Thiếu nhi Yên Bái tự hào tham dự Phiên họp giả định Quốc hội trẻ em

Vừa qua, tại hội trường Diên hồng - Tòa nhà Quốc hội, Trung ương Đoàn, Hội đồng Đội Trung ương chủ trì, phối hợp với Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, Văn phòng Quốc hội tổ chức Phiên họp giả định 'Quốc hội trẻ em' lần thứ I, năm 2023. Tỉnh Yên Bái vinh dự có 5 em đội viên, thiếu niên nhi đồng tham gia tại Phiên họp.

Chủ tích Quốc hội Vương Đình Huệ trò chuyện với Bí thư Tỉnh đoàn Yên Bái Hà Đức Hải (áo trắng bên phải) cùng các em thiếu nhi bên lề Phiên họp.

Chủ tích Quốc hội Vương Đình Huệ trò chuyện với Bí thư Tỉnh đoàn Yên Bái Hà Đức Hải (áo trắng bên phải) cùng các em thiếu nhi bên lề Phiên họp.

Theo đó, 5 em học sinh tiêu biểu là: Vàng Thị Mảy Linh - học sinh lớp 6, Trường PTDT nội trú THCS Trạm Tấu, huyện Trạm Tấu; Trần Thị Thảo Linh - lớp 9B, Trường TH và THCS Minh Quán, huyện Trấn Yên; Hoàng Phan Minh Ngọc - học sinh lớp 7A, Nguyễn Thùy Linh - lớp 8A, Trường Chuyên Nguyễn Tất Thành, thành phố Yên Bái; Nguyễn Nhật Minh - lớp 8A, Trường TH & THCS Đông Cuông, huyện Văn Yên. Đây đều là những em học sinh có thành tích học tập xuất sắc đại diện cho trên 140 nghìn thiếu niên, nhi đồng trên địa bàn tỉnh Yên Bái được lựa chọn tham dự Phiên họp giả định Quốc hội trẻ em” lần thứ I, năm 2023.

Tại phiên họp, 263 đại biểu trẻ em "vào vai" các lãnh đạo Quốc hội và các bộ, ngành liên quan để thảo luận về 2 chủ đề: Bảo vệ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng; phòng, chống tai nạn thương tích, bạo lực, xâm hại trẻ em. Đây là lần đầu tiên Phiên họp giả định được triển khai với quy mô lớn ngay tại hội trường Diên Hồng; lần đầu tiên các đại biểu trẻ em sẽ thực hiện vai trò tiếp xúc cử tri, thảo luận, chất vấn, biểu quyết, tiếp thu, giải trình..., với sự tham dự của Chủ tịch Quốc hội cũng như đại diện lãnh đạo Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành…

Đoàn Đại biểu tỉnh Yên Bái đã phát huy vai trò, trách nhiệm, tâm huyết, trí tuệ, sôi nổi đóng góp ý kiến vào vấn đề bạo lực và xâm hại trẻ em, trong đó đề cao vai trò giáo dục giới tính trong nhà trường, nhà trường nên tổ chức nhiều hơn các buổi ngoại khóa về giáo dục giới tính để giúp các bạn nhỏ ý thức tốt hơn về giới, bình đẳng giới và những kiến thức cần biết để bảo vệ bản thân trước những hành động lợi dụng hay xâm hại của người khác…

5 em thiếu nhi tiêu biểu đại diện cho trên 140 nghìn thiếu nhi Yên Bái tham dự Phiên họp giả định "Quốc hội trẻ em” lần thứ I năm 2023.

5 em thiếu nhi tiêu biểu đại diện cho trên 140 nghìn thiếu nhi Yên Bái tham dự Phiên họp giả định "Quốc hội trẻ em” lần thứ I năm 2023.

Là người trực tiếp tham gia ý kiến tại tổ thảo luận, em Trần Thị Thảo Linh - lớp 9B, Trường TH và THCS Minh Quán, huyện Trấn Yên chia sẻ: "Đây là lần đầu tiên em được tham dự một phiên họp có quy mô lớn như vậy. Bản thân em cảm thấy rất vinh dự, tự hào cũng như trách nhiệm vô cùng lớn lao khi được đại diện cho thiếu nhi tỉnh Yên Bái đem tiếng nói của các bạn ở địa phương nơi mình sinh sống nói riêng và trẻ em toàn quốc nói chung đến với các bác lãnh đạo tại một diễn đàn Quốc hội để được lắng nghe, chia sẻ, từ đó có những giải pháp hữu hiệu mang đến một môi trường phát triển an toàn, lành mạnh và tốt hơn”.

Theo đó, Trần Thị Thảo Linh phản ánh, chia sẻ về thực trạng xâm hại trẻ em đang trở thành vấn đề vô cùng nhức nhối và hết sức bức thiết. Em cũng chỉ ra những nguyên nhân dẫn tới việc này và đề xuất những giải pháp nhằm giảm thiểu tình trạng xâm hại trẻ em trong thời gian tới như: tổ chức các buổi ngoại khóa, truyền thông tuyên truyền nhằm nâng cao kiến thức cho trẻ em; đưa giáo dục giới tính trở thành môn học bắt buộc; cần nâng cao hơn nữa sự phối hợp giữa gia đình, nhà trường và xã hội trong vấn đề bảo vệ trẻ em…

Trở về từ Phiên họp giả định "Quốc hội trẻ em” lần thứ I, Nguyễn Thùy Linh - lớp 8A, Trường Chuyên Nguyễn Tất Thành, thành phố Yên Bái chia sẻ: "Em cũng rất vui mừng vì ở Việt Nam có một phiên họp giả định Quốc hội trẻ em rất ý nghĩa nhằm tạo không gian, môi trường cho trẻ được nói lên tiếng nói của mình, được lắng nghe và giải đáp những thắc mắc liên quan đến những vấn đề của trẻ em”.

Với 2 chủ đề của phiên họp, Thùy Linh đặc biệt quan tâm đến vấn đề bảo vệ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng. Linh cho rằng, hiện có một bộ phận học sinh sử dụng mạng internet một cách tiêu cực, khi thường xuyên đọc, chia sẻ những nội dung, hình ảnh không lành mạnh, trong sáng. Mặc dù đã có những quy định, điều luật về sử dụng mạng, nhưng những hành vi lệch chuẩn, thông tin xấu xuất hiện trên mạng ảnh hưởng không nhỏ đến trẻ em. Vì thế, qua Phiên họp giả định "Quốc hội trẻ em", Thùy Linh gửi thông điệp và mong muốn các cấp, các ngành, cha mẹ, thầy cô giáo quan tâm đến học sinh hơn để các em tương tác an toàn trên mạng.

Còn với em Vàng Thị Mảy Linh - học sinh lớp 6, Trường PTDT nội trú THCS Trạm Tấu, huyện Trạm Tấu thì Phiên họp giả định "Quốc hội trẻ em" là nơi mà trẻ em có thể nói lên tiếng nói của mình, vì không ai hiểu vấn đề trẻ em hơn chính các em. Mảy Linh chia sẻ: "Ngoài việc được tham gia trực tiếp tại Phiên họp giả định Quốc hội, chúng em còn được tham gia các hoạt động như: dâng hương và hoa tại Tượng đài Bắc Sơn; vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh; tham quan Bảo tàng Quốc hội… Đây là một chương trình hết sức ý nghĩa, tham gia các hoạt động trong khuôn khổ chương trình giúp chúng em có thêm những hiểu biết về lịch sử phát triển cũng như thực tiễn hoạt động của Quốc hội Việt Nam, bồi đắp thêm tình yêu quê hương đất nước, ý thức được trách nhiệm của bản thân để từ đó cố gắng, nỗ lực học tập thật tốt, trở thành người có ích cho xã hội”.

Phiên họp giả định "Quốc hội trẻ em” lần thứ I là hoạt động nhằm thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em vào các vấn đề về trẻ em; khẳng định sự quan tâm của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội đối với công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em; phát huy vai trò của tổ chức Đoàn TNCS Hồ Chí Minh là tổ chức đại diện tiếng nói, nguyện vọng của trẻ em.

Trên cơ sở hơn 41.000 phiếu trả lời của trẻ em các tỉnh, thành phố và thông tin các đại biểu trẻ em tiếp nhận được trong quá trình tiếp xúc cử tri tại địa phương là đại diện cho tiếng nói, nguyện vọng và ý kiến của trẻ em khắp cả nước. Thông qua các buổi thảo luận tổ và phiên họp toàn thể giả định "Quốc hội trẻ em”, các ý kiến, quan điểm, kiến nghị của các em sẽ được gửi đến lãnh đạo Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương.

Đồng thời, là cơ sở để lãnh đạo Quốc hội, Chính phủ, các cơ quan Trung ương và địa phương đề xuất và chỉ đạo những giải pháp cụ thể, phối hợp với các tổ chức, các lực lượng xã hội giải quyết những vấn đề đang còn tồn đọng ảnh hưởng đến môi trường và sự phát triển của các em một cách thỏa đáng và kịp thời nhất.

Thu Trang

Nguồn Yên Bái: https://baoyenbai.com.vn/11/300499/thieu-nhi-yen-bai-tu-hao-tham-du-phien-hop-gia-dinh-quoc-hoi-tre-em.aspx