Thoát khỏi sự lệ thuộc trong các mối quan hệ

Thay đổi thói quen giao tiếp hay thẳng thắn về khuyết điểm của bản thân là những mẹo hữu ích giúp bạn trở nên độc lập hơn trong bất kỳ mối quan hệ nào.

 Bạn rất có thể đang trở nên gắn bó quá mức bình thường. Ảnh: Mart Studio/Pexels.

Bạn rất có thể đang trở nên gắn bó quá mức bình thường. Ảnh: Mart Studio/Pexels.

Nếu từng trải qua tình trạng lệ thuộc hoặc quen biết với người thường xuyên dựa dẫm, bạn có thể nhận ra rằng sự phụ thuộc thái quá về lâu dài dễ dàng hủy hoại tình bạn lẫn tình yêu.

Tuy nhiên, vẫn có những phương pháp nâng cao nhận thức đơn giản giúp bạn thoát khỏi chướng ngại tâm lý này.

Dưới đây, Science of People tổng hợp 9 giải pháp giúp bạn chấm dứt hoàn toàn sự phụ thuộc và trở nên thoải mái hơn trong mọi mối quan hệ.

Nhận biết được dấu hiệu của sự dựa dẫm thái quá là yếu tố tiên quyết giúp bạn cải thiện bản thân. Ảnh: Anna Pou/Pexels.

Nhận biết được dấu hiệu của sự dựa dẫm thái quá là yếu tố tiên quyết giúp bạn cải thiện bản thân. Ảnh: Anna Pou/Pexels.

Nhận biết

Mỗi người sẽ nhìn nhận sự phụ thuộc khác nhau tùy theo hoàn cảnh lớn lên, kiểu gắn bó (attechment style) và văn hóa nơi họ sống.

Để biết bản thân có phải là tuýp người hay dựa dẫm hay không, bạn nên trực tiếp hỏi ý kiến từ những người thân quen.

Trò chuyện với người bạn đáng tin cậy nhất hoặc người thân trong gia đình để có câu trả lời thẳng thắn nhất.

Bạn có thể tham khảo một số câu hỏi gợi mở như sau:

Theo bạn, mình có phải người quá dựa dẫm không?
Bạn thấy mức độ giao tiếp như thế nào là đủ trong tình bạn của chúng mình?
Bạn có cần thêm không gian và thời gian riêng tư không? Nếu có, bạn hãy cho mình biết tần suất gặp mặt và trò chuyện nào là hợp lý với bạn nhé.

Trong trường hợp không sẵn sàng trò chuyện trực diện, bạn có thể đổi sang chiến lược quan sát. Sau đây là một số dấu hiệu đáng xem xét:

Họ né tránh hoặc hủy luôn các buổi gặp gỡ với bạn
Họ tỏ ra bực bội khi bạn mong muốn được khen ngợi hoặc công nhận
Họ nói rằng bản thân cần thêm không gian riêng tư
Họ chỉ muốn đi chơi nhóm thay vì đi chơi riêng với bạn.

Nếu nhận ra mình thực sự là người lệ thuộc quá nhiều trong mối quan hệ, bạn hãy khoan hoảng loạn hay hổ thẹn. Thay vào đó, bạn nên tập trung cải thiện bản thân để hiểu rõ lý do của việc ỷ lại và dựa dẫm.

Viết nhật ký là một cách hay để bạn tìm hiểu nguyên nhân của sự lệ thuộc trong một mối quan hệ bất kỳ. Ảnh: Lil Artsy/Pexels.

Viết nhật ký là một cách hay để bạn tìm hiểu nguyên nhân của sự lệ thuộc trong một mối quan hệ bất kỳ. Ảnh: Lil Artsy/Pexels.

Đào sâu căn nguyên

Trở nên dựa dẫm thường là kết quả của nhu cầu tìm kiếm sự công nhận hay cam kết chắc chắn từ một bên.

Chẳng hạn, mỗi khi sợ hãi và lo âu, bạn cần an ủi và động viên nhiều hơn từ người bạn thân thiết. Song, với tần suất liên tục, điều này có thể khiến bạn bè trở nên mệt mỏi và xa cách.

Trong trường hợp này, bạn nên tự chịu trách nhiệm với các vấn đề cá nhân thay vì chờ đợi sự giúp đỡ từ người khác. Theo đó, bạn cần thiết phải hiểu rõ ràng nguồn gốc của sự lệ thuộc.

Bắt đầu quá trình tự phản ánh và viết nhật ký là một mẹo hiệu quả để đào sâu nguyên nhân. Dưới đây là một số câu hỏi gợi mở hữu ích:

Bạn định nghĩa như thế nào là một tình yêu/tình bạn lành mạnh?
Bạn quan tâm và chăm sóc những người thân thiết trong cuộc sống của mình như thế nào?
Bạn có sợ sự cô đơn không? Nếu có, vì sao?
Những nỗi sợ nào xuất hiện khi đối phương không phản hồi tin nhắn hay trả lời bạn ngay lập tức?

Phương pháp trên phù hợp để tìm hiểu sơ khai về căn nguyên của sự dựa dẫm quá đà. Khi muốn khắc phục những trạng thái cảm xúc phức tạp hơn, bạn nên tìm kiếm sự trợ giúp từ tham vấn viên hoặc chuyên gia trị liệu chuyên nghiệp.

Nhận thức được kiểu gắn bó sẽ giúp bạn khắc phục được các hành vi phụ thuộc. Ảnh: Liza Summer/Pexels.

Nhận thức được kiểu gắn bó sẽ giúp bạn khắc phục được các hành vi phụ thuộc. Ảnh: Liza Summer/Pexels.

Thấu hiểu các kiểu gắn bó

Kiểu gắn bó (attachment style) miêu tả cách mỗi người hành xử và tương tác với người khác trong các mối quan hệ.

Về cơ bản, học thuyết trên giúp bạn hiểu rõ hơn lý do của những hành vi hay cư xử cụ thể trong các mối quan hệ.

Hiện tại, các nhà nghiên cứu đã xác định được 4 kiểu gắn bó chính như sau:

An toàn (Secure): Tuýp người này thường thoải mái và ít rơi vào tình trạng phụ thuộc thái quá trong các mối quan hệ.
Né tránh (Avoidant): Các cá nhân thuộc nhóm né tránh ít khi bộc lộ cảm xúc và không sẵn sàng thân mật hay gần gũi với người khác.
Mâu thuẫn (Ambivalent): Mẫu người này thường lo âu và nhạy cảm hơn trước thái độ và lời nói của người khác.
Lo âu (Disorganized): Họ dễ trở nên không đáng tin, thiếu kiên định và thậm chí sợ hãi sự thân mật và gần gũi trong các mối quan hệ.

Bất kỳ ai với kiểu gắn bó nào cũng có thể trở thành một người có hành vi dựa dẫm quá đà. Tuy nhiên, những người thuộc tuýp mâu thuẫn và lo âu sẽ có thiên hướng trở nên đòi hỏi hơn trong tình bạn.

Bạn có thể sử dụng những thông tin trên để hiểu sâu hơn về tâm lý đằng sau các mối quan hệ và có được những điều chỉnh phù hợp.

Tăng thêm thời gian riêng tư sẽ giúp bạn quên đi khao khát sự chú ý từ người khác. Ảnh: Gary Barnes/Pexels.

Tăng thêm thời gian riêng tư sẽ giúp bạn quên đi khao khát sự chú ý từ người khác. Ảnh: Gary Barnes/Pexels.

Không gò bó đối phương

Độc chiếm thời gian hay liên lạc với đối phương liên tục có thể khiến họ cảm thấy bị gò bó và mệt mỏi.

Thay vào đó, bạn nên cho họ thêm khoảng không riêng tư để thoải mái phát triển và bộc lộ bản thân.

Ngoài ra, dành thêm thời gian một mình giúp bạn trở nên độc lập và tự do hơn.

Chẳng hạn, vào mỗi cuối tuần bạn sẽ dành khoảng 2 tiếng làm việc mình thích như đi dạo hay vẽ tranh. Điều này giúp bạn trở nên tự tin, sáng tạo cũng như ổn định hơn về mặt cảm xúc.

Theo đuổi sở thích riêng giúp bạn thoát khỏi sự lệ thuộc nhanh chóng hơn. Ảnh: Marta Wave/Pexels.

Theo đuổi sở thích riêng giúp bạn thoát khỏi sự lệ thuộc nhanh chóng hơn. Ảnh: Marta Wave/Pexels.

Củng cố lối sống lành mạnh

Đôi khi, sự phụ thuộc cũng bắt nguồn từ buồn chán hoặc lo lắng tiềm ẩn.

Nếu không để tâm trí bận rộn với những hoạt động tích cực, bạn dễ rơi vào tình trạng kiểm tra điện thoại mỗi 5 phút để kiểm tra tin nhắn tới.

Thay vào đó, bạn có thể đổi hướng sự quan tâm sang những hoạt động ý nghĩa khác như theo đuổi sở thích cá nhân hay trau dồi các kỹ năng sống.

Tóm lại, cuộc sống càng trở nên trọn vẹn và hứng khởi, bạn sẽ càng ít phải lo lắng về cách người khác nhìn nhận mình.

Quá đề cao tài năng của bạn bè khiến bạn trở nên tự ti và lo lắng hơn. Ảnh: Fauxels/Pexels.

Quá đề cao tài năng của bạn bè khiến bạn trở nên tự ti và lo lắng hơn. Ảnh: Fauxels/Pexels.

Ngưng "thần tượng hóa" bạn bè/người yêu

Khi yêu quý và ngưỡng mộ ai đó quá nhiều, bạn có xu hướng trở nên mù quáng trước những khuyết điểm của đối phương và cho rằng họ hoàn hảo.

Theo đó, bạn dễ trở nên dựa dẫm thái quá để tăng sự hiện diện của bạn trong cuộc sống của người kia.

Để tránh tôn bạn bè/người yêu lên quá cao, bạn có thể bắt đầu bằng cách viết hay nói to 5-10 điều bản thân thực sự ngưỡng mộ về người kia.

Tiếp đó, bạn hãy viết ra 5-10 điều mà mọi người yêu thích ở mình, cụ thể là những điều khiến bạn khác biệt so với những người xung quanh.

Bài tập vừa rồi sẽ giúp bạn nhận thấy các ưu điểm của bản thân khách quan hơn từ đó tránh được việc thần tượng hóa những người xung quanh.

Đi quá giới hạn cá nhân của người khác là dấu hiệu tiêu biểu cho thấy bạn đang đi quá sự dựa dẫm thông thường. Ảnh: Ron Lach/Pexels.

Đi quá giới hạn cá nhân của người khác là dấu hiệu tiêu biểu cho thấy bạn đang đi quá sự dựa dẫm thông thường. Ảnh: Ron Lach/Pexels.

Thiết lập và tôn trọng các ranh giới cá nhân

Một trong những trở ngại lớn nhất khi trở nên lệ thuộc là sự vượt quá giới hạn của bản thân lẫn của những người bạn yêu quý.

Vì vậy, thấu hiểu ranh giới lành mạnh là thiết yếu để chấm dứt các hành vi dựa dẫm thái quá. Bạn có thể cân nhắc một số điều sau đây:

Tần suất liên lạc bạn mong muốn là gì? (Nhắn tin, gọi điện và gặp mặt trực tiếp)
Hai người thường trò chuyện về những chủ đề gì?
Khi nào thì mỗi người cần khoảng thời gian riêng tư?

Tiếp theo, bạn nên tìm hiểu và học hỏi thêm về phương pháp vạch ra ranh giới phù hợp cho đôi bên trong các mối quan hệ. Bạn có thể bắt đầu với 5-10 quy tắc với người yêu hoặc bạn bè thân thiết.

Ví dụ: Bạn và đối phương sẽ chỉ gặp mặt trực tiếp mỗi cuối tuần. Đây là một cách hiệu quả giúp giảm bớt sự phụ thuộc vì bạn sẽ không phải chờ đợi mòn mỏi vào các cuộc hẹn vô định.

Thêm nhiều mối quen biết đồng nghĩa với việc bạn ít quan tâm hơn tới một người cụ thể. Ảnh: Ron Lach/Pexels.

Thêm nhiều mối quen biết đồng nghĩa với việc bạn ít quan tâm hơn tới một người cụ thể. Ảnh: Ron Lach/Pexels.

Mở rộng vòng tròn xã giao

Nếu nhận thấy bản thân chỉ “đeo bám” một tuýp người cụ thể, bạn có thể bước ra khỏi vòng luẩn quẩn này bằng cách đa dạng hóa các mối quan hệ xã hội của mình.

Bên cạnh đó, duy trì được một mạng lưới bạn bè phong phú còn có một vài lợi ích nổi bật như có thêm cơ hội phát triển sự nghiệp hay được tiếp cận nhiều lối sống khác nhau.

Bạn hãy tận dụng các dịp mở rộng mối quan hệ như đăng ký lớp học mới hay đi du lịch để thoát khỏi cảm giác quá “đeo bám” một ai đó.

 Rạch ròi giữa bạn thân và bạn thông thường có khả năng làm bạn rơi vào trạng thái dựa dẫm thái quá. Ảnh: Ketut Subiyanto/Pexels.

Rạch ròi giữa bạn thân và bạn thông thường có khả năng làm bạn rơi vào trạng thái dựa dẫm thái quá. Ảnh: Ketut Subiyanto/Pexels.

Tránh phân loại bạn bè

Tình bạn được cho là thân thiết thường đem lại cho bạn cảm giác gần gũi và an toàn vì sự kết nối sâu sắc hơn về mặt tình cảm.

Tuy nhiên, phân loại kiểu bạn như thế này có thể là một dấu hiệu của sự dựa dẫm.

Bạn dễ trở nên gắn bó quá mức hoặc có ý muốn chiếm hữu những người bạn cho là thân thiết nhất. Theo đó, bạn có xu hướng ghen tỵ khi họ đi chơi hoặc gặp gỡ người khác.

Thay vì phân biệt giữa bạn bình thường và bạn thân, bạn có thể xem bạn bè là những cá thể độc nhất đóng những vai trò khác nhau trong cuộc sống của bạn.

Chẳng hạn, một người là bạn cùng tập gym cùng, người kia là người thích hợp đi du lịch chung.

Thiên Trang

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/thoat-khoi-su-le-thuoc-trong-cac-moi-quan-he-post1375375.html