Thiếu tướng Nguyễn Văn Phước và kỷ niệm 4 lần được gặp Bác Hồ

Bốn lần gặp Bác Hồ là bốn dấu mốc thiêng liêng khắc sâu trong tâm trí Thiếu tướng Nguyễn Văn Phước. Với ông, ánh mắt Bác như ngọn đuốc dẫn đường cho người lính.

Cậu bé 15 tuổi tìm đường đi theo cách mạng

Thiếu tướng Nguyễn Văn Phước sinh ngày 2/3/1930 tại xã Yên Dũng Hạ, tổng Hưng Nguyên, nay là phường Bến Thủy, Thành phố Vinh, Nghệ An. Đây là vùng đất giàu truyền thống cách mạng, cũng là quê hương của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu.

Thiếu tướng Nguyễn Văn Phước năm nay đã 95 tuổi, ông vẫn vô cùng minh mẫn, sáng suốt khi kể lại câu chuyện về những lần vinh dự được gặp Bác Hồ. Ảnh: Thanh Thảo.

Thiếu tướng Nguyễn Văn Phước năm nay đã 95 tuổi, ông vẫn vô cùng minh mẫn, sáng suốt khi kể lại câu chuyện về những lần vinh dự được gặp Bác Hồ. Ảnh: Thanh Thảo.

Lớn lên trong bối cảnh đất nước sục sôi kháng chiến, mới 15 tuổi, cậu thanh niên Nguyễn Văn Phước đã nuôi ý chí quyết tâm tạm xa quê hương và đi bộ hàng trăm cây số ra Thanh Hóa để tìm đến cách mạng. Hành trình ấy không chỉ bằng đôi chân mà còn bằng cả một trái tim rực cháy khát vọng được cống hiến cho Tổ quốc, cho nhân dân.

Ông chia sẻ: “Ngày ấy tôi còn trẻ lắm, nhưng khi biết tôi có ý định tham gia cách mạng, bố mẹ tôi bắt tôi phải cưới vợ mới cho tôi đi. Tôi một lòng đi bộ ra Thanh Hóa để đăng ký gia nhập quân đội, phải quyết tâm đánh giặc bảo vệ đất nước”.

Không ngừng nỗ lực, phấn đấu, người lính trẻ Nguyễn Văn Phước sau đó đã chính thức trở thành chiến sĩ của đại đội xung kích, mang phiên hiệu Đại đội 71, Tiểu đoàn 375, thuộc Trung đoàn bộ binh 9, Đại đoàn 304 (còn được gọi là Đoàn Vinh Quang).

Thiếu tướng Nguyễn Văn Phước khi còn trẻ, Trung đoàn bộ binh 9, Đại đoàn 304. Ảnh: Thanh Thảo.

Thiếu tướng Nguyễn Văn Phước khi còn trẻ, Trung đoàn bộ binh 9, Đại đoàn 304. Ảnh: Thanh Thảo.

Trung đoàn xe tăng đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam

Từ đây, người lính trẻ Nguyễn Văn Phước đã tham gia nhiều trận đánh oanh liệt trong các chiến dịch Trần Hưng Đạo, Quang Trung, Hoàng Hoa Thám, Hòa Bình, Thượng Lào và cuối cùng là Chiến dịch Điện Biên Phủ "lừng lẫy Điện Biên, chấn động địa cầu”. Hòa bình lập lại, năm 1956, ông nhận lệnh đi học về xe tăng ở Trung Quốc.

Theo đó, đoàn cán bộ đầu tiên đi học về chỉ huy xe tăng ở Trung Quốc gồm 36 đồng chí cán bộ từ cấp trung đội đến cấp trung đoàn, do đồng chí Đào Huy Vũ làm Đoàn trưởng. Đây là những cán bộ được đào tạo dài hạn về chỉ huy tăng thiết giáp đủ làm khung cán bộ quân sự cho 1 trung đoàn xe tăng.

Song song với đoàn đó, ta còn nhờ phía bạn đào tạo giúp một số đoàn khác cho đầy đủ các thành phần cần thiết để thành lập Trung đoàn 202 - Trung đoàn xe tăng đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam vào ngày 5/10/1959. Khi ấy, Thiếu tướng Nguyễn Văn Phước vinh dự được bổ nhiệm chức vụ tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn xe tăng 1 - đơn vị chủ công của Trung đoàn 202.

Những hình ảnh, kỷ vật, số hiệu luôn được Thiếu tướng Nguyễn Văn Phước gìn giữ, trân trọng. Ảnh: Thanh Thảo.

Những hình ảnh, kỷ vật, số hiệu luôn được Thiếu tướng Nguyễn Văn Phước gìn giữ, trân trọng. Ảnh: Thanh Thảo.

Trải qua nhiều năm chiến đấu trên các mặt trận, ông nổi tiếng là người chỉ huy gan dạ, quyết đoán, bản lĩnh và gần gũi với chiến sĩ. Với sự đóng góp bền bỉ, ông được phong hàm Thiếu tướng và giữ trọng trách tại Khoa Tăng Thiết giáp, Học viện Quốc phòng. Cả cuộc đời binh nghiệp, ông gắn bó máu thịt với lực lượng Tăng thiết giáp, nơi được mệnh danh là “quả đấm thép” của quân đội.

Với Thiếu tướng Nguyễn Văn Phước: “Mỗi lần được gặp Bác là mỗi lần tôi được soi lại chính mình, được tiếp thêm sức mạnh tinh thần và niềm tin son sắt vào lý tưởng cách mạng”.

Những lần vinh dự được gặp Bác Hồ

Thiếu tướng Nguyễn Văn Phước không bao giờ quên một ngày lịch sử của cuộc đời mình: Ngày 1/1/1955. Khi đó, ông là Chỉ huy trưởng khối Chiến sĩ thi đua toàn quân trong Lễ duyệt binh đầu tiên của Việt Nam, sự kiện có một không hai. Trong thời khắc trọng đại ấy, khi từng bước chân ông và đồng đội sải qua lễ đài là từng nhịp tim trào dâng niềm xúc động. Trên cao, Bác Hồ đứng đó với mái tóc bạc và ánh mắt nhân hậu. Khi ông ngẩng đầu chào, khoảnh khắc ấy như nghẹn lại trong lồng ngực, để rồi một lời thề vang lên từ tận đáy tim: Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh.

Những kỉ vật quý giá trong cuộc đời binh nghiệp của Thiếu tướng Nguyễn Văn Phước còn gìn giữ. Ảnh: Thanh Thảo.

Những kỉ vật quý giá trong cuộc đời binh nghiệp của Thiếu tướng Nguyễn Văn Phước còn gìn giữ. Ảnh: Thanh Thảo.

“Có thể không nhớ hết, nhưng có thể nói là tôi gặp Bác Hồ tương đối nhiều, vì tôi là chiến sĩ thi đua toàn quân. Cho nên một là được Bác đến thăm, hai là tôi vinh dự được đến thăm Bác.

Lần thứ nhất gặp Bác Hồ là lúc tôi còn trẻ. Đó là khi Hà Nội mới giải phóng. Khi ấy đoàn duyệt binh từ Sơn Tây về Bạch Mai, tôi về Hà Nội để tập khối chiến sĩ thi đua toàn quân. Tôi là người chỉ huy được Bác đến thăm đầu tiên. Khi nghe tin Bác về thăm thì bộ đội ào ra. Lúc đó, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh còn nói vui với chúng tôi: “Các đồng chí bảo vệ bác hay làm mệt Bác?”, là vì khi ấy thành phố mới giải phóng, công tác bảo vệ còn rất phức tạp.

Thế là từ đó trở đi, mỗi lần Bác đến thăm, chúng tôi không ào ra như vậy nữa. Khối được Bác đến thăm nhiều là khối chiến sĩ thi đua, khối thứ 2 là nữ du kích Hoàng Ngân rồi mới đi sang các khối khác. Do đó, tôi và đồng chí, đồng đội may mắn đã được gặp Bác nhiều lần.

Thiếu tướng Nguyễn Văn Phước với kỉ niệm không bao giờ quên trong cuộc đời. Trong Lễ diễu binh ngày 1/1/1955, ông vinh dự là Chỉ huy trưởng khối duyệt binh đón chào Bác. Ảnh: Thanh Thảo.

Thiếu tướng Nguyễn Văn Phước với kỉ niệm không bao giờ quên trong cuộc đời. Trong Lễ diễu binh ngày 1/1/1955, ông vinh dự là Chỉ huy trưởng khối duyệt binh đón chào Bác. Ảnh: Thanh Thảo.

Lần thứ hai, khi ấy tôi là cán bộ trung đoàn được về Bộ tập huấn, lại được Bác đến thăm lần thứ hai.

Lần thứ ba là khi ấy tôi và đoàn chiến sĩ thi đua lên thăm Bác sơ tán.

Lần thứ tư tôi vẫn được lên thăm Bác ở nơi sơ tán, khi ấy sức khỏe Bác đã yếu. Đoàn chiến sĩ thi đua lại được một lần lên thăm Bác. Tôi nhớ nhất 4 lần được gặp Bác là như vậy”. Nói tới đây, ông nghẹn ngào.

Một vị tướng trải qua bao trận mạc, khó khăn, chiến trường chưa từng bao giờ khiến ông phải rơi lệ. Nhưng ngày hôm nay, khi trò chuyện với phóng viên Báo Công Thương, ông lại nức nở, nghẹn ngào khiến ai nấy nghe chuyện ông kể đều rưng rưng. Với Thiếu tướng Nguyễn Văn Phước: “Mỗi lần được gặp Bác là mỗi lần tôi được soi lại chính mình, được tiếp thêm sức mạnh tinh thần và niềm tin son sắt vào lý tưởng cách mạng”.

Niềm tự hào của vị Tướng già

Hiện đã 95 tuổi, Thiếu tướng Nguyễn Văn Phước vẫn minh mẫn, nhanh nhẹn, tràn đầy ký ức hào hùng. Trên cơ thể ông còn những vết thương chiến tranh, trong người vẫn còn găm những mảnh đạn, dấu tích của những trận chiến sống còn. Nhưng ông cười hiền: “Đó là những vết sẹo của niềm tự hào người lính cụ Hồ”.

Rồi ông lại kể vui với phóng viên chúng tôi, ánh mắt lấp lánh: “Vừa rồi đại lễ kỷ niệm 50 năm chiến thắng miền Nam, thống nhất đất nước, khi ông đến sân bay đi qua cổng an ninh, máy kiểm tra an ninh lại kêu tít tít cháu ạ. Vì trong người vẫn còn những mảnh đạn, nhiều nhân viên an ninh tại sân bay cũng đều biết câu chuyện của ông là vì như vậy”.

Thiếu tướng Nguyễn Văn Phước xúc động kể lại câu chuyện về những tấm huân, huy chương đã nhận được với niềm tự hào của người lính cụ Hồ. Ảnh: Thanh Thảo.

Thiếu tướng Nguyễn Văn Phước xúc động kể lại câu chuyện về những tấm huân, huy chương đã nhận được với niềm tự hào của người lính cụ Hồ. Ảnh: Thanh Thảo.

Thi thoảng, mỗi khi trái gió trở trời, những vết thương chiến tranh năm xưa lại âm ỉ đau nhức nơi thân thể đã từng lăn lộn qua bao chiến trường. Nhưng ông bảo, nỗi đau ấy chẳng thấm vào đâu so với sự hy sinh thầm lặng, những mất mát không gì bù đắp được của biết bao đồng đội, những người đã nằm lại vĩnh viễn giữa rừng sâu, trên đồi cao hay trong lòng đất lạnh. Những người không bao giờ có cơ hội trở về, không bao giờ được thấy ánh bình minh của hòa bình, độc lập mà họ đã đánh đổi cả tuổi xuân để giành lấy.

Nói đến đây, vị tướng già bỗng dừng lại. Ông không nói thêm nữa. Chỉ ngồi lặng yên, ánh mắt xa xăm nhìn về phía khung cửa sổ, nơi những tia nắng cuối chiều đang rọi xiên qua lớp rèm mỏng, phủ lên căn phòng một lớp ánh sáng mơ hồ, lặng lẽ. Cả chúng tôi cũng im lặng. Không ai nói gì. Bởi tất cả đều cảm nhận được, trong khoảnh khắc đó ông đang trở về với ký ức.

Chương trình trên các kênh truyền hình nói về Bác Hồ luôn thu hút sự quan tâm và đón xem hàng ngày của Thiếu tướng Nguyễn Văn Phước. Ảnh: Thanh Thảo.

Chương trình trên các kênh truyền hình nói về Bác Hồ luôn thu hút sự quan tâm và đón xem hàng ngày của Thiếu tướng Nguyễn Văn Phước. Ảnh: Thanh Thảo.

“Tôi không bao giờ quên ánh mắt Bác Hồ”

Hàng ngày, ông vẫn giữ thói quen theo dõi thời sự, trò chuyện, kể chuyện chiến trường cho thế hệ trẻ, như một cách truyền lửa tinh thần yêu nước và lòng tự hào dân tộc. Những chuyên mục và phóng sự hay được ông theo dõi và đón xem hàng ngày, đó chính là chuyên mục “Học tập đạo đức và làm theo tấm gương Chủ tịch Hồ Chí Minh”. Mỗi lần nhìn thấy hình ảnh của Bác, được nghe kể lại những câu chuyện về Bác, lòng ông vẫn rưng rưng nhớ Bác khôn nguôi.

“Hồi ấy, sau mỗi lần được gặp Bác, tôi lại cố gắng làm tốt hơn nữa những phần việc và trách nhiệm của mình. Ít người may mắn được gặp Bác như tôi, nên tôi càng phải chiến đấu, rèn luyện, công tác tốt hơn”, ông nói trong xúc động, giọng nghẹn lại.

Bằng tinh thần và quyết tâm ấy, trong cả cuộc đời ông đã được trao nhiều huân chương, danh hiệu chiến sĩ thi đua không chỉ là phần thưởng xứng đáng, mà còn là minh chứng sống cho lòng tận tụy suốt đời với lý tưởng cách mạng.

Với Thiếu tướng Nguyễn Văn Phước, Bác Hồ không chỉ là lãnh tụ vĩ đại, mà còn là bóng hình người cha luôn hiện hữu trong tim mỗi người lính. Bốn lần gặp Bác là bốn dấu mốc không bao giờ phai.

Thiếu tướng Nguyễn Văn Phước đã dành thời gian tiếp đón phóng viên Báo Công Thương và kể lại những câu chuyện đáng nhớ về Bác Hồ nhân dịp kỷ niệm 135 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu. Ảnh: Thanh Thảo

Thiếu tướng Nguyễn Văn Phước đã dành thời gian tiếp đón phóng viên Báo Công Thương và kể lại những câu chuyện đáng nhớ về Bác Hồ nhân dịp kỷ niệm 135 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu. Ảnh: Thanh Thảo

Trong dòng chảy của lịch sử dân tộc, có những con người lặng thầm nhưng vĩ đại đã sống trọn đời mình cho lý tưởng cao đẹp mà Bác Hồ để lại: Độc lập - Tự do - Hạnh phúc. Thiếu tướng Nguyễn Văn Phước là một trong những người như thế. Cả cuộc đời ông là tấm gương sáng ngời của người lính cụ Hồ: Kiên trung, dũng cảm, trung thành với Tổ quốc và nhân dân.

Câu chuyện đời ông không chỉ là hồi ức về một vị tướng từng góp phần viết nên trang sử vẻ vang của dân tộc, mà còn là lời nhắc nhở tha thiết đến thế hệ hôm nay: Hãy sống xứng đáng với sự hy sinh anh dũng của các bậc tiền bối để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Trong khoảnh khắc lặng lẽ của buổi trò chuyện với phóng viên Báo Công Thương nhân dịp kỷ niệm 135 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu (19/5/1890 - 19/5/2025), vị tướng trăm tuổi, Thiếu tướng Nguyễn Văn Phước vẫn nhắc đi nhắc lại một điều: “Cả cuộc đời này, tôi chỉ có một điều không bao giờ quên trong những lần may mắn được gặp Bác: Đó là ánh mắt Bác Hồ”.

Thanh Thảo

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/thieu-tuong-nguyen-van-phuoc-va-ky-niem-4-lan-duoc-gap-bac-ho-387944.html