Thời điểm lịch sử trọng đại của dân tộc thì phải có những quyết định lịch sử, đột phá
Đây là phát biểu của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn tại phiên bế mạc Kỳ họp bất thường lần thứ 9, Quốc hội khóa XV sáng 19/2.
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu bế mạc Kỳ họp bất thường lần thứ 9, Quốc hội khóa XV sáng 19/2.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu bế mạc Kỳ họp bất thường lần thứ 9, Quốc hội khóa XV sáng 19/2.
Sáng 19/2, sau 6,5 ngày làm việc, Quốc hội khóa XV tiến hành Phiên bế mạc Kỳ họp bất thường lần thứ 9.
Trước Phiên bế mạc, Quốc hội họp phiên toàn thể tại Hội trường, biểu quyết thông qua 2 luật và 4 nghị quyết. Bao gồm:
Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi); Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi);
Nghị quyết của Quốc hội về chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng; Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt để phát triển hệ thống mạng lưới đường sắt đô thị tại TP. Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh; Nghị quyết về các cơ chế, chính sách đặc thù đầu tư xây dựng dự án điện hạt nhân Ninh Thuận; Nghị quyết quy định về xử lý một số vấn đề liên quan đến sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước.
Tại Phiên bế mạc, Quốc hội biểu quyết thông qua 2 nghị quyết, gồm: Nghị quyết bổ sung kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 với mục tiêu tăng trưởng đạt 8% trở lên; Nghị quyết thí điểm một số chính sách để tháo gỡ vướng mắc trong hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Dấu ấn lập pháp quan trọng
Phát biểu bế mạc Kỳ họp bất thường lần thứ 9, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, sau 6,5 ngày làm việc nghiêm túc, dân chủ, đổi mới, khoa học, trách nhiệm cao, Kỳ họp bất thường lần thứ 9, Quốc hội khóa XV đã hoàn thành nội dung chương trình đề ra.
Tại Kỳ họp này, Quốc hội đã xem xét, thông qua 4 luật gồm: Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi); Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội; Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi);
Thông qua 5 Nghị quyết để thực hiện việc sắp xếp tổ chức bộ máy của Quốc hội, Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội khóa 15: Nghị quyết quy định về xử lý một số vấn đề liên quan đến sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước; Nghị quyết về việc tổ chức các cơ quan của Quốc hội và Nghị quyết về số thành viên UBTVQH khóa XV; Nghị quyết về cơ cấu tổ chức của Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV và Nghị quyết về cơ cấu số lượng thành viên Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV.

Quốc hội họp phiên bế mạc sáng 19/2
Theo đó, các cơ quan của Quốc hội gồm có: Hội đồng Dân tộc; Ủy ban Pháp luật và Tư pháp; Ủy ban Kinh tế và Tài chính; Ủy ban Quốc phòng, An ninh và Đối ngoại; Ủy ban Văn hóa và Xã hội; Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường; Ủy ban Công tác đại biểu; Ủy ban Dân nguyện và Giám sát.- Cơ cấu số lượng thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XV có 19 thành viên, gồm: Chủ tịch Quốc hội, 06 Phó Chủ tịch Quốc hội và 12 Ủy viên.
Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV gồm 14 bộ và 03 cơ quan ngang bộ, cụ thể: Bộ Quốc phòng; Bộ Công an; Bộ Ngoại giao; Bộ Nội vụ; Bộ Tư pháp; Bộ Tài chính; Bộ Công Thương; Bộ Nông nghiệp và Môi trường; Bộ Xây dựng; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Bộ Khoa học và Công nghệ; Bộ Giáo dục và Đào tạo; Bộ Y tế; Bộ Dân tộc và Tôn giáo; Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; Thanh tra Chính phủ; Văn phòng Chính phủ.
Cơ cấu số lượng thành viên Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV gồm 25 thành viên: Thủ tướng Chính phủ; 07 Phó Thủ tướng Chính phủ; 14 Bộ trưởng và 03 Thủ trưởng cơ quan ngang bộ.
Đồng thời thông qua 6 Nghị quyết nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và các cơ chế, chính sách đặc thù đối với một số dự án quan trọng, công trình trọng điểm quốc gia. Trong đó, có Nghị quyết về bổ sung Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 với mục tiêu tăng trưởng đạt 8% trở lên.
"Đây là dấu mốc quan trọng trong tiến trình xây dựng pháp luật, có ý nghĩa rất quan trọng phục vụ cuộc cách mạng sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị và kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về thể chế, chính sách, tạo đột phá để hoàn thiện cơ sở hạ tầng, phát huy nguồn lực, kiến tạo không gian phát triển mới cho địa phương và cả nước", Chủ tịch Quốc hội nói.
Công tác nhân sự được thực hiện chặt chẽ
Theo Chủ tịch Quốc hội, công tác nhân sự của Kỳ họp đã được thực hiện chặt chẽ, theo đúng quy định của Đảng, pháp luật Nhà nước, đạt được sự đồng thuận, thống nhất cao của các đại biểu Quốc hội.
Quốc hội đã bầu đồng chí Vũ Hồng Thanh, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội và đồng chí Lê Minh Hoan, nguyên Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giữ chức Phó Chủ tịch Quốc hội khóa 15. Quốc hội đã phê chuẩn đề nghị của Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm đồng chí Mai Văn Chính, nguyên Trưởng Ban Dân vận Trung ương và đồng chí Nguyễn Chí Dũng, nguyên Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư giữ chức Phó Thủ tướng Chính phủ nhiệm kỳ 2021 - 2026. Đồng thời Quốc hội cũng đã bầu 01 Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, 06 Chủ nhiệm Ủy ban của Quốc hội; phê chuẩn đề nghị của Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm 04 Bộ trưởng nhiệm kỳ 2021 - 2026.
Bên cạnh đó, Quốc hội đã miễn nhiệm chức vụ Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XV, phê chuẩn việc miễn nhiệm chức vụ Bộ trưởng nhiệm kỳ 2021 – 2026 đối với một số đồng chí.

Các đại biểu Quốc hội tại phiên bế mạc kỳ họp
Phải có những quyết định lịch sử, đột phá
Theo Chủ tịch Quốc hội, nhiều đại biểu đã ghi nhận các dự thảo luật trình Quốc hội kỳ này có nhiều vấn đề mới, đúng và trúng, ngắn gọn, dễ hiểu, theo đúng tinh thần đổi mới tư duy xây dựng pháp luật từ Kỳ họp thứ 8 của Quốc hội khóa XV.
Đồng thời, khẳng định quyết sách kịp thời, tất yếu khách quan, đúng đắn, tầm nhìn xa, cơ sở thuyết phục của Đảng, Nhà nước và đã bắt được "đúng mạch", không chần chừ, do dự để khẩn trương khắc phục những tồn tại, vướng mắc, những điểm nghẽn làm chậm sự phát triển của đất nước.
"Thời điểm lịch sử trọng đại của dân tộc thì phải có những quyết định lịch sử, đột phá cho sự phát triển của đất nước", Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh.
Tuy nhiên, còn nhiều vấn đề cụ thể của thực tiễn rất khác nhau cần tiếp tục nghiên cứu, tổ chức thực hiện theo đúng hiến định, phù hợp với thực tiễn, đảm bảo thông suốt, khả thi, hiệu quả, đạt được những mục tiêu đã đề ra.
"Những băn khoăn, lo ngại của các đại biểu Quốc hội là có cơ sở, cần hết sức lưu ý trong quá trình chỉ đạo, hướng dẫn, tổ chức thực hiện và công tác giám sát sau khi các luật, nghị quyết có hiệu lực thi hành, đảm bảo thực hiện nghiêm đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước", Chủ tịch Quốc hội nói.
Khẳng định Kỳ họp bất thường lần thứ 9 đã thành công tốt đẹp, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các cơ quan, đơn vị, địa phương khẩn trương tổ chức triển khai thực hiện với tinh thần chủ động, sáng tạo, quyết tâm, quyết liệt, nói đi đôi với làm.
Đề nghị Chính phủ nỗ lực cao nhất để xây dựng các kế hoạch, các văn bản quy định chi tiết các nội dung được giao trong các luật và các nghị quyết của Quốc hội.
Các cơ quan khẩn trương rà soát để sửa đổi, bổ sung các nội dung cụ thể tại các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến sắp xếp bộ máy cần xử lý ngay, có tính chất đặc thù, mà không thể xử lý theo nguyên tắc chung để ban hành theo thẩm quyền.
Đồng thời, đề nghị các cơ quan hữu quan, các ĐBQH tiếp tục nghiên cứu, chủ động chuẩn bị tốt nhất các nội dung sẽ trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XV tới đây.