Thiếu quyết liệt trong lập quy hoạch

Thời gian qua, việc triển khai lập quy hoạch đã được quan tâm song 'có lúc, có nơi còn chưa quyết liệt'. Đơn cử, trong cùng một hệ thống thể chế, chính sách, song hiện có 35/63 quy hoạch tỉnh đã thẩm định xong. Do vậy, để đẩy nhanh tiến độ rất cần sự trách nhiệm, quyết tâm cao của các bộ, ngành, địa phương!

Công tác quy hoạch vẫn chậm

Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh là hai địa phương còn lại trên cả nước vẫn đang trong quá trình lựa chọn tư vấn lập quy hoạch tỉnh để trình Thủ tướng và Hội đồng thẩm định phê duyệt. Riêng Hà Nội mới xong bước chấm thầu để lập quy hoạch. Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh nghiêm túc thừa nhận: “đây là việc khá chậm” và “xin nhận lỗi với Thủ tướng, Chính phủ”.

Nguồn: ITN

Nguồn: ITN

Lý giải sự chậm trễ này, ông Thanh cho rằng nguyên nhân gồm cả khách quan và “phần nhiều là chủ quan”. Hiện, “địa phương rất lúng túng về nguồn”. Việc làm quy hoạch không cho phép làm từ nguồn vốn sự nghiệp, trong khi nguồn từ đầu tư công quá lâu, mất 6 - 7 tháng; thành phố đang nỗ lực phấn đấu với quyết tâm sẽ xong trong tháng 10 tới.

Bên cạnh đó, công tác quy hoạch liên quan tới 6 luật, gồm: Luật Quy hoạch, Luật Đô thị, Luật Xây dựng, Luật Đấu thầu, Luật Đầu tư công và Luật Ngân sách nhà nước nhưng khái niệm, nội hàm định nghĩa trong các luật này có sự khác nhau dẫn đến khó khăn trong thực hiện; quy trình, thủ tục cũng quá dài.

Việc áp dụng Luật Đầu tư công để chi tiêu đấu thầu cũng có trở ngại. Theo đó, sau khi Thủ tướng phê duyệt xong nhiệm vụ quy hoạch thì phải đấu thầu lựa chọn nhà tư vấn, mà quy trình này mất tới 5 tháng mới xong. Chưa kể, cả nước chỉ có một vài đơn vị tư vấn đủ khả năng, trong khi cả nước làm đồng loạt tại 63 tỉnh, thành phố với khối lượng công việc lớn cũng ảnh hưởng đến tiến độ, chất lượng quy hoạch.

Chia sẻ với ý kiến trên, Phó Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Võ Văn Hoan bổ sung: yêu cầu và nguyện vọng làm quy hoạch của thành phố rất cao nhưng nguồn lực của ngân sách có hạn; muốn có quy hoạch tốt thì cần có nguồn lực của bên ngoài, tức là xã hội hóa; mặc dù nhiều doanh nghiệp muốn đóng góp cho quy hoạch thành phố nhưng quy định về tiếp nhận tài trợ quy hoạch gặp khó khăn nên thành phố không thể kêu gọi và sử dụng nguồn lực này.

Sự chậm trễ trong công tác lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch được minh chứng rõ nét trong báo cáo tổng hợp của Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Theo đó, đến nay, mới có 58/111 quy hoạch đã thẩm định xong, còn 29 quy hoạch đang trong quá trình xây dựng dự thảo và lấy ý kiến...

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này. Ngoài những nguyên nhân được nêu ra ở trên, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, việc tổ chức lập các quy hoạch thuộc hệ thống quy hoạch quốc gia là nhiệm vụ mới, phức tạp, có tính tích hợp và toàn diện cao; lần đầu tiên được triển khai đồng thời ở tất cả các cấp, các ngành nên mất nhiều thời gian và công sức. Việc lựa chọn tư vấn lập quy hoạch theo quy định của pháp luật về đấu thầu tương đối phức tạp, kéo dài.

Về chủ quan, một số bất cập trong các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành về quy hoạch chậm được sửa đổi, bổ sung, ban hành. Công tác chỉ đạo, điều hành, đôn đốc của một số bộ, địa phương trong thời gian qua đã được quan tâm nhưng “có lúc, có nơi còn chưa quyết liệt”.

Đáng chú ý, thời gian các bộ, ngành tham gia ý kiến thẩm định, rà soát quy hoạch và thời gian cơ quan lập quy hoạch hoàn thiện hồ sơ còn chậm. Đối với quy hoạch ngành quốc gia, thời gian bình quân tổ chức thẩm định là khoảng 190 ngày; thời gian bình quân để xem xét phê duyệt là 160 ngày. Đối với quy hoạch tỉnh, thời gian bình quân tổ chức thẩm định khoảng 100 ngày; thời gian hoàn thiện hồ sơ trình phê duyệt khoảng 100 ngày; thời gian xem xét phê duyệt khoảng 70 ngày... Do tính chất tổng hợp, đa ngành của nội dung quy hoạch tỉnh, việc tham gia ý kiến trong quá trình lập, thẩm định và phê duyệt quy hoạch tỉnh thường kéo dài hơn nhiều so với quy định, đặc biệt là các Bộ có phạm vi quản lý liên quan đến nhiều ngành, lĩnh vực như Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Công thương, Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên và Môi trường cần thời gian trên 40 ngày...

Đề xuất trao thêm quyền chủ động cho địa phương

Theo các đại biểu, tổ chức lập đồng thời các quy hoạch thuộc hệ thống quy hoạch quốc gia thời kỳ 2021 - 2030 là cơ hội lớn để xác định tầm nhìn, mục tiêu phát triển, sắp xếp, phân bổ không gian phát triển đất nước một cách bài bản, khoa học nhằm khai thông và tận dụng tối đa các nguồn lực phục vụ cho phát triển đất nước.

Để triển khai hiệu quả công tác quy hoạch, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị tiếp tục hoàn thiện quy định pháp luật về quy hoạch, coi đây là nhiệm vụ quan trọng, cần quan tâm hàng đầu. Đồng thời, các bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục vào cuộc quyết liệt hơn, sát sao hơn, trách nhiệm hơn để đẩy nhanh tiến độ gắn với nâng cao chất lượng quy hoạch, phấn đấu cơ bản hoàn thành trong năm nay. Bởi lẽ, trong cùng một hệ thống thể chế, chính sách, hiện có 35/63 quy hoạch tỉnh đã thẩm định xong, cho thấy nếu có sự quyết liệt sẽ đẩy nhanh được tiến độ.

Đặc biệt, các bộ, ngành cần phát huy tinh thần trách nhiệm, bố trí đủ nguồn lực để cho ý kiến thẩm định cũng như ý kiến tham mưu cho Thủ tướng trong quá trình phê duyệt đúng thời hạn, bảo đảm chất lượng, vì quy hoạch tỉnh là quy hoạch đa ngành, riêng Bộ Kế hoạch và Đầu tư không thể làm được.

Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh đề xuất, Thủ tướng và Chính phủ xem xét ban hành Nghị quyết sửa một số điều để rút ngắn thời gian triển khai công tác quy hoạch.

Dẫn kinh nghiệm thực tế của Nghệ An, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung cho biết, trong quá trình thực hiện, tỉnh có vướng mắc là một số chỉ tiêu sử dụng đất chưa phù hợp với nhu cầu để đưa vào quy hoạch. Do đó, tỉnh đề nghị Thủ tướng điều chỉnh, bổ sung chỉ tiêu đất cho phù hợp với nhu cầu của các địa phương; cần có phương án mở, được điều chỉnh chỉ tiêu sử dụng để thực hiện ngay chứ không phải chờ điều chỉnh quy hoạch bởi sẽ rất mất thời gian.

Đặc biệt, theo ông Trung, sau khi quy hoạch được phê duyệt, khâu tổ chức thực hiện rất quan trọng, song, theo quy định hiện nay, địa phương phải xây dựng kế hoạch, trình Thủ tướng phê duyệt rồi mới triển khai nên có thể gây chậm trễ. Vì thế, cần xem xét điều chỉnh Điều 55 và Điều 56 Luật Quy hoạch theo hướng sau khi quy hoạch được Thủ tướng phê duyệt thì giao cho địa phương tổ chức thực hiện, như vậy sẽ đẩy nhanh được tiến độ.

Đan Thanh

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/kinh-te-xa-hoi/thieu-quyet-liet-trong-lap-quy-hoach-i324935/