Thời điểm đưa ấn vàng triều Nguyễn Hoàng đế chi bảo về nước
Tại họp báo thường kỳ Quý III của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL), Cục trưởng Cục Di sản văn hóa cho biết đã hoàn thành phần lớn thủ tục pháp lý để hồi hương ấn vàng 'Hoàng đế chi bảo' - một trong những bảo vật quốc gia bị thất lạc ra nước ngoài.
Bà Lê Thị Thu Hiền, Cục trưởng Cục Di sản văn hóa khẳng định Việt Nam tích cực trong công cuộc hồi hương ấn vàng. Cục trưởng Cục Di sản văn hóa nhấn mạnh Việt Nam đã làm tất cả biện pháp để thông qua con đường ngoại giao văn hóa để hồi hương ấn vàng Hoàng đế chi bảo.
“Chúng ta tập hợp tất cả hồ sơ pháp lý liên quan, chứng minh nguồn gốc của ấn vàng thuộc về của Nhà nước Việt Nam. Cuối cùng chúng ta đạt được kết quả không phải thông qua đấu giá để hồi hương cổ vật mà thông qua thương lượng và thỏa thuận”, bà Lê Thị Thu Hiền nêu.
Việc thương lượng, đàm phán, bồi thường cho các bên liên quan để hồi hương ấn vàng đang được thực hiện đến các bước cuối cùng. Về quy trình, bà Lê Thị Thu Hiền thông tin Việt Nam hoàn thành các thủ tục pháp lý liên quan để có giấy xuất khẩu cổ vật ra khỏi Pháp và giấy xuất khẩu cổ vật ra khỏi Châu Âu.
“Dự kiến cuối tháng 10 tất cả thủ tục liên quan đến giấy tờ pháp lý ấn vàng bên Pháp sẽ hoàn tất, ấn vàng sẽ được giao lại cho Việt Nam. Lãnh đạo Bộ VHTTDL sẽ chỉ đạo Cục Di sản văn hóa phối hợp các bộ, ngành có liên quan hoàn tất thủ tục pháp lý để đưa ấn vàng về nước”, Cục trưởng Cục Di sản văn hóa thông tin.
Ấn vàng Hoàng đế chi bảo được hãng đấu giá Millon rao bán lần đầu tiên vào ngày 31/10/2022. Đến ngày 14/11/2022, Bộ VHTTDL thông báo đàm phán thành công để hồi hương ấn vàng Hoàng đế chi bảo trên tinh thần “đồng thuận, thấu hiểu giữa hai bên và mối quan hệ hợp tác hữu nghị giữa hai nước Việt Nam và Cộng hòa Pháp”.
Tối 15/11, nhà đấu giá Millon (Pháp) mới chính thức gỡ thông tin về phiên đấu giá ấn vàng thời vua Minh Mạng. Từ đó đến nay, công cuộc hồi hương ấn vàng được tích cực thực hiện thông qua con đường ngoại giao.
Theo hãng Millon Hoàng đế chi bảo là “hiện vật nguyên gốc, chuẩn xác, được đúc vào năm Minh Mệnh thứ 4 (1823) như ghi chép trong sử sách (Đại Nam thực lục, Khâm Định Đại Nam hội điển sự lệ) và trong Biên bản, hình ảnh bàn giao ấn kiếm cho Quốc trưởng Bảo Đại ngày 08/3/1952 đang lưu giữ tại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I”.
Ấn vàng Hoàng đế chi bảo là ấn quý giá bậc nhất của triều Nguyễn, có nhiều nét tương đồng với hai ấn vàng Sắc mệnh chi bảo và Hoàng đế tôn thân chi bảo đang lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia Việt Nam.
Ấn thời vua Minh Mạng được đúc bằng vàng ròng nặng 10,78 kg, có kích thước 13,8x13,7 kg trên đúc nổi con rồng uốn khúc. Khi được giới thiệu lần đầu trong phiên đấu giá, hãng Millon định giá ấn vàng khoảng 2-3 triệu euro.
Trước đó, tại họp báo thường kỳ Quý II của Bộ VHTTDL, trả lời về thông tin ông Nguyễn Thế Hồng - Chủ tịch Hội Cổ vật Bắc Ninh - bỏ kinh phí để đàm phán ấn vàng và hồi hương ấn Hoàng đế chi bảo, với chi phí khoảng 6,2 triệu euro, Phó Cục trưởng Cục Di sản văn hóa Trần Đình Thành khẳng định dù ấn vàng Hoàng đế chi bảo thuộc sở hữu cá nhân cũng không có chuyện cổ vật quý giá này một lần nữa bị bán ra nước ngoài.
“Thông tư số 19 (năm 2012) của Bộ VHTTDL quy định danh mục di vật cổ vật không được đưa ra nước ngoài bao gồm di vật, cổ vật bằng các chất liệu có giá trị tiêu biểu về lịch sử, văn hóa, khoa học thuộc các giai đoạn lịch sử Việt Nam trước tháng 9/1945 trong đó bao gồm ấn tín,” ông Trần Đình Thành nêu.
Theo Điều 44 Luật Di sản văn hóa số 28/2001/QH10 ngày 29/6/2001 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật di sản văn hóa số 32/2009/QH12: việc đưa di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia ra nước ngoài để trưng bày, triển lãm, nghiên cứu hoặc bảo quản phải có sự bảo hiểm từ phía tiếp nhận di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia, có quyết định của Thủ tướng cho phép đưa bảo vật quốc gia ra nước ngoài, quyết định của Bộ trưởng Bộ VHTTDL cho phép đưa di vật, cổ vật ra nước ngoài.