Thời đại 4.0 có khiến ngành Tâm lý ở trường đại học gặp trở ngại?

Các chuyên gia chia sẻ những thuận lợi, khó khăn và đề xuất để nâng cao chất lượng ngành Tâm lý học trong thời đại công nghệ 4.0.

Hiện nay hệ thống giáo dục đều đang áp dụng khoa học công nghệ vượt trội của thời đại công nghiệp 4.0 vào trong giảng dạy, học tập. Với tính chất đặc thù liên quan đến nghiên cứu đời sống tinh thần, thế giới bên trong của con người, có ý kiến cho rằng ngành Tâm lý học sẽ gặp khó khăn trong việc vận dụng những thành tựu này.

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam về nội dung trên, Phó Giáo sư, Tiến sĩ , Chủ nhiệm Khoa Các Khoa học Giáo dục, Trường Đại học Giáo dục (Đại học Quốc Gia Hà Nội) - Phó chủ tịch Hội Khoa học Tâm lý Giáo dục Việt Nam, thầy Trần Thành Nam cho biết:

Những thành công vượt trội trong thời đại 4.0 như ngày nay cũng đem lại những thuận lợi và khó khăn nhất định. Với sức mạnh của công nghệ và các xu hướng học tập mới như thực tế ảo, thực tế tăng cường giúp giáo viên và học sinh tiếp cận giáo dục dễ dàng hơn trong nhiều khía cạnh, nâng cao chất lượng học tập và giảng dạy.

Chẳng hạn với chương trình đào tạo Tham vấn học đường ở Trường Đại học Giáo dục (Đại học Quốc gia Hà Nội) những bài học liên quan đến các biểu hiện triệu chứng lâm sàng của rối loạn lo âu, trầm cảm, sinh viên không cần phải trực tiếp tiếp cận thân chủ nữa mà có thể quan sát qua các video.

Trước đây, để tư vấn, trị liệu tâm lý đều phải làm việc trực tiếp, công việc bị giới hạn bởi không gian và thời gian. Thế nhưng hiện tại bằng phương pháp tích hợp công nghệ thì việc đánh giá, thu thập số liệu từ xa đều có thể dễ dàng thực hiện và đảm bảo được tính riêng tư cho thân chủ.

Tuy nhiên, việc lạm dụng công nghệ cũng có thể khiến cho sinh viên dễ bị xao nhãng trong quá trình học tập, nguy cơ làm lộ lọt thông tin và sử dụng thông tin không phù hợp với đạo đức như vấn đề đạo văn tăng lên.

Trong việc thực hành tham vấn tâm lý, nếu không cẩn thận, việc diễn giải những khó khăn của thân chủ dễ sai lầm do sinh viên lạm dụng công nghệ, quá tin vào các chỉ số được theo dõi thay vì sự thấu cảm và cảm nhận trực giác về cảm xúc của thân chủ.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Thành Nam - Chủ nhiệm Khoa Các Khoa học Giáo dục, Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc Gia Hà Nội - Phó chủ tịch Hội Khoa học Tâm lý Giáo dục Việt Nam. Ảnh: NVCC

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Thành Nam - Chủ nhiệm Khoa Các Khoa học Giáo dục, Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc Gia Hà Nội - Phó chủ tịch Hội Khoa học Tâm lý Giáo dục Việt Nam. Ảnh: NVCC

Phó Giáo sư Nam cũng thông tin thêm, để phù hợp với tình hình xã hội, nhu cầu người học hiện nay các chương trình, nội dung học tập đều được đổi mới, viết lại rất nhiều.

Giảng viên của các chuyên ngành Tâm lý học hay Tham vấn học đường tại các trường đại học hiện nay đều có trình độ tối thiểu là Tiến sĩ và nhiều người tốt nghiệp các chương trình đào tạo chuyên sâu tại nước ngoài. Do đó mức độ cập nhật tài liệu và chương trình đào tạo của giảng viên khá nhanh. Các chương trình đào tạo đại học bây giờ cũng sử dụng trực tiếp các giáo trình, tài liệu tham khảo được sử dụng trong các chương trình đào tạo quốc tế nên không có nhiều khoảng cách.

Ngoài ra, để nâng cao chất lượng dạy và học, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Thành Nam cũng đưa ra đề xuất:

"Công tác đào tạo cũng cần những cơ sở thực tập, thực hành của từng cơ sở giáo dục. Vì đào tạo chuyên ngành liên quan đến sức khỏe con người nên cần cơ chế đào tạo giống như các trường Y", vị này cho hay.

Mô hình đào tạo tâm lý học cũng sẽ tương tự như mô hình đào tạo bác sỹ. Tức là việc đào tạo sẽ cần những người thầy vừa giỏi về nghiên cứu, có năng lực giảng dạy hàn lâm nhưng cũng phải là những nhà thực hành, hàng ngày tiếp xúc với những bệnh trên thực tế.

Các chương trình đào tạo tâm lý học như hiện nay, các trường ký cam kết cho sinh viên tiếp cận với các trường hợp thực tế nhưng lại thiếu giáo viên giám sát tại cơ sở và cũng bị lệ thuộc bởi chính sách từng trường. Do đó, việc tiếp cận vẫn còn nhiều hạn chế, chưa đem lại hiệu quả rõ rệt.

Nếu áp dụng cơ chế đào tạo giống như các trường Y là lãnh đạo và giảng viên ở các Khoa chuyên môn cũng là lãnh đạo và bác sỹ thực hành tại các bệnh viện trực thuộc, đang cung cấp dịch vụ thực tế thì vai trò và vị thế của ngành Tâm lý học sẽ ngày càng được khẳng định và đảm bảo chất lượng.

Cùng bàn về việc giảng dạy về ngành Tâm lý học trong thời đại 4.0, Tiến sĩ Tâm lý học, giảng viên Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh, thầy Giang Thiên Vũ cho biết, các học phần chung, kiến thức nền hiện nay đã được số hóa thành các bài giảng e-learning giúp sinh viên, học viên có thể học tập từ xa, học nhiều lần mà không cần đến lớp trực tiếp.

Với xu thế chung sử dụng công nghệ kỹ thuật trong giảng dạy, khoa cũng có thí điểm các đề tài nghiên cứu khoa học xây dựng ứng dụng điện thoại thông minh để tham vấn tâm lý, chăm sóc sức khỏe tinh thần cho các trường học, doanh nghiệp.

Để đáp ứng các yêu cầu mới của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, đội ngũ giáo viên của khoa thường xuyên bồi dưỡng các kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin vào bài dạy cũng như xây dựng khóa học trực tuyến, bài giảng trực tuyến….

Tiến sĩ Tâm lý học Giang Thiên Vũ, giảng viên Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: Báo Yên Bái.

Tiến sĩ Tâm lý học Giang Thiên Vũ, giảng viên Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: Báo Yên Bái.

Tiến sĩ Giang Thiên Vũ cũng thông tin thêm về ý kiến cho rằng nhiều phụ huynh có thể chưa “ưu ái” với ngành Tâm lý học vừa có ý đúng, vừa chưa đúng. Có rất nhiều yếu tố chi phối sự “ưu ái” dành cho các ngành nghề khác nhau từ vị trí của các bậc phụ huynh khi họ tư vấn, định hướng nghề nghiệp cho con em của mình.

Theo tiến sĩ, có thể là các bậc phụ huynh chưa hiểu đúng về nghề tâm lý học, các cơ hội việc làm rộng lớn mà nghề này mang lại cũng như tầm quan trọng và vai trò của bộ môn trong cuộc sống hiện đại.

Cũng có thể là do truyền thống nghề nghiệp và hoàn cảnh của mỗi gia đình. Hoặc đơn thuần là phụ huynh đưa ra thêm các lựa chọn để con cái của họ suy ngẫm nhiều hơn xem bản thân có phù hợp với các ngành nghề này không, sau đó mới đưa ra quyết định cuối cùng.

Chung quy lại, mỗi ngành nghề đều có cái hay, cái tốt riêng, đi đôi với đó là các cơ hội, thách thức tương ứng với năng lực, đam mê của người học.

Diệu Tuyết

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/thoi-dai-40-co-khien-nganh-tam-ly-o-truong-dai-hoc-gap-tro-ngai-post236176.gd