Bức tranh tương phản của kinh tế Canada
Kinh tế Canada đang thể hiện một bức tranh tương phản rõ nét: một mặt, đồng CAD có triển vọng tăng giá mạnh mẽ; mặt khác, ngành sản xuất của quốc gia này lại đang trải qua giai đoạn suy thoái nghiêm trọng, chủ yếu do tác động từ chính sách thuế quan của Mỹ.

Kinh tế Canada đang thể hiện một bức tranh tương phản rõ nét. (Nguồn: AIT)
Theo mạng tin financialpost.com ngày 5/7, các nhà phân tích tiền tệ tại ngân hàng Scotiabank dự báo đồng CAD có thể tăng lên tới 78 cent vào cuối năm nay, sớm hơn dự kiến ban đầu là năm 2026. Ông Shaun Osborne, chiến lược gia ngoại hối tại ngân hàng Scotiabank, bày tỏ sự lạc quan về triển vọng của đồng CAD và bi quan về đồng USD.
Đồng CAD đã thể hiện hiệu suất ấn tượng trong sáu tháng qua khi tăng mạnh 6,2% so với đồng USD.
Riêng trong ngày 3/7, đồng CAD đã tăng 0,5%, đạt mức cao nhất trong ngày là 73,76 cent. Ngược lại, chỉ số đồng USD, thước đo hiệu suất của đồng bạc xanh so với rổ các loại tiền tệ chính, đã giảm gần 11%. Đây là mức hiệu suất tồi tệ nhất trong 6 tháng liên tiếp kể từ những năm 1970 và cũng là kết quả tệ nhất trong nửa đầu năm kể từ năm 2017. Ông Osborne nhận định xu hướng suy yếu của đồng USD rất có thể sẽ tiếp tục.
Trong khi đồng CAD đang trên đà tăng giá, ngành sản xuất của Canada lại phải đối mặt với một giai đoạn khó khăn chưa từng có.
Mạng tin nationalpost.com ngày 5/7 đưa tin các nhà sản xuất Canada đang phải cắt giảm sản lượng ở mức cao nhất kể từ đại dịch Covid-19, trong bối cảnh chính sách thuế quan của Mỹ làm đảo lộn mọi dự báo.
Chỉ số nhà quản lý mua hàng (PMI) ngành sản xuất của công ty phân tích tài chính S&P Global Canada đã giảm xuống 45,6 vào tháng Sáu, từ mức 46,1 điểm của tháng Năm. Đây là tháng thứ năm liên tiếp chỉ số này nằm dưới ngưỡng 50, báo hiệu ngành sản xuất đang suy giảm và sản lượng sụt giảm.
Ông Paul Smith, Giám đốc Kinh tế tại công ty phân tích S&P Global Market Intelligence, khẳng định nền kinh tế sản xuất của Canada tiếp tục gặp khó khăn do chính sách thuế quan và sự bất ổn liên quan đến các chính sách thương mại trong tương lai.
Nguyên nhân chính của sự suy giảm này là do chính sách thuế quan của Mỹ tác động nghiêm trọng đến ngành sản xuất Canada, làm tăng chi phí và khiến hàng hóa nước này kém cạnh tranh hơn trên thị trường Mỹ. Dữ liệu tháng Sáu cho thấy mức sụt giảm sản lượng lớn nhất kể từ đại dịch Covid-19. Các nhà sản xuất đã cắt giảm khối lượng sản xuất ở mức mạnh nhất trong hơn 5 năm vào tháng Sáu, trong bối cảnh số lượng đơn hàng mới sụt giảm mạnh.
Tình hình này còn trầm trọng hơn do thiếu hụt đơn hàng mới, đặc biệt là từ thị trường Mỹ, nơi chiếm khoảng 75% tổng kim ngạch xuất khẩu của Canada. Điều này khiến các đơn hàng xuất khẩu mới sụt giảm với tốc độ nhanh nhất trong lịch sử khảo sát của S&P Global.
Bên cạnh đó, các nhà sản xuất Canada đã cắt giảm đáng kể hoạt động thu mua do cả sản lượng và đơn hàng mới đều sụt giảm mạnh. Lượng hàng tồn kho đầu vào giảm với tốc độ nhanh nhất trong 5 năm, buộc các công ty phải phụ thuộc nhiều hơn vào nguồn hàng có sẵn.
Để ứng phó với tình trạng suy giảm kéo dài, nhiều nhà sản xuất đã cắt giảm lực lượng lao động, khiến số lượng việc làm sụt giảm trong tháng thứ năm liên tiếp. Một số công ty sa thải nhân viên để cắt giảm chi phí, trong khi những doanh nghiệp khác lựa chọn không tuyển dụng thay thế nhân sự nghỉ việc nhằm đối phó với bất ổn và bảo toàn dòng tiền.
Mặc dù tình trạng sụt giảm việc làm liên tục cho thấy mối lo ngại lớn hơn trong ngành sản xuất về triển vọng ngắn hạn, một số chuyên gia vẫn kỳ vọng sự bất ổn về chính sách thuế quan sẽ giảm bớt trong năm tới. Khảo sát cũng chỉ ra doanh số từ thị trường nội địa có thể tăng, và niềm tin vào triển vọng đã tăng lên mức cao nhất kể từ tháng Một, dù vẫn thấp hơn mức trung bình trong lịch sử. Tuy nhiên, ông Smith cho rằng dù tâm lý đã cải thiện nhờ hy vọng vào sự ổn định trong năm tới, niềm tin vào triển vọng vẫn còn yếu và bấp bênh.
Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/buc-tranh-tuong-phan-cua-kinh-te-canada-320072.html