Thời gian của bố

Mỗi chúng ta đều có một kho riêng để cất giữ thời gian. Mẹ nói, thời gian của mẹ nằm trong căn bếp nhỏ, nơi mẹ chăm chút gia đình từng miếng cơm, hớp nước. Anh trai tôi luôn đặt tay lên ngực và bảo quỹ thời gian của anh nằm trong túi áo, nơi cất giấu những bông cỏ gà lúc bé, vài bức thư tình khi còn trai trẻ và giờ là bao thuốc lá dành cho giây phút suy tư. Còn quỹ thời gian của bố thì nằm trong cửa hiệu sửa đồng hồ. Nói là cửa hiệu cho oai, chứ thực ra chỉ là túp lều nhỏ để che mưa che nắng, phía trước treo chiếc mẹt rách làm biển hiệu có đề dòng chữ ghi bằng phấn trắng 'Nhận sửa đồng hồ'. Người trong quán lúc nào cũng đông nhưng khách đến sửa thì ít mà toàn là lũ trẻ con lít nhít xúm lại ngó nghiêng những chiếc kim đồng hồ chạy đều nhau tăm tắp. Tôi thích trò áp tai nghe từng tiếng kêu hòa với tiếng nhịp tim mình trong lồng ngực. Và quỹ thời gian của tôi hình như nằm trong cái dáng ngồi khom lưng của bố đang lụi cụi sửa đồng hồ…

Ngày xưa toàn là những chiếc đồng hồ cơ chạy bằng dây cót, thỉnh thoảng chúng rệu rã nằm nghỉ ngơi trong cửa hiệu của bố. Chúng xếp thành một hàng dài, khi được tháo vỏ ngoài thì hở ra những chiếc bánh răng to nhỏ. Bố ví chúng như người già cần được chăm sóc, nghỉ ngơi sau một quá trình dài vặn mình làm việc từng giây từng phút. Sự ví von ấy khiến tôi nhớ đến tấm lưng còng của nội, qua bao mưa nắng nhọc nhằn giờ leo lắt như ngọn đèn dầu trước gió. Nội hay ngồi ngoài hiên bỏm bẻm nhai trầu rồi ngó vọng qua quán lá đang mỗi ngày tả tơi trước gió. Nội nhìn lũ nhỏ hồn nhiên vỡ òa trong niềm vui sung sướng khi thấy một chiếc đồng hồ vừa chạy lại sau một thời gian dài 3 chiếc kim chụm đầu ở con số 6. Tôi khoái được nhìn thấy khuôn mặt bố khi đó. Bao giờ cũng vậy, cứ sửa xong một chiếc đồng hồ là bố lại thở phào nhẹ nhõm, cẩn thận nâng niu nó đặt trên chiếc bàn gỗ sơn đỏ giữa lều. Tôi chắc hẳn nó cũng giống như niềm vui và sự thanh thản của bác sĩ khi vừa cứu sống bệnh nhân. Rồi tối đó sẽ có người đến nhận đồng hồ về trong niềm hồ hởi. Đồng hồ đánh thức trẻ con dậy đi học đúng giờ. Đồng hồ khua khoắng những căn nhà buồn tẻ bằng tiếng kêu đều đặn như nhịp tim, như tiếng bước chân, như tiếng lòng khấp khởi…

Nhưng không phải lúc nào bố cũng lụi cụi trong túp lều nhỏ đó. Vì những chiếc đồng hồ bền bỉ ấy họa hoằn mới hỏng hóc. Thời gian còn lại tôi ngắm bố khỏe khoắn, hoạt bát hơn trong công việc đồng áng. Bố trồng cây xanh, bố gánh lúa ngoài đồng, bố lên núi chặt củi, bố xuống sông bắt cá. Trông bố lúc nào cũng vui vẻ, tràn ngập năng lượng sống. Nhiều lúc tôi cứ tự hỏi phải chăng vì là người thợ sửa đồng hồ nên bố đã tích lũy cho mình một quỹ thời gian sống tràn trề hơn tất cả người bình thường khác. Ý nghĩ ấy khiến tôi yêu “cửa hiệu” nhỏ của bố hơn, dù tiền công sửa đồng hồ chỉ là rổ khoai, nải chuối, vài đấu thóc, túi đỗ tương hay mớ tép đồng vẫn còn nguyên bùn đất. Thậm chí có những thứ khi được trả công bố mang về chẳng biết để làm gì nhưng bố tặc lưỡi cười bảo thôi mình cứ cầm cho người ta vui, cùng cảnh dân dã cả mà. Những lúc ấy tôi thích chạy lại nép vào ngực bố, giống như niềm an ủi, như nỗi reo vui, như tiếng lòng cảm thương sâu sắc của một người con khờ dại dành cho bố.

Rồi tôi lớn lên, những niềm vui trong trẻo cũng thưa dần. Nhiều đêm tỉnh giấc thảng thốt nghe đồng hồ lạch tạch kêu mà thấy nhớ cửa hiệu sửa đồng hồ treo biển bằng chiếc mẹt rách của bố. Tiếng kim đồng hồ bây giờ thường buồn như tiếng mưa rơi, tiếng lòng của kẻ nhiều bồng bột và nông nổi đang thức nhớ cố hương. Quỹ thời gian của tôi hình như không phải đang nằm đâu đó trong những điều phía trước mà đã bị bỏ quên trong dòng chảy ký ức một thời.

Tích tắc! Tích tắc…

Chào nhé yêu thương, mùa thứ 4, chủ đề “Cha” chính thức ra mắt từ ngày 27-12-2024 trên bốn loại hình báo chí và các hạ tầng số của Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước (BPTV), hứa hẹn sẽ mang đến cho công chúng những giá trị tuyệt vời của tình cha thiêng liêng, cao đẹp.
Hãy gửi đến BPTV những câu chuyện xúc động về Cha bằng cách viết báo, viết bài cảm nhận, thơ, tản văn, video clip, bài hát (có bản thu âm),... qua email chaonheyeuthuongbptv@gmail.com, Phòng Thư ký biên tập, Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước, số 228, Trần Hưng Đạo, phường Tân Phú, thành phố Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước, số điện thoại: 0271.3870403. Thời gian nhận bài từ nay đến hết ngày 30-8-2025.
Bài viết chất lượng sẽ được đăng phát lan tỏa, được trả nhuận bút, đồng thời tặng thưởng khi khép lại chủ đề với 1 giải đặc biệt và 10 giải xuất sắc.
Hãy cùng “Chào nhé yêu thương” mùa 4 viết tiếp câu chuyện về Cha, để những câu chuyện về Cha được lan tỏa và chạm đến trái tim mọi người!

Vũ Thị Huyền Trang

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/19/169983/thoi-gian-cua-bo