Thiếu sư Đặng Đức Siêu: Tài tham mưu - Đức sư bảo
Đặng Đức Siêu chính là người hiến kế hỏa công để Lê Văn Duyệt đốt hết chiến thuyền của quân Tây Sơn ở đầm Thị Nại, Bình Định năm 1800.
Thời nhà Nguyễn, năm 1826, vua Minh Mạng truy tặng cho hai thầy học là cố Thượng thư bộ Lễ Đặng Đức Siêu làm Thiếu sư Hiệp biện đại học sĩ, và cho Lưu thủ Phiên Trấn Nguyễn Đức Thịnh làm Thiếu bảo Đô thống chế, ban cho tên thụy là Đôn Cẩn, sai quan đem lễ vật đến tế mỗi người một đàn.
Theo bộ sử “Đại Nam thực lục”, nhà vua nhớ công sư bảo (công dạy dỗ của thầy), dụ bộ Lễ rằng: “Đặng Đức Siêu xưa từng phụng mệnh Hoàng khảo Thế tổ Cao hoàng đế (tức vua Gia Long) dạy ta đọc sách mấy năm, chỉ bảo cho ta được nhiều, lại giữ tính công bằng trung chính, không thẹn chức phận.
Nguyễn Đức Thịnh cũng vâng mệnh Hoàng khảo ta giúp đỡ ta trong 5 năm, là người hiền hòa nên khuyên ta nhiều việc thiện, đến 84 tuổi mới cáo lão về hưu, thực là người từ thiện thì sống lâu vậy. Nay nên gia tặng để tỏ lòng báo đáp tôn kính”. Vợ của Nguyễn Đức Thịnh là phu nhân họ Phạm cũng được vua truy tặng làm Nhất phẩm phu nhân.
Ngoài ra, vua Minh Mạng cũng ban thưởng cho các thầy học lúc còn ở tiềm để (nơi ở của Hoàng thái tử lúc chưa lên ngôi), gồm thự (tức là quyền) Tham tri Binh bộ Lê Đại Nghĩa thăng làm Tham tri Binh bộ; Đốc học Quốc tử giám Nguyễn Đăng Tài thăng làm Hàn lâm viện Trực học sĩ; các vị Hàn lâm viện Nguyễn Đăng Vinh, Nguyễn Đăng Thiệp, Phan Đắc Lân đều thăng làm Quang lộc tự khanh.
Tài làm Tham mưu
Truyện về Đặng Đức Siêu trong chính sử triều Nguyễn chép rằng, vua Minh Mạng khi còn ở tiềm để tâu xin chọn các quan người nào có tuổi có đức để làm sư phó. Vua Gia Long mới lấy Lễ bộ Đặng Đức Siêu kiêm sung chức giáo đạo.
Đặng Đức Siêu là người huyện Bồng Sơn (nay là thị xã Hoài Nhơn) tỉnh Bình Định, gia thế nghiệp nho và làm thuốc, lúc tuổi trẻ đi học ở Kinh đô ngụ ở xã Sước Dụ, huyện Hương Trà, lấy người họ Nguyễn, nhân thế làm nhà ở dấy. Năm 16 tuổi thi đỗ Cử nhân, thời chúa Nguyễn Phúc Thuần làm quan Hàn lâm. Ông vốn lúc nhỏ tên là Chiêu, đến khi vua Minh Mạng đặt ra “Đế hệ thi” và quyển kim sách gồm 20 chữ để đặt tên các vua theo bộ “Nhật”, trong đó có chữ “Chiêu”, ông mới đổi tên là Siêu (có bộ “Tẩu”).
Năm Giáp Ngọ (1774), quân chúa Trịnh chiếm Phú Xuân, Đức Siêu lánh ở Vân Hồ, dạy học trò. Ông làm các bài thơ như: Thương sơn tứ hạo, Trương Lương trùy, Tô Vũ tiết, tự ví với Quản Trọng, Nhạc Nghị để tỏ chí của mình. Quan nhà Trịnh là Trần Nguyễn Nhưng được xem các bài thơ này, rất là khen thưởng, vời đến gặp, nhưng ông không đến.
Khi tướng Tây Sơn là Nguyễn Văn Huệ đánh bại quân nhà Trịnh, chiếm giữ Phú Xuân, thấy ông là danh sĩ, sai triệu, muốn cho làm quan, nhưng ông giữ nghĩa không làm tôi hai chủ, nói thác là ốm không đến. Chúa Nguyễn Ánh khi đó đóng ở Gia Định, nghe tiếng ông sai người đến triệu, nhưng do đường nghẽn ông không vào Gia Định được.
Mùa Đông năm 1774, Siêu đáp thuyền vào Nam, được tướng Nguyễn Văn Nhân tiến cử vào yết kiến, dâng mưu kế bình Tây, chúa Nguyễn Ánh khen ngợi nghe theo, nói rằng: “Ta mong ngươi từ lâu; ngươi đến sao muộn thế?”, rồi trao cho ông chức Giám quân. Ông từ chối, xin vẫn giữ chức Hàn lâm như cũ.
Chúa bảo rằng: “Hàn lâm trật thấp kém, không thể làm việc được”, rồi trao chức Tham mưu ở trung doanh, cho ông ngày đêm theo hầu, trù tính việc quân, thương mến ngày càng nhiều. Đặng Đức Siêu tự cho là duyên may gặp gỡ vua sáng tôi hiền đãi hết điều mình đã biết.
Năm 1799, chúa Nguyễn Ánh chiếm lại được Quy Nhơn, đổi tên là thành Bình Định.
Khi bàn về đánh thuế dân hạt ấy, ông dâng sớ can ngăn, trong đó nói rằng: “Thần từng nhớ nước ta khi trước, Chiêu Vũ hầu là Nguyễn Hữu Dật tiến quân lấy được 7 huyện ở Nghệ An, đóng quân 7 năm, lòng người yên tĩnh, sau vì quân nhu không kế tiếp, hạ mộc bài thu tiền, thóc của dân, lòng người náo động, người họ Trịnh nhân đó mà lấy được, mới phải rút quân về, không thể qua được đất Bắc Hà, Bố Chính một bước, việc ấy nghe thấy ở trước, đáng làm tấm gương sáng.
Kế hoạch hiện nay, xin trước hết tuyển binh mà tha cho thuế thân 1 năm, để thu lòng người một đạo, gây lòng mong cho dân bốn phương”. Sớ tâu vào, chúa Nguyễn Ánh khen phải, bãi bỏ việc đánh thuế.
Trí nhiều kế hiểm
Đặng Đức Siêu chính là người hiến kế hỏa công để Lê Văn Duyệt đốt hết chiến thuyền của quân Tây Sơn ở đầm Thị Nại, Bình Định năm 1800.
Sau đó, ông lại cùng Trần Văn Trạc dâng kế nói quân Tây Sơn đang lo vây thành Bình Định, kinh thành Phú Xuân tất bỏ trống không, xin chúa Nguyễn Ánh chia quân, thuyền làm hai đạo: Một đạo đánh cửa Tư Hiền, một đạo đánh cửa Noãn Hải, chắc có thể được thắng hoàn toàn.
Bấy giờ các tướng của chúa Nguyễn là bọn Nguyễn Văn Thành, nhiều người tâu nên bỏ thành gần đánh chỗ xa; Võ Tánh đang cố thủ ở trong thành cũng gửi mật thư xin nhân lúc sơ hở đánh lấy Phú Xuân, ý chúa Nguyễn Ánh mới quyết.
Đến tháng 5, năm 1801, quân Nguyễn chiếm được đô thành Phú Xuân, vua Quang Toản phải chạy ra Bắc. Mùa Đông năm ấy, chúa Nguyễn Ánh thăng cho ông làm bộ Lễ, ông cố từ chối nhưng chúa không cho.
Năm 1802, chúa Nguyễn Ánh bàn việc đánh ra ngoài Bắc, Đặng Đức Siêu cùng Trần Văn Trạc khuyên chúa Nguyễn Ánh lên ngôi, lấy niên hiệu để chính danh.
Tờ sớ nêu lý do rằng: “Nhà Lê từ vua Lê Chiêu Thống chạy sang nước Thanh, đi không trở về, đất Bắc Hà đã bị Tây tặc (ý nói quân Tây Sơn) chiếm được, huống chi quân nhà vua từ khi lấy lại cựu kinh đến nay, thần dân nhà Lê không từng có một người hưởng ứng việc nghĩa để đánh giặc, thì nhà Lê không nổi lên được nữa, đã có thể biết.
Nay ta diệt Tây Sơn, có cả đất ấy, là lấy ở Tây Sơn, không phải là lấy ở nhà Lê. Sau khi việc yên tự có xử trí duy có việc thương dân đánh kẻ có tội, cốt ở có danh hiệu, có ứng lòng người, thuận lòng trời trước hết phải đổi năm tháng. Nay đi đánh ngoài Bắc, mà còn dùng niên hiệu nhà Lê, sợ người ngoài Bắc bảo ta là mượn tiếng phù Lê, chi bằng lên chính ngôi vua, đổi niên hiệu, tuyên bố nghĩa lớn cho cả nước biết, thì ta được nước là chính nghĩa, không ai có thể dị nghị dược”.
Chúa Nguyễn Ánh cho là phải, bèn lấy năm ấy đặt niên hiệu là Gia Long nguyên niên (1802), đem việc đánh ngoài Bắc bố cáo trong ngoài. Năm ấy cả nước định xong cả, lại làm lễ cáo miếu việc võ thành công. Đời sau truyền lại rằng, bài hát “Hồi loan cửu khúc” là Siêu soạn ra, lời bài hát ấy bằng tiếng Việt (trong khi nhiều bài nhạc Lễ khác đều có lời bằng chữ Hán). Đến khi các sử quan nhà Nguyễn chép bộ “Đại Nam liệt truyện” là vào thời vua Tự Đức, chép rằng: “Bài hát này, hiện nay người làm nghề hát ở Thanh, Nghệ, còn truyền tụng”.
Lúc bấy giờ tế Giao, tế các miếu, tế xã tắc, đặt lễ làm nhạc đổi mới cả, ông theo rõ việc cũ, điển lễ lớn ở triều đình, phần nhiều đều tham gia soạn định. Do đó, vua Gia Long rất trọng ông, thường được vua đặc biệt chú ý.
Mùa Xuân năm 1803, khi vua Gia Long tấn phong vợ cả vua là bà Tống Thị Ngọc Lan làm Vương hậu, Đặng Đức Siêu phụng mệnh sung làm sứ bưng sách.
Đức làm Sư bảo
Năm Gia Long thứ 4 (1805), Đặng Đức Siêu được vua Gia Long sai kiêm sung chức dạy bảo Hoàng tử. Thực lục về vua Minh Mạng viết: “Thánh Tổ Nhân Hoàng đế nuôi đạo chính thành công chí thánh, được Siêu giúp ích rất nhiều”.
Năm thứ 6, ông lại được sai kiêm quản Khâm thiên giám, năm ấy ông biên soạn làm tập “Thiên Nam thế hệ”, bắt đầu chép từ Triệu Tổ Tĩnh Hoàng đế (tức chúa Nguyễn Kim), đến Duệ Tông Hiếu Định Hoàng đế (chúa Nguyễn Phúc Thuần). Lại truy trở lên chép từ Hoành Quốc công (Nguyễn Công Duẩn) đến Trừng Quốc công (Nguyễn Văn Lưu), để biết rõ Triệu Tổ từ đâu sinh ra, sau chép Hiếu Khang Hoàng đế (chúa Nguyễn Phúc Luân) để biết rõ bản thân vua từ đâu sinh ra. Trước sau hơn 200 năm, phàm thế thứ, công nghiệp, cho đến ngày sinh, ngày kỵ, và phương hướng lăng tẩm đều chép đủ cả.
Năm Gia Long thứ 8 (1809), triều Nguyễn bắt đầu đặt chức Thượng thư sáu bộ, vua trao cho Siêu chức Thượng thư bộ Lễ. Đến năm sau, là năm Canh Ngọ (1810), ông qua đời ở nơi làm quan, thọ 60 tuổi, được vua tặng chức Tham chính, ban cho áo gấm, đoạn, đồ khâm liệm và quan tài, cấp phu coi mộ.
Các sử gia nhà Nguyễn đánh giá: “Đặng Đức Siêu học vấn rộng khắp, văn chương uẩn súc và thanh nhã, đức hạnh tiết tháo, thực là nhân vật bản triều phải tôn trọng. Gặp phải chiến tranh loạn lạc, giấu giếm ẩn náu, hơn 30 năm, được vẹn danh tiết. Buổi đầu trung hưng, giữ việc lễ của nước, kiêm sung làm thầy dạy học của vua, công ấy to lắm”.
Thời vua Gia Long, Cần Chánh điện học sĩ kiêm Thái thường tự khanh Nguyễn Viên, nguyên Giải nguyên đời Lê và là cháu Hương cống Nguyễn Quỳnh cũng đã khen ông rằng: “Quan bộ Lễ là Đặng Đức Siêu là người khoan hậu trưởng giả, quan bộ Binh là Phạm Ngọc Uẩn là người tâm Phước tín thần”.
Đến thời vua Tự Đức, năm 1852, Đặng Đức Siêu được đưa vào thờ ở miếu Trung hưng công thần. Phu nhân của Đặng Đức Siêu là bà Nguyễn Thị Ngữ, cũng được chép ở truyện liệt nữ, vì nêu gương tiết nghĩa.
Bộ sách truyện các danh thần thời Nguyễn “Đại Nam liệt truyện” viết về bà: “Bà là phu nhân của Thiếu sư Đặng Đức Siêu. Năm 15 tuổi, lấy Thiếu sư đẻ được một con trai là Thiêm và một con gái. Gặp loạn Tây Sơn, Thiếu sư bỏ nhà vào Gia Định, phu nhân tuổi mới 21, mong chồng giữ chí, dạy bảo con cái. Tư đồ nhà Tây Sơn (chỉ Võ Văn Dũng) và Thiếu phó (chỉ Trần Quang Diệu) tranh nhau muốn lấy, phu nhân thề không đổi tiết. Năm Minh Mạng thứ 8 (1827); nêu khen là tiết phụ, bộ bàn nên liệt vào hạng ưu; xuống sắc cho bức biển có 4 chữ: “Đông quản phương tiên” (quản bút đo mức tiếng thơm) dựng nhà treo biển ngạch cấp cho bạc và lụa. Năm Thiệu Trị thứ 2 (1842), ban cấp cho sâm quế, lụa màu. Năm thứ 7 (1847) bà mất, thọ 82 tuổi, được vua hậu cấp cho đoạn màu, vải, lụa và tiền”.
Con của ông bà là Đặng Đức Thiêm, cũng làm đến quan to. Anh của ông là Đặng Đức Huy cũng là người ham học, làm thơ quốc âm rất hay. Đầu năm Gia Long, ông Huy làm quan đến chức Đốc học Bình Định, tuổi già về hưu trí. Đầu thời vua Minh Mạng ông cũng được dự thưởng bạc lụa về thọ quan.