Thỏa ước lao động tập thể góp phần cùng doanh nghiệp phát triển bền vững

Thỏa ước lao động tập thể (TƯLĐTT) không chỉ góp phần đảm bảo quyền, lợi ích chính đáng của người lao động (NLĐ) mà còn xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ trong các doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp phát triển bền vững. Vì vậy, nâng cao hiệu quả thương lượng, ký kết, thực hiện TƯLĐTT là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của tổ chức công đoàn.

 Liên đoàn Lao động huyện Vĩnh Linh phối hợp tổ chức ký kết thỏa ước lao động tập thể nhân dịp Tháng Công nhân năm 2021 - Ảnh: T.N

Liên đoàn Lao động huyện Vĩnh Linh phối hợp tổ chức ký kết thỏa ước lao động tập thể nhân dịp Tháng Công nhân năm 2021 - Ảnh: T.N

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 3.469 doanh nghiệp (DN) đang hoạt động, giải quyết việc làm cho hơn 44.000 lao động. Trong đó có 273 DN có tổ chức công đoàn, với 12.000 đoàn viên. Nhìn chung, tình hình quan hệ lao động, đời sống, việc làm của công nhân lao động (CNLĐ) cơ bản ổn định. Tuy nhiên, ở một số DN, tình trạng vi phạm chế độ chính sách đối với NLĐ vẫn còn diễn ra; một bộ phận CNLĐ thiếu hiểu biết về pháp luật lao động, chưa quan tâm đến quyền và lợi ích theo pháp luật quy định, chỉ đến khi lợi ích bị xâm phạm mới nảy sinh bất hòa trong quan hệ lao động.

Xác định việc thương lượng, ký kết, thực hiện tốt TƯLĐTT tại các DN là một trong những giải pháp quan trọng góp phần chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng cho đoàn viên, NLĐ, những năm qua, LĐLĐ tỉnh thường xuyên quan tâm chỉ đạo các cấp công đoàn tiếp tục phối hợp với chuyên môn, người sử dụng lao động tổ chức hiệu quả việc thực hiện quy chế dân chủ cơ sở tại nơi làm việc. Trong đó, tập trung tư vấn, hỗ trợ công đoàn cơ sở (CĐCS) thương lượng, xây dựng, sửa đổi, bổ sung, tổ chức ký kết TƯLĐTT; tổ chức tập huấn cho cán bộ công đoàn cấp trên cơ sở và CĐCS về TƯLĐTT; huấn luyện kỹ năng thương lượng tập thể cho người tham gia thương lượng; cử cán bộ công đoàn cấp trên đến dự họp thương lượng tập thể với cơ sở… Hằng năm, tổ chức ký kết giao ước thi đua với các đơn vị công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở, trong đó chỉ tiêu về thương lượng, ký kết TƯLĐTT là chỉ tiêu quan trọng và kết quả thực hiện TƯLĐTT là một trong những tiêu chí để đánh giá chất lượng, xét thi đua khen thưởng hằng năm đối với công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở và CĐCS.

Đến nay, nhiều DN trên địa bàn tỉnh đã duy trì tốt việc ký kết và thực hiện TƯLĐTT. Nội dung các TƯLĐTT có nhiều điểm có lợi hơn cho NLĐ so với quy định của pháp luật như: Thưởng lương tháng 13, thưởng sáng kiến, thưởng chuyên cần, hỗ trợ kinh phí học tập nâng cao trình độ, tay nghề, chế độ ATVSLĐ, chế độ ăn ca; thêm ngày nghỉ việc riêng có hưởng lương, phúc lợi; trợ cấp khó khăn, xăng xe, nhà trọ, nuôi con nhỏ, tham quan; chính sách với lao động nữ; các điều kiện bảo đảm cho tổ chức công đoàn hoạt động... Nhiều DN đã tổ chức công khai, phổ biến TƯLĐTT cho NLĐ, có cơ chế giám sát thực hiện TƯLĐTT giữa hai bên trong quan hệ lao động, định kỳ tự đánh giá việc thực hiện và rà soát, sửa đổi, bổ sung TƯLĐTT. Trong đó, vai trò giám sát thực hiện TƯLĐTT của CĐCS ngày càng được nâng cao, nhất là ở các DN có đông CNLĐ. Tiêu biểu như Công ty TNHH Chaichareon Việt Thái, Công ty CP Tổng Công ty Thương mại Quảng Trị, Công ty May XNK Tân Định, Công ty CP Đầu tư và Khoáng sản Vico Quảng Trị, Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Lifecom…

Tuy nhiên, việc triển khai ký kết TƯLĐTT vẫn còn một số hạn chế, khó khăn nhất định. Đến nay, toàn tỉnh mới có 164/273 DN, chiếm 60% số DN (có tổ chức công đoàn) tổ chức ký kết TƯLĐTT. Một số TƯLĐTT đã hết hạn nhưng chưa thương lượng, ký kết mới. Nội dung chỉ tập trung vào chế độ phúc lợi như trợ cấp khó khăn, hiếu hỷ, tang gia, lễ tết; số TƯLĐTT có điều khoản có lợi về nội dung tiền lương, phụ cấp còn ít. Một số cán bộ công đoàn chưa nghiên cứu sâu về pháp luật lao động và rèn luyện kỹ năng thương lượng, tổ chức ký kết và giám sát thực hiện TƯLĐTT… Nguyên nhân của hạn chế nêu trên là do quy định của pháp luật về việc thương lượng, xây dựng và ký kết TƯLĐTT chưa là yêu cầu bắt buộc đối với DN, do đó hoạt động thương lượng, thỏa thuận giữa tổ chức công đoàn với chủ DN nhằm tăng thêm quyền lợi cho NLĐ còn gặp nhiều khó khăn. Công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, nhất là các quy định của pháp luật về TƯLĐTT đến với DN còn hạn chế, người sử dụng lao động và NLĐ chưa nhận thức đầy đủ về sự cần thiết trong ký kết và thực hiện TƯLĐTT; kỹ năng tuyên truyền, vận động, năng lực đàm phán, thương lượng của cán bộ công đoàn còn hạn chế…

Để nâng cao hiệu quả công tác thương lượng, ký kết, thực hiện TƯLĐTT, thời gian tới, LĐLĐ tỉnh Quảng Trị tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho đội ngũ cán bộ công đoàn các cấp, người sử dụng lao động và NLĐ về vai trò, ý nghĩa và tầm quan trọng của thương lượng, ký kết và thực hiện TƯLĐTT. Tổ chức tập huấn cho cán bộ CĐCS nhằm cung cấp những kiến thức, kỹ năng cần thiết để tham gia thương lượng, đàm phán với DN trong xây dựng TƯLĐTT; thành lập các tổ tư vấn pháp luật nhằm tăng cường tuyên truyền về những quy định về thương lượng, đối thoại, ký kết TƯLĐTT theo Bộ Luật Lao động năm 2019. Tổ chức các diễn đàn trao đổi kinh nghiệm trong công tác thương lượng, ký kết TƯLĐTT cho cán bộ CĐCS. Phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước về lao động và Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh trong việc thương lượng, ký kết TƯLĐTT ngành, nhóm ngành nghề. Đồng thời, tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện TƯLĐTT, đảm bảo quyền lợi tập thể và trách nhiệm giữa NLĐ và người sử dụng lao động. Hằng năm giao chỉ tiêu cho các công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở về hỗ trợ CĐCS thương lượng, ký kết TƯLĐTT. Định kỳ tổ chức đánh giá chất lượng các TƯLĐTT, sơ kết, tổng kết đánh giá kết quả thực hiện việc thương lượng, ký kết và thực hiện TƯLĐTT, biểu dương khen thưởng các đơn vị làm tốt; kịp thời kiến nghị, đề xuất cấp có thẩm quyền giải quyết những hạn chế, vướng mắc trong quá trình thực hiện.

Thiên Nhân

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=72&modid=419&itemid=157832&title=thoa-uoc-lao-dong-tap-the-gop-phan-cung-doanh-nghiep-phat-trien-ben-vung