Thiếu hụt lao động sản xuất nông nghiệp: Cần những giải pháp bền vững

Bài 2: Nguyên nhân và hệ lụy

LCĐT - Theo số liệu của Cục Thống kê tỉnh, lao động nông thôn chiếm phần lớn trong cơ cấu lao động của tỉnh, khoảng 80% (năm 2018). Tuy nhiên, ở một số địa phương, nhất là khu vực vùng cao, lực lượng lao động nông thôn đang có sự thay đổi.

>> Bài 1: Thực trạng đáng lo

Lý giải tình trạng thiếu hụt nguồn lao động

Trong bài viết trước, chúng tôi đã đề cập tới thực trạng sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh hiện gặp nhiều khó khăn. Qua tìm hiểu thực tế thì phần lớn nguyên nhân nằm ở việc người dân bị hấp dẫn bởi việc đi làm thuê ở nơi khác mang lại nguồn thu tương đối.

Trở lại với câu chuyện của gia đình chị Cư Thị Dủ ở thôn Lao Chải, xã Sán Chải, huyện Si Ma Cai. Gia đình chị Dủ có 3 người là lao động chính đang đi làm thuê ở nơi khác, trong đó chồng chị đi làm thuê ở Trung Quốc từ sau Tết Nguyên đán, con trai và con dâu đi làm cho công ty ở Hà Nội, chỉ còn lại chị, con trai út đang đi học và cháu nhỏ ở nhà. Chị Dủ không thể một mình quán xuyến, lo toan mọi việc nên đành để trống đất, không canh tác.

Ông Lý Seo Măng ở thôn Bản Phố 2B, xã Bản Phố, huyện Bắc Hà tuổi cao vẫn phải đi làm ruộng, nương.

Ông Lý Seo Măng ở thôn Bản Phố 2B, xã Bản Phố, huyện Bắc Hà tuổi cao vẫn phải đi làm ruộng, nương.

Chị Dủ kể, cuối năm 2018, chồng chị đi làm thuê ở Trung Quốc mang về gần 50 triệu đồng. Nếu ở nhà làm nông nghiệp thì không biết bao giờ mới kiếm được số tiền lớn như thế, nên năm nay dù không trồng lúa chị cũng không quá lo, vì hết gạo ăn thì lại xuống chợ mua, tiền đã có chồng kiếm được. Tuy nhiên, người phụ nữ vùng cao này khi được hỏi cũng không rõ công việc cụ thể của chồng là gì, ở đâu và có những rủi ro gì.

Qua trò chuyện, chúng tôi được biết một số người chấp nhận xa gia đình đi làm thuê ở Trung Quốc vì tiền công nhận được cao hơn so với thu nhập từ nghề nông, một số ít thấy nhiều người đi làm xa có tiền để xây nhà nên đi theo. Sức hấp dẫn từ “tiền tươi” đã khiến không ít người để lại gia đình, ruộng nương đi làm thuê với mong muốn nhanh chóng đổi đời.

Đây không chỉ là câu chuyện của riêng thôn nghèo Lao Chải mà còn là thực tế ở nhiều thôn, bản ở các huyện vùng cao của Lào Cai như Si Ma Cai, Bắc Hà trong những năm gần đây. Chỉ riêng huyện Si Ma Cai, theo thống kê của Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện, số người đi làm thuê ở Trung Quốc tăng theo từng năm: Năm 2017 là 1.280 người, năm 2018 là 1.500 người và những tháng đầu năm 2019 có 2.797 người.

Đối với Bắc Hà, theo thống kê năm 2018, huyện có 3.219 người đi làm thuê ở Trung Quốc. Đa số khi sang Trung Quốc, người lao động làm trong lĩnh vực nông nghiệp như trồng chuối, trồng cao su, trồng mía... với thu nhập thấp nhất khoảng 4,5 triệu đồng/tháng, cao nhất khoảng 20 triệu đồng/tháng.

Ngoài nguyên nhân trên, còn một lý do khác khiến người dân nông thôn không mặn mà với đồng đất quê hương là giá bán nông sản quá thấp. Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Bản Phố - Lý Seo Sùng nêu một ví dụ: Để trồng ngô cần nhiều công sức từ bổ luống, làm đất đến tra hạt, bón phân, thu hoạch, nhưng giá bán chỉ dao động ở mức 4.000 - 4.500 đồng/kg. Để trồng khoảng 1 ha ngô, người dân cần bỏ ra khoảng 5 triệu đồng tiền giống, 15 - 20 triệu đồng tiền phân bón nhưng giá trị thu về khoảng 35 triệu đồng/ha. Như vậy, sau khi trừ các loại chi phí, tiền lãi sau 1 vụ ngô kéo dài 3 tháng chỉ khoảng 5 - 10 triệu đồng, tức bằng 1 tháng đi làm thuê.

Thiết nghĩ, nguyên nhân sâu xa hơn của việc thiếu hụt lao động nông nghiệp là do địa phương chưa có mô hình kinh tế hiệu quả để người dân yên tâm gắn bó. Người dân dù ở đâu cũng đều mong “an cư, lạc nghiệp”, khi sản xuất vẫn theo lối xưa cũ thì họ phải tìm cách để đổi đời.

Về tình trạng thiếu lao động có trình độ, có tay nghề, qua trao đổi với lãnh đạo ngành nông nghiệp và các hộ sản xuất nông nghiệp quy mô lớn thì một nguyên nhân phải kể đến là người dân vẫn còn tâm lý “ăn xổi”, tức là tranh thủ làm mùa vụ để lấy tiền công trong thời gian ngắn chứ chưa tính đến chuyện gắn bó lâu dài.Ngoài ra có thể kể đến tình trạng một số địa phương chưa tích cực vào cuộc trong tuyên truyền, vận động người dân học nghề; không nắm được quy hoạch nên định hướng học nghề chưa sát với thực tế; chính sách hỗ trợ tiền ăn, đi lại cho người lao động học nghề còn thấp; khó khăn trong giải quyết việc làm cho lao động sau đào tạo do doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp chưa nhiều. Mặt khác, nhiều hộ nông dân do điều kiện kinh tế khó khăn nên sau học nghề không có kinh phí đầu tư sản xuất. Đây cũng là trăn trở của chính quyền các cấp để giải “bài toán” về sản xuất nông nghiệp bền vững.

Câu chuyện buồn phía sau

Nhiều diện tích đất nông nghiệp không được chăm sóc.

Nhiều diện tích đất nông nghiệp không được chăm sóc.

Chúng tôi gặp bà Giàng Thị Sáo, ở xã Lử Thẩn, huyện Si Ma Cai đang trên đường trở về nhà sau khi phun thuốc trừ cỏ cho diện tích đất canh tác của gia đình. Theo bà Sáo, nhà thiếu lao động chính nên bà dùng thuốc trừ cỏ để đẩy nhanh thời gian và tiết kiệm công sức. Nếu làm theo kiểu truyền thống gồm cày cuốc, nhổ cỏ, có khi làm cỏ ở chỗ này xong, chỗ khác cỏ đã mọc, làm cật lực có khi cả tuần chưa xong.

Ông Viên Đình Hiệp, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Si Ma Cai cho biết: Một phần lý do của tình trạng lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật trên địa bàn xuất phát từ thiếu hụt lao động nông nghiệp, người dân phun thuốc trừ cỏ để tiết kiệm thời gian và công sức. Nhiều hộ sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật không rõ nguồn gốc, xuất xứ, bán trôi nổi trên thị trường. Đây cũng là trăn trở của ngành chức năng và huyện Si Ma Cai suốt thời gian qua.

Theo ông Nguyễn Văn Hùng, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh, việc làm dụng thuốc bảo vệ thực vật gây ra nhiều hệ lụy, trong đó có vấn đề ô nhiễm môi trường đất, nước, không khí, ảnh hưởng tới sức khỏe của người dân. Cùng với đó là những tác động tiêu cực đến việc hoạch định nền nông nghiệp bền vững và liên kết, tiêu thụ sản phẩm, đồng thời gây khó khăn trong xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm nông sản của địa phương.

Ngoài ra, thiếu hụt lao động trong lĩnh vực nông nghiệp còn ảnh hưởng đến tiến độ sản xuất mùa vụ, năng suất cây trồng. Như ở huyện Si Ma Cai, vụ mùa năm nay chậm hơn khung thời vụ nửa tháng. Riêng vụ ngô năm 2017, do số lao động đi làm thuê ở Trung Quốc lớn, trời mưa nhiều nên nhiều diện tích ngô không kịp thu hoạch dẫn đến mốc, hỏng...

Ông Lý Seo Măng ở thôn Bản Phố 2B, xã Bản Phố, huyện Bắc Hà than thở: “Nhiều lúc dù ốm đau, tôi vẫn phải cố thăm ruộng nương. Lúc thu hoạch phải nhờ người thân giúp vì hai vợ chồng khó mà xoay sở”.

Có lẽ, đây cũng là lời than thở trong nhiều gia đình vùng cao có người thân đi làm xa khi ở nhà đa phần là người già và trẻ em với sức lao động có hạn.

Một vấn đề nữa chúng tôi muốn đề cập trong bài viết này là việc thiếu lao động dẫn đến đất bỏ hoang, nếu tình trạng này kéo dài sẽ khiến đất bị hoang hóa, bạc màu, cùng với những biến đổi của khí hậu sẽ gây ra các hiện tượng tiêu cực như xói mòn, rửa trôi. Ngoài ra, việc cho mượn đất để canh tác ở những gia đình thiếu lao động trụ cột cũng tiềm ẩn nguy cơ xảy ra những xung đột về đất sản xuất ở nông thôn, ảnh hưởng tới an ninh, trật tự trên địa bàn.

Cùng chung những nhận định trên, ông Nguyễn Xuân Nhẫn, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn còn chỉ ra những ảnh hưởng khác đối với lĩnh vực nông nghiệp khi thiếu nguồn lao động. Đó là việc thực hiện mục tiêu của các chương trình, đề án trong lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn bị ảnh hưởng; một số định hướng theo quy hoạch của lĩnh vực nông nghiệp gặp khó khăn; trong khi lao động địa phương đi nơi khác làm thuê thì một số doanh nghiệp trên địa bàn thiếu lực lượng sản xuất và phải thuê lao động ở nơi khác...

Giải pháp để khắc phục tình trạng này sẽ được chúng tôi đề cập đến trong bài viết sau.

Quỳnh Trang - Kim Thoa

Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/phong-su/thieu-hut-lao-dong-san-xuat-nong-nghiep-can-nhung-giai-phap-ben-vung-z62n20190709183405495.htm