Thời của Internet vệ tinh
Thời gian qua, hàng loạt các công ty công nghệ lớn liên tục đưa các vệ tinh liên lạc lên quỹ đạo nhằm phục vụ công cuộc xây dựng mạng lưới cung cấp Internet từ vũ trụ.
Internet vệ tinh không phải là thứ gì quá mới mẻ, công nghệ này đã xuất hiện từ 20 năm trước. Nhưng thời gian qua, khi các ông lớn công nghệ như Amazon, SpaceX, OneWeb liên tục đổ tiền đầu tư để mở rộng tính khả dụng và tính thực tế của chúng, Internet vệ tinh ngày càng thu hút được sự quan tâm của cộng đồng toàn cầu.
Đây thực sự là một tin đáng mừng trong bối cảnh đại dịch Covid-19 vẫn đang khiến hàng triệu người trên thế giới phải làm việc tại nhà và phụ thuộc vào Internet hơn bao giờ hết. Ngoài ra, với sự phát triển của Internet vệ tinh, việc phổ cập Internet toàn cầu sẽ được triển khai dễ dàng và nhanh chóng hơn, thúc đẩy quá trình chuyển đổi số ở nhiều nước trên thế giới.
Internet vệ tinh là gì?
Khái niệm Internet vệ tinh không mới. Nó đã được khai thác thương mại từ giữa năm 1995 nhưng rất ít người sử dụng dịch vụ này. Về cơ bản, Internet vệ tinh hoạt động tương tự như truyền hình vệ tinh và dựa trên sự kết hợp của tín hiệu được định tuyến qua vệ tinh ở quỹ đạo Trái đất thấp hoặc cao và một đĩa thu nhận tín hiệu đó. Người dùng cần kết nối modem với vệ tinh đó để chuyển tín hiệu thành kết nối Internet khả dụng.
Lợi thế lớn nhất của Internet vệ tinh là khả năng vươn tới mọi khu vực xa xôi trên thế giới, những nơi không thể triển khai cáp Internet vì quá đắt đỏ hoặc khó khăn.
Trước đây, Internet vệ tinh thất bại vì giá các gói cước quá cao mà tốc độ đường truyền lại quá thấp. Nhưng hiện tại, khát vọng phổ cập Internet toàn cầu hoàn toàn khả dĩ. Điểm mấu chốt nằm ở các vệ tinh hoạt động ở quỹ đạo thấp gần Trái đất (Low Earth Orbit - LEO). Các hệ thống cũ sử dụng vệ tinh trên quỹ đạo địa tĩnh, cách mặt đất tới gần 36.000 km. Trong khi đó, vệ tinh LEO vận hành ở độ cao 300-2.000 km, giảm đáng kể độ trễ tín hiệu.
Cuộc đua khốc liệt
Trên thế giới hiện nay vẫn còn tồn tại một số nhà cung cấp dịch vụ Internet vệ tinh lâu đời như HughesNet và Viasat tại thị trường Mỹ. Tuy nhiên, những cái tên này giờ phải đối mặt với những đối thủ cạnh tranh mới, với nguồn công nghệ dồi dào và dòng tiền gần như vô tận.
Các “ông lớn công nghệ” đã nảy sinh ra ý tưởng triển khai hàng ngàn vệ tinh LEO để xây dựng “chòm sao vệ tinh” (nhiều vệ tinh kết nối với nhau) có chức năng phát Internet băng thông rộng. Nổi tiếng nhất có các đại gia SpaceX, OneWeb và Amazon.
Tháng 5/2017, SpaceX đã đưa ra dự án Starlink đáng kinh ngạc nhằm triển khai 12.000 vệ tinh trên quỹ đạo thấp từ 500km đến 1.200km, trong đó 8.000 vệ tinh ở quỹ đạo 500km và số còn lại cách Trái đất 1.200km.
Tháng Hai vừa qua, SpaceX thông báo lên Ủy ban Truyền thông Liên bang Mỹ (FCC) cho biết, Starlink đạt tốc độ từ 100/20 Mbps trở lên và có hơn 10.000 người dùng trên khắp thế giới. Theo ông Elon Musk, CEO của SpaceX, công ty ông đang làm việc để giảm độ trễ của Starlink xuống còn 20 mili giây bằng việc phóng tổng cộng 42.000 vệ tinh lên không gian vào giữa năm 2027. Mỹ còn có dự án Kuiper của Amazon, mới được FCC thông qua vào cuối năm 2020.
Tuy nhiên, Mỹ không đơn độc. Nga cũng có những tham vọng riêng để thống trị mạng lưới tương lai này, nhưng cách làm lại có phần khác biệt. Nga đã liên tục hợp tác với OneWeb, một công ty có trụ sở tại Anh, và đã bốn lần phóng vệ tinh cho công ty này bằng các tên lửa của mình.
Vệ tinh LEO đã được đưa vào thử nghiệm và áp dụng thực tế từ những thập niên 1990, với sự xuất hiện của Teledesic. Nhưng công ty do Bill Gates ủng hộ đã phá sản năm 2002 khi mới chỉ phóng được một vệ tinh thử nghiệm.
OneWeb ban đầu có kế hoạch đưa 48.000 vệ tinh vào quỹ đạo thấp của Trái đất. Tuy nhiên, do vấp phải khó khăn trong năm 2020, hãng này đề xuất kế hoạch mới gồm 6.372 vệ tinh. Giai đoạn đầu của dự án được đưa vào khai thác thương mại trong năm 2021.
Điều đặc biệt hơn, cả SpaceX và OneWeb đều cùng phóng vệ tinh lên vũ trụ vào ngày 25/3, cho thấy rõ một cuộc chạy đua giữa hai cường quốc hàng đầu thế giới về công nghệ vũ trụ. Dường như, trong khi Mỹ muốn phủ sóng Internet cho toàn cầu thì Nga lại muốn thu mình, xây dựng mạng Internet độc lập, bảo vệ Nga khỏi các mối đe dọa bên ngoài.
Trên thực tế, cuối tháng 12/2019, Chính phủ Nga tuyên bố đã kết thúc thành công một loạt thử nghiệm ngắt hoàn toàn kết nối Internet giữa nước này với toàn cầu. Đồng thời, đầu năm nay, Moscow cũng đã ra dự luật mới cấm các cá nhân và tổ chức tại đây sử dụng mạng Internet vệ tinh do nước ngoài phát triển, bao gồm Starlink của SpaceX.
Trung Quốc cũng đang đẩy nhanh tốc độ triển khai hệ thống vệ tinh LEO của riêng mình, đồng thời coi Internet qua vệ tinh là một dạng “cơ sở hạ tầng mới” cần được chính phủ dành nhiều nguồn lực đầu tư. Nỗ lực thúc đẩy Internet trên vũ trụ của Trung Quốc được thực hiện vào cuối năm 2018, khi nước này cho phóng vệ tinh thông tin đầu tiên thuộc dự án Hongyun. Với dự án này, Trung Quốc dự kiến phóng 156 vệ tinh này lên quỹ đạo Trái đất tầm thấp vào năm 2025.
Với việc các quốc gia lớn liên tục phóng vệ tinh Internet vào không gian vũ trụ đã giúp mở ra một trang sử mới cho nhân loại - kỷ nguyên thông tin Internet lan truyền từ vũ trụ cung cấp xuống Trái đất.
Bạch Diệp
(theo CNET)
Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/thoi-cua-internet-ve-tinh-141776.html