Thoái vốn khỏi ngân hàng vào giai đoạn cuối

Thoái vốn và giảm sở hữu chéo giữa các ngân hàng, doanh nghiệp đã gần về đích, tuy nhiên vẫn còn những khoản đầu tư khó thoái của các cổ đông lớn.

Vào tháng 9/2019, Hội đồng quản trị CTCP Tập đoàn Công nghệ CMC đã thông qua việc chuyển nhượng toàn bộ cổ phần Ngân hàng Bảo Việt (BVB). CMC là cổ đông sáng lập sở hữu 10,3% vốn, tương đương hơn 324 tỷ đồng theo mệnh giá.

Đây là một trong những thương vụ thoái vốn gần chót trong kế hoạch thoái vốn khỏi ngân hàng của các doanh nghiệp và các ngân hàng với nhau, cho các khoản góp vốn thành lập, hoặc đầu tư chéo diễn ra mạnh mẽ giai đoạn cách đây hơn 10 năm.

Theo báo cáo của BaoVietBank, tại ngày 30/6/2019, ngân hàng này vẫn còn hai cổ đông lớn là Tập đoàn Bảo Việt (sở hữu 49,5%) và Vinamilk (sở hữu hơn 14%).

Góp vốn vào nhà băng thì dễ, nhưng thoái vốn thì ngược lại. Sau những khó khăn kinh tế giai đoạn 2008 - 2012, các kế hoạch thoái vốn đã được đặt ra, nhưng để thực hiện mà đảm bảo không bị lỗ lại khó vô cùng vì nhiều lý do. Trong đó, việc tìm được đối tác chuyển nhượng vốn là khó khăn nhất do một số ngân hàng chưa niêm yết hoặc chưa hoàn thành đề án tái cấu trúc.

Cơ hội vàng…

Giảm sở hữu của cổ đông lớn về giới hạn quy định chỉ là một phần yêu cầu đặt ra theo Luật, còn việc giảm tỷ lệ sở hữu chéo giữa các ngân hàng, giữa ngân hàng và doanh nghiệp đã đặt ra từ đề án tái cấu trúc hệ thống ngân hàng cách đây gần 10 năm. Thời gian dài như vậy, nhưng việc thoái vốn chỉ thực sự sôi động ở giai đoạn 2017 - 2019 khi thị trường chứng khoán khởi sắc, VN-Index có thời điểm vượt mốc 1.000 điểm.

Thành công nhất là phải kể tới Vietcombank. Tháng 11/2017, Vietcombank thu về hơn 266 tỷ đồng từ việc thoái vốn 13,2 triệu cổ phần (4,3% vốn góp) khỏi SaigonBank, vượt 100 tỷ đồng so với giá khởi điểm chào bán. Ngoài OCB, Vietcombank còn thoái hoặc giảm vốn tại hàng loạt đơn vị khác như MB (giảm sở hữu xuống dưới 5%), Eximbank, SaigonBank và Tài chính Xi măng, hầu hết các thương vụ đều rơi vào thời điểm thị trường thuận lợi và mức tiền thu về cao hơn nhiều so với kỳ vọng.

Khi diễn biến thị trường chứng khoán đang chịu tác động mạnh bởi dịch Covid-19, cơ hội vàng thoái vốn 2017 - 2019 có thể đã đi qua.

Tại Saigonbank, một “ông lớn” khác là VietinBank cũng thu hơn 300 tỷ đồng sau khi chuyển nhượng toàn bộ hơn 15,1 triệu cổ phần (5,48% vốn góp) trong tháng 5/2019.

Cũng trong giai đoạn trên, từ cuối năm 2017 đến đầu năm 2018,Eximbank đã thoái thành công khoản góp vốn tại Sacombank, mang lại khoản lời tới 648 tỷ đồng.

Cũng trong năm 2019, MobiFone hoàn tất thoái vốn khỏi TPBank,tỷ lệ sở hữu MobiFone tại TPBank từ 0,83% về 0%. Hiện hai doanh nghiệp khác là FPT và Tập đoàn Doji vẫn đang là cổ đông lớn tại ngân hàng này, với tỷ lệ sở hữu lần lượt là 9,42% và 8,25%...

Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, đến thời điểm 30/6/2019, Việt Nam đã cơ bản xóa xong ma trận sở hữu chéo trong hệ thống ngân hàng thương mại.

Cụ thể, qua giám sát của Cơ quan Thanh tra Ngân hàng Nhà nước, đến 30/6/2019, số cặp tổ chức tín dụng sở hữu chéo trực tiếp lẫn nhau về cơ bản đã khắc phục hết. Tình trạng này vào năm 2012, thời điểm yêu cầu xử lý sở hữu chéo được đặt ra nổi bật là 7 cặp.

Về sở hữu cổ phần trực tiếp lẫn nhau giữa ngân hàng và doanh nghiệp, theo báo cáo trên, đến tháng 6/2019 chỉ còn lại 1 ngân hàng thương mại cổ phần với 1 cặp sở hữu cổ phần lẫn nhau. Trong khi đó, tình trạng này tại thời điểm tháng 6/2012 lên tới 56 cặp.

Trường hợp còn lại đó là Ngân hàng Á Châu - Công ty cổ phần Bất động sản Hòa Phát - Á Châu (tỷ lệ sở hữu của Ngân hàng Á Châu tại Công ty cổ phần Bất động sản Hòa Phát - Á Châu là 2,86% và ngược lại là 0,046%).

Tiếp tục giảm sở hữu cổ đông lớn

Việc giảm sở hữu chéo đã đạt được kết quả trong 3 năm trở lại đây, tuy nhiên, việc giảm tỷ lệ sở hữu của cổ đông lớn cần tiếp tục tại các ngân hàng để tránh tình trạng thao túng, vẫn là yêu cầu đề ra.

Chiến lược phát triển ngành ngân hàng Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 cũng đặt mục tiêu: “Từng bước xử lý và xóa bỏ tình trạng đầu tư chéo, sở hữu chéo và sở hữu có tính chất thao túng, chi phối trong các tổ chức tín dụng (TCTD) có liên quan; đẩy mạnh thoái vốn ngoài ngành của các ngân hàng thương mại tại TCTD khác, nhằm lành mạnh trong hệ thống ngân hàng”.

Thông điệp này được thể hiện rõ trong Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các TCTD 2017, và đặc biệt là Thông tư số 46/2018/TT-NHNN quy định về thời hạn, trình tự, thủ tục chuyển tiếp đối với trường hợp cổ đông lớn của một TCTD và người có liên quan của cổ đông đó sở hữu cổ phần từ 5% trở lên vốn điều lệ của một TCTD khác, sẽ chính thức có hiệu lực thi hành từ năm 2021.

Cụ thể, Thông tư yêu cầu TCTD phối hợp với cổ đông lớn rà soát, xác định danh sách cổ đông lớn và người có liên quan của cổ đông đó sở hữu cổ phần từ 5% trở lên vốn điều lệ của một TCTD khác; TCTD đầu mối phối hợp với TCTD khác, nhóm cổ đông lớn có liên quan lập kế hoạch khắc phục việc sở hữu cổ phần vượt giới hạn, triển khai thực hiện kế hoạch khắc phục đảm bảo chậm nhất đến ngày 31/12/2020, tỷ lệ sở hữu cổ phần của nhóm cổ đông lớn có liên quan tuân thủ quy định tại Luật Các TCTD (đã được sửa đổi, bổ sung).

Vì vậy, với kế hoạch khắc phục tối thiểu, phải có danh sách nhóm cổ đông lớn có liên quan, biện pháp và lộ trình khắc phục. Thêm vào đó, kể từ ngày Thông tư 46 có hiệu lực thi hành, nhóm cổ đông lớn có liên quan không được tăng số lượng cổ phần sở hữu tại TCTD đầu mối, TCTD khác dưới mọi hình thức, trừ trường hợp: Nhận cổ phiếu thưởng hoặc cổ tức bằng cổ phiếu, mua cổ phiếu phát hành thêm khi TCTD đầu mối, TCTD khác tăng vốn điều lệ, nhưng phải đảm bảo tỷ lệ sở hữu cổ phần sau khi mua tuân thủ giới hạn tại Luật Các TCTD.

Với các quy định hiện hành thì trong năm 2020 này tiếp tục sẽ có thêm những cuộc thoái vốn khỏi ngân hàng diễn ra, kể cả theo yêu cầu hoặc tự nguyện của cổ đông.

Chẳng hạn tại SaigonBank, hiện cổ đông lớn nhất là Văn phòng Thành ủy TP.HCM nắm hơn 18% vốn với đại diện là ông Nguyễn Phước Minh. Công ty TNHH MTV Xây dựng và kinh doanh nhà Phú Nhuận và Công ty TNHH MTV Du lịch thương mại Kỳ Hòa cùng nắm hơn 16%, kế đến là Công ty TNHH MTV Dầu khí TP.HCM (Saigon Petro)
với tỷ lệ sở hữu hơn 14%.

Trong một phát biểu mới đây, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân cho biết, Thành ủy sẽ lui về vai trò giám sát và không làm kinh tế nữa. Hiện Thành ủy TP.HCM đang có khoản vốn góp lớn tại các ngân hàng SaigonBank, DongABank và điều này có nghĩa là việc thoái vốn sẽ tiếp tục được diễn ra tại hai ngân hàng này.

Quy định đã rõ và câu chuyện năm nay đó là việc thoái thế nào, khi diễn biến thị trường chứng khoán đang chịu tác động mạnh bởi dịch Covid-19. Cơ hội vàng thoái vốn 2017 - 2019 có thể đã đi qua.

Bảo Châu/Đặc san Toàn cảnh Ngân hàng Việt Nam 2020

Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/ngan-hang/thoai-von-khoi-ngan-hang-vao-giai-doan-cuoi-328531.html