Thiếu thịt lợn đẩy giá tăng vọt, Cục trưởng Cục chăn nuôi nói gì?
Trước tình trạng thiếu hụt lớn thịt lợn đẩy giá vọt lên đỉnh, Cục trưởng Cục Chăn nuôi nói do nhu cầu trước và sau Tết tăng cao, dân tích trữ đầy tủ nên thiếu hàng cục bộ.
Theo báo cáo của Bộ NN-PTNT, tổng đàn lợn cả nước năm 2024 đạt 31,08 triệu con, tăng 3,3% so với năm trước đó. Sản lượng thịt lợn hơi đạt 5,16 triệu tấn, tăng 6,6%.
Về giá thịt lợn hơi xuất chuồng, giai đoạn đầu năm 2024 ổn định quanh mức 52.000-60.000 đồng/kg. Từ tháng 5-6, mặt hàng này tăng mạnh theo xu hướng chung của nhiều nước trong khu vực và trên thế giới, thậm chí có thời điểm giá vọt lên trên 70.000 đồng/kg.
Sau đó, giá thịt lợn hơi giảm xuống còn 64.000-66.000 đồng/kg trong tháng 7, tháng 8. Đến tháng 9/2024 lại tăng trở lại 2.000-3.000 đồng/kg.
Tháng 1/2025, giá bán lợn hơi xuất chuồng tại khu vực tư nhân trên cả nước bình quân từ 65.000-67.000 đồng/kg và giá tại trại của các doanh nghiệp lớn cao hơn 1.000-2.000 đồng/kg. Cùng với đó, giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi và thức ăn thành phẩm giảm giúp người chăn nuôi lợn có lãi, tạo động lực tái đàn và tăng đàn.
Đây là những yếu tố đã tác động tích cực đến tốc độ tăng trưởng đàn lợn trong năm vừa qua.
Theo tính toán, sản lượng thịt lợn hơi năm nay ước đạt trên 5,4 triệu tấn, tăng 5,0% so với năm 2024. Bộ NN-PTNT dự báo giá lợn hơi các tháng đầu năm có xu hướng tăng so với thời điểm cuối năm ngoái.
Thực tế, sau Tết Nguyên đán, giá lợn hơi xuất chuồng tăng mạnh, lên 70.000-75.000 đồng/kg - mức cao nhất trong vòng 3 năm trở lại đây.
Nguyên nhân được chỉ ra là do dịch bệnh càn quét, khiến lợn chết nhiều. Cùng với đó, các tỉnh, thành siết chặt vấn đề môi trường trong chăn nuôi, trang trại không đủ điều kiện buộc phải “treo chuồng”. Trong khi, nhu cầu trước và sau Tết tăng cao nên thời điểm này xảy ra tình trạng thiếu hụt lớn thịt lợn.
Tại chợ đầu mối gia súc, gia cầm Hà Nam, số lượng lợn hơi đổ về dừng ở 400-500 con, chỉ bằng 1/5 so với ngày thường. Hay tại chợ đầu mối Tân Xuân (Hóc Môn) và Bình Điền (Quận 8, TPHCM), mỗi ngày tiêu thụ khoảng 7.000 con lợn, nhưng nay số lượng về chợ giảm 50%, còn khoảng 3.000-3.500 con.
![Theo Cục trưởng Dương Tất Thắng, do nhu cầu tăng cao, dân trữ nhiều thịt lợn trong tủ dẫn đến tình trạng thiếu hụt cục bộ. Ảnh: Anh Nguyễn](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_13_23_51466672/154093a1a2ef4bb112fe.jpg)
Theo Cục trưởng Dương Tất Thắng, do nhu cầu tăng cao, dân trữ nhiều thịt lợn trong tủ dẫn đến tình trạng thiếu hụt cục bộ. Ảnh: Anh Nguyễn
Trao đổi với VietNamNet sáng 13/2, ông Dương Tất Thắng - Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN-PTNT) - khẳng định: "Với tổng đàn đang có, việc thiếu hụt nguồn cung thịt lợn chỉ là hiện tượng cục bộ”.
Ông Thắng giải thích, do nhu cầu sử dụng thịt của người dân trước, trong và sau Tết Nguyên đán tăng 15-20% so với ngày thường, đặc biệt từ nông thôn đến thành thị, gia đình nào cũng tích trữ đầy thịt trong tủ lạnh.
Hơn nữa, thời điểm đó, giá lợn hơi xuất chuồng tăng và neo ở mức cao. Thế nên, doanh nghiệp và hộ chăn nuôi lợn vội xuất bán lợn sớm (chưa đủ biểu 100kg) để chốt lời, đồng thời đáp ứng nhu cầu của thị trường. Từ đó, dẫn đến tổng đàn hiện nay giảm. Sau Tết, lợn hơi đạt 100 kg/con (tiêu chuẩn để xuất chuồng) rơi vào tình trạng khan hàng, đẩy giá tăng cao.
“Việc giá tăng hay giảm là quy luật thị trường hết sức bình thường”, ông nói. Lãnh đạo Cục Chăn nuôi nhấn mạnh, nguồn cung mặt hàng này vẫn đủ cho nhu cầu tiêu dùng. Tình trạng thịt lợn hơi thiếu hụt dẫn đến giá tăng lần này cũng sẽ không ảnh hưởng đến chỉ số giá tiêu dùng (CPI).
"Giá thịt lợn tăng cao sẽ khó duy trì lâu vì tổng đàn hơn 30 triệu con cơ bản đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng nội địa”, ông Thắng cho hay.
Chuyên gia ngành chăn nuôi cũng nhận định, giá lợn sẽ tăng và neo ở mức cao nhưng không kéo dài. Bởi, khi lợn hơi xuất chuồng bán được giá cao, lợi nhuận tốt, người chăn nuôi sẽ ồ ạt tái đàn. Đến lúc nguồn cung tăng, giá mặt hàng này sẽ hạ nhiệt.