Thọ giới mà không nhận được vô tác giới thể thì vẫn là tu sĩ giả
Phật giáo phát xuất từ Ấn Độ do Bổn sư Thích Ca Mâu Ni Phật sau khi thành đạo, Ngài tới Lộc Uyển thuyết pháp cho năm anh em Kiều-trần-như. Từ đó có Phật, Pháp, Tăng, Tam bảo hình thành trên thế gian.
Phật giáo Việt Nam được thừa hưởng truyền thống đó rất sớm, từ thời Hùng Vương, nhưng mãi đến khi Trung tâm Phật giáo Luy Lâu ra đời và ngài Khương Tăng Hội là người gốc Khương Cư nhưng sanh ở Việt Nam, ngài sớm ngộ được lý vô thường, nên đã cống hiến tất cả tài sản ngài có vào trung tâm dịch thuật kinh điển. Từ đó, ngài xuất gia, trở thành vị Sa-môn.
Ý nghĩa xuất gia và thọ giới để làm Sa-môn là việc vô cùng quan trọng, không phải ai cũng làm được. Thật vậy, Phật dạy trong tứ sanh lục đạo, chỉ có loài người mới có thể xuất gia làm Sa-môn, nhưng không phải tất cả mọi người được xuất gia làm Sa-môn, vì phiền não, trần lao, nghiệp chướng. Nếu sanh vào những vùng không có Phật pháp, không có người hướng dẫn thọ giới cũng không làm Sa-môn được, hoặc sanh vào những vùng có Phật pháp nhưng gặp giá nạn cũng không thể thọ giới được.
Tất cả các giới tử hôm nay đã vượt qua những khó khăn đó chứng tỏ rằng mình đã có căn lành đối với Tam bảo. Vì vậy, quý vị có thể lãnh thọ được giới pháp của Đức Phật. Nhưng muốn lãnh thọ được giới pháp của Đức Phật, trước nhất người đó nhờ có tâm thanh tịnh, khát ngưỡng cầu giới pháp của Đức Phật giống như ngài Khương Tăng Hội là nhân vật điển hình tiêu biểu cho người Việt Nam. Nếu chưa phải là bậc xuất trần thượng sĩ sanh lại thì quý vị cũng phải sám hối tội căn của mình cho thật sạch mới có thể lãnh thọ giới pháp của Đức Phật được.
Tôi nhớ khi tôi thọ Đại giới với Hòa thượng Thiện Hòa, ngài dạy tôi suốt ba tháng an cư phải chí thành sám hối cho sạch nghiệp chướng trần lao của mình mới có thể lãnh thọ giới pháp của Đức Phật. Vì vậy, ngoài những thời khóa bình thường, tôi dốc lòng sám hối cho tiêu hết tội chướng của mình. Và khi tội chướng của mình được sạch thì bấy giờ một thế giới rộng vô biên hiện ra cho chúng ta. Cũng cùng thế giới đó, nhưng khi tâm hồn chúng ta còn nhỏ hẹp, nghiệp chướng còn sâu nặng thì chúng ta thấy khác, nhưng nghiệp chướng trần lao chúng ta hết, chúng ta thấy khác.
Nếu nói một cách nào đó là chúng ta nhìn thấy được thế giới Thật báo của Bổn sư Thích Ca Mâu Ni, ta nhìn thấy được pháp hội Linh Sơn chưa tan, ta nhìn thấy được tất cả hàng Thánh chúng thanh tịnh ở trong thế giới Thật báo này. Đây là điều quan trọng nhất. Nếu chúng ta có tâm niệm như thế thì nhờ Hòa thượng Đường đầu truyền giới, nhờ pháp yết-ma của Đại Tăng mà chúng ta đắc được giới thể thanh tịnh. Khi đắc được giới thể thanh tịnh rồi, cuộc sống chúng ta hoàn toàn thay đổi. Thiết nghĩ tất cả giới tử phải nên nhớ việc này.
Nếu chúng ta không đắc giới thể, chúng ta thọ giới cảm thấy bình thường và chúng ta cũng sinh hoạt bình thường. Nhưng khi thọ giới và đắc giới được thì thế giới bao la rộng lớn hiện ra cho chúng ta mà tôi nói là thường thấy thế giới Thật báo của Bổn sư Thích Ca Mâu Ni, thường thấy các vị Thánh chúng. Trong đời tu hành, gần như lúc nào tâm chúng ta cũng hướng về đó, nhờ vậy mà trần duyên không tác động vào chúng ta nữa. Mọi suy nghĩ, mọi quyết định của chúng ta đều nằm trong giáo pháp của Đức Phật, cho nên trần lao không thể chi phối ta.
Vì vậy, bên ngoài đổi thay thế nào đi nữa, dù nhà lửa của tam giới có bùng cháy, tâm chúng ta vẫn an ổn, tâm chúng ta vẫn đặt vào thế giới Thật báo của Phật. Nhờ phước đức và trí tuệ của Phật che chở, nên chúng ta cảm thấy yên lành. Ý này được kinh Pháp hoa dạy rằng khi kiếp tận, lửa đốt cháy cả tam giới, nhưng thế giới Phật vẫn an ổn. Giới tử cần ứng dụng yếu lý này để chúng ta thâm nhập được thế giới Phật.
Thế giới chúng sanh bị tận diệt, nhưng thế giới Thật báo của chư Phật không bị hoại diệt. Hoàn cảnh xã hội dù có rối bời, lòng chúng ta vẫn thanh tịnh và ở yên trong thế giới Thật báo. Tôi đã thể nghiệm điều này, tôi sanh trong thời Pháp thuộc, lớn lên trong thời chiến tranh và hành đạo trong thời xã hội chủ nghĩa. Ba thời kỳ này hoàn toàn khác nhau, nhưng tôi vẫn thấy yên ổn trong thế giới Thật báo của Đức Phật, lúc nào cũng thấy Phật che chở và Phật dạy bảo mình nên làm gì, không nên làm gì, nên tới những nơi nào và không nên tới nơi nào để vượt được tất cả những khó khăn, tồn tại đến ngày nay.
Vì vậy, trong các giới tử nếu người nào đời trước đã chứng từ Sơ quả đến Tứ quả và phát nguyện sanh lại đời này để hoằng truyền Chánh pháp của Như Lai thì đương nhiên trong tâm quý vị đã thanh tịnh như ngài Khương Tăng Hội. Trong tâm đã thanh tịnh thì nhờ pháp yết-ma của Đại Tăng mà tâm quý vị càng sáng hơn và giới thể thanh tịnh dẫn đến giới tướng bên ngoài luôn được trang nghiêm.
Nếu chúng ta không phải là bậc đắc Sơ quả đến Tứ quả, mà chúng ta là người phát tâm xuất gia học đạo và biết sám hối cho sạch nghiệp, đem giáo pháp Phật đặt vào lòng chúng ta thì tâm chúng ta từng bước được thanh tịnh theo. Khi tâm chúng ta thanh tịnh một phần, chúng ta thấy thế giới Phật hiện ra một phần, thấy thế giới của Đại Tăng hiện ra một phần. Nhờ đó, chúng ta sống với Tăng, sống với pháp giúp chúng ta vượt qua tất cả mọi chướng ngại hiểm nguy.
Nếu không sám hối thanh tịnh, không nhận được vô tác giới thể của Đức Phật truyền trao và của Đại Tăng truyền cho chúng ta thì dù chúng ta đắp y của Phật nhưng là tu sĩ giả, thân mặc áo của Phật nhưng tâm xấu, như vậy chúng ta đã phạm tội phá pháp không thể sám hối, mà tất cả các giới tử cần suy nghĩ khi lãnh thọ giới pháp.
Phật giáo được truyền vào Việt Nam từ trước cho đến nay, chúng ta chỉ có một dòng duy nhất là Bắc truyền Phật giáo. Nhưng đến sau này, Phật giáo từ Campuchia vào, chúng ta có thêm Phật giáo Nam tông Kinh và Việt Nam có dân tộc Khmer, nên chúng ta có thêm Phật giáo Nam tông Khmer. Cuối thế kỷ XX, lại có thêm Phật giáo Khất sĩ ra đời do ngài Minh Đăng Quang sáng lập. Vì vậy, chúng ta có Phật giáo Bắc tông, Phật giáo Nam tông Kinh, Phật giáo Nam tông Khmer và Phật giáo Khất sĩ cùng sống chung trong một Giáo hội.
Về biệt truyền sinh hoạt có những nét khác nhau, nhưng chúng ta thống nhất một điểm, tất cả đều là con của Phật, đều sống trong giáo pháp Phật, không có gì khác. Do đó, thành phố Hồ Chí Minh mở giới đàn có giới đàn biệt truyền của Nam tông và Khất sĩ. Và giới đàn Bửu Huệ có đầy đủ giới tử của Bắc tông, Nam tông và Khất sĩ. Dù Bắc tông, Nam tông hay Khất sĩ, nhưng khi thọ giới Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni, chúng ta đồng giữ giới giống nhau. Biệt truyền có khác nhau, nhưng giữ giới chỉ có một mà thôi, tức Tỳ-kheo Tăng có 250 giới và Tỳ-kheo-ni có 345 giới. Vì vậy, tất cả hệ phái đều tuân thủ giới luật là một, nhưng khi thọ giới pháp của Đức Phật, cách truyền đôi khi khác nhau.
Ngoài truyền y còn có truyền bát. Từ thời Phật tại thế cho đến ngày nay, người xuất gia không có tài sản riêng ngoài y bát và sống đời khất thực, ở gốc cây hay ở nhà nhỏ chỉ có một cửa. Đó là luật quy định chỉ chừng ấy. Ngoài ra, Tỳ-kheo không được tham gia làm chính trị, không được làm kinh doanh, không được sản xuất, chỉ khất thực để sống và có thể nhận sự hiến cúng của đàn-việt, cũng không được tích trữ thức ăn qua đêm. Nguyên thủy Phật giáo giữ điều này cho đến ngày nay là gốc của đạo Phật. Tôi nghĩ như vậy cũng tốt.
Những vị đủ 20 tuổi đăng đàn thọ giới, nhưng thọ giới xong, cảm thấy trần lao, nghiệp chướng chưa đoạn, khởi ý dục thì có thể xả giới, sống đời thường, làm cư sĩ nhưng sau có thể xuất gia lại. Ngược lại, nếu không xả giới mà phạm giới, bị tẩn xuất, thì sau này không được xuất gia, thọ giới trở lại. Giới tử cần cân nhắc điều này, hễ thọ giới thì phải giữ giới. Thọ giới mà phạm giới là đã mất giới, không được thọ giới nữa. Phật cho phép Tỳ-kheo xả giới đến ba lần. Tỳ-kheo-ni xả giới không được thọ giới lại. Đó là luật Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni quy định.
Nhưng Phật giáo Việt Nam theo Bắc tông thì ngoài tạng kinh Nikaya còn có kinh điển Đại thừa nói về Bồ-tát pháp là hạnh của Bồ-tát, bấy giờ không giới hạn trong hạnh của Tỳ-kheo. Khi thọ giới Tỳ-kheo, chỉ tuân thủ giới của Tỳ-kheo và tu Tứ Thánh đế quyết ra khỏi sanh tử. Vì vậy, tất cả quý vị thọ giới phải có quyết tâm cao, không làm gì mà luật Tỳ-kheo không cho phép.
Có vị phát tâm như cố Hòa thượng Bửu Huệ phát tâm học mười năm, nhập thất mười năm và làm việc cho Phật mười năm để đền trả ơn Phật và thầy, Tổ đã dạy dỗ. Ngài đã giữ được sự phát nguyện như vậy. Sau khi tốt nghiệp cao đẳng Phật học Ấn Quang, ngài xin Ban Giám đốc về Tân Hương kiết thất mười năm, không tiếp xúc bên ngoài, tôi có dịp trao đổi với ngài sau khi ngài ra thất, ngài nói nhờ mười năm trong thất chuyên suy nghĩ về giới luật Phật chế, về tạng kinh Nikaya và kinh điển Đại thừa.
Nhờ chỉ tiếp xúc với Phật pháp, tầm nhìn của ngài được mở rộng thấy được điều mà mắt thường không thấy, biết được những gì mà tâm thường không biết. Với công phu hành trì miên mật pháp Phật trải qua mười năm dài, ngài có được cái thấy biết khác, đạo lực khác và việc làm khác. Bề ngoài Tăng sĩ giống nhau, nhưng kết quả thực tập của mỗi người hoàn toàn khác nhau, có người đắc Sơ quả, hay Nhị quả, Tam quả, Tứ quả, nhưng có người không đắc quả vị nào, cho đến cuộc đời đi xuống, đi vào đường ác, phiền não, nghiệp chướng tăng.
Trong thời gian đầu kiết thất, ngài Bửu Huệ làm gì, chúng ta biết để học theo, làm theo. Thời gian kiết thất là đóng kín sáu giác quan để đi vào bên trong nội tâm, hay chỉ tiếp xúc với Phật pháp. Ban đầu, ngài chỉ nghĩ đến bốn việc Phật dạy năm nhà hiền triết Kiều-trần-như là thân, thọ, tâm, pháp. Dành thì giờ quán sát thân tứ đại ngũ uẩn là đồ ô uế, bất tịnh; thấy được như vậy là tuệ nhãn sanh. Nhưng không thấy như vậy mà lo trau chuốt, giữ gìn thân thì bị đọa.
Ý này được Tổ diễn tả rằng khi chưa tu thấy núi là núi, sông là sông, nhưng tu rồi, thấy núi không là núi, thấy sông không là sông. Cũng vậy, thấy thân người bất tịnh, lời nói của người cũng bất tịnh, nên ngài không muốn tiếp xúc với cuộc đời và ngài kiết thất. Ngài chia sẻ như vậy.
Quán sát thân bất tịnh theo Phật dạy, cuối cùng thấy thân này tội lỗi đưa chúng ta vào nhà lửa tam giới khổ đau. Ý thức như vậy, nỗ lực thoát ly tứ đại sanh tử. Người tu còn coi trọng thân này thì khó giải thoát, vì tâm linh chưa khai mở, có cái thấy như người thường là thân vào đạo nhưng tâm chưa vào đạo.
Chúng ta thọ giới, buộc tâm vào đạo luôn thì thọ, tưởng, hành, thức cũng vào đạo. Bấy giờ, thọ của chúng ta là thọ của Tỳ-kheo, của người muốn ra khỏi tam giới. Có cảm thọ này do chúng ta tiếp xúc được giới thể của Phật, của Đại Tăng. Thật vậy, thời gian kiết thất, ngài Bửu Huệ thọ trì kinh không mệt, vì kinh Phật dạy về hành trạng của Phật, Bồ-tát, Thánh tăng nên cảm thọ của ngài là cảm thọ về Phật, Bồ-tát, Thánh tăng. Vì vậy, chúng ta xuất gia thực sự khác với người thế tục không tu, họ không thể có cảm thọ này và đi vào đường ác.
Hòa thượng Bửu Huệ thấy thân của mình và thân của chúng hữu tình ô uế, nên không muốn tiếp xúc, không phải bị cấm, không cho tiếp xúc. Có người tu thấy bị giới luật ràng buộc làm họ khổ, nên họ phá giới. Nhưng người thực tu thấy cảm thọ theo dục lạc thế gian là chướng đạo, nên họ quyết từ bỏ cảm thọ thế gian để có cảm thọ trong Phật pháp thì có được đời sống tâm linh phát triển là thấy khác, biết khác, cảm thọ khác.
Thân tứ đại ô uế của người thế tục có đòi hỏi là tham, sân, si, trong khi người xuất gia, thực tu thì đạt được vô tham, vô sân, vô si. Tôi có cảm giác tương đồng với Hòa thượng Bửu Huệ. Tôi hầu Hòa thượng Thiện Hoa, ngài dạy điều quan trọng của đời sống tu hành khi còn là Sa-di phải đoạn tham, sân, si, nếu không, thì không thọ được giới pháp của Phật.
Lúc đó, tôi phát hiện mình còn tham ăn, tham ngủ. Ở chùa thiếu thốn nên tham ăn, lên quả đường, một mâm cơm dành cho bốn người, nhưng một thầy bệnh, còn ba người. Thấy có bốn miếng đậu hủ, lòng tham ăn của tôi khởi lên, cúng dường xong, để bát xuống, tôi liền gắp hai miếng đậu hủ. Hai người bạn đồng tu thấy lạ, nhìn tôi dù không nói gì, nhưng tôi cảm thấy xấu hổ và nhớ lời Hòa thượng Thiện Hoa dạy, tôi cảm thấy sợ, mà sợ thì phải sửa. Về sau, hễ khởi tâm muốn ăn, tôi không cho phép mình ăn. Khắc phục được tánh muốn ăn và tôi bớt ăn lần thì phát hiện thân không có nhu cầu quá lớn như mình tưởng.
Ngoài ra, tham ngủ là cái nghiệp mà người tu cũng thường gặp. Tập nghỉ, không ngủ và lấy thiền thay cho ngủ. Lấy pháp thay cho thức ăn. Trong đạo có thiền duyệt thực và pháp hỷ thực. Tỳ-kheo Tăng, Ni không sống với hai pháp này chỉ là giả danh. Khất thực không có thức ăn thì nhịn. Hòa thượng Thanh Kiểm nói khi ngài sang Nhật học, thời đó rất khó khăn, nghèo quá, nghe người ta gõ mõ bán khoai lang nướng cảm thấy thèm không chịu được. Hòa thượng nhớ đến thiền duyệt thực thì uống nước, lên sàng thiền, quên đói.
Năm 1963, các thầy tuyệt thực chống chính phủ Diệm. Tôi quan sát thấy các thầy tu thiệt thì tuyệt thực, họ ngồi thiền tỉnh bơ, nhưng các thầy tu giả mặt mày nhăn nhó, nằm lăn lộn. Chúng ta đừng làm thầy tu giả. Không tu thì thôi, nhưng tu phải làm thầy tu thiệt. Có giả thì chỉ giả lúc ban đầu thôi, nhưng lộng giả thành chơn, lần sửa mình cũng thành tu thiệt. Và chứng được quả Dự lưu, bước vào thế giới Phật.
Những người từ thế giới Phật hiện lại thì khác những người từ phàm phu vào thế giới Phật. Phải nỗ lực phấn đấu, phải ham học, quên ăn. Ham thiền, quên ngủ. Cuộc đời chúng ta bắt đầu thay đổi. Được như vậy, chúng ta cảm nghĩ có Phật hộ niệm, Bồ-tát hỗ trợ chúng ta, việc tu hành của chúng ta dễ lần. Người thấy khó khăn thì sợ tránh, nhưng ta thích làm, vì ta thấy Phật, Bồ-tát khích lệ trong vô hình, mới dấn thân hành đạo. Vì Phật khuyên người tu đắc đạo, nên phát Bồ-đề tâm, làm lợi ích cho chúng sanh. Chính vì vậy, kinh Vô lượng nghĩa nói điều thứ nhất của người tu là phải có đạo đức, thứ hai phải có trí tuệ và thứ ba, làm lợi ích cho nhiều người. Làm đúng ba điều này, chúng ta được Phật hộ niệm.
Hòa thượng Bửu Huệ dành mười năm cho việc học Phật pháp, mười năm dành cho việc tu là thực tập pháp Phật có kết quả và tiếp theo, ngài phát tâm làm Phật sự. Hòa thượng nói ngài phát tâm nhập thất mười năm, nhưng không biết được bao lâu thì một hôm, Hòa thượng Thanh Từ lãnh lịnh của Hòa thượng Thiện Hoa xuống gặp Hòa thượng Bửu Huệ, lúc đó ngài tự muốn xả thất, tính lại cũng đúng mười năm. Thiết nghĩ nhân duyên tới thì Phật khiến Bồ-tát đến nhắc nhở rằng ngài đã nhập thất mười năm rồi, nên ra làm việc. Khởi lên ý niệm đó thì ngài nhận được giáo chỉ của Hòa thượng Thiện Hoa bảo ngài hãy về Phật học viện Huệ Nghiêm làm Giám đốc.
Hòa thượng nói nhờ mười năm nhập thất giúp ngài có đạo lực nhiếp chúng được. Không thể lấy khôn dại thế gian để làm Phật sự. Làm bằng khôn dại thế gian là ma sự, quả báo không lường. Phải lấy sự hộ niệm của Phật để làm Phật sự mới không chống trái đạo Vô thượng Chánh đẳng giác. Nhờ mười năm ngài kiết thất, đạo đức tăng cao, nhiếp được chúng và có tâm sáng mới hướng dẫn được chúng theo Chánh pháp.
Thời gian mười năm ngài điều hành Phật học viện Huệ Nghiêm, chiến tranh nặng nề nhất. Hòa thượng Thanh Từ tâm sự rằng muốn ở Huệ Nghiêm để phụ với Hòa thượng Bửu Huệ nhiếp chúng, nhưng thấy không được, ngài mới ra núi Lớn tu. Hòa thượng Bửu Huệ vẫn ở Huệ Nghiêm nhiếp chúng thành công, nhờ đạo lực ngài mạnh. Đạo lực có uy lực đặc biệt, chúng nhìn thấy ngài thì sợ, không dám làm sai trái, không phải sợ bị phạt. Dùng đạo lực nhiếp chúng, không nói, nhưng chúng tuân phục, nghe theo, gọi là bất trị dân tùng.
Cũng như Hòa thượng Thiện Hòa không rầy la, nhưng mọi người không dám làm khác, đó là đức độ tu hành. Tăng Ni nên học hạnh này của Hòa thượng Bửu Huệ, nhờ tu có đạo lực mà thành tựu việc khó. Ngài đào tạo được lớp học trò giỏi như Hòa thượng Thiện Nhơn, Hòa thượng Minh Thông...
Hòa thượng Thanh Từ ra núi Lớn, kiết thất ba năm. Theo tôi, nhờ ngài ngộ yếu chỉ của thiền mà có tông Trúc Lâm ra đời và nhiều thế hệ thừa kế ngài.
Tôi nhắc các giới tử học để tu và tu phải ngộ, phải chứng. Các thầy trước đã làm, các vị theo sau cũng phải làm được.
Từ Phật học viện Huệ Nghiêm, Viện cao đẳng Phật học ra đời. Hòa thượng Bửu Huệ đề nghị với Giáo hội nếu mở cao đẳng Phật học phải cử Hòa thượng Trí Tịnh, hay Hòa thượng Thiện Siêu làm Viện trưởng. Quả là tầm nhìn của Hòa thượng Bửu Huệ quá cao siêu.
Hòa thượng Trí Tịnh dạy tôi nên kiết thất. Mỗi năm tôi thường kiết thất ba tuần tu gia hạnh Phổ Hiền, vì muốn làm Phật sự, tiếp nối ngọn đèn trí tuệ của thầy, tổ, phải tu. Và Hòa thượng Thiện Hoa cũng dạy tôi rằng mười năm học, mười năm làm việc và sau cùng là mười năm tu. Nhưng tôi thấy Hòa thượng Thiện Hoa làm không kịp theo lộ trình ngài vạch ra, ngài đã trải qua mười năm học, mười năm làm Đốc giáo Phật học đường Nam Việt và làm Viện trưởng Viện Hóa đạo Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất và ngài viên tịch lúc 55 tuổi.
Tôi rút kinh nghiệm cho mình là vừa học, vừa làm, vừa tu. Tuổi trẻ dồn cho việc học là chính, tu là phụ, vì có giáo thọ dạy thì phải học, nhưng tu một ngày hai thời khóa và một thời sám hối. Và làm việc, nếu cần thì làm, không làm là mất cơ hội. Lúc tôi làm Sa-di, có người thỉnh lên Đồng Xoài giảng pháp. Tôi thưa với Hòa thượng Thiện Hoa rằng thầy cho đi thì con đi, lúc đó tôi mới 18 tuổi. Vì vậy, thời gian này học là chính, làm là phụ. Có cơ hội làm nhưng làm xong phải tu để xóa những tồn tại trong lòng. Tôi cũng dạy giáo lý cho Gia đình Phật tử, theo sự chỉ dạy của ngài. Như vậy, giai đoạn một, học là chính và tu theo thời khóa của chùa, làm việc theo duyên.
Giai đoạn hai, học xong, tôi toàn tâm toàn trí cho làm việc, khó cũng làm, không từ chối. Làm việc là chính, nhưng học là phụ, đương nhiên chúng ta phải học cho tới chết. Và làm việc nào, trong ngày tôi cũng vào thiền để quán sát lại việc làm của mình có sai sót gì không, có làm tâm mình phiền não không…
Giai đoạn ba, cuối đời 70 tuổi nghĩ tu là chính, học và làm là phụ. Bây giờ, các thầy hỏi, tôi chia sẻ, hay mời tôi hỗ trợ, tôi sẵn lòng, nhưng tôi không tự đưa ra việc.
Tôi cũng theo cách tu của Hòa thượng Thiện Hoa, Hòa thượng Bửu Huệ, tuy nhiên cũng có biến cải. Vị nào phát tâm nhập thất, vị nào phát tâm học, hay vị nào phát tâm làm như tôi cũng được, nhưng hơi khó. Vì học thì phải chuyên ôn bài, mà làm thì việc học sẽ bị xáo trộn. Tôi tu cố xóa sạch những gì mắt thấy, tai nghe, đừng để nó trở thành nghiệp.
Các giới tử hãy suy nghĩ, cố gắng thực tập giới pháp của Đức Phật để ít nhất thâm nhập được vào hàng Dự lưu thì kiếp sau cũng gặp Phật để tiếp tục tu. Cầu cho giới tử được an lạc, thọ giới, đắc giới.
(Khai đạo giới tử Đại giới đàn Bửu Huệ, TP.HCM, 2023)