẽ đẩy mạnh tuyển dụng tùy theo quy mô và nhu cầu. Các doanh nghiệp có quy mô từ 300 – 1.000 lao động tăng tuyển dụng từ 50% – 60%. Với các doanh nghiệp có quy mô từ 101 – 300 lao động sẽ tăng tuyển dụng từ 10% - 40%. Các doanh nghiệp có quy mô dưới 100 lao động cũng có nhu cầu tăng tuyển dụng cao hơn 50% – 60%.

Ngọc Trang

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/thieu-hut-lao-dong-cuc-bo-o-nhieu-dia-phuong-post617082.html