Thỏa thuận ngừng bắn mở ra hy vọng cho cứu trợ và tái thiết Gaza
Thỏa thuận ngừng bắn giữa Israel và Hamas vừa được công bố mang lại hy vọng cho hàng triệu người tại Dải Gaza sau hơn 15 tháng xung đột khốc liệt.
Thỏa thuận ngừng bắn nhằm chấm dứt 15 tháng chiến sự giữa Israel và Hamas đã chính thức được công bố vào ngày 15-1 với sự trung gian của Qatar, Ai Cập và Mỹ. Dải Gaza đã phải hứng chịu những tàn phá nặng nề với tác động nhân đạo khổng lồ suốt 15 tháng qua. Theo cơ quan y tế của Gaza, số người tử vong do chiến sự tính đến nay là 46.788 người - ghi nhận từ các ca tử vong ở bệnh viện và gia đình nạn nhân báo cáo. 59% trong số này là phụ nữ, trẻ em và người cao tuổi, nhưng phân tích của Liên hợp quốc (LHQ) vào tháng 11 lại chỉ ra có tới 70% người thiệt mạng là phụ nữ và trẻ em. Ngoài ra, có tới 110.453 người Palestine đã bị thương trong cuộc chiến, cơ quan y tế này cho biết. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã báo cáo vào ngày 3-1 rằng 25% trong số này bị thương nặng và để lại ảnh hưởng lâu dài trong cuộc sống.
Cuộc xung đột cũng đã gây ra thiệt hại lớn đến cơ sở hạ tầng trên khắp Gaza. Trong phân tích mới nhất tính đến ngày 11-1, Các học giả Corey Scher từ Tổ chức giáo dục CUNY Graduate Center và Jamon Van Den Hoek từ Đại học Oregon State ước tính rằng 59,8% các tòa nhà ở Dải Gaza đã bị hư hại hoặc phá hủy kể từ khi chiến tranh bắt đầu. Trung tâm vệ tinh LHQ (UNOSAT) ước tính con số cao hơn - có thể lên đến 69% các công trình đã bị phá hủy hoặc hư hại vào đầu tháng 12. LHQ cũng kết luận rằng 68% mạng lưới giao thông ở Gaza cũng bị hư hại hoặc phá hủy.
Có nhiều trường hợp thiệt hại xảy ra ở các cơ sở y tế quan trọng. Có khoảng 50% bệnh viện đã đóng cửa, trong khi các bệnh viện còn lại chỉ hoạt động một phần, tức nhiều bệnh viện không có khả năng điều trị các bệnh mãn tính và chấn thương phức tạp. Ngoài ra, các cơ sở giáo dục cũng bị tàn phá nghiêm trọng. Lực lượng phòng vệ Israel (IDF) đã tấn công vào các trường học 49 lần kể từ giữa tháng 7 khi họ nhắm vào các chiến binh Hamas.
Chiến sự cũng khiến người dân Gazza phải di tản. Văn phòng Điều phối các vấn đề nhân đạo của LHQ ước tính có 1,9 triệu người dân ở Gaza đã phải di cư, chiếm khoảng 90% dân số khu vực này. Hầu như toàn bộ 2,3 triệu người dân Gaza đã phải rời bỏ nhà cửa khi quân đội Israel tiến hành các cuộc tấn công liên tục trên toàn bộ lãnh thổ và ra các lệnh sơ tán diện rộng đối với các khu dân cư lớn.
Chung tay cứu trợ, tái thiết
Chương trình Lương thực thế giới (WFP) đã chuẩn bị sẵn sàng đưa 80.000 tấn lương thực vào Gaza. Theo WFP, lượng thực phẩm này có thể nuôi sống hơn một triệu người trong 3 tháng. WFP nhấn mạnh cần đảm bảo việc di chuyển không hạn chế của các đội nhân đạo và nguồn cung cấp để hỗ trợ những người đang cần cứu trợ. Ngoài lương thực, hỗ trợ y tế cũng được ưu tiên. WHO cùng các đối tác đã sơ tán y tế cho 12 bệnh nhân và gần 30 người đi cùng từ Gaza. Hầu hết bệnh nhân này mắc các bệnh nghiêm trọng như ung thư hoặc rối loạn miễn dịch và sẽ được điều trị tại Albania, Pháp, Na Uy và Romania. WHO kêu gọi thêm nhiều quốc gia tham gia hỗ trợ, khi hơn 12.000 người đang chờ được sơ tán y tế trong bối cảnh hệ thống y tế tại Gaza bị tàn phá nghiêm trọng.
Cơ quan viện trợ người Palestine của LHQ (UNRWA) tiếp tục vận hành các trung tâm y tế, phòng khám tạm thời và điểm y tế trên khắp Gaza. Hơn 1.070 nhân viên y tế của UNRWA đã thực hiện hơn 16.000 lượt khám mỗi ngày, bao gồm chăm sóc đặc biệt cho phụ nữ mang thai, chăm sóc sức khỏe răng miệng và vật lý trị liệu. Tuy nhiên, tương lai của UNRWA tại Gaza đang đối mặt với thách thức lớn. Israel vừa thông qua luật cấm cơ quan này hoạt động tại Gaza, dự kiến có hiệu lực vào cuối tháng này. Mặc dù vậy, LHQ khẳng định UNRWA sẽ tiếp tục sứ mệnh với hơn 30.000 nhân viên trong khu vực và không có kế hoạch rút lui.
WHO mong muốn các quốc gia thành viên, nhà tài trợ và cộng đồng toàn cầu cùng chung tay hỗ trợ nhu cầu y tế khẩn cấp và việc tái thiết dài hạn hệ thống chăm sóc sức khỏe của Gaza. Ông Rik Peeperkorn, đại diện WHO tại các lãnh thổ Palestine bị Israel kiểm soát, ngày 16-1 khẳng định "LHQ không thể thực hiện công tác ứng phó một mình". Một phần trong thỏa thuận ngừng bắn yêu cầu cho phép 600 xe tải chở hàng viện trợ nhân đạo vào Gaza mỗi ngày kể từ khi thỏa thuận có hiệu lực vào ngày 19-1. Theo ông Peeperkorn, WHO đã sẵn sàng triển khai các chiến dịch, dù vẫn còn "những rào cản an ninh và chính trị đối với việc cung cấp viện trợ trên khắp Gaza" cần được gỡ bỏ. "Đây là lúc các quốc gia thành viên, các nhà tài trợ, cộng đồng toàn cầu cần đứng lên và cung cấp nguồn tài trợ linh hoạt nhằm đáp ứng cả những nhu cầu cấp bách trước mắt lẫn mục tiêu dài hạn", ông Peeperkorn cho biết thêm. Ông Peeperkorn nhấn mạnh rằng cần có khoản hỗ trợ lớn do mức độ tàn phá tại Gaza vô cùng nghiêm trọng. Ước tính chỉ riêng chi phí tái thiết hệ thống và cơ sở y tế trong 1,5 năm đầu tiên đã hơn 3 tỷ USD và lên tới 10 tỷ USD trong 5 đến 7 năm. "WHO cam kết giải quyết các nhu cầu y tế cấp bách của người dân tại Gaza hiện nay và sau khi thỏa thuận ngừng bắn có hiệu lực. Đây sẽ là nhiệm vụ vô cùng lớn lao bởi hiện chưa đến một nửa số bệnh viện ở Gaza hoạt động", Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus nhấn mạnh.