Thỏa thuận thuế doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu có như kỳ vọng?
Ngày 8-10, Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) thông báo chính thức đạt được thỏa thuận bước ngoặt về mức đánh thuế doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu sau khi thành viên cuối cùng của tổ chức này là Hungary ký thỏa thuận.
Tuy nhiên, liệu thỏa thuận này có mang lại sự công bằng như kỳ vọng, tính khả thi đến đâu và thời hạn thực thi vào năm 2023 liệu có phù hợp... đang là những câu hỏi lớn được đặt ra.
Sau Ireland và Estonia, Hungary đã đồng ý từ bỏ quan điểm phản đối và ký thỏa thuận áp dụng mức thuế doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu 15% từ năm 2023. Hiện trong số 140 nước trên thế giới tham gia đàm phán thỏa thuận cải cách hệ thống thuế nói trên, có 136 quốc gia và khu vực pháp lý phê chuẩn văn kiện này. Kenya, Nigeria, Pakistan và Sri Lanka bỏ phiếu trắng. Với con số đồng thuận trên, thỏa thuận này sẽ bao trùm 90% nền kinh tế toàn cầu.
Theo thỏa thuận trên, kể từ năm 2023, tỷ lệ thuế doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu 15% sẽ được áp dụng cho các công ty có thu nhập từ 750 triệu euro (870 triệu USD) trở lên. Thỏa thuận trên đã có một số điều chỉnh so với văn bản gốc, trong đó, tỷ lệ đánh thuế 15% sẽ không tăng ngay lập tức và các doanh nghiệp nhỏ cũng không bị ảnh hưởng bởi tỷ lệ này.
Thỏa thuận này được hy vọng sẽ tạo ra những đột phá và mang lại sự công bằng vì phân bổ lại hơn 125 tỷ USD lợi nhuận từ khoảng 100 công ty đa quốc gia lớn nhất và có lợi nhuận nhiều nhất cho các quốc gia trên toàn thế giới. Thỏa thuận này được trông đợi sẽ góp phần tránh tình trạng nhiều nước đua nhau giảm thuế để thu hút doanh nghiệp và phần nào hạn chế hiện tượng chuyển lợi nhuận ra nước ngoài, vốn là chiêu né thuế “cao tay” của các tập đoàn xuyên quốc gia, đặc biệt là các tập đoàn công nghệ.
Thỏa thuận trên cũng bảo đảm những công ty này đóng thuế công bằng ở bất kỳ nơi nào công ty vận hành và tạo ra lợi nhuận, theo tuyên bố của OECD. Tổng Thư ký OECD, ông Mathias Cormann nhấn mạnh, thỏa thuận mới đạt được sẽ khiến các thỏa thuận thuế quốc tế công bằng và hiệu quả hơn. Theo Bộ trưởng Tài chính Đức Olaf Scholz: "Đây là một bước đi lớn nữa hướng đến củng cố hệ thống thuế công bằng".
Mặc dù vậy, tỷ lệ 15% vẫn thấp hơn rất nhiều thuế suất trung bình khoảng 23,5% ở các nước công nghiệp hóa. Việc đạt được thỏa thuận về mức thuế tối thiểu toàn cầu sẽ tạo ra những thay đổi lớn với các nền kinh tế nhỏ hơn, như Ireland, vốn thu hút các công ty quốc tế thông qua mức thuế thấp hơn. Tuy nhiên, theo OECD, thỏa thuận trên không tìm cách loại bỏ cạnh tranh về thuế, mà thay vào đó áp đặt các giới hạn về thuế đã được nhất trí ở cấp độ đa phương.
OECD cho biết, năm 2022, tất cả thành viên sẽ ký vào một công ước đa phương về thực thi hiệu quả cải cách thuế doanh nghiệp toàn cầu mới vào năm 2023. Ông Mathias Cormann khẳng định, đây là chiến thắng lớn của chủ nghĩa đa phương cân bằng và hiệu quả. Thỏa thuận này bảo đảm hệ thống thuế quốc tế phù hợp với mục tiêu của một nền kinh tế thế giới số hóa và toàn cầu hóa".
Tuy nhiên, một số nước tỏ ra quan ngại về việc thực thi thỏa thuận, thậm chí tương lai của thỏa thuận này còn bị nghi ngờ. Bộ Tài chính Thụy Sĩ đề nghị cần tính đến lợi ích của các nền kinh tế nhỏ và cho rằng thời hạn thực thi năm 2023 là không thể. Tại Mỹ, gần đây, các thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa bày tỏ phản đối các hiệp ước quốc tế và ủng hộ cắt giảm thuế doanh nghiệp. Vì vậy, một nhóm thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa đã gửi thư lên Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen bày tỏ lo ngại rằng chính quyền Tổng thống Joe Biden vốn ủng hộ thỏa thuận nói trên, đang định bỏ qua sự đồng ý của Thượng viện trong việc thực thi các hiệp ước quốc tế.
Trong khi đó, một số quốc gia đang phát triển muốn áp mức thuế cao hơn cho biết, lợi ích của họ đã bị gạt sang một bên để phù hợp với lợi ích của các nước giàu và các nước giàu sẽ tiếp tục thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài. Bộ trưởng Kinh tế Argentina Martin Guzman cho rằng, việc áp mức thuế tối thiểu trên toàn cầu sẽ buộc các nước đang phát triển phải chọn giữa "điều xấu và điều tồi tệ hơn". Còn các nhóm hoạt động như tổ chức thiện nguyện Oxfam cho rằng, thỏa thuận trên sẽ không giúp chấm dứt "thiên đường thuế".
OECD cho biết, thỏa thuận sẽ được gửi lên Hội nghị Bộ trưởng Tài chính Nhóm Các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) ngày 13-10 để chính thức ký kết, sau đó chuyển tới Hội nghị thượng đỉnh G20 vào cuối tháng này tại Rome (Italy). Các nước ủng hộ thỏa thuận sẽ phải luật hóa văn kiện này vào năm tới để thỏa thuận có hiệu lực từ năm 2023.