Thiếu lao động trình độ đáp ứng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao
Nhận thức rõ vai trò của khoa học công nghệ (KHCN) trong thúc đẩy phát triển nông nghiệp, thời gian qua, nhiều cá nhân, tổ chức trên địa bàn tỉnh đã từng bước ứng dụng công nghệ số vào sản xuất, phân phối nông sản, bước đầu mang lại những kết quả khích lệ. Mặc dù vậy, việc thiếu hụt lực lượng lao động có trình độ đã và đang là “rào cản” không nhỏ để phát triển nông nghiệp hiện đại, sản xuất liên kết theo chuỗi tại các địa phương.
Bắt nhịp với cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, những năm gần đây, với những chính sách, cơ chế hỗ trợ đầu tư vào nông nghiệp của tỉnh, nhiều nông dân, cá nhân, HTX, doanh nghiệp (DN) đã thay đổi nhận thức, năng động, sáng tạo, chủ động tìm tòi, áp dụng tiến bộ KHCN vào sản xuất, giảm thiểu rủi ro, thiệt hại so với phương thức canh tác truyền thống, tạo ra những nông sản an toàn với năng suất, chất lượng cao.
Điển hình như mô hình trồng dưa lưới theo công nghệ cao của Công ty TNHH nông nghiệp sạch Vườn Xanh, xã Hồng Châu (Yên Lạc) do anh Hồ Văn Thành làm Giám đốc. Với kinh nghiệm sau nhiều năm học tập, làm việc tại đất nước Nhật Bản và trở về làm việc trong nước tại DN chuyên về tư vấn lắp đặt hệ thống nhà lưới, nhà kính, đầu năm 2020, anh Thành đã thành lập Công ty, đầu tư xây dựng 2.000 m2 nhà màng, hệ thống tưới tự động trồng các loại dưa lưới Ichiba của Nhật Bản, dưa lê Hàn Quốc theo chuẩn tiêu chuẩn VietGAP và gặt hái thành công ngay từ vụ đầu tiên khi mang lại doanh thu gần 400 triệu đồng.
Hay các mô hình trồng rau, hoa trong nhà lưới bằng kỹ thuật thủy canh, canh tác trên giá thể không đất, hệ thống tưới nhỏ giọt, phun sương của anh Đỗ Trung Kiên, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Nông nghiệp Trung Kiên, thị trấn Hợp Hòa (Tam Dương); mô hình nuôi cá thâm canh bằng công nghệ Biofloc của Israel của Công ty Cổ phần Đầu tư và Thương mại Hoàng Hải tại 2 xã Trung Mỹ (Bình Xuyên) và Ngọc Thanh (thành phố Phúc Yên)...
Với những kiến thức, kinh nghiệm tích lũy được, những cán bộ, lao động cao tại các cơ sở này đã từng bước ứng dụng công nghệ số, tự động hóa trong nhiều khâu từ sản xuất, marketing đến tiêu thụ sản phẩm, đưa sản lượng rau, củ hay chất lượng các con vật nuôi được nâng lên, có giá thành cao hơn nhiều lần.
Nhiều loại nông sản đã xây dựng được thương hiệu, đạt chứng nhận VietGAP, OCOP, có mặt trên nhiều tỉnh, thành phố cả nước, thậm chí xuất khẩu ra nước ngoài. Tính đến đầu năm 2022, toàn tỉnh có trên 240 cơ sở sản xuất nông nghiệp, thủy sản được cấp giấy chứng nhận VietGAP; hàng trăm sản phẩm của HTX nông nghiệp, DN đã được đưa lên các sàn thương mại điện tử...
Mặc dù vậy, số lượng mô hình, DN thành công trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao trên địa bàn tỉnh còn khá khiêm tốn; doanh thu chưa thực sự ổn định, đáp ứng được nhu cầu tái đầu tư, mở rộng quy mô sản xuất.
Ngoài yếu tố nguồn vốn, nguyên nhân chủ yếu là do chất lượng nguồn nhân lực có chuyên môn về sản xuất, chế biến nông sản, sử dụng, vận hành thiết bị, nhất là thiết bị tự động, số hóa, thiết bị phân tích còn thiếu.
Thực tế cho thấy, ở lĩnh vực trồng trọt chủ yếu vẫn dựa vào lao động thủ công bằng tay là chính; các mô hình nhà màng, nhà lưới, ứng dụng công nghệ chăm sóc, tưới tự động vẫn còn rất khiêm tốn chỉ đếm trên đầu ngón tay; thành viên tham gia các HTX nông nghiệp chủ yếu xuất phát từ nông dân, phần lớn có tuổi đời cao, không được đào tạo bài bản, thiếu năng động và nhạy bén, trình độ tiếp cận thị trường chậm, vận hành thiết bị KHCN còn yếu.
Việc tiếp cận công nghệ 4.0 vẫn chủ yếu theo kiểu "cầm tay chỉ việc", không có chiến lược, định hướng kinh doanh rõ ràng; sử dụng mạng xã hội để kết nối thị trường, tiêu thụ nông sản mới chỉ dừng ở khâu chào hàng, giới thiệu sản phẩm.
Nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho khu vực kinh tế tập thể giai đoạn 2019 - 2021, từ năm 2019, tỉnh đã triển khai chính sách hỗ trợ thí điểm mô hình đưa cán bộ trẻ tốt nghiệp đại học, cao đẳng về làm việc có thời hạn tại các HTX nông nghiệp và đã tổ chức tuyển chọn được 3 cán bộ trẻ về làm việc tại 3 HTX. Tuy nhiên, chính sách này đã phải dừng thực hiện từ tháng 1/2020 do các HTX không đáp ứng được thu nhập cho cán bộ trẻ khi làm việc ở đây...
Nhằm từng bước hướng đến nền nông nghiệp hiện đại, thông minh, thu hút lực lượng lao động có trình độ làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp, tỉnh đã ban hành chính sách hỗ trợ cơ cấu lại ngành nông nghiệp, nâng cao thu nhập cho nông dân giai đoạn 2021 - 2025; chính sách đặc thù khuyến khích DN đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn giai đoạn 2020 - 2025; kế hoạch Chuyển đổi số ngành nông nghiệp trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2022 - 2025 với những mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể.
Trong đó, tập trung vào việc tuyên truyền, tập huấn, trang bị các kỹ năng cơ bản giúp nông dân hiểu được vai trò chủ thể vừa là đối tượng thụ hưởng, vừa là đối tượng thực hiện; hỗ trợ các cán bộ kỹ sư trẻ về làm việc tại các HTX; khuyến khích các tổ chức, cá nhân sản xuất nông nghiệp theo chuỗi, ứng dụng KHCN và thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng linh hoạt, phù hợp với điều kiện thực tế của từng địa phương...