Thổ Nhĩ Kỳ thông báo với LHQ thỏa thuận phân định biên giới trên biển

Các thỏa thuận này được ký giữa Thủ tướng GNA Fayed al-Sarraj và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan tại thành phố Istanbul.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Rvecep Tayyip Erdogan. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Rvecep Tayyip Erdogan. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Hãng thông tấn Anadolu ngày 12/12 đưa tin Thổ Nhĩ Kỳ đã thông báo với Liên hợp quốc về khu vực phân định ranh giới trên biển giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Libya.

Thông báo được đưa ra sau khi Thổ Nhĩ KỳChính phủ đoàn kết dân tộc Libya (GNA) được Liên hợp quốc công nhận ngày 27/11 vừa qua ký 2 biên bản ghi nhớ gồm "Hợp tác an ninh và quân sự" và "Phân định quyền tài phán trên biển" giữa hai nước.

Các thỏa thuận này được ký giữa Thủ tướng GNA Fayed al-Sarraj và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan tại thành phố Istanbul.

Theo Tổng thống Erdogan, với thỏa thuận về phân định ranh giới trên biển vừa ký kết, hai nước “đã tăng phần lãnh thổ mà hai nước có thẩm quyền lên mức tối đa.”

Thỏa thuận đã có hiệu lực từ ngày 8/12 sau khi được đăng trên công báo của hai nước.

Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu ngày 11/12 nêu rõ kể từ thời điểm này, Ankara có quyền ngăn chặn hoạt động khai thác trái phép tại các vùng biển trong khuôn khổ thỏa thuận, thậm chí có thể sử dụng biện pháp quân sự.

Cùng ngày 12/12, Chủ tịch Quốc hội Libya Aguila Saleh Issa tuyên bố thỏa thuận ký giữa GNA và Thổ Nhĩ Kỳ nói trên không có hiệu lực.

Phát biểu trong khuôn khổ chuyến thăm Hy Lạp, ông Saleh Issa khẳng định không có hiệu lực và những bên tham gia ký kết đều thiếu đi tính pháp lý.

Ông Saleh Issa, một đồng minh của Tướng Khalifa Haftar, nhấn mạnh đang phối hợp chặt chẽ với các quan chức Hy Lạp để vô hiệu hóa thỏa thuận được ký vào tháng trước này.

Hy Lạp, Ai Cập và Cộng hòa Cyprus đã ngay lập tức chỉ trích thỏa thuận hàng hải giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Libya vi phạm luật hàng hải quốc tế.

Bộ Ngoại giao của Hy Lạp ngày 6/12 đã trục xuất Đại sứ Libya tại Hy Lạp vì ông này không cung cấp thông tin về nội dung thỏa thuận trên, đồng thời hối thúc Liên hợp quốc lên án thỏa thuận.

Ngày 11/12, Liên hợp quốc đã kêu gọi Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ duy trì đối thoại về vấn đề này.

Libya rơi vào tình trạng chia rẽ chính trị và bạo lực leo thang kể từ sau cuộc chính biến năm 2011 lật đổ nhà lãnh đạo Moamer Gadhafi.

Hiện ở nước này tồn tại hai chính quyền với các lực lượng vũ trang riêng. GNA do ông Fayed al-Sarraj đứng đầu được quốc tế công nhận hoạt động ở thủ đô Tripoli và được các nhóm dân quân hậu thuẫn.

Trong khi đó, lực lượng của Tướng Hafta ủng hộ chính quyền ở miền Đông. GNA được Thổ Nhĩ Kỳ và Qatar ủng hộ, trong khi Tướng Haftar được Ai Cập và Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) hỗ trợ và nhận được sự ủng hộ chính trị từ Mỹ, Nga và Pháp./.

Đặng Ánh (TTXVN/Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: http://www.vietnamplus.vn/tho-nhi-ky-thong-bao-voi-lhq-thoa-thuan-phan-dinh-bien-gioi-tren-bien/612942.vnp