Thời cơ vàng để Tạp chí Một Thế Giới lan tỏa thông tin KH-CN theo tinh thần Nghị quyết 57
Nghị quyết 57 đã thắp lên 'ngọn lửa' khát vọng làm chủ công nghệ của Việt Nam. Trong đó, việc lan tỏa mạnh mẽ thông tin khoa học công nghệ (KH-CN) theo tinh thần của Nghị quyết 57 là vấn đề cốt lõi.
Qua 6 tháng triển khai Nghị quyết số 57, hệ sinh thái khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo của Việt Nam tiếp tục phát triển mạnh mẽ. Một điểm nổi bật trong 6 tháng đầu năm là sự đồng hành, tham gia mạnh mẽ của các doanh nghiệp công nghệ lớn trong nước. Đây là nét mới cho thấy Nghị quyết số 57 thực sự lan tỏa ra xã hội, cộng đồng doanh nghiệp, tạo thành một phong trào xã hội rộng lớn, tạo thêm nguồn lực và động lực triển khai hiệu quả các nhiệm vụ.
Để thực thi hiệu quả Nghị quyết 57 thì vai trò của việc truyền tải thông tin KHCN theo tinh thần "tự chủ, tiên phong, bứt phá" được chuyển hóa thành các chương trình đầu tư bài bản, nghiên cứu chiều sâu và các sản phẩm công nghệ cụ thể.
Hiện nay, thông tin đóng một vai trò vô cùng quan trọng trong đời sống. Thông tin khoa học công nghệ (KH-CN) là một trong những động lực quan trọng nhất của sự phát triển, cùng với một số ngành công nghệ cao khác đang làm thay đổi sâu sắc đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội trong thời đại số.

Tiến sĩ Tạ Bá Hưng - nguyên Cục trưởng Cục Thông tin KH-CN quốc gia (nay là Cục Thông tin - Thống kê) - Ảnh: Tuyết Nhung
Để hiểu rõ hơn về vai trò của thông tin KH-CN trong bối cảnh hiện nay, PV Một Thế Giới đã có cuộc trao đổi với tiến sĩ Tạ Bá Hưng - nguyên Cục trưởng Cục Thông tin KH-CN quốc gia (nay là Cục Thông tin - Thống kê).
- Thông tin KH-CN đang đóng một vai trò quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế của đất nước. Ông có thể cho biết rõ hơn về vai trò của thông tin KH-CN trong thời đại công nghệ số hiện nay?
- TS Tạ Bá Hưng: Thông tin KH-CN là một trong những động lực quan trọng nhất của sự phát triển, cùng với một số ngành công nghệ cao khác đang làm biến đổi sâu sắc đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội của thế giới hiện đại.
Thông tin KH-CN là bộ phận cấu thành của KH-CN. Thông tin KH-CN rất thiết thực với các nhà khoa học, đặc biệt là gắn kết hoạt động KH-CN với sản xuất và đời sống.
Thông tin KH-CN liên quan mật thiết đến toàn bộ quá trình phát triển KH-CN cũng như quá trình đưa tri thức KH-CN từ các trường, các viện, từ những nghiên cứu vào sản xuất đời sống; bởi vì thông tin KH-CN trước hết là đầu vào của hoạt động sáng tạo, bởi sáng tạo dựa trên tri thức đã được tích lũy. Các nhà khoa học đã nội hóa nó vào thành kiến thức của bản thân.
Thông tin KH-CN cũng là đầu vào cho hoạt động nghiên cứu phát triển cũng như đổi mới sáng tạo. Những quốc gia nào đảm bảo được thông tin KH-CN thì đất nước đó có tính tự chủ cao.
Mỗi một nhà nghiên cứu nếu tìm kiếm, thu thập được thông tin cần thiết thì đề tài, nhiệm vụ đặt ra sẽ được giải quyết hơn 30%. Những kết quả trong quá trình nghiên cứu sáng tạo được thể hiện dưới mỗi dạng khác nhau của thông tin KH-CN. Và những thông tin về KH-CN lan tỏa ra xã hội thông qua kênh xuất bản, phát hành.
Thông tin KH-CN không thể thiếu trong quá trình đổi mới sáng tạo, đây cũng là cầu nối liên kết mật thiết để chuyển hóa tri thức sáng tạo với xã hội. Trên cơ sở sử dụng tri thức KH-CN, các doanh nghiệp tiếp thu và ứng dụng rộng rãi trong hoạt động sản xuất.
Ở Việt Nam, phát triển và ứng dụng khoa học nhanh nhất và hiệu quả nhất là con đường thông qua thông tin KH-CN; để từ đó có thể tiếp thu và nắm bắt được những tiến bộ từ thế giới và áp dụng với Việt Nam.
Lãnh đạo Đảng và Nhà nước đến nay rất quan tâm đến hoạt động thông tin KH-CN, gắn liền với hoạt động phổ biến kiến thức của xã hội. Thông tin KH-CN phục vụ trực tiếp cho giới nghiên cứu và những người ứng dụng, còn phổ biến tri thức KH-CN thì rộng hơn, mang tính lan tỏa đến mọi đối tượng trong xã hội.
Hoạt động thông tin KH-CN đang phát triển ở tất cả các nước trên thế giới, đặc biệt là những nước phát triển như Mỹ, Đức, Nhật Bản, Trung Quốc... Ở Trung Quốc, người ta gọi thông tin KH-CN là "tình báo KH-CN", nghĩa là phải nắm được kịp thời những thành tựu về KH-CN trong nước và quốc tế.
- Trong quá trình hội nhập và cạnh tranh sâu rộng như hiện nay, cách tiếp cận, khai thác và truyền tải thông tin KH-CN hiệu quả nhất là gì, thưa ông?
- TS Tạ Bá Hưng: Các nhà khoa học là những thợ dùng thông tin, đấy là bản năng. Cùng với sự phát triển của KH-CN thì thông tin KH-CN ngày một phong phú, đa dạng, không chỉ nằm trong sách vở, tạp chí chuyên ngành, mà còn ở dưới dạng nhiều ấn phẩm khác vì KH-CN hiện nay phát triển liên ngành, liên lĩnh vực, không dừng lại ở chuyên môn hóa như trước.
Phần lớn những phát minh, sáng chế mang tính đột phá bao giờ cũng nằm trong ranh giới của các ngành khoa học. Nếu các nhà khoa học hiện nay chỉ tìm thông tin trong tạp chí chuyên ngành như trước thì sẽ không thể đáp ứng được yêu cầu hiện nay. Vì vậy, nhà khoa học hiện nay ngoài quan tâm đến lĩnh vực KHCN cốt lõi thì cũng phải theo dõi thêm các lĩnh vực liên quan để nắm bắt thông tin một cách nhanh nhất. Trong đó, các cơ quan đầu ngành về KH-CN đóng vai trò cộng sinh, đồng hành cùng với các nhà nghiên cứu sáng tạo.
Để phát huy được sức mạnh, sự nhạy bén, kịp thời, đòi hỏi các cơ quan thông tin KH-CN phải ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) để phát huy khả năng thu thập, xử lý, lưu trữ và truyền tải thông tin nhằm phục vụ cho nhu cầu xã hội. Ứng dụng CNTT là việc sử dụng CNTT vào các hoạt động thuộc lĩnh vực kinh tế - xã hội, đối ngoại, quốc phòng, an ninh và các hoạt động khác nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả của các hoạt động này.
Việc ứng dụng CNTT trong công tác thông tin KH-CN có hiệu quả rất lớn đối với cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, người dân, góp phần rút ngắn khoảng cách về thông tin, kiến thức giữa các vùng miền trong cả nước.
Cụ thể, đối với cơ quan, đơn vị hành chính, sự nghiệp nhà nước: Ứng dụng CNTT trong phát triển KH-CN cùng với cải cách hành chính nhằm giúp cơ quan nhà nước đẩy nhanh tiến trình đơn giản hóa thủ tục hành chính. Khả năng chuyển tải cũng như tiếp cận văn bản, công văn chỉ đạo, hướng dẫn... từ trung ương xuống các cơ quan địa phương là rất nhanh chóng.
Ứng dụng CNTT trong công tác thông tin có thể giúp cho các nhà lãnh đạo, quản lý, nhà hoạch định chính sách có được nguồn thông tin khách quan, đầy đủ, từ đó đề ra được các chủ trương, quyết định, chính sách, đề tài...
Trong công việc lưu trữ, truy xuất hồ sơ cá nhân cũng có ý nghĩa rất lớn, giảm bớt giấy tờ cồng kềnh, tạo điều kiện thuận lợi cho công tác văn thư lưu trữ, mặt khác khả năng khôi phục là rất tiện ích.
Đối với người dân, trước đây, người dân ở các thôn bản, vùng sâu vùng xa tiếp cận thông tin là rất khó khăn. Với CNTT, thông tin KH-CN được chuyển tải đầy đủ hơn, kịp thời hơn, đáp ứng được nhu cầu thông tin ngày càng cao của người dân.
Ví dụ, nông dân trồng trọt hay chăn nuôi không thể chỉ dựa vào kinh nghiệm, vào thói quen mà họ phải tuân thủ những cách hướng dẫn kỹ thuật trồng trọt hay chăn nuôi của cán bộ khuyến nông hay trên báo, truyền hình, internet... Vì vậy, việc ứng dụng CNTT trong truyền tải thông tin là một nhu cầu cấp bách.
Tin học hóa trong phát triển thông tin KH-CN giúp người dân ở vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa có điều kiện tiếp cận được với thông tin KH-CN một cách thuận tiện hơn rất nhiều. Nhờ các ứng dụng tiện ích của CNTT, các bản tin thông tin KH-CN, các chương trình, dự án đưa thông tin KH-CN về nông thôn miền núi... được triển khai rộng rãi, qua đó đáp ứng được nhu cầu thiết thực của người dân.
- Nghị quyết 57 về đột phá, phát triển KH-CN, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số khẳng định tầm quan trọng của KH-CN trong chiến lược phát triển quốc gia. Lúc này, vai trò của thông tin KH-CN được định vị càng rõ. Quan điểm của ông về vấn đề này thế nào?
- TS Tạ Bá Hưng: Có thể thấy, qua 6 tháng triển khai Nghị quyết 57, hệ sinh thái KH-CN, đổi mới sáng tạo của Việt Nam tiếp tục phát triển mạnh mẽ. Minh chứng rõ nét nhất cho điều này là sự đồng hành, tham gia mạnh mẽ của các doanh nghiệp công nghệ lớn trong nước. Có những tập đoàn tiên phong, đi đầu trong việc hiện thực hóa tinh thần Nghị quyết 57 bằng hành động cụ thể.
Thông tin KH-CN được truyền tải sâu rộng đã làm toát lên tinh thần "tự chủ, tiên phong, bứt phá" của Nghị quyết 57. Tinh thần này được chuyển hóa thành các chương trình đầu tư bài bản, nghiên cứu chiều sâu và các sản phẩm công nghệ cụ thể.
Vừa qua, Ban Chỉ đạo trung ương về phát triển KH-CN, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số tổ chức ra mắt các nền tảng số phục vụ giám sát, triển khai Nghị quyết 57.
Hệ thống giám sát, đánh giá Nghị quyết 57 lần đầu tiên được xây dựng nhằm theo dõi việc triển khai nghị quyết một cách toàn diện, trực tuyến trên phạm vi toàn quốc. Hệ thống này cho phép điều hành công việc theo thời gian thực, xuyên suốt từ trung ương đến địa phương, trên nền tảng số.
Có thể khẳng định, việc ứng dụng CN-TT phục vụ phát triển thông tin, đặc biệt thông tin KH-CN, là một yêu cầu bức thiết. Tin học hóa trong công tác truyền tin thì thông tin được nhân lên qua số lần truy cập, sao chép, là một sản phẩm "sạch", thân thiện môi trường mà cả thế giới đang hướng tới.
- Ông đánh giá thế nào về vai trò của Hội Thông tin KH-CN Việt Nam trong việc phát triển ngành thông tin KH-CN?
- TS Tạ Bá Hưng: Hội Thông tin KH-CN Việt Nam (Hội) với tư cách là tổ chức xã hội nghề nghiệp, có vai trò quan trọng trong việc kết nối cộng đồng, những người cùng làm thông tin KH-CN. Hội không chỉ giữ vai trò kết nối mà còn là nơi giúp chia sẻ kinh nghiệm, tri thức mới.
Hội có chức năng phản biện xã hội mang tính tập thể, đóng góp tri thức vào sự phát triển KH-CN chung của đất nước cùng với những cơ quan chuyên nghiệp khác.
Hội cũng có thể thúc đẩy, tạo cơ chế để có thể giúp xã hội làm thông tin KH-CN tốt hơn, hoặc có thể cũng các cơ quan chuyên nghiệp xây dựng đạo đức nghề nghiệp trong hoạt động thông tin.
Trong thời gian tới, để nâng cao tiêu chuẩn và chất lượng của cán bộ thông tin KH-CN, Hội có thể xây dựng bộ chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp thông tin KH-CN. Hội có thể cùng các cơ quan liên quan khác đưa ra các bộ tiêu chí để có thể tham gia đào tạo, cấp chứng chỉ hành nghề thông tin KH-CN.
Theo tinh thần của Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị, và Luật Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo thì vai trò của Hội Thông tin KH-CN Việt Nam ngày càng được khẳng định, sẽ tạo ra những điều kiện cần và đủ để Hội có thể phát huy tốt nhất vai trò của mình. Đặc biệt, trong thời gian tới, những yêu cầu về thông tin KH-CN sẽ rất nhiều.
Trong đó, việc cung cấp thông tin KH-CN cho các doanh nghiệp đang được quan tâm hơn bao giờ hết. Bây giờ, Đảng và Nhà nước đã đặt doanh nghiệp là trung tâm đổi mới sáng tạo để phục vụ thông tin KH-CN một cách tốt nhất.
Hiện nay, những sản phẩm KH-CN được nghiên cứu chủ yếu phục vụ cho cán bộ ở các trường, cán bộ ở các viện, còn thông tin KH-CN để phục vụ cho doanh nghiệp để họ ứng dụng nhanh chóng vào hoạt động kinh doanh thì rất ít. Vì vậy, trong thời gian tới, hoạt động của Hội có thể đặt trọng tâm vào vấn đề này.
Hội cũng có thể phát huy vai trò phổ biến kiến thức và nâng cao nhận thức của xã hội nói chung về hoạt động đổi mới sáng tạo. Đây vẫn là khái niệm còn mới. Chúng ta có thể truyền tải đi thông điệp đổi mới sáng tạo không chỉ là trách nhiệm của riêng ai, lĩnh vực này có sức hút rất lớn với các doanh nghiệp nếu bắt kịp được xu hướng.
Thông tin, xét cho cùng là yêu cầu thiết yếu của xã hội, thúc đẩy quá trình đổi mới sáng tạo mạnh mẽ trong thời đại công nghệ số hiện nay.
- Với sứ mệnh là cơ quan ngôn luận của Hội Thông tin KH-CN Việt Nam, nhiệm vụ của Tạp chí Một Thế Giới là gì, thưa ông?
- TS Tạ Bá Hưng: Tôi đánh giá rất cao tôn chỉ mục đích về KH-CN của Tạp chí Một Thế Giới. Thời gian qua, tạp chí đã trải qua nhiều khó khăn, giờ là lúc tạp chí có thể đi lên bằng chính tôn chỉ mục đích về KH-CN, sứ mệnh truyền tải, lan tỏa thông tin của mình.
Giờ cũng được xem là thời cơ vàng cho Tạp chí Một Thế Giới lan tỏa thông tin KH-CN theo tinh thần của Nghị quyết 57.
Trong thời gian tới, Hội Thông tin KH-CN Việt Nam tập trung vào nhiệm vụ nào thì tạp chí phải đi trước thông tin, thậm chí còn phải phổ biến rộng rãi thông tin hơn đến bạn đọc.
Theo tinh thần của Nghị quyết 57, tôi đánh giá trên tạp chí đã có những tuyến bài đúng tôn chỉ mục đích, lan tỏa rõ nét được thông điệp về thông tin KH-CN đến bạn đọc.
Sắp tới, để có thể truyền tải thông tin thiết thực hơn nữa, tạp chí có thể tổ chức các hội thảo về KH-CN, chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo... những vấn đề cấp thiết trong thời kỳ mới như ứng dụng thông tin KH-CN vào các trường đại học, doanh nghiệp... hoặc đưa thông tin về những sản phẩm công nghệ mang tính chiến lược...
- Cảm ơn ông!