Thịt bò nhân tạo Bill Gates khuyên ăn: Dinh dưỡng 'chất' hơn thịt thật?
Trong cuốn sách mới của mình, Bill Gates khuyên ăn thịt bò nhân tạo để tốt cho môi trường cũng như sức khỏe người ăn. Thế nhưng, loại thịt nuôi cấy này liệu có đảm bảo dinh dưỡng, an toàn không vẫn còn nhiều tranh cãi.
Trong cuốn sách "How to Avoid a Climate Disaster" (tạm dịch: Làm sao để tránh thảm họa khí hậu) của mình, tỉ phú Bill Gates đưa ra luận điểm nên chuyển từ việc ăn thịt thật sang các loại thịt bò tổng hợp. Việc làm này sẽ tác động hiệu quả trong công cuộc chống biến đổi khí hậu.
“Thịt giả” nhưng dinh dưỡng thật
Thực tế, không chỉ Bill Gate ủng hộ dùng thịt nhân tạo thay thế. Ý tưởng dùng thịt mà không cần giết mổ từng được nhiều người tán đồng.
Ở đó, thịt nhân tạo có tên tiếng Anh phổ biến là Fake meat (thịt giả). Tuy nhiên, cái tên “fake meat” chưa thực sự phản ánh đúng bản chất của loại thịt thay thế này. Để tạo ra chúng, các nhà khoa học sẽ bắt đầu bằng một nhóm tế bào gốc lấy từ mẩu mô của động vật sống, cung cấp huyết thanh chứa chất dinh dưỡng để các tế bào nhân bản nhanh chóng và đạt mật độ dày đặc.
Quy trình làm thịt bò nhân tạo. Ảnh: The Green List.
Sau đó họ tiếp tục bổ sung các loại protein cần thiết để kích thích sự hình thành và phân chia tế bào cơ và mỡ. Chỉ thời gian ngắn, người ta có thể tạo ra mẩu thịt mong muốn. Sản phẩm của quá trình nuôi cấy là một mẩu mô, mang đầy đủ dưỡng chất của thịt thật, có thể tẩm ướp gia vị, xào nấu và thưởng thức như món thịt không xương!
Ngoài vấn đề bảo vệ môi trường như Bill Gate đề cập, xét về mặt sức khỏe thịt nhân tạo còn có ưu điểm vượt trội nhất là con người có thể tùy chỉnh thịt theo hướng có lợi từ cấp độ tế bào. Chẳng hạn, bạn có thể thưởng thức phần thịt nhiều chất béo không no có lợi, tạm biệt cholesterol không thân thiện với sức khỏe.
Thứ hai, không ít nhà nghiên cứu cho rằng thịt nhân tạo là loại “thịt sạch”, tốt hơn cho người ăn. Nguyên nhân bởi thịt nhân tạo được sản xuất trong môi trường vô trùng, tránh được những vi khuẩn nguy hiểm.
Trong khi đó, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) ước tính các mầm bệnh có trong thịt thật là nguyên nhân phổ biến nhất dẫn đến dẫn đến các ca tử vong do thực phẩm. Ngoài ra, việc sử dụng kháng sinh trong thức ăn gia súc cũng khiến tình trạng kháng kháng sinh ngày càng trở nên trầm trọng.
Thịt nhân tạo dinh dưỡng “chất” hơn thịt thật?
Năm 2013, khi giáo sư Mark Post (ĐH Maastricht, Hà Lan) cho ra mắt chiếc burger kẹp thịt nhân tạo, cho thấy thịt nhân tạo là khả thi thì các nhà đầu tư Mỹ thi nhau dốc hầu bao vào lĩnh vực này. Thế nhưng, Missouri (Mỹ) cũng là nơi đầu tiên ban hành lệnh cấm các nhà sản xuất thực phẩm gọi thịt nhân tạo là “thịt”. Ngoài việc đi ngược với sự tự nhiên và nguyên bản, nhiều người còn e dè với loại thịt này.
Bill Gates là một trong những nhà đầu tư lớn của Memphis Meats – công ty đang phát triển công nghệ sản xuất thịt bò, gà, vịt bằng tế bào gốc của chúng. Ảnh: Ảnh: Getty Images.
Thứ nhất, thịt nhân tạo bị trải qua quá nhiều quy trình xử lý trước khi đến tay người tiêu dùng. John Mackey - Giám đốc điều hành của Whole Foods cho rằng việc ăn các loại thực phẩm qua nhiều quá trình xử lý là không lành mạnh.
Thứ hai, hàm lượng các sinh vật biến đổi gene (GMO) - cũng là một yếu tố gây lo ngại.
Đáng nói, nhận định về tính ưu việt của thịt nhân tạo đa số đưa ra từ những người liên quan đến công nghệ sản xuất. Bản thân Bill Gates cũng mạnh tay đầu tư cho Memphis Meats – công ty đang phát triển công nghệ sản xuất thịt bò, gà, vịt bằng tế bào gốc của chúng.
Đứng trước sự hoài nghi, cây bút khoa học Ryan Mendelbaum đưa ra nhận định, thịt nhân tạo không tốt nhưng cũng không gây hại cho sức khỏe hơn thịt thật. Nếu muốn có một bữa ăn giàu dinh dưỡng và tốt cho tim mạch, mỗi người nên ăn các loại rau, ngũ cốc nguyên hạt và hoa quả thay vì burger thịt nhân tạo.