Thỏa thuận hạt nhân Iran: Ngày về còn xa

Đã gần một năm kể từ khi Tổng thống Joe Biden lên nắm quyền tại Mỹ, song triển vọng về nối lại thỏa thuận hạt nhân Iran vẫn mông lung hơn bao giờ hết.

Những phiên thảo luận về thỏa thuận hạt nhân Iran, hay Kế hoạch Hành động Toàn diện chung (JCPOA) tại Vienna tuần qua đã khép lại mà không đạt được kết quả nào đáng kể. Dự kiến, quan chức đàm phán các bên sẽ tiếp tục thảo luận trong tuần này.

So với những gì Mỹ và Iran từng nhất trí hồi tháng 6, trước khi đàm phán trì hoãn vì bầu cử Tổng thống Iran, đây rõ ràng là một bước lùi. Tại sao lại có câu chuyện này?

Đàm phán về nối lại thỏa thuận hạt nhân Iran cuối tuần qua đã kết thúc mà không đạt được kết quả cụ thể. (Nguồn: Getty Images)

Đàm phán về nối lại thỏa thuận hạt nhân Iran cuối tuần qua đã kết thúc mà không đạt được kết quả cụ thể. (Nguồn: Getty Images)

Người mới khơi chuyện cũ

Sau chiến thắng của ông Ebrahim Raisi, các nhân vật có lập trường cứng rắn đã thay thế những quan chức trung dung trên bàn đàm phán tại Vienna.

Tuần trước, ông nói với người đồng cấp Pháp Emmanuel Macron rằng “sự hiện diện của một đội ngũ đầy đủ các thành phần của chúng tôi tại bàn đàm phán cho thấy sự nghiêm túc của Iran đối với cuộc đàm phán này”. Song trưởng đoàn đàm phán Iran Ali Bagheri, người từng gọi JCPOA là “một đứa trẻ ốm yếu”, lại cho biết Tehran hoàn toàn có thể lật lại những vấn đề hai bên từng nhất trí hồi tháng 6.

Quan trọng hơn, trong dự thảo danh sách các điều kiện cần thiết để trở lại JCPOA do phía Iran soạn thảo, ông Bagheri đã theo đuổi chiến lược “yêu cầu tối đa”. Theo đó, Tehran muốn Washington lập tức dỡ bỏ mọi cấm vận áp đặt dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump và cam kết sẽ không rút khỏi thỏa thuận này trong tương lai.

Trưởng đoàn đàm phán Iran Ali Bagheri, người từng gọi JCPOA là “một đứa trẻ ốm yếu”, lại cho biết Tehran hoàn toàn có thể lật lại những vấn đề hai bên từng nhất trí hồi tháng 6.

Trong khi đó, người Mỹ không muốn gỡ bỏ cấm vận quá sớm khi họ tiếp tục phản đối các “xung đột ủy nhiệm” do Iran tiến hành trong khu vực, cũng như một số vấn đề khác. Đồng thời, chính quyền của ông Joe Biden cũng không thể cam kết rằng những người kế nhiệm sẽ đi ngược lại với thỏa thuận này. Các quan chức châu Âu cảnh báo nếu Iran không thay đổi lập trường, đàm phán sẽ sớm đổ vỡ. Cảnh báo này là hoàn toàn có cơ sở, trong bối cảnh khác biệt lớn về quan điểm giữa các bên đang ngày một lớn trở lại.

Cùng lúc đó, Iran vẫn phát triển năng lượng hạt nhân. Tehran khẳng định chương trình hạt nhân của mình là vì mục đích hòa bình, song đã làm giàu Uranium đạt mức 60%, ngày càng gần hơn tới con số 90% cần thiết để chế tạo vũ khí hạt nhân.

Chính phủ của ông Raisi cũng từ chối cho Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) thanh sát các cơ sở hạt nhân quan trọng. Theo ước tính, Iran chỉ cần chưa đầy 30 ngày để sản xuất khối lượng Uranium cần thiết cho một đầu đạn hay bom hạt nhân.

Chuyên gia nghiên cứu Suzanne DiMaggio tại Quỹ Carnegie vì Hòa bình Quốc tế (Mỹ) nhận định: “Iran tin rằng thời gian đang đứng về phía mình và đang tận dụng điều này để phát triển chương trình hạt nhân, từ đó có thêm cân lượng trong đàm phán”.

Thách thức bên ngoài

Đó là chưa kể tới nỗ lực của Iran nhằm tác động tới kết quả đàm phán. Nhà nước Do Thái đang nỗ lực vận động, kêu gọi Washington từ bỏ đối thoại tại Vienna.

Điện đàm với Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken ngày 2/12, Thủ tướng Israel Naftali Bennett đã tố cáo Iran lấy “tống tiền hạt nhân” làm chiến lược đàm phán.

Trước đó, ngày 30/11, Ngoại trưởng Israel Yair Lapid kêu gọi các nước lớn siết chặt cấm vận và thể hiện “năng lực quân sự tin cậy” để ngăn Iran phát triển vũ khí hạt nhân, trong bối cảnh hai nước này đang đứng bên bờ vực một cuộc chiến tranh mạng.

Ngoại trưởng Israel Yair Lapid cho rằng chỉ có “một mối đe dọa quân sự rõ ràng” mới có thể cản bước chương trình hạt nhân của Iran. (Nguồn: Picture Alliance/Consolidate)

Ngoại trưởng Israel Yair Lapid cho rằng chỉ có “một mối đe dọa quân sự rõ ràng” mới có thể cản bước chương trình hạt nhân của Iran. (Nguồn: Picture Alliance/Consolidate)

Một thách thức khác cần được đề cập tới là thái độ của Trung Quốc. Là một bên trong thỏa thuận JCPOA năm 2015 và mong muốn ngăn cấm phổ biến vũ khí hạt nhân, tuần trước Bắc Kinh đã gửi đại diện tới Vienna.

Tuy nhiên, trong những năm qua, nước này cũng đã đẩy mạnh quan hệ với Tehran. Trung Quốc là nhà nhập khẩu dầu hàng đầu của Iran và mới đây, hai bên đã ký một thỏa thuận hợp tác kinh tế lớn. Mối quan hệ này đã tiếp tục phát triển, ngay cả khi Tehran không còn ở trong JCPOA.

Với Trung Quốc, một Iran sở hữu vũ khí hạt nhân không mang nhiều tính đe dọa như với Israel hay phương Tây. Căng thẳng giữa Bắc Kinh và Washington thậm chí có thể ngăn cản hợp tác duy trì cấm vận trong bối cảnh các bên không đạt được thỏa thuận về JCPOA. Theo chuyên gia DiMaggio, một khi các vòng đàm phán không đạt kết quả, rất khó để các bên áp đặt, đặc biệt là Trung Quốc tiếp tục các trừng phạt.

Kịch bản của người Mỹ

Đáng chú ý, giới chức Mỹ cho biết trong trường hợp đàm phán tại Vienna không đạt được kết quả, họ sẽ cân nhắc một số phương án khác. Trong trường hợp đó, chúng có thể bao gồm: (1) tăng cường trừng phạt, đặc biệt là nhắm vào các thương vụ mua bán dầu giữa Iran và Trung Quốc, (2) một thỏa thuận tạm thời, (3) các chiến đặc biệt nhằm phá hoại chương trình hạt nhân của Iran hoặc (4) triển khai biện pháp quân sự.

Ông Bagheri từng nói phủ nhận ý kiến cho rằng Iran sẽ cân nhắc một thỏa thuận tạm thời, hoặc văn bản khác mang tính bao trùm hơn, bổ sung cho JCPOA năm 2015.

Trong khi đó, các lệnh trừng phạt của Mỹ với Iran không còn hiệu quả như trước. Theo khảo sát của Đại học Maryland (Mỹ) tháng 8-9, ước tính cứ 5 người Iran được hỏi thì 3 người tin rằng Washington đã dùng mọi cách có thể để trừng phạt Tehran. Ông Behnam Ben Taleblu, chuyên gia về Iran tại Quỹ Quốc phòng dân chủ (Mỹ), cho rằng các nhân vật cứng rắn tại Tehran sẵn sàng trước mọi áp lực từ Washington.

Theo chuyên gia Suzanne DiMaggio tại Quỹ Carnegie vì Hòa bình Quốc tế (Mỹ), chỉ khi Mỹ đảo ngược một số trừng phạt không liên quan đến chương trình hạt nhân Iran, các bên mới có thể đạt thỏa thuận.

Ngược lại, nhượng bộ của Mỹ với Iran có thể khiến chính quyền của ông Raisi đưa ra những đòi hỏi cao hơn, tác động tiêu cực tới vốn liếng chính trị của ông Biden. Song theo chuyên gia DiMaggio, chỉ khi Mỹ đảo ngược một số trừng phạt không liên quan đến chương trình hạt nhân Iran, các bên mới có thể đạt thỏa thuận.

Tuy nhiên, khi cơ hội này qua đi, nguy cơ về xung đột sẽ ngày một hiện hữu. Theo ông Ali Vaez, chuyên gia về Iran thuộc tổ chức nghiên cứu khủng hoảng Crisis Group, các cuộc tấn công phá hoại của Mỹ có thể khiến chương trình hạt nhân Iran tạm thời chậm lại, song lại là một chiến thắng cho Tehran.

Sau khi Mỹ rút quân khỏi Afghanistan, người dân nước này đã không còn mặn mà với các can thiệp quân sự ở nước ngoài. Thêm vào đó, xung đột với Iran còn ảnh hưởng đến ưu tiên hàng đầu của chính quyền ông Biden, cạnh tranh với Trung Quốc.

Do đó, đàm phán JCPOA thành công là phương án khả dĩ nhất với Mỹ. Tuy nhiên, trong bối cảnh các bên còn nhiều khác biệt và phải đối mặt với một số rào cản lớn, kịch bản này là không dễ dàng. Vì thế, ngày các nước trở về với JCPOA còn rất xa.

(theo Washington Post)

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/thoa-thuan-hat-nhan-iran-ngay-ve-con-xa-167181.html