Tổ ấm bền vững bắt đầu từ niềm tin và sự lắng nghe
Giữa nhịp sống hiện đại đầy biến động, khi áp lực công việc, ảnh hưởng từ mạng xã hội và những thay đổi trong hệ giá trị đang làm lung lay nền tảng gia đình, câu hỏi 'Làm sao để giữ gìn hạnh phúc tổ ấm?' trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết…

PGS.TS Trịnh Hòa Bình
Trăn trở trước thực trạng ấy, PGS.TS Trịnh Hòa Bình, nhà xã hội học, Phó Chủ tịch Hiệp hội UNESCO Hà Nội, đã chia sẻ cùng Văn Hóa những góc nhìn sâu sắc, gợi mở cách xây dựng một gia đình bền vững bằng thấu hiểu, tôn trọng và đồng hành trong yêu thương.
PV: Thưa PGS.TS Trịnh Hòa Bình, ông nhìn nhận thế nào về những thách thức mà gia đình hiện đại đang phải đối mặt?
- PGS.TS Trịnh Hòa Bình: Gia đình hiện đại đang dần thay đổi mô hình, từ kiểu truyền thống “tam tứ đại đồng đường” sang hình thức hạt nhân, gọn nhẹ hơn. Điều này khiến chúng ta chứng kiến nhiều chuyển biến không dễ dàng: Tỷ lệ ly hôn gia tăng, bạo lực gia đình âm ỷ dưới nhiều hình thức, khoảng cách thế hệ ngày càng rõ rệt. Đáng lưu ý, đời sống mưu sinh bận rộn đang làm giảm sút thời gian chất lượng giữa các thành viên.
Tuy nhiên, tôi cho rằng rạn nứt chưa phải là dấu chấm hết. Đó là tín hiệu cảnh báo để mỗi người trong gia đình cùng nhìn lại, cùng nhận diện những giá trị cốt lõi từng gắn kết họ. Khi kịp thời vun đắp và điều chỉnh, gia đình vẫn có thể là nơi nương náu, sẻ chia và nuôi dưỡng hạnh phúc. Trên hành trình ấy, sự đồng lòng và nỗ lực từ hai phía là yếu tố then chốt để tổ ấm được duy trì bền vững.
Theo ông, những yếu tố cốt lõi để gìn giữ gia đình hạnh phúc trong bối cảnh hiện nay là gì?
- Trước hết, đó là sự thấu hiểu và giao tiếp. Muốn giữ gìn hạnh phúc, điều tối thiểu là phải duy trì đối thoại - chân thành và thường xuyên. Yếu tố thứ hai là sự tôn trọng lẫn nhau. Tôn trọng không chỉ thể hiện qua lời nói, hành vi, mà còn là sự công nhận vai trò và giá trị của mỗi người. Thứ ba là khả năng thích nghi và tinh thần đồng hành. Không có gia đình nào không gặp thử thách - từ tài chính, bệnh tật, áp lực nuôi dạy con cái đến biến động xã hội.
Giới trẻ hiện nay nhiều bạn “sợ kết hôn”, ông nghĩ sao về điều này?
- Đây là một biểu hiện rõ nét của khủng hoảng niềm tin vào hôn nhân. Các bạn trẻ chứng kiến quá nhiều đổ vỡ, cảm thấy áp lực từ trách nhiệm, sự bó buộc và mất tự do nên chọn sống độc thân hoặc sống thử để “an toàn” hơn về mặt cảm xúc.
Tôi không vội phán xét lựa chọn đó, nhưng vẫn muốn nói rằng: Kết hôn, nếu xuất phát từ sự trưởng thành và đồng thuận, là một bước tiến chứ không phải một sự đánh đổi. Điều quan trọng là cả hai phải có kỹ năng sống cùng nhau, biết lắng nghe, chia sẻ và yêu thương bằng sự chín chắn. Hôn nhân chỉ bền vững khi được xây dựng bằng sự chủ động vun đắp từ hai phía, chứ không phải kỳ vọng người kia sẽ hoàn thiện mình.

Tác phẩm đoạt giải tại Cuộc thi ảnh chủ đề “Ảnh đẹp về gia đình” do Sở VHTTDL Hải Phòng tổ chức dịp 28.6.2025
Vậy theo ông, điều gì là quan trọng nhất để xây dựng một gia đình hạnh phúc?
- Đó là niềm tin và lòng bao dung. Niềm tin tạo ra cảm giác an toàn, giúp các thành viên yên tâm gắn bó. Bao dung là khả năng tha thứ và chấp nhận sai sót, thay vì mãi bới móc quá khứ hay so đo từng lỗi nhỏ. Và điều quan trọng nữa là đừng bao giờ coi nhau là điều hiển nhiên. Hạnh phúc không tự nhiên mà có - nó cần được nuôi dưỡng mỗi ngày qua lời nói ân cần, hành động quan tâm, ánh nhìn thấu hiểu và cả những khoảng lặng biết lắng nghe.
Thưa ông, những năm gần đây, Bộ VHTTDL thường xuyên tổ chức Ngày Gia đình Việt Nam (28.6) và Tháng hành động quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình. Nhiều cơ quan, đoàn thể đã hưởng ứng tích cực. Ông đánh giá thế nào về hiệu quả thực tiễn của các hoạt động này?
- Những hoạt động đó thể hiện sự quan tâm rõ nét từ Đảng, Nhà nước và các tổ chức xã hội đối với công tác xây dựng gia đình. Tuy nhiên, muốn hiệu quả thực chất, cần có sự phối hợp liên ngành, cần lắng nghe người dân và xuất phát từ nhu cầu thật của từng cộng đồng.
Vai trò của Nhà nước là rất lớn, không chỉ ở tầm hoạch định chính sách, mà còn trong giáo dục, truyền thông xã hội. Cần đầu tư nhiều hơn cho các chương trình giáo dục tiền hôn nhân, tư vấn gia đình và nâng cao nhận thức cộng đồng qua các nền tảng truyền thông. Hạnh phúc gia đình không nên được xem là chuyện riêng của mỗi hộ, mà là mục tiêu chung mà cả xã hội cần cùng nhau vun đắp.