Thiếu nhân lực khi doanh nghiệp phục hồi sản xuất

Nhiều doanh nghiệp đang kỳ vọng, sau khi có đủ độ phủ vaccine rộng, cả nước bước vào trạng thái bình thường mới, doanh nghiệp có thể đẩy mạnh phát triển sản xuất. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp đang đối mặt với lo lắng thiếu hụt nguồn nhân lực cho hoạt động sản xuất kinh doanh.

Sản xuất sợi tại Công ty TNHH Dệt Hà Nam, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam. Ảnh: Trần Việt/TTXVN.

Sản xuất sợi tại Công ty TNHH Dệt Hà Nam, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam. Ảnh: Trần Việt/TTXVN.

Khó khăn về nhân lực

Đợt giãn cách xã hội kéo dài tại nhiều tỉnh, thành phố trong thời gian qua để phòng, chống dịch COVID-19 đã ảnh hưởng lớn đến thị trường lao động. Các doanh nghiệp cần nhiều lao động như dệt may, da giày, thủy sản… đang rất lo lắng về nhân lực để chuẩn bị khôi phục sản xuất sau thời gian dịch bệnh.

Trao đổi với phóng viên báo Tin tức, Ông Cao Hữu Hiếu, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) cho biết, điều doanh nghiệp lo lắng nhất hiện nay là làm sao đảm bảo được tiến độ giao hàng theo những đơn hàng đã ký kết trước đó, bởi nếu không đúng hẹn thì doanh nghiệp sẽ phải chịu phạt hợp đồng hoặc chuyển sang hình thức vận chuyển bằng máy bay, khiến chi phí đội lên rất nhiều lần. Doanh nghiệp cũng đứng trước nguy cơ mất đơn hàng do đối tác chuyển đi. Tuy nhiên, trong thời gian gấp rút thực hiện đơn hàng, thì nhiều doanh nghiệp dệt may lại rơi vào tình trạng thiếu nhân lực sau dịch, nhất là những doanh nghiệp ở phía Nam.

“Trong đợt dịch thứ 4, phần lớn lao động đã về quê. Đến thời điểm đi làm lại, chúng tôi dự báo sẽ chỉ được 50% số lao động quay trở lại làm việc, việc tuyển dụng lao động mới sẽ gặp nhiều khó khăn và chất lượng lao động sẽ không đồng đều”, ông Cao Hữu Hiếu phân tích.

Nói thêm về khó khăn nguồn nhân lực ngành dệt may hiện nay, ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho biết, thiếu nhân lực khi mở cửa kinh tế trở lại là vấn đề hiện hữu đối với các doanh nghiệp, nhất là ở TP Hồ Chí Minh và các tỉnh thành phía Nam. Tình trạng thâm hụt lao động từ nay đến cuối năm sẽ vào khoảng từ 35-37%.

Khảo sát theo Nghị quyết 105/NQ-CP về hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh chịu ảnh hưởng bởi COVID-19 do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tiến hành với gần 3.000 doanh nghiệp ở 63 tỉnh, thành phố tính tới ngày 15/9/2021 cho thấy, mức độ tác động của dịch COVID-19 từ đầu năm 2021 tới nay là rất khốc liệt, với gần 94% doanh nghiệp chịu tác động tiêu cực. Đã có 85.500 doanh nghiệp rút khỏi thị trường trong 8 tháng đầu năm 2021, tăng 24,2% so với cùng kỳ năm 2020.

Bà Phan Thị Thanh Xuân, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Da giày-Túi xách Việt Nam cho hay, doanh nghiệp sẽ không thể mở cửa sản xuất trở lại được ngay với công suất sản xuất cao. Bởi ngoài thiếu hụt lao động, hiện các đơn hàng đã rút đi rất nhiều. Theo thống kê của Hiệp hội, vào khoảng 1 tháng trước, tỷ lệ đơn hàng rút khỏi Việt Nam khoảng 20%; hiện tỷ lệ này đã tăng lên 40-50%.

Không chỉ ngành dệt may, da giày bị tổn thương bởi làn sóng COVID-19 lần thứ 4, ngành kinh doanh thực phẩm cũng đang phải đối mặt với nỗi lo thiếu hụt lao động khi hoạt động trở lại. Bà Nguyễn Thị Phương, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Dịch vụ thương mại tổng hợp Vincommerce cho biết, Masan hiện có hơn 30 nhà máy, hệ thống bán lẻ gần 2.500 siêu thị và cửa hàng VinMart/ VinMart+, cùng với đó là các trang trại chăn nuôi - trồng trọt trải dài cả nước. Với gần 40.000 lao động, chủ yếu tại các nhà máy sản xuất, hệ thống phân phối hàng hóa thiết yếu. Trong bối cảnh dịch bệnh leo thang, doanh nghiệp cũng gặp không ít khó khăn về nhân sự.

Cụ thể, nhiều nhà máy của Masan tại khu vực phía Nam hiện đang thực hiện phương án sản xuất “3 tại chỗ”. Các nhà máy này đều có tỉ lệ lao động nữ cao. Khi sản xuất “3 tại chỗ”, nhiều người không thể ăn, ở tập trung tại nhà máy đã nghỉ việc vì phải lo công việc gia đình. Thêm nữa, tình trạng xuất hiện các ổ lây nhiễm COVID-19 tại một số nhà máy “3 tại chỗ” khiến công nhân hoang mang, lo sợ và nghỉ việc. Điều này dẫn đến tỉ lệ lao động thấp hơn so với điều kiện bình thường.

Vaccine là “chìa khóa”

Trước những thách thức về nhân lực, bà Nguyễn Thị Phương cho biết, Tập đoàn Masan đã đề xuất lên Thủ tướng Chính phủ và lãnh đạo địa phương và đã áp dụng phương án “vùng đệm” xung quanh nhà máy “3 tại chỗ”. Vùng đệm này có thể là trường học, trường dạy nghề, kho, sân vận động, nhà thi đấu… gần nhà máy. Tại đây, lao động có thể ăn nghỉ, giãn cách và thực hiện tốt quy định về phòng chống dịch bệnh.

Đến nay, hơn 25.000 cán bộ, nhân viên của Masan đã được tiêm vaccine phòng COVID-19, doanh nghiệp tiếp tục kiến nghị để lực lượng nhân viên còn lại được tiêm vaccine phòng COVID-19 trong thời gian sớm nhất để đảm bảo hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Còn đại diện Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho biết, hiện nay chưa có “phương án tối ưu” về vấn đề nhân lực bởi việc giãn cách ở mỗi địa phương khác nhau, mỗi nơi thực hiện một kiểu, không có sự thống nhất xuyên suốt. Bên cạnh đó, khi dịch bệnh diễn biến phức tạp ở TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương - nơi tập trung nhiều công ty dệt may quy mô lớn đã xảy ra tình trạng chuyển dịch lao động. Theo đó, hàng chục nghìn công nhân, người lao động đã về quê, khả năng quay trở lại làm việc ở thời điểm này rất khó. Trong khi đó, lực lượng lao động cũ chủ yếu là lao động có tay nghề, việc tuyển mới cần thời gian từ 6 tháng đến 1 năm để đào tạo. Đây là bài toán rất nan giải khi mở cửa trở lại.

Theo ông Cao Hữu Hiếu, Phó Tổng Giám đốc Vinatex, trong thời điểm này, để thu hút nguồn lao động, ngoài việc kiểm soát dịch bệnh rất quyết liệt của bộ máy chính quyền, thì vaccine vẫn là “chìa khóa”. “Tình hình dịch COVID-19 ở nhiều tỉnh phía Bắc đã dần được kiểm soát nhưng nhiều lao động về quê chưa được tiêm vaccine. Trong khi một trong những yêu cầu để có thể tái sản xuất là người lao động phải được tiêm vaccine, nên việc tiêm vaccine rất quan trọng để doanh nghiệp có thể tái sản xuất”, ông Cao Hữu Hiếu cho hay.

Chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh, Học viện Tài chính: Hiện rất nhiều công ty rơi vào cảnh thiếu lao động trầm trọng. Khi các thành phố nới lỏng giãn cách, doanh nghiệp muốn tái khởi động sản xuất, kinh doanh cũng khó có đủ lượng lao động như ý. Bài toán tránh đứt gãy chuỗi nhân lực cho các doanh nghiệp hiện nay trước hết là ưu tiên tiêm vaccine cho người lao động. Với những doanh nghiệp đang duy trì sản xuất theo mô hình 3 tại chỗ, nếu có F0 thì được điều trị ngay tại nhà máy, tại phân xưởng. Thực tế chúng ta phải thừa nhận dịch khó có thể kiểm soát triệt để trong thời gian gần. Vì vậy, để tránh đứt gãy chuỗi sản xuất – nhân lực không nên chỉ vì một ca F0 mà đóng cửa cả một hệ thống, nhà máy.

Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế VCCI: Các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh, ổn định và phát triển trong điều kiện “bình thường mới” cần hướng tới mục tiêu: tái kết nối ổn định chuỗi cung ứng, tăng cường liên kết vùng; hỗ trợ thanh khoản, tín dụng chi phí thấp; chia sẻ gánh nặng chi phí phát sinh do tái tổ chức sản xuất; kích đầu tư, kích cầu tiêu dùng… Các chính sách liên quan đến hỗ trợ giảm, miễn một số loại thuế, phí, giãn nợ, phục hồi chuỗi cung ứng, mở rộng cơ chế để kích thích đầu tư, kích cầu tiêu dùng là những chính sách mang tính cấp bách, cần thực hiện ngay. Hơn nữa, các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp cần xác định tập trung vào các ngành, lĩnh vực ưu tiên để phát huy hiệu quả trong thời gian ngắn nhất. Đồng thời, thúc đẩy giải ngân đầu tư công đặc biệt trong lĩnh vực xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông để tận dụng cơ hội tăng tính liên kết vùng kinh tế… Đi cùng với tận dụng hiệu quả chính sách, các doanh nghiệp cũng phải chủ động đổi mới mô hình sản xuất kinh doanh, tái cấu trúc doanh nghiệp thông qua chuyển đổi số, cũng như nâng cao năng suất, sức cạnh tranh. Những vấn đề này cần sự vào cuộc tổng hòa, nhịp nhàng của nhiều bên với tinh thần và trách nhiệm cao nhất vì sự phát triển chung của nền kinh tế.

Thu Trang/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/kinh-te/thieu-nhan-luc-khi-doanh-nghiep-phuc-hoi-san-xuat-20211002100342472.htm