Thời gian ủ bệnh của người mắc sởi
Giai đoạn ủ bệnh của bệnh nhân sởi có thể từ 7 ngày đến 2 tuần.

Trẻ mắc sởi nhập viện. Ảnh: TTXVN
Theo các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Hà Đông, virus sởi dễ lây lan từ người bệnh sang người lành chủ yếu qua dịch tiết mũi họng của người nhiễm sởi bắn ra không khí khi người bệnh ho, hắt hơi và người lành hít phải những giọt không khí chứa virus.
Thời gian ủ bệnh khi cơ thể nhiễm virus sởi có thể từ 7 ngày đến 2 tuần. Sau giai đoạn ủ bệnh, người bệnh có những biểu hiện theo từng giai đoạn như:
Ở giai đoạn khởi phát bệnh (diễn biến từ 3-4 ngày): Trẻ thường sốt cao (trên 39 độ C) khi biểu hiện sốt thuyên giảm sẽ đồng thời xuất hiện triệu chứng phát ban đặc trưng của sốt. Bệnh nhân có thể có biểu hiện viêm long đường hô hấp; chảy nước mũi, ho, viêm kết mạc; mắt có gỉ kèm nhèm, sưng nề mi mắt.
Giai đoạn toàn phát diễn biến từ ngày 4-6 ngày (còn gọi là giai đoạn mọc ban): Ban sởi xuất hiện rất đặc trưng. Cụ thể, ban nổi bắt đầu từ sau tai (vùng gáy), sau đó lan ra mặt rồi dần xuống ngực bụng và cuối cùng là toàn thân.
Giai đoạn lui bệnh thường vào ngày 6 của bệnh (giai đoạn ban bay): Ban trên da sẽ bay theo thứ tự từ mặt đến thân mình và chi, để lại các nốt thâm có tróc da mỏng, mịn kiểu bụi phân hay vảy cám. Những chỗ da thâm của ban bay và chỗ da bình thương tạo nên màu da loang lổ gọi là dấu hiệu “vằn da hổ” đó là dấu hiệu để chẩn đoán bệnh. Toàn thân bệnh nhân sẽ hồi phục dần nếu không có biến chứng.
Theo các bác sĩ, bệnh sởi được chẩn đoán phải dựa vào cả triệu chứng lâm sàng và cả xét nghiệm cần thiết. Về lâm sàng, bệnh nhân có những triệu chứng điển hình như: Sốt, phát ban kèm ho, mắt đỏ (viêm kết mạc mắt) hoặc chảy nước mũi.
Hiện nay, bệnh sởi chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, do đó để chủ động phòng bệnh, các bác sĩ khuyến cáo người dân cần thực hiện các biện pháp:
- Đưa trẻ đi tiêm phòng bệnh sởi ngay từ khi trẻ đủ 9 tháng tuổi và tiêm nhắc lại sởi mũi 2 khi trẻ đủ 18 tháng tuổi theo chương trình Tiêm chủng mở rộng quốc gia tại các trạm y tế.
- Người dân thường xuyên áp dụng các biện pháp dự phòng chung như: Đeo khẩu trang khi đến nơi đông người; rửa tay thường xuyên bằng xà phòng nhất là khi chăm sóc trẻ; súc miệng, họng bằng nước súc miệng; tránh đưa tay lên mắt, mũi, miệng; che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi; thực hiện tốt vệ sinh nhà ở, vệ sinh cá nhân; đảm bảo dinh dưỡng hợp lý.
- Không tiếp xúc với người bệnh sởi hoặc nghi mắc bệnh sởi. Khi phát hiện có các dấu hiệu sốt, ho, chảy nước mũi, phát ban... cần đến ngay các cơ sở y tế để kịp thời khám, điều trị phòng các biến chứng và diễn biến nặng của bệnh sởi.
- Về kiểm soát nhiễm trùng: Với bệnh nhân sởi điều trị tại bệnh viện, các biện pháp phòng ngừa lây truyền qua đường không khí được chỉ định trong bốn ngày sau khi bắt đầu phát ban ở những bệnh nhân khỏe mạnh và trong suốt thời gian bị bệnh ở những bệnh nhân suy giảm miễn dịch. Bệnh nhân sốt phát ban cần được đưa đến khu vực chờ riêng hoặc phòng riêng. Cả bệnh nhân và nhân viên phải đeo khẩu trang, mặt nạ phòng độc thích hợp (mặt nạ cho bệnh nhân để ngăn tạo ra các giọt nhỏ, và mặt nạ cho nhân viên để lọc các hạt trong không khí, bất kể tình trạng miễn dịch).
Với bệnh nhân điều trị tại nhà, nên được yêu cầu cách ly ở nhà trong 4 ngày sau khi phát ban. Virus sởi có thể lơ lửng trong không khí đến hai giờ; do đó không nên sử dụng phòng có người nghi ngờ bị sởi trong vòng hai giờ sau khi bệnh nhân rời đi.
- Tăng cường miễn dịch bằng cách cho trẻ ăn đầy đủ dinh dưỡng, đảm bảo 4 nhóm thực phẩm là: Chất đạm, chất béo, chất bột đường, nhóm cung cấp vitamin và chất khoáng. Đặc biệt, cần cho trẻ ăn đủ các thức ăn giàu đạm có giá trị sinh học cao như: Thịt, cá, trứng, sữa, hải sản... đa dạng các loại rau xanh, hoa quả...