Thỏa thuận Minsk chính là lối thoát cho cuộc khủng hoảng Ukraine!

Khi các nhà lãnh đạo thế giới đang nỗ lực tìm kiếm một giải pháp ngoại giao cho căng thẳng Nga-Ukraine, Thỏa thuận Minsk 2015 được xem như một lối thoát khả dĩ để thoát khỏi cuộc khủng hoảng và xua đi nguy cơ chiến tranh đang cận kề.

Thỏa thuận Minsk là gì?

Vào một ngày của tháng 2/2015, cuộc gặp hiếm hoi giữa các nhà lãnh đạo Nga, Ukraine, Đức và Pháp nhằm mang lại hòa bình cho các khu vực bị lực lượng ly khai tiếp quản của Ukraine đã diễn ra. Những khu vực đó, ở vùng Donbas của Ukraine, được gọi là Cộng hòa Nhân dân Luhansk (LPR) và Cộng hòa Nhân dân Donetsk (DPR).

Kết quả là Thỏa thuận Minsk 2015 đã được ký kết bởi đại diện của Nga, Ukraine, phe ly khai và Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE). Sau đó, nó đã được thông qua bởi một nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.

Quang cảnh diễn ra thỏa thuận Minsk hồi năm 2015

Thỏa thuận này gồm một số điều khoản. Đầu tiên và cấp thiết nhất là lệnh ngừng bắn. Vào tháng 2 năm 2015, lúc đó giao tranh đang diễn ra rất ác liệt ở Donbas giữa Ukraine và lực lượng nổi dậy do Nga hỗ trợ.

Các điều khoản tiếp theo là các bên rút vũ khí hạng nặng ra khỏi tiền tuyến, OSCE sẽ thực hiện nhiệm vụ giám sát, tổ chức bầu cử tại các khu vực do phiến quân chiếm đóng, các lực lượng nước ngoài và lính đánh thuê phải rút lui... Song quan trọng hơn cả là việc Ukraine sẽ cải cách hiến pháp để cung cấp một số quyền tự trị cho các khu vực ở Donbas.

Nhờ thỏa thuận Minsk II, các trận giao tranh tồi tệ nhất đã dừng lại, OSCE đã có mặt ở đó để giám sát. Cho đến ngày nay, OSCE vẫn tuần tra tiền tuyến và báo cáo các vi phạm ngừng bắn dọc theo biên giới. Từ góc độ đó, ít nhất thỏa thuận đã được thực hiện một phần. Tuy nhiên, vẫn có tới 1,5 triệu người Ukraine phải sơ tán và gần 14.000 người đã thiệt mạng trong cuộc xung đột ở Donbas.

Dẫu vậy, thỏa thuận Minsk được đưa ra rất vội vàng. Nga đã tham gia ký kết nhưng vai trò của nước này trong cuộc xung đột không được thừa nhận. Thật vậy, từ 'Nga' không xuất hiện ở bất cứ đâu trong văn bản. Điều đó cho phép Điện Kremlin nói rằng họ chỉ đơn thuần là một quan sát viên. Công việc đàm phán chính phải được thực hiện bởi chính phủ Ukraine và phe nổi dậy. Tuy nhiên, chính phủ Ukraine lại từ chối đàm phán trực tiếp với phiến quân.

Sự vội vàng cũng dẫn đến ngôn từ của thỏa thuận không chính xác, khi Nga và Ukraine diễn giải lộ trình chính trị của mình rất khác nhau. Ukraine muốn giành lại quyền kiểm soát Donbas trước khi các cuộc bầu cử được tổ chức. Trong khi đó, Nga muốn tổ chức bầu cử khi Donbas vẫn nằm dưới sự kiểm soát của phe ly khai. Những nỗ lực của các nhà ngoại giao phương Tây nhằm giải quyết vòng luẩn quẩn này đã không đi đến đâu.

Tại sao Minsk là lối thoát duy nhất?

Vậy tại sao Thỏa thuận Minsk lại được xem như lối thoát cho cuộc khủng hoảng hiện tại và đặc biệt là giải pháp để xua đi nguy cơ chiến tranh đang hiện hữu? Vấn đề nằm ở chỗ thỏa thuận này chính là một cách khác mà Nga có thể duy trì ảnh hưởng của mình ở Ukraine, mà không cần đến các đảm bảo an ninh từ phương Tây vốn đang hoàn toàn bế tắc trên bàn đàm phán.

Nếu không tìm ra được một lối thoát ngoại giao, nguy cơ chiến tranh giữa Nga và Ukraine, thậm chí có nguy cơ lan rộng ra châu Âu, là khó tránh khỏi.

Nó cũng sẽ cung cấp cho Nga khả năng kiểm soát các lãnh thổ ở Donbas mà không cần sáp nhập chúng, như họ đã làm với Crimea vào năm 2014. Qua đó, Nga cũng sẽ không phải chịu những lệnh trừng phạt kinh tế từ phương Tây, một vấn đề cũng rất nóng bỏng trong cuộc khủng hoảng hiện tại.

Nga thực ra đã cấp hộ chiếu cho hàng trăm nghìn cư dân của Donbas. Điều này sẽ giúp Nga có một vai trò trong quốc hội Ukraine. Đây là cơ sở để Nga dập tắt ý định của Ukraine để gia nhập NATO, mà không cần phương Tây đáp ứng các đòi hỏi an ninh hiện tại.

Thực tế, chính Tổng thống Pháp Emmanuel Macron coi Thỏa thuận Minsk là hướng đi hứa hẹn nhất để ngăn chặn xung đột. Sau cuộc gặp với Tổng thống Vladimir Putin hồi đầu tuần này, ông thừa nhận: "Thỏa thuận Minsk là cách duy nhất cho phép chúng ta xây dựng hòa bình và xây dựng một nền chính trị khả thi". Macron cũng nói thêm rằng ông đã "nhận được cam kết rất rõ ràng từ cả Tổng thống Putin của Nga lẫn Tổng thống Zelensky của Ukraine trong việc tuân theo thỏa thuận Minsk".

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cũng cho biết hồi đầu tuần này rằng Mỹ và Ukraine "đoàn kết" trong việc ủng hộ các thỏa thuận Minsk như một con đường phía trước để giải quyết xung đột. Nhưng ông cũng ám chỉ rằng thỏa thuận không phải là giải pháp một cửa.

Ukraine có chủ quyền, như người Ukraine nhấn mạnh, hay chủ quyền của nó nên bị giới hạn, như Nga yêu cầu? Dù thế nào thì Thỏa thuận Minsk vẫn sẽ là một lối thoát gần như duy nhất cho cuộc khủng hoảng ở phía đông châu Âu hiện tại. Hay nói cách khác, nó chính là một giải pháp để các bên đều đạt được mong muốn của mình, khi có thể thay thế cho các thỏa thuận mà cả Nga, Mỹ, NATO hay EU đều không muốn nhượng bộ hiện tại.

Cụ thể, nó sẽ giúp Nga kiểm soát được Ukraine, qua đó ngăn nước này gia nhập NATO. Trong khi đó, NATO, gồm Mỹ, cũng không phải bẽ mặt khi mang tiếng bị Nga cấm kết nạp một thành viên nào đó. Quan trọng hơn cả, nó sẽ ngăn chặn được một cuộc chiến giữa Nga và Ukraine mà nếu xảy ra sẽ tạo ra một cuộc khủng hoảng toàn diện, từ kinh tế, địa chính trị và trên hết đe dọa cuộc sống hay thậm chí sinh mạng của hàng chục triệu người ở châu Âu.

Đó là điều ắt hẳn chẳng ai mong muốn!

Hải Anh

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/thoa-thuan-minsk-chinh-la-loi-thoat-cho-cuoc-khung-hoang-ukraine-post181087.html