Thời đại AI: 'Thế giới phẳng' càng cần ranh giới

Trong thời đại số hóa, AI và hội nhập sâu rộng, mạng xã hội dường như mang lại cho con người một không gian tự do vô hạn.

Sinh viên Trường Quản trị và Kinh doanh (Đại học Quốc gia Hà Nội). Ảnh: Website nhà trường

Sinh viên Trường Quản trị và Kinh doanh (Đại học Quốc gia Hà Nội). Ảnh: Website nhà trường

Thế nhưng, theo PGS.TS Hoàng Đình Phi - Hiệu trưởng Trường Quản trị và Kinh doanh, Đại học Quốc gia Hà Nội, chính sự “không biên giới” ấy lại đòi hỏi mỗi người dùng phải tự tạo ra ranh giới riêng để bảo vệ chính mình.

Môi trường mạng đầy rủi ro

- Sử dụng mạng xã hội một cách tràn lan đang trở nên phổ biến liệu gây ra những ảnh hưởng gì, thưa ông?

- Chia sẻ thông tin không có kiểm soát trên mạng xã hội mang lại nhiều hệ lụy và tiềm ẩn không ít rủi ro. Chúng tôi thường xuyên có văn bản tuyên truyền và khuyến nghị cán bộ, giảng viên và sinh viên không đăng tải thông tin cá nhân lên bất kỳ nền tảng nào. Cách tốt nhất là tham gia mạng xã hội một cách có chọn lọc, kiểm soát chặt chẽ, bởi chính những thông tin thiếu suy xét ấy có thể quay lại gây hại cho bản thân và những người liên quan trong tương lai.

Xã hội càng hiện đại, “thế giới phẳng” càng xóa mờ các biên giới, thì con người lại càng cần những “ranh giới” để tự bảo vệ mình. Nhiều người nghĩ rằng mạng xã hội là không gian tự do để chia sẻ hình ảnh, video, quan điểm cá nhân... nhưng thực chất đây lại là môi trường đầy rủi ro. Hãy thử tưởng tượng, đứng giữa Hà Nội đông đúc, ta không cảm thấy sợ hãi, nhưng khi đứng trước biển cả mênh mông có thể ta lại thấy lo lắng. Ý tôi là, không gian mạng càng rộng mở, càng không có ranh giới, thì rủi ro lại càng lớn.

Vì vậy, Trường Quản trị và Kinh (HSB) doanh thường xuyên phổ biển các quy định về việc phát ngôn và ứng xử trên không gian mạng theo đường lối của Đảng, pháp luật và văn hóa Việt Nam. Theo đó, cán bộ, giảng viên và sinh viên HSB không được chia sẻ lên mạng bất kỳ thông tin bảo mật hay thông tin nào chưa được ban hành chính thức hay chưa được kiểm chứng bởi các cơ quan chuyên trách.

Giảng viên có sổ tay hướng dẫn giảng viên. Sinh viên phải đọc sổ tay hướng dẫn sinh viên ở vòng sơ tuyển để hiểu rõ các quyền và trách nhiệm, bao gồm cả quy định về trang phục, giao tiếp và cách phát ngôn trên không gian mạng. Trước khi chính thức trở thành sinh viên của trường, các em đều phải đọc kỹ nội quy và thể hiện nhận thức này trong bài luận nộp online ở vòng sơ tuyển.

 PGS.TS Hoàng Đình Phi. Ảnh: Website nhà trường

PGS.TS Hoàng Đình Phi. Ảnh: Website nhà trường

- Ông có quan ngại gì khi giảng viên, sinh viên của trường sử dụng trí tuệ nhân tạo phục vụ việc học và giảng dạy?

- Chúng tôi không có quan ngại gì, mà thấy AI và siêu trí tuệ nhân tạo là một đại xu thế tất yếu sẽ tạo ra nhiều cơ hội mới cho cả giảng viên và sinh viên. Thực tế, trong đa số các học phần, nhà trường đều dành một chương riêng để cùng sinh viên trải nghiệm các ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) có trả phí, trong đó có ChatGPT. Chúng tôi muốn đánh giá mức độ thông minh của AI, đồng thời đặt ra câu hỏi: Liệu con người có nên sử dụng AI để ra quyết định, hay để AI quyết định thay mình; và nếu vậy, ai sẽ thắng, ai sẽ thua?

Chúng tôi cũng liên tục đối sánh để làm rõ những điểm lý luận mới, những sáng tạo, những kinh nghiệm tác nghiệp phức hợp… mà giảng viên HSB vượt trội hơn AI, và những gì AI có thể giúp cho thầy và trò tiết kiệm thời gian trên lớp; từ đó, sinh viên sẽ xác định được cách học hỏi hiệu quả từ cả giảng viên và AI. Dĩ nhiên, khi học hỏi từ AI, điều quan trọng là phải có kiến thức nền tảng liên ngành và dùng tư duy phản biện để sàng lọc thông tin dựa trên cơ sở khoa học, pháp luật và đạo đức trong việc sử dụng AI.

Trong các học phần đó, sinh viên cũng được học cách sử dụng các phần mềm đang được các doanh nghiệp hiện đại áp dụng trong công tác quản trị. Có phần mềm do doanh nghiệp tài trợ, cũng có phần mềm nhà trường chủ động đầu tư để giúp giảng viên và sinh viên hiểu rõ thực tiễn quản trị hiện nay đang diễn ra như thế nào. Các nhóm nghiên cứu và phòng thí nghiệm của nhà trường cũng tích hợp ứng dụng AI với an ninh mạng để sinh viên trực tiếp thực hành.

Ngoài ra, các giảng viên của nhà trường đều thống nhất tích hợp giáo dục về an ninh mạng trong các học phần liên quan. Trong các học phần chuyên môn của các khoa, đều phải có chuyên gia của Viện An ninh phi truyền thống (INS) trực tiếp đào tạo sinh viên về những nguyên tắc cơ bản trong quản trị rủi ro liên quan tới an ninh mạng. Đây là một trong những giải pháp nhằm bảo đảm sinh viên HSB đạt chuẩn quốc tế, có đủ kỹ năng cứng và kỹ năng mềm để tiếp tục chủ động học tập suốt đời và thành công trong sự nghiệp.

 Một lớp học của Trường Đại học Thăng Long. Ảnh: NTCC

Một lớp học của Trường Đại học Thăng Long. Ảnh: NTCC

Đừng biến mình thành “nô lệ” của AI

- Từ đâu mà Trường Quản trị và Kinh doanh phát triển trường phái học thuật quản trị an ninh phi truyền thống, thưa ông?

- Được sự giúp đỡ của các chuyên gia an ninh hàng đầu Việt Nam, Trường Quản trị và Kinh doanh là trường đại học đầu tiên trên thế giới xây dựng Trường phái học thuật quản trị an ninh phi truyền thống (Management of Nontraditional Security - MNS), bao trùm tất cả các lĩnh vực từ an ninh chính trị đến an ninh kinh tế - tài chính, an ninh doanh nghiệp, an ninh công nghệ, an ninh môi trường, an ninh sức khỏe, an ninh con người… trong đó có an ninh mạng và quản trị an ninh mạng.

Ví dụ, từ năm 2013 đến nay HSB đã sử dụng kết quả phát triển lý thuyết và các nghiên cứu thực nghiệm để thiết kế và triển khai nhiều chương trình đào tạo mới và liên ngành là: Thạc sĩ Quản trị An ninh phi truyền thống (MNS); Cử nhân Quản trị và An ninh (MAS, chuyên sâu về Quản trị An ninh mạng và Kinh doanh số); Cử nhân Quản trị An ninh phi truyền thống (BNS).

Bên cạnh đó nhà trường đang triển khai Trung tâm Đào tạo huấn luyện An ninh mạng do KOIKA tài trợ, trong đó có các chương trình nghiên cứu, thực hành và đào tạo chuyên sâu về An ninh mạng. Mục tiêu của nhà trường là kết hợp đào tạo chuyên môn quản trị với công nghệ và an ninh, hướng đến nền quản trị phát triển bền vững ở mọi cấp độ và trong mọi lĩnh vực.

Kỷ nguyên AI cũng có nhiều rủi ro, thách thức và tranh chấp phức tạp ở nhiều phương diện như kinh tế, thương mại, văn hóa và tôn giáo... Do đó, việc lồng ghép các kiến thức về quản trị an ninh phi truyền thống trong các chương trình đào tạo là hết sức cần thiết. AI cũng là đối tượng cần phải quản trị và nằm trong phạm trù an ninh phi truyền thống khi nó có thể bị lợi dụng để làm giả nhiều loại văn bản, video nguy hiểm, đòi hỏi năng lực phân tích nghiệp vụ rất cao mới có thể nhận diện.

Các thầy, các cô, học sinh, sinh viên đã và đang sử dụng AI với tần suất tăng dần. Tuy nhiên, nếu không thận trọng trong sử dụng AI thì lại còn nguy hiểm hơn. Chỉ khi có đủ kiến thức cơ bản và liên ngành để hiểu biết và sử dụng đúng mới có thể đánh giá được AI đúng hay sai ở đâu trong lĩnh vực chuyên môn của mình. Vì vậy, điều quan trọng nhất là phải tự học và trang bị kiến thức nền tảng vững chắc và hệ tư tưởng lý luận rõ ràng.

Chính vì thế, việc bắt buộc sinh viên học cách phân biệt đúng sai khi sử dụng AI và khi hoạt động trên không gian mạng là điều tất yếu. Nếu sử dụng AI thiếu cẩn trọng, có thể vô tình phạm tội như vu khống, bịa đặt hay làm sai lệch thông tin trong báo cáo, nghiêm trọng hơn là làm sai lệch số liệu và định hướng sai các quyết định quan trọng của cá nhân và tổ chức.

 Giờ thực hành của sinh viên Đại học Phenikaa (Hà Nội). Ảnh: NTCC

Giờ thực hành của sinh viên Đại học Phenikaa (Hà Nội). Ảnh: NTCC

- Trong bối cảnh hiện nay, người sử dụng AI càng cần có kỹ năng bài bản?

- Đúng vậy, chỉ khi có bản lĩnh, mục tiêu rõ ràng và kỹ năng vững vàng thì người dùng mới có thể sử dụng AI đúng đắn và hiệu quả. Ví dụ, với nghề báo, nếu phóng viên thiếu kỹ năng và bản lĩnh, rất dễ lạm dụng AI để viết bài, làm mất đi bản sắc ngòi bút riêng. Vì thế, việc sử dụng AI cần được cân nhắc cẩn trọng.

Nhiều người vẫn lầm tưởng rằng AI giúp rút ngắn thời gian làm việc, nhưng thực tế có thể phải kiểm tra đến hai lần. Tức là, người sử dụng phải đủ thông minh để sàng lọc thông tin, kiểm soát và chỉnh sửa lỗi do AI tạo ra.

Việc phụ thuộc quá nhiều vào AI có thể khiến người dùng trở nên ỷ lại, lười tư duy sáng tạo và dễ bị biến thành “nô lệ” của công nghệ. Sinh viên thường sử dụng AI để hỗ trợ các phần bổ sung trong bài tập, như lập bảng so sánh, đối chiếu… nhằm tránh làm thủ công. Tuy nhiên, điều quan trọng là các em phải có đủ kiến thức nền để nhận diện và phân biệt thông tin AI đưa ra là đúng hay sai. Nhiều sinh viên không biết rằng các phần mềm hiện đại chống đạo văn có tích hợp AI có thể phát hiện 99% các lỗi đạo văn.

Do đó, tôi vẫn luôn khuyến nghị: Cần hết sức thận trọng khi sử dụng AI, đó là điều cốt lõi để công nghệ trở thành công cụ phục vụ cho tri thức, thay vì thay thế hoàn toàn tư duy con người.

- Trân trọng cảm ơn PGS.TS Hoàng Đình Phi!

“Nhà trường luôn tuân thủ các quy định của Luật An ninh mạng. Chúng tôi tôn trọng người học, nhưng đồng thời cũng cần xây dựng các quy định nhằm định hướng việc sử dụng mạng xã hội một cách lành mạnh, có chọn lọc và có kiểm soát”. - PGS.TS Hoàng Đình Phi

Minh Phong (Thực hiện)

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/thoi-dai-ai-the-gioi-phang-cang-can-ranh-gioi-post738684.html