Thiếu phụ tùng máy bay: Hãng 'chịu chết' khi động cơ hỏng

Tại Hội nghị toàn cầu về an toàn và khai thác hàng không năm 2023 diễn ra tại Hà Nội sáng nay (19/9), lãnh đạo các hãng hàng không cho biết, đang đối mặt nhiều khó khăn giai đoạn phục hồi, đặc biệt là thiếu phụ tùng thay thế và nguồn nhân lực chất lượng cao.

Hội nghị do Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế (IATA) chủ trì, Hãng hàng không quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines) đăng cai tổ chức, diễn ra tại Hà Nội từ ngày 19-21/9. Đây là hội nghị an toàn hàng không quy mô toàn cầu lần đầu tiên được tổ chức tại Việt Nam, có sự tham dự của nhiều lãnh đạo, chuyên gia hàng không thế giới.

Phát biểu khai mạc hội nghị, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang khẳng định Chính phủ Việt Nam luôn coi trọng và ưu tiên nguồn lực cho sự phát triển an toàn và bền vững của ngành hàng không. Ngành hàng không phát triển và an toàn không chỉ đáp ứng nhu cầu phát triển, còn đảm bảo quốc phòng - an ninh, tăng cường kết nối với thế giới. Trong đó, việc đảm bảo an toàn, an ninh hàng không là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, được thực hiện thường xuyên, liên tục theo những diễn biến trên thế giới, như hoàn thiện thể chế, chính sách, ưu tiên đầu tư hạ tầng cho phát triển hàng không an toàn.

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang phát biểu tại hội nghị.

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang phát biểu tại hội nghị.

Hơn 15 năm trở lại đây (trừ giai đoạn dịch COVID-19), hàng không Việt Nam luôn tăng trưởng 2 con số mỗi năm, trong đó vận tải khách tăng bình quân trên 17%/năm, hàng hóa tăng gần 14%/năm. Về an toàn, Việt Nam duy trì 25 năm liên tục đảm bảo an toàn hàng không dân dụng, đạt Chứng nhận an toàn của IATA, Chứng nhận năng lực giám sát an toàn hàng không mức 1 (CAT-1) của Cục Hàng không Liên bang Mỹ, các hãng đều đạt chứng nhận an toàn khai thác của IATA.

Giai đoạn phục hồi hàng không sau dịch COVID-19, Phó Thủ tướng nhận định, ngành hàng không đang đối mặt với nhiều thách thức, từ chính trị tới kinh tế, giá nhiên liệu tăng cao, nhu cầu đi lại giảm. Trong điều kiện đó, yêu cầu vừa khai thác hàng không hiệu quả, vừa đảm bảo an toàn, an ninh hàng không đòi hỏi sự nỗ lực lớn hơn trong hợp tác, phối hợp, cả ở cấp độ quốc gia và cấp độ khu vực, toàn cầu.

“Việt Nam cam kết mạnh mẽ và sẽ nỗ lực không ngừng để xây dựng hệ thống bảo đảm an toàn, an ninh hàng không vững mạnh, hiệu quả, phù hợp với điều kiện đất nước và đáp ứng tốt các tiêu chuẩn, thông lệ quốc tế. Việt Nam mong được hợp tác, chia sẻ và sẵn sàng hợp tác, chia sẻ với các đối tác, bạn bè quốc tế trong lĩnh vực này”, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang nói.

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang, Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thắng và các đại biểu dự hội nghị.

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang, Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thắng và các đại biểu dự hội nghị.

Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thắng cũng khẳng định, an toàn và khai thác là những nền tảng cốt yếu để ngành hàng không có thể phát triển bền vững.

Theo ông Thắng, hàng không Việt Nam đang đối mặt nhiều áp lực như hạ tầng, nhân lực, môi trường và quản trị rủi ro. Những thách thức này Việt Nam phải vượt qua để phát triển hàng không bền vững. Với hàng không toàn cầu, vấn đề an toàn và khai thác hàng không cũng xuất hiện những vấn đề mới, đòi hỏi các lãnh đạo, chuyên gia hàng không cần tập trung nghiên cứu, giải quyết. Trong đó, cần tập trung vào đưa văn hóa an toàn đi vào thực chất; ứng phó với hạ tầng hàng không quá tải, tắc nghẽn không lưu, các mối nguy toàn cầu, ứng dụng công nghệ số…

Tại hội nghị, lãnh đạo IATA và các hãng hàng không đã có những trao đổi về các vấn đề có thể ảnh hưởng tới an toàn và khai thác hàng không mang tính toàn cầu. Điển hình là hàng không toàn cầu đang “phát triển nóng” sau giai đoạn dịch COVID-19; thiếu trang thiết bị, phụ tùng thay thế cho máy bay; thiếu nhân lực hàng không; các nguy cơ tiềm ẩn từ con người sau thời gian dài phải tạm dừng do ảnh hưởng dịch bệnh…

Lãnh đạo IATA, các hãng hàng không thế giới và Việt Nam cùng chia sẻ về các khó khăn giai đoạn phục hồi và nguy cơ với an toàn hàng không tại hội nghị.

Lãnh đạo IATA, các hãng hàng không thế giới và Việt Nam cùng chia sẻ về các khó khăn giai đoạn phục hồi và nguy cơ với an toàn hàng không tại hội nghị.

Ông Lê Hồng Hà - Tổng Giám đốc Vietnam Airlines - cho biết, việc phục hồi hoạt động của hãng đang đối mặt nhiều thách thức, do đứt gãy chuỗi cung ứng phụ tùng, thiết bị; đồng tiền suy yếu; nhu cầu khách hàng không giảm…

Ông Hà dẫn thực tế hãng thường phải nhập khẩu phụ tùng, trang thiết bị thay thế cho máy bay, động cơ, nhiều phụ tùng phải chờ vài năm. Một số bộ phận động cơ hư hỏng không có phụ tùng thay thế nên phải tạm dừng khai thác, tốn thời gian và chi phí rất lớn. “Chi phí phụ tùng hiện tăng gấp 2-3 lần so với giai đoạn trước dịch”, ông Hà nói.

“An toàn là trên hết, đó là ưu tiên hàng đầu của chúng tôi. Để đạt mục tiêu đó, cần cơ chế quản lý và ứng phó hiệu quả với các thách thức để phát triển. Tiếp đó là con người, cần văn hóa hướng tới an toàn, để cải thiện năng suất và hiệu quả hoạt động”, ông Hà nói.

Chia sẻ thêm khó khăn của ngành hàng không, ông Captain Stanley K Ng - Tổng Giám đốc Philippine Airlines - cho biết, trong những năm dịch bệnh vừa qua, nhà sản xuất máy bay, động cơ giảm hoạt động do không biết khi nào hết dịch. Khi dịch qua đi, hàng không phục hồi nhanh, các nhà sản xuất đã không kịp đáp ứng phụ tùng thay thế, dẫn tới thiếu hụt. Bên cạnh đó, khi hàng không phục hồi mạnh, các hãng tăng cường khai thác, dẫn tới thiếu nhân lực, đặc biệt là phi công và tiếp viên.

Lê Hữu Việt

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/thieu-phu-tung-may-bay-hang-chiu-chet-khi-dong-co-hong-post1570424.tpo