Thoát nghèo nhờ nghề mây tre đan xuất khẩu
Với quyết tâm thoát nghèo, bà Trần Thị Lài xã Quỳnh Diễn, huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An) đã mạnh dạn đi đầu trong việc phát triển nghề mây tre đan xuất khẩu. Công việc của bà không chỉ duy trì trong gia đình mà còn mở rộng quy mô trở thành tổ hợp sản xuất, tạo việc làm và mang lại thu nhập cho nhiều lao động ở địa phương.
Lần theo câu hò Ví-Dặm, đậm đà bản sắc dân ca xứ Nghệ trong một ngày sơ kết công tác dân vận 6 tháng đầu năm 2024 của xã Quỳnh Diễn, huyện Quỳnh Lưu (tỉnh Nghệ An), chúng tôi được nghe báo cáo điển hình về phát triển làng nghề mây tre đan xuất khẩu. Từ vùng chiêm trũng độc canh cây lúa, duy trì và phát triển được làng nghề xóa đói giảm nghèo, cải thiện đời sống cho người lao động, đây chính là niềm vui bất tận, tự hào của biết bao thế hệ ở địa phương. Người có công lao lớn đưa nghề phát triển bền vững ở Quỳnh Diễn phải kể đến bà Trần Thị Lài, xóm 1.
Bà Trần Thi Lài đã trạc tuổi gần 70 là Chủ tịch Hội Cựu TNXP, trưởng Ban Quản lý làng nghề mây tre đan xuất khẩu xã Quỳnh Diễn kể lại, năm 1972, khi vừa tròn 17 tuổi, bà đã tình nguyện xung phong vào dân công hỏa tuyến, tham gia cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Sau ba năm công tác, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ, năm 1975 bà xuất ngũ về quê hương và tham gia tích cực công tác đoàn thanh niên, rồi đến Hội LHPN cùng một số tổ chức xã hội tại địa phương.
Cuộc sống của bà gặp không ít trắc trở, gian nan, thử thách khi chồng bà bị mắc phải căn bệnh hiểm nghèo và mất sớm. Nỗi đau khi mất đi người chồng hết mực yêu thương khiến bà như suy sụp, lạc đi phương hướng. Thế nhưng, lúc này phía sau bà là bố mẹ già đã ngoài 80 tuổi cần được phụng dưỡng và 4 người con đang độ tuổi ăn học vì vậy bà không cho phép bản thân mình được gục ngã.
Từ một người phụ nữ mỏng manh, yếu đuối vì hoàn cảnh mà bà trở nên kiên cường đến lạ thường. Để có tiền trang trải mọi chi phí sinh hoạt, cho con ăn học, bà sẵn sàng nhận bất cứ việc gì mỗi khi có người thuê. Năm tháng dần trôi qua, với sự nỗ lực vượt khó của bản thân, sự giúp đỡ, đùm bọc yêu thương của bà con làng xóm, bạn bè, đồng đội, bà từng bước vượt qua khó khăn, con cái cũng dần khôn lớn trưởng thành.
Chứng kiến cảnh nông thôn độc canh cây lúa, mưa gió thất thường, lao động dư thừa, thiếu việc làm, nhất là lao động nữ, người trung niên. Như một luồng gió mới thổi về, “nắng hạn gặp mưa”, năm 2001, Đảng, Nhà Nước, chính quyền địa phương, Hội Liên hiệp phụ nữ có chủ trương dạy nghề, tạo việc làm cho người lao động vùng nông thôn, trong đó có nghề mây tre đan xuất khẩu.
Sau khi Hội Liên hiệp phụ nữ báo cáo và trình kế hoạch được Đảng ủy, Chính quyền địa phương ủng hộ, tạo mọi điều kiện giúp đỡ cả về tinh thần và vật chất. Lúc đó, địa phương đã chủ động liên hệ công ty Phương Anh tại xã Nghi Phong, Nghi Lộc để hình thành nghề về xã. Còn về phía bà Lài đã chủ động, mạnh dạn vận động hơn 50 học viên xin được truyền nghề. Kết thúc khóa học 50/50 học viên đạt loại khá, giỏi. “Tổ hợp sản xuất mây tre đan xuất khẩu” do bà làm tổ trưởng ra đời từ ngày ấy.
Mới bước đầu vào sản xuất nghề gặp không ít khó khăn vì đòi hỏi người làm nghề phải khéo léo, sáng tạo, cẩn thận trong sản xuất; thu nhập thì đang thấp nhiều chị em chán nản bỏ nghề. Nhưng với sự quyết tâm không bỏ cuộc của bà Trần Thị Lài, cùng với hội Liên hiệp phụ nữ xã nhà đã động viên chị em kiên trì tham gia sản xuất nghề. Vì vậy nhiều năm tổ hợp đứng vững trên cơ chế thị trường được nhà đầu tư tín nhiệm.
Hàng năm, bà đều phối hợp liên hệ đăng ký đào tạo bồi dưỡng nâng cao tay nghề cho bà con. Tổ chức thăm hỏi, giúp đỡ nhau trong niềm vui, nỗi buồn. Không quản ngày đêm, gió mưa, bà đi từng nhà giúp đỡ, động viên các gia đình nông dân nghèo vượt khó, các thành viên hội thanh niên xung phong tham gia. Với quan điểm sống gần dân, miệng nói, tay làm, tai lắng nghe, đặc biệt, chị em thương binh, bệnh binh, người già yếu, người tàn tật bà xem họ như người cùng mái nhà chung. Chất lượng tay nghề ngày càng được nâng cao. Hội cựu TNXP yêu mến, học viên nông dân tham gia vào tổ hợp ngày càng đông. Với bà, hạnh phúc nhân lên khi năm sau cao hơn năm trước. Hộ nghèo thiếu vốn sản xuất, bà kết nối tạo điều kiện cho vay và nhận vào làm việc.
Với những kết quả đó, năm 2005 xã Quỳnh Diễn được UBND tỉnh ra quyết định công nhận làng nghề mây tre đan xuất khẩu. Tính đến nay (tháng 7/2024) làng nghề mây tre đan xuất khẩu đã đào tạo, bồi dưỡng được 34 lớp học nghề. Số lao động tham gia lên tới hơn 200 lao động. Bình quân thu nhập cho mỗi lao động từ 3 đến 3,5 triệu đồng/tháng. Sản xuất ở nhà, ở xưởng, tập trung, riêng lẻ, đều thuận lợi và phù hợp cho từng đối tượng.
Hiện nay, nhiều làng nghề mây tre đan ở một số địa phương đã phải dừng sản xuất do hoạt động kém hiệu quả thì ở Quỳnh Diễn làng nghề vẫn phát triển bền vững trong mọi cơ chế thị trường. Đó là nhờ công lớn của người “thủ lĩnh” Trần Thị Lài, đã tận tâm, nhiệt huyết, cống hiến hết mình với nghề.
Nghề mây tre đan xuất khẩu đã tạo công ăn việc làm, ổn định đời sống cho người lao động trên quê hương. Việc làm đó đã giúp cho 45 hộ thoát nghèo bền vững, trong đó có 15 hộ là hội viên cựu TNXP. Bà đã được Tỉnh, huyện, xã tặng nhiều bằng khen, giấy khen. Trong các cuộc tổng kết hàng năm nêu gương người tốt, việc tốt, ở đâu bà cũng được quần chúng nhân dân, hội viên hội cựu TNXP tôn vinh và đề nghị khen thưởng. Diễn đàn nào cũng được nêu gương tên tuổi của bà, đó là phần thưởng cao quý ghi nhận công lao to lớn của bà. Bà là tấm gương sáng đã học tập và làm theo lời dạy của Bác Hồ “Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”.
Trăn trở, suy nghĩ của người cán bộ dân vận nhiều năm hoạt động trong muôn vàn khó khăn, vất vả phấn đấu vươn lên, kết quả đã gặt hái thành công, hoa trái đã đơm bông trĩu hạt, mọi ước mơ đã trở thành hiện thực, bà Trần Thị Lài xứng danh người cán bộ dân vận khéo xuất sắc tiêu biểu.
Nguồn Gia Đình VN: https://giadinhonline.vn/thoat-ngheo-tu-nghe-may-tre-dan-xuat-khau-d200760.html