'Thình thùng thình'... gia đình trống quân

Hiếm gia đình nào có tới 3 người được phong tặng nghệ nhân ưu tú như gia đình cụ Kiều Thị Chải ở thôn Phúc Lâm, xã Phúc Tiến, huyện Phú Xuyên, TP. Hà Nội. Cũng nhờ sự tâm huyết của 'gia đình trống quân' này, một di sản từng bị quên lãng nửa thế kỷ, nay đã trở lại mạnh mẽ...

Đưa điệu hát cổ về với đời sống

Đến xã Phúc Tiến, hỏi nhà cụ Kiều Thị Chải, nghệ nhân hát trống quân thì hầu như ai cũng biết. Người ta biết đến gia đình cụ bởi đây là trường hợp hiếm hoi có tới 3 nghệ nhân ưu tú hát trống quân cùng sinh sống dưới một mái nhà. Đó là cụ Kiều Thị Chải, con gái là bà Kiều Thị Mách và con rể Đào Anh Chén.

Năm nay đã bước vào tuổi 92, cụ Kiều Thị Chải là nghệ nhân hát trống quân duy nhất còn mạnh khỏe, minh mẫn. Cụ kể, ngày xưa, khi cụ chừng 11-12 tuổi cũng là thời kỳ hưng thịnh của hát trống quân. Làng Phúc Lâm cổ có 3 xóm thì xóm nào cũng có đội hát. Mỗi dịp làng mở hội, trống quân thường được hát ở đình làng. Còn những khi trăng thanh gió mát, trai gái trong làng vẫn tụ tập nhau hát giao duyên... Dễ thấy hơn, hàng ngày ở trên đồng, các tốp cấy, tốp gặt đứng gần nhau cũng có thể “ghẹo nhau”, thách nhau hát đố đối đáp đầy ngẫu hứng.

 Ba nghệ nhân Kiều Thị Mách, Kiều Thị Chải và Đào Anh Chén (từ phải sang).

Ba nghệ nhân Kiều Thị Mách, Kiều Thị Chải và Đào Anh Chén (từ phải sang).

Còn theo nghệ nhân Kiều Thị Mách, sau này, do ảnh hưởng của chiến tranh, loạn lạc, tiếng hát trống quân dần dần thưa vắng. Lớp người biết hát tuổi ngày một cao, khuất núi dần nhưng thiếu lớp kế cận, điệu hát trống quân chỉ được cất lên trong những ngày lễ hội. Tuy nhiên, đối với cá nhân bà, sự đam mê đã “thấm vào” từ bà nội, lại được cụ Kiều Thị Chải truyền dạy cho những lời hát cổ, nên “mạch nguồn” hát trống quân chưa bao giờ mất đi. Đến khi kết hôn cùng ông Chén, một người có năng khiếu về văn nghệ và cũng xuất thân từ một gia đình có nhiều người thạo nghề hát, thì mạch nguồn ấy càng được khơi thông mạnh mẽ.

“Quê hương mình có một vốn quý cha ông để lại, lẽ nào lại để mất đi”. Từ ý nghĩ ấy cùng sự hỗ trợ tích cực của chồng và gia đình, bà Mách quyết tâm khôi phục, đưa hát trống quân trở lại.

Những ngày đầu sinh hoạt trong đội văn nghệ trống quân chỉ có 6-7 người, toàn là anh chị em trong họ. Thế rồi cụ Chải cùng bà Mách đã đi vận động từng người, đến năm 2016 mới có đủ 20 người tham gia theo đúng yêu cầu của xã để thành lập CLB. Và bà Mách cũng là người liên tục giữ cương vị Chủ nhiệm CLB từ đó đến nay.

“Ban đầu khó khăn lắm, ngay cả những người còn nhớ nhiều làn điệu trống quân cổ cũng ngại ngần không muốn tham gia. Tôi đã bỏ nhiều công sức đi sưu tầm lời hát cổ, tìm tòi cải tiến việc làm trống, gia đình tôi đã ủng hộ hàng chục triệu đồng mua trang phục biểu diễn... Lúc ấy, tôi không bao giờ nghĩ có được ngày hôm nay. Giờ đây, chúng tôi đã có một CLB hoạt động sôi nổi, gia đình được phong tặng 3 nghệ nhân, cũng là một thành quả xứng đáng”, bà Mách chia sẻ.

Trống quân lên sân khấu

Nhiều chuyên gia am hiểu về loại hình hát trống quân cho rằng, loại hình nghệ thuật này là một sinh hoạt văn nghệ dân gian mang đậm tính cộng đồng làng xã của người Việt vùng đồng bằng Bắc Bộ. Hát trống quân có thể tìm thấy tại một số làng ở Hà Nội, Hưng Yên, Vĩnh Phúc... Không gian diễn xướng trống quân thường gắn liền với lễ hội, với sinh hoạt hàng ngày.

Theo GS.TS Từ Thị Loan (Viện Văn hóa, nghệ thuật quốc gia Việt Nam), điểm độc đáo của nhạc cụ trong hát trống quân chính là cái trống. Để làm chiếc trống quân, người ta đào một hố tròn dưới đất làm hộp cộng hưởng, bên dưới khoét thành hàm ếch để tạo thêm độ âm vang, bên trên đậy tấm ván gỗ sung mỏng làm mặt trống. Riêng trống của Phúc Lâm còn được bỏ vào hố dăm bảy chiếc vỏ ốc để tạo thêm âm thanh khác nhau. Trên mặt trống căng một sợi dây mây già, luồn qua một chiếc lẫy nằm giữa tâm trống rồi buộc hai đầu vào cọc tre đóng xuống đất. Người hát dùng dùi gỗ gõ lên dây tạo nên âm sắc bổng trầm, khoan nhặt làm nhịp hát.

 CLB hát trống quân Phúc Lâm tham gia một sự kiện của huyện Phú Xuyên.

CLB hát trống quân Phúc Lâm tham gia một sự kiện của huyện Phú Xuyên.

Những năm gần đây, không gian trình diễn trống quân đã có nhiều thay đổi, do loại hình nghệ thuật này được lên sân khấu nên không thể đào hố nữa. Thay vào đó, nghệ nhân dùng một thùng sắt úp dưới đất làm hộp cộng hưởng thay cho việc đào hố, dây mây có thể thay bằng dây thép, dây cước.

Theo guồng quay của sự thay đổi đó, chiếc trống của CLB hát trống quân Phúc Lâm cũng được chế tác bằng một thùng tôn và được gắn trên một tấm ván dài, có thể di động ở nhiều nơi như sân đình, cổng chùa hay dễ dàng lên sân khấu. “Đặc biệt, chiếc trống này do bà Mách tự tay chế tác. Nhưng chúng tôi không dùng dây thép hay dây cước mà vẫn giữ sợi dây mây truyền thống”, nghệ nhân Đào Anh Chén cho hay.

Cũng theo GS.TS Từ Thị Loan, hát trống quân ở Phúc Lâm không theo lối “hát đuổi” như một số nơi khác, trong lời hát luôn có chữ “thời” và ăn vào nhịp trống rất êm. Mở đầu cuộc hát thường là các bài “hát chào” với các làn điệu Mời trầu, Đức bắc, Cò lả... Sau đó đến chặng hát giao duyên giữa hai bên nam nữ. Nếu bên nam hát trước thì bên nữ sẽ tùy theo câu hát mà hát đối sao cho chuẩn và hay nhất. Cao trào trong màn hát đối đáp là các bài đố như Đố quả, Đố hoa, Đố chim… đầy hóc búa và bất ngờ mà bên đáp phải trả lời hết.

Còn theo các chuyên gia của Trung tâm Nghiên cứu và phát huy giá trị di sản văn hóa, nhạc cụ thì giống nhau nhưng các địa phương khác nhau có cách thực hành hát trống quân khác nhau. Tại Phúc Lâm, khi trình diễn hát trống quân thì bên nam và bên nữ chia nhau đứng hai bên trống, bên nào hát thì một người đại diện vừa hát vừa gõ lên sợi dây mây đánh nhịp. Nhịp của trống quân là nhịp 2/4 “thình thùng thình”, “thình thùng thình”, rất đặc trưng.

 Nghệ nhân Kiều Thị Mách và chiếc trống do bà tự tay chế tác.

Nghệ nhân Kiều Thị Mách và chiếc trống do bà tự tay chế tác.

Bốn thế hệ đam mê hát trống quân

Giờ đây, ngôi nhà khang trang của ba nghệ nhân hát trống quân Phúc Lâm đã trở thành địa chỉ lui tới quen thuộc của những người yêu văn hóa trong vùng. Nghệ nhân Kiều Thị Mách cho biết, hiếm khi gia đình bà vắng khách, trong đó rất nhiều người đến tập luyện, giao lưu hát trống quân. Bà Mách, ông Chén vừa tiếp khách vừa chỉ dẫn, uốn nắn cho các em nhỏ các làn điệu của quê hương; cũng có khi họ hào hứng gióng trống “thùng thình, thùng thình” biểu diễn một vài bài trống quân giới thiệu với khách.

“Gia đình không chỉ có cụ hay vợ chồng tôi, mà các con, các cháu… đều yêu hát trống quân. Cháu gái nội Đào Ngọc Minh Châu, năm nay 12 tuổi dù học tập ở nội đô nhưng cuối tuần, những ngày lễ Tết, nghỉ hè đều được bố mẹ đưa về quê để ông bà kèm dạy, nay cũng mê, cũng hát trống quân rất hay”, bà Mách khoe.

 Ba nghệ nhân Kiều Thị Mách, Đào Anh Chén và Kiều Thị Chải trình diễn giới thiệu một làn điệu trống quân.

Ba nghệ nhân Kiều Thị Mách, Đào Anh Chén và Kiều Thị Chải trình diễn giới thiệu một làn điệu trống quân.

Đối với CLB, bà Mách cho biết thêm, thành tích cũng đáng nể. Năm 2017, lần đầu tiên huyện Phú Xuyên tổ chức Liên hoan hát dân ca, CLB trống quân Phúc Lâm dù mới thành lập và lần đầu “xuất quân” tham dự, nhưng đã giành giải cao. Hát trống quân Phúc Lâm sau đó từng gây tiếng vang tại Liên hoan dân ca dân vũ TP. Hà Nội khi giành giải đặc biệt, tạo được sự nổi bật so với các làng hát trống quân khác.

Tuy nhiên, nghệ nhân Kiều Thị Mách cũng mong muốn, hát trống quân Phúc Lâm sẽ nhận được nhiều hơn nữa sự quan tâm từ các cơ quan chức năng, đặc biệt là sớm xem xét công nhận loại hình nghệ thuật này là di sản văn hóa phi vật thể, qua đó tạo thêm một bước tiến trong công tác bảo tồn.

“Hát trống quân Phúc Lâm trải qua biết bao thăng trầm, giờ đây đã có chỗ đứng trong lòng người dân. Song chúng tôi vẫn còn một trăn trở, đó là đề nghị Nhà nước sớm công nhận hát trống quân Phúc Lâm là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, để bảo tồn giá trị quý báu từ ngàn xưa”, bà Mách bày tỏ.

Thế Vũ

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/thinh-thung-thinh-gia-dinh-trong-quan-post257002.html