Thiếu nhân viên y tế, Đức dùng robot chăm sóc sức khỏe người già
Garmi là sản phẩm của lĩnh vực ứng dụng robot và các công nghệ tiên tiến như công nghệ thông tin và công nghệ 3D trong chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi.
Nhìn bề ngoài, robot Garmi không khác nhiều so với một robot điển hình, với hình dáng giống người, màu trắng, đứng trên bệ có bánh xe và được trang bị một màn hình màu đen có 2 vòng tròn màu xanh hoạt động như đôi mắt.
Thế nhưng, đối với bác sĩ người Đức đã nghỉ hưu Guenter Steinebach, 78 tuổi,robot này là một thành công lớn bởi nó không chỉ thực hiện chẩn đoán cho bệnh nhân mà còn có thể chăm sóc và điều trị cho họ.
Robot này do nhóm gồm khoảng 10 nhà khoa học tại Viện nghiên cứu Robot và Trí tuệ máy móc Munich thuộc Đại học Kỹ thuật Munich chế tạo với sự hỗ trợ các bác sĩ y khoa, trong đó có bác sĩ nghỉ hưu Steinebach.
Viện nghiên cứu có trụ sở ở thành phố Garmisch-Partenkirchen, một trong những địa phương có tỷ lệ người cao tuổi lớn nhất ở Đức.
Bản thân quốc gia đông dân nhất châu Âu này cũng là một trong những xã hội có tốc độ già hóa nhanh nhất trên thế giới.
Với số lượng người cần được chăm sóc y tế tăng lên nhanh chóng trong bối cảnh thiếu nhân lực ngành y tế, các nhà nghiên cứu đang chạy đua để tạo ra những robot có thể đảm nhận một số công việc của y tá và bác sĩ.
Nhà khoa học Abdeldjallil Naceri thuộc nhóm nghiên cứu cho biết: "Ngày nay, chúng ta có các máy ATM để rút tiền mặt.
Chúng ta có thể tưởng tượng rằng một ngày nào đó, dựa trên mô hình tương tự, mọi người có thể đến khám sức khỏe tại một trung tâm công nghệ".
Sau đó, các bác sĩ có thể đánh giá từ xa kết quả chẩn đoán do robot thực hiện.
Dịch vụ chăm sóc sức khỏe từ xa được đánh giá là một giải pháp hữu ích đối với những người sống ở các cộng đồng xa xôi.
Ngoài ra, robot có thể cung cấp các dịch vụ chăm sóc được cá nhân hóa theo nhu cầu tại nhà hoặc tại viện dưỡng lão, như phục vụ bữa ăn, mở chai nước, gọi trợ giúp trong trường hợp người cao tuổi bị ngã hoặc giúp họ gọi video với người thân và bạn bè.
Cũng theo ông Naceri, robot Garmi vẫn đang trong quá trình hoàn thiện và chưa rõ khi nào có thể sản xuất ở quy mô thương mại. Tuy nhiên, nhà khoa học này lưu ý rằng tình trạng thiếu hụt nhân viên y tế ở Đức hiện nay cho thấy cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ robot vào cuộc sống từ năm 2030.
Đức vốn đối mặt với tình trạng thiếu nhân viên y tế trong nhiều năm qua và tình hình càng trở nên nghiêm trọng kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát.
Các chuyên gia dự đoán nước này có thể sẽ thiếu khoảng 670.000 nhân viên y tế vào năm 2050.