Thổ Nhĩ Kỳ phát triển hệ thống phòng không nội địa để thay thế S-400, Patriot
Thổ Nhĩ Kỳ đang phát triển các hệ thống phòng không mới để tăng cường khả năng phòng thủ tên lửa trong nước, nhằm thay thế các tổ hợp phòng không S-400 của Nga và Patriot của Mỹ, truyền thông nước này đưa tin hôm 28/12.
Theo tờ Sabah, năm 2022, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ tiếp tục nghiên cứu các dự án tên lửa đất-đối-không (SAM) nội địa HISAR và SIPER với mong muốn thay thế các hệ thống phòng không nhập khẩu như S-400 của Nga và Patriot của Mỹ
Hệ thống SAM HISAR
Các hệ thống tên lửa HISAR bao gồm HISAR A + và HISAR O + đã được thử nghiệm thành công, tiêu diệt mục tiêu tốc độ cao.
Các hệ thống SAM Hisar có thể tiêu diệt mục tiêu là các máy bay chiến đấu, tên lửa hành trình, máy bay không người lái và cả tên lửa không-đối-đất của đối phương.
Trong một tuyên bố đăng trên Twitter, Bộ Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ thông báo đã thử nghiệm thành công hệ thống phòng không tầm trung HISAR O + từ một hệ thống phóng tên lửa tự động, tại trường bắn Aksaray vào ngày 24/12, trong lần kiểm tra nghiệm thu cuối cùng trước khi đưa vào biến chế.
Hệ thống phòng không tầm ngắn HİSAR O + có khả năng phòng thủ 360 độ và có thể đồng thời đánh chặn ít nhất 9 mục tiêu khác nhau. HİSAR O + có thể chống lại máy bay chiến đấu, máy bay trực thăng, tên lửa đất-đối-không và máy bay không người lái, nó cũng có thể đánh chặn mục tiêu ở phạm vi 25 km.
HISAR A+, một hệ thống phòng không tầm ngắn, có khả năng đánh chặn mục tiêu ở cự ly tới 15 km. Hệ thống phòng không này đang tiếp tục được thử nghiệm.
Thổ Nhĩ Kỳ còn đang nghiên cứu phiên bản HISAR U với tầm bắn trên 100 km.
Hệ thống SAM SIPER
SIPER được kỳ vọng sẽ đảm nhận nhiệm vụ phòng không tầm xa và bảo vệ các cụm mục tiêu phân tán. Cùng với các hệ thống phòng không nội địa khác như Korkut, Sungur hay Hisar, Ankara đặt mục tiêu xây dựng hệ thống phòng không nhiều lớp cho đất nước.
Hồi đầu tháng 11, truyền thông Thổ Nhĩ Kỳ cho biết tên lửa SIPER có tầm hoạt động lên tới 150 km.
Hệ thống SIPER, được lên kế hoạch đưa vào hoạt động vào năm 2023, có thể loại bỏ tất cả các mối đe dọa xuất hiện trên không một cách đáng tin cậy nhất.
Hệ thống này được cho là sẽ có đầy đủ các khả năng phòng thủ tối ưu để thay thế cho các hệ thống S-400 và Patriot đang sử dụng ở nước này.
Với sự phát triển của các hệ thống phòng thủ tên lửa, Thổ Nhĩ Kỳ đang tiến gần hơn đến việc có được một hệ thống phòng không nội địa độc lập, bởi nước này đã gặp phải nhiều vấn đề khi tiếp cận những hệ thống phòng không từ Nga và Mỹ.
Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đã ký một hợp đồng trị giá 2,5 tỷ USD cho 4 tiểu đoàn của hệ thống phòng không S-400 vào năm 2017, dẫn đến việc Thổ Nhĩ Kỳ đã nhận các lệnh trừng phạt từ Mỹ. Nước này cũng không mua được tên lửa Patriot do Mỹ sản xuất sau nhiều lần ngỏ ý muốn sở hữu.