Thời cơ mang tên 'hùng cường'

Sau gần 40 năm thực hiện công cuộc Đổi mới, kinh tế - xã hội Việt Nam đã có bước tiến dài. Hơn cả một bước tiến, Việt Nam đang có thời cơ hiếm có để trở thành quốc gia hùng cường và thịnh vượng, như mục tiêu Đảng và Nhà nước đề ra.

Vị thế của Việt Nam không ngừng được nâng cao trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Ảnh: Đức Thanh

Vị thế của Việt Nam không ngừng được nâng cao trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Ảnh: Đức Thanh

Bước tiến dài sau gần 40 năm Đổi mới

Gần 40 năm kể từ khi Việt Nam thực hiện công cuộc Đổi mới (năm 1986), là một hành trình dài, đồng thời cũng là bước tiến lớn của dân tộc Việt Nam.

Khi xây dựng Dự thảo Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về xây dựng Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội năm 2024, vừa gửi xin ý kiến đóng góp của các bộ, ngành, địa phương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã chỉ rõ: “Thế và lực của đất nước sau gần 40 năm Đổi mới lớn mạnh hơn rất nhiều cả về quy mô và sức cạnh tranh; tình hình chính trị - xã hội và kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, các cân đối lớn được đảm bảo, nhiều dự án trọng điểm, quan trọng quốc gia được đưa vào khai thác; môi trường đầu tư, kinh doanh được cải thiện; vị thế, uy tín của Việt Nam tiếp tục được nâng lên”.

Nếu cần những con số để chứng minh, có thể viện dẫn không ít. Đó là, từ một nền kinh tế có quy mô nhỏ bé, chỉ 26,3 tỷ USD trong những năm đầu Đổi mới, đến năm 2023, con số đã nâng lên 430 tỷ USD, cao gấp 58 lần. Tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều chỉ còn 2,9%.

Quan trọng hơn, từ một nước nông nghiệp nghèo nàn và lạc hậu, từ một nền kinh tế khép kín, Việt Nam đã trở thành một nền kinh tế ngày càng hội nhập sâu rộng và toàn diện vào kinh tế toàn cầu. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu vượt ngưỡng 700 tỷ USD.

Nhấn mạnh những con số này, tại Hội thảo khoa học về 40 năm Đổi mới, tổ chức cách đây chưa lâu, ông Nguyễn Xuân Thắng, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, nói về thế và lực của Việt Nam, về sự vững vàng của Việt Nam trong vượt qua những tác động của đại dịch, được cộng đồng quốc tế đánh giá cao và trở thành một điểm sáng về sự ổn định, phục hồi và phát triển kinh tế trong bối cảnh kinh tế toàn cầu có nhiều yếu tố bất định.

“Tôi rất ấn tượng trước những nỗ lực của Việt Nam trong tiến trình Đổi mới, đặc biệt là về tốc độ tăng trưởng GDP nhanh chóng và tỷ lệ hộ nghèo giảm sâu”, ông Andrea Coppola, chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam nói.

Đầu năm nay, khi trao đổi với báo giới và đề nghị chọn một từ để dành cho Việt Nam, ông Andrea Coppola không ngần ngại nhắc đến hai chữ “kiên cường”. Kiên cường bởi trong suy thoái toàn cầu, Việt Nam vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng.

Còn ông Nguyễn Bá Hùng, chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) thì nói về “bước tiến dài và dũng cảm” của Việt Nam trong hội nhập quốc tế. Đó là lý do vì sao, giờ đây, giá trị thương mại hàng hóa thậm chí đã cao gần gấp đôi so với GDP, thu hút đầu tư nước ngoài cũng rất tích cực.

Thời cơ mang tên “hùng cường”

Sự phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế Việt Nam, ở góc độ nào đó, có thể đo bằng vị thế của Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Không phải ngẫu nhiên mà giờ đây, Việt Nam đang là tâm điểm chú ý của giới đầu tư toàn cầu, đặc biệt là trong lĩnh vực AI, bán dẫn - những lĩnh vực công nghệ của thời đại 4.0, sau khi đã trở thành công xưởng sản xuất của thế giới trong suốt những năm qua. Lần lượt Samsung, LG, Intel… đã đưa Việt Nam trở thành cứ điểm sản xuất toàn cầu của mình. Mới đây, những kỳ vọng tương tự được đặt ra với Apple, công ty có giá trị vốn hóa lớn nhất thế giới hiện nay, với khoảng 3.000 tỷ USD.

Liên tục đưa đoàn các doanh nghiệp lớn trong ngành bán dẫn và công nghệ cao của Mỹ như Qualcomm, Ampere, Sysnopsys, Marvell… đến Việt Nam, ông John Neuffer, Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp bán dẫn Hoa Kỳ (SIA) chia sẻ: “Chúng tôi nhận thấy những cơ hội đáng kinh ngạc để Việt Nam phát triển dấu ấn của mình trong chuỗi cung ứng chất bán dẫn toàn cầu”.

NVIDIA, công ty AI có tốc độ lớn nhanh như thổi của tỷ phú Jensen Huang, cũng bắt đầu có các hoạt động đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam, để biến Việt Nam trở thành trung tâm sản xuất và đổi mới AI lớn của mình.

Đó là thời cơ “vàng”, thậm chí theo như cách nói của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, đó còn là cơ hội “ngàn năm có một” để Việt Nam phát triển ngành công nghiệp bán dẫn, cũng như phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam.

Thực tế, bán dẫn không phải là cánh cửa duy nhất. Khi cách mạng công nghiệp 4.0 bắt đầu, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhắc rất nhiều đến cơ hội to lớn để Việt Nam “đuổi kịp, tiến cùng và vượt lên” trong cuộc chơi toàn cầu.

Gần 40 năm Đổi mới, Việt Nam đạt được những thành tựu đáng tự hào trong phát triển kinh tế - xã hội. Thế và lực, cơ đồ và uy tín quốc tế chưa bao giờ lớn mạnh như ngày nay. Nhưng thách thức, rủi ro vẫn còn đó. Bẫy thu nhập trung bình, bẫy lao động giá rẻ, bẫy tăng trưởng nhưng không phát triển, thiếu bền vững và lâu dài… là điều không chỉ được nhắc tới một lần. Lại thêm những biến đổi chưa từng có từ sau đại dịch Covid-19, cũng như biến động địa chính trị toàn cầu, khiến mục tiêu đưa Việt Nam đi đến hùng cường và thịnh vượng vào các mốc thời gian 2030 và 2045 trở thành một thách thức lớn.

Thách thức đó càng lớn hơn nữa, khi các động lực tăng trưởng truyền thống, các mô hình tăng trưởng cũ dường như đã tới hạn. Đó là lý do vì sao trong các thảo luận gần đây liên quan đến sự phát triển của kinh tế đất nước, chuyện khai thác các động lực tăng trưởng mới, trong đó có các mô hình như kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, chuyển đổi số, rồi phát triển các ngành công nghiệp 4.0 như bán dẫn, hydro xanh, cũng như xây dựng các mô hình như trung tâm tài chính quốc tế, khu thương mại tự do… thường xuyên được nêu ra.

“Chúng ta có rất nhiều lợi thế. Làm trung tâm tài chính quốc tế thì sẽ mang lại cơ hội vô cùng lớn cho đất nước, cần phải làm ngay, để không bỏ lỡ thời cơ”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.

Điều này cũng được ông nhắc tới đối với lĩnh vực bán dẫn. Ngành công nghiệp bán dẫn có thể trở thành động lực và đột phá mới, đưa Việt Nam trở thành quốc gia hùng cường và thịnh vượng, như mục tiêu, kỳ vọng của Đảng, Nhà nước.

Tới Việt Nam vào cuối năm trước, tỷ phú Jensen Huang, Chủ tịch, CEO Tập đoàn NVIDIA (Mỹ), chia sẻ rất nhiều về “cơn sóng lớn và nhanh” của ngành AI, bán dẫn. “Việt Nam đang đứng trước thời khắc quan trọng của quá trình phát triển. Nếu có thể cưỡi trên con sóng lớn này, Việt Nam sẽ tăng trưởng, thịnh vượng, cơ hội rộng mở”, ông Jensen Huang nói.

Đó chính là thời cơ mang tên “hùng cường” mà Việt Nam không nên và không thể bỏ lỡ.

Tương lai bắt đầu từ hôm nay

Những thành quả đã đạt được trong 40 năm Đổi mới chính là nền tảng quan trọng để Việt Nam tiếp tục con đường phát triển. Nhưng để đi đến mục tiêu hùng cường, cần những giải pháp mang tính đột phá, những động lực tăng trưởng có thể thúc đẩy mạnh mẽ nền kinh tế không chỉ tăng trưởng cao, mà còn có thể bước lên nấc thang cao hơn của chuỗi giá trị.

“Tương lai của Việt Nam phụ thuộc vào hiện tại”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.

Điều đó có nghĩa, nếu muốn phát triển ngành công nghiệp bán dẫn, Việt Nam cần triển khai nhanh trong thời gian không quá 24 tháng và tập trung vào 3 nội dung cốt lõi: hoàn thiện cơ chế, chính sách đặc thù đảm bảo cạnh tranh với các quốc gia trong khu vực; đồng bộ hạ tầng điện, nước, giao thông, cáp quang, công nghệ thông tin; phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành bán dẫn, AI.

Điều đó cũng có nghĩa, muốn phát triển các mô hình mới như trung tâm tài chính quốc tế, hay khu thương mại tự do, phải bắt đầu ngay từ bây giờ, bằng việc xây dựng thể chế, chính sách vượt trội để thu hút đầu tư và phát triển các mô hình kinh tế mới này.

Cayman, hơn 40 năm trước chỉ là một quốc đảo nghèo khó, nhưng với việc thành lập trung tâm tài chính, hàng trăm ngân hàng đã đăng ký thành lập ở đây, trong đó có 50 ngân hàng lớn nhất thế giới. Từ đó, Cayman đã trở thành trung tâm tài chính quốc tế lớn nhất thế giới, ước tính mỗi ngày, dòng tiền chảy qua đó khoảng 2.000 tỷ USD. Việt Nam liệu có thể làm điều đó?

Và thậm chí, nhìn gần hơn, thì cần bắt đầu bằng việc nỗ lực thực hiện các giải pháp để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế năm 2024 và 2025, nhằm đạt cao nhất mục tiêu của Kế hoạch 5 năm 2021-2025. Ba năm qua, do tác động tiêu cực của đại dịch và biến động địa chính trị toàn cầu, tăng trưởng GDP bình quân của Việt Nam còn cách khá xa mục tiêu tăng trưởng 6,5-7% của cả giai đoạn 5 năm 2021-2025. Đạt được điều này đã là một thách thức lớn, chứ chưa nói tới những mục tiêu cường thịnh vào các năm 2030 và 2045.

“Điều then chốt là chúng ta không chỉ nhìn lại quá khứ đã làm được gì, mà phải hướng tới tương lai, giúp kinh tế của Việt Nam phát triển hơn nữa”, ông Andrea Coppola nói và cho rằng, để đạt mục tiêu trở thành quốc gia có thu nhập cao, Việt Nam cần thúc đẩy tăng trưởng và khẳng định được vai trò quan trọng hơn trong chuỗi cung ứng toàn cầu, xuất khẩu những sản phẩm có giá trị cao hơn. Chip bán dẫn là một ví dụ.

“Việt Nam không thể đến đích nếu chỉ đi một mình, mà hơn lúc nào hết, ở giai đoạn và thời cơ quan trọng này, cần có sự hợp tác nhanh, mạnh và toàn diện với các quốc gia, nền kinh tế và các doanh nghiệp, đối tác hàng đầu thế giới về bán dẫn thì mới có thể đứng trên vai những người khổng lồ, tận dụng lợi thế nguồn nhân lực để vươn lên thành một quốc gia có vị thế trong phát triển ngành công nghiệp bán dẫn”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.

Điều này có lẽ không chỉ có ý nghĩa đối với riêng ngành công nghiệp bán dẫn. Nhưng để có thể “đi cùng, tiến cùng” với các đối tác hàng đầu thế giới, phải chuẩn bị sẵn sàng về đất đai, hạ tầng, nhân lực và thể chế… Điều đó, phải bắt đầu ngay từ hôm nay.

Hà Nguyễn

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/thoi-co-mang-ten-hung-cuong-d214017.html