Thoát khỏi trầm cảm, người phụ nữ may mắn tìm lại được sự hoạt bát, yêu đời

Khi nghe bác sĩ thông báo mình bị trầm cảm, chị Nguyễn Thu Hà (ở Hà Nội) giật mình nhận ra, việc kiếm tiền, ghi dấu ấn trong công việc hay trở thành một người vợ hoàn hảo không còn quan trọng nữa. Điều chị cần là mình vui vẻ, hoạt bát, yêu đời trở lại.

 Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Chị Thu Hà tâm sự: "Khi giữ tinh thần lạc quan, tôi không chỉ cảm thấy hạnh phúc hơn mà còn truyền năng lượng tích cực đến chồng con. Thay vì để những khó khăn trong cuộc sống áp đảo, tôi chọn nhìn vào điều tốt đẹp, biết ơn những gì mình đang có và tập trung vào những điều khiến tôi vui. Sự tích cực giúp tôi mạnh mẽ hơn và yêu đời hơn mỗi ngày".

Chị Thu Hà đã áp dụng các cách tăng cường cảm xúc tích cực dưới đây mà bác sĩ đã khuyên chị:

Ở cạnh người tích cực

Ở cạnh người tích cực có thể tác động lớn đến trạng thái cảm xúc của bạn. Xây dựng mối quan hệ tốt với những người có khả năng hỗ trợ, nâng đỡ và truyền cảm hứng sẽ giúp tăng cường cảm xúc tích cực của bạn.

Ngược lại, nên giảm thiểu việc tiếp xúc với những người có ảnh hưởng tiêu cực, gây hại cho sức khỏe tinh thần của bạn.

Tử tế với bản thân

Thay vì tự trách móc, dằn vặt, phán xét bản thân quá mức, hãy cảm thông với chính mình. Dành sự cảm thông tương tự cho bản thân như cách bạn cảm thông với bất kỳ người nào đó đang gặp khó khăn vậy. Điều này sẽ giúp thúc đẩy khả năng phục hồi tinh thần và cảm xúc của bạn tốt hơn.

Chọn hoạt động mang lại niềm vui

Dành thời gian cho những hoạt động, việc làm mang lại niềm vui, sự thỏa mãn thực sự cho bạn. Có thể là thỏa mãn một sở thích như thưởng thức một món ăn yêu thích, chụp một tấm hình, đi bộ hòa mình vào thiên nhiên.

Dù là gì thì hãy ưu tiên các hoạt động vui vẻ, nuôi dưỡng tâm hồn và nâng cao tinh thần của bạn.

Nói lời khích lệ

Thay vì tập trung vào những thiếu sót, điểm yếu của bản thân, hãy tự khích lệ chính mình bằng những lời nói tập trung vào điểm mạnh hay thành tích của bản thân. Điều này giúp bạn nâng cao lòng tự trọng, ý thức cao hơn về giá trị bản thân.

Nuôi dưỡng tư duy phát triển

Điều này bao gồm việc chấp nhận những thách thức để phát triển và học hỏi. Thay vì xem thất bại là trở ngại, hãy tiếp cận chúng với sự tò mò và kiên nhẫn. Không chán nản, bi quan mà hãy coi thất bại đó như những bài học kinh nghiệm quý giá, giúp nuôi dưỡng cái nhìn lạc quan về khả năng của chính bạn.

Tìm kiếm những nụ cười

Nụ cười là "liều thuốc giải độc" mạnh mẽ cho mọi căng thẳng, thúc đẩy cảm giác kết nối của bạn với những người xung quanh. Tìm cho mình tiếng cười trong cuộc sống hằng ngày, kể chuyện vui với bạn bè, đồng nghiệp, xem một chương trình hài, hay sự hài hước ngay trong các tình huống đời thường.

Làm việc tốt

Ngoài những hành động tử tế có chủ ý, bạn hãy làm một việc tốt ngẫu nhiên trong ngày. Có thể đó chỉ là hỗ trợ một người đang mang vác đồ nặng, khen ngợi một người lạ hoặc nhắn tin động viên đồng nghiệp…

Những hành động nhỏ này có thể lan tỏa sự tích cực và vui vẻ đến những người xung quanh và cho chính bạn.

Tránh tiếp xúc với tin tức tiêu cực

Hạn chế tiếp xúc với những tin tức tiêu cực trên mạng xã hội, bởi điều này có thể tăng thêm cảm giác sợ hãi, lo lắng của bạn. Hãy tìm kiếm những câu chuyện yêu thương, truyền cảm hứng để lan tỏa, nuôi dưỡng sự tích cực trong tâm trí của bạn.

Anh Thư

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/thoat-khoi-tram-cam-nguoi-phu-nu-may-man-tim-lai-duoc-su-hoat-bat-yeu-doi-20241201142726799.htm