Thoáng thu ở Bồ Hòn

Những cơn mưa vội đến, vội đi đủ làm rừng cây ngời lên một sắc xanh mướt mát. Thiên nhiên nơi đây tươi trẻ và duyên dáng. Tôi bước đi trong miên man những rừng keo rừng tràm của xã Bình Thành, một xã vùng gò đồi thuộc thị xã Hương Trà.

Cuối tháng Bảy, cứ chợt nắng, chợt mưa, thi thoảng không khí có chút dịu mát như thể trời muốn vào thu sớm. Và những khoảnh khắc ẩm ương đó đủ làm cho các loài nấm mọc lên cơ man vô kể dưới gốc cây rừng. Thời điểm này, người dân vùng gò đồi rộn ràng, khấp khởi trong niềm vui được mùa nấm tràm, dù rằng hái được thứ lộc rừng này phải đổ không biết bao nhiêu mồ hôi khó nhọc. Tôi đến thôn Bồ Hòn vào đúng dịp này, băn khoăn về cái tên gọi khi đi trên con đường nhựa có chút dốc nhẹ thoai thoải vào thôn mà hai bên xanh mát những rừng cây, không thấy đâu là quả bồ hòn.

Theo chị Nguyễn Thị Tuyết Trinh, cán bộ phụ trách văn hóa - xã hội xã Bình Thành, nguồn gốc tên gọi và sự hình thành của thôn Bồ Hòn cũng rất đặc biệt. Vào năm 1995, gần 20 hộ dân tộc Cơ Tu từ các bản Chà Đu, Mu Nú, A Rí, Làng Nghịa, Lát của xã Hương Nguyên, huyện A Lưới di cư về lập làng mới ở một cụm rừng toàn cây bồ hòn. Họ đã lấy tên cây làm tên làng. Sau đó, do ảnh hưởng từ việc xây dựng hồ thủy điện Tả Trạch và những cơn lũ dữ, năm 2006 họ lại dời làng về đây nhưng vẫn giữ tên làng như cũ.

Bồ Hòn gợi tôi liên tưởng đến khái niệm về những thiệt thòi cam chịu: "Khi thương củ ấu cũng tròn, khi ghét quả bồ hòn cũng méo"; hay "Ngậm bồ hòn làm ngọt"... Cái tên gọi hình như cũng thích hợp một cách không mong muốn: 72 hộ dân của thôn, trừ dăm ba hộ người Kinh thì còn lại đều là người dân tộc Cơ Tu, trong đó nhiều hộ cuộc sống còn khó khăn. Những ngôi nhà hai bên đường hầu như yên ắng vì người lớn đều đã đi làm hoặc vào nương rẫy. Vẫn còn những mái nhà thấp tối và đơn sơ, nhìn vào bỗng thấy nao lòng.

Đến trước căn nhà khang trang của già làng Nguyễn Văn Chức mới biết, ông đi rừng, đúng lúc cô con dâu vừa hái nấm về, gùi nấm đầy ắp trên lưng. Cô gái có chút ngại ngùng khi gặp những người Kinh từ xa đến. Thuyết phục mãi, cô mới trở ra thẹn thùng trong bộ váy zèng truyền thống của dân tộc Cơ Tu, nhỏ nhẹ chuyện trò với khách dưới bóng râm đường làng. Bất ngờ và thú vị hơn khi biết cô gái có nước da trắng ngần, xinh tươi như đóa hoa rừng đó chính là Bí thư Chi bộ thôn Hồ Thị Mơ. Qua những phút ngỡ ngàng ban đầu, chủ và khách nói cười vui vẻ khiến một quãng đường rừng bỗng rộn ràng hẳn lên.

Giờ này nhiều người đi hái nấm cũng đang về, hớn hở với nhiều gùi hoặc giỏ xách đầy những búp nấm tràm tròn múp, phủ lên trên vài nhánh lá rừng. Vẻ hớn hở sáng bừng lên những khuôn mặt nhễ nhại mồ hôi, kết thúc chuyến đi từ một hai giờ sáng. Mấy em bé đứng chơi trên đường có vẻ như đang chờ bố mẹ. Những đôi mắt Cơ Tu to tròn với hàng mi dài ngước nhìn khách lạ ngơ ngác, chỉ ánh lên vẻ vui mừng lúc líu ríu chạy theo đón người thân đi rừng về.

Tôi từ giã Bồ Hòn khi nắng đã rực vàng trên cành lá. Một thoáng thu đẹp cho rừng và lấp lánh vui cho người Bồ Hòn. Những nét cười và ánh mắt Cơ Tu cứ sáng lên trong nắng thu khiến lòng khách mãi bâng khuâng suốt chặng đường về.

Nguyễn Thị Duyên Sanh

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/doi-song/thoang-thu-o-bo-hon-145363.html