Thời hoa lửa

49 năm đại thắng mùa xuân năm 1975, những người lính năm nào giờ đã ở tuổi xế chiều, song ký ức về những ngày kháng chiến chống Mỹ can trường, không nề hà sống chết vẫn khắc sâu trong trái tim họ. Ðể những ngày cuối tháng Tư này, ký ức đầy tự hào ấy được gợi lại, ùa về...

Ông Trang vẫn nhớ như in những năm tháng chiến đấu bảo vệ phà Ghép.

Ông Trang vẫn nhớ như in những năm tháng chiến đấu bảo vệ phà Ghép.

“Đế quốc Mỹ là một gã “khổng lồ” về tiềm lực kinh tế, khí tài quân sự, nham hiểm nhất, hiếu chiến nhất lúc bấy giờ... nhưng cũng chẳng thể nào ngăn nổi bước ta đi...”, là câu nói mở đầu cho dòng ký ức hào hùng về những ngày tháng Tư lịch sử trong tâm trí người cựu chiến binh Lê Ngọc Đằng (phường Ba Đình, TP Thanh Hóa), nguyên Trưởng Ban Tuyên huấn E28, F10, Quân đoàn 3 Tây Nguyên.

“Khí thế kháng chiến lúc đó sôi động và quyết liệt lắm. Là người Việt Nam, ai nấy đều mong ước được đóng góp sức lực cho cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc”. Bởi vậy chàng thanh niên Lê Ngọc Đằng dù mới 17 tuổi nhưng đã bỏ ngang sự nghiệp học hành, trốn bố mẹ đi khám nghĩa vụ quân sự, trở thành người lính Cụ Hồ. Sau thời gian huấn luyện, năm 1967 ông được cử vào mặt trận Tây Nguyên. Tại đây, ông đã cùng đồng đội trải qua hàng trăm trận đánh sinh tử, cận kề giữa cái sống và cái chết, trải qua nhiều cương vị khác nhau, ông Đằng luôn thể hiện bản lĩnh, sự mưu trí, sáng tạo cùng đơn vị lập nên các chiến công. Năm 1969, ông được kết nạp Đảng ngay trên chiến trường, niềm vinh dự và tự hào của người lính Cụ Hồ. Năm 1974, ông được bổ nhiệm Trưởng Ban Tuyên huấn, được cấp máy ảnh thực hiện nhiệm vụ. Bởi vậy, ông Đằng còn lưu giữ rất nhiều tấm hình lịch sử quý giá, trong đó bức hình ghi lại thời khắc lịch sử quan trọng trong ngày 30/4/1975, 2 chiến sĩ thuộc trung đoàn đã tiến vào cắm cờ giải phóng trên nóc Bộ Tổng tham mưu Sài Gòn đang được lưu giữ tại phòng truyền thống Trung đoàn 28, Sư đoàn 10 và Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam. Đây là niềm tự hào của ông Đằng cũng là niềm vinh dự của những người đã góp phần trực tiếp làm nên chiến thắng mùa xuân năm 1975.

8 năm chiến đấu tại chiến trường Tây Nguyên, tròn 55 năm tuổi Đảng, ông Đằng chưa bao giờ quên thời khắc định mệnh của những ngày cuối tháng Tư lịch sử. Trong câu chuyện của ông vẫn luôn đầy đủ các sự kiện quan trọng, tên đồng đội vẫn được ông nhớ rõ, từng trận đánh vẫn được ông kể chi tiết và những bức ảnh luôn là nhân chứng quan trọng cho câu chuyện của chính mình. Ông nói: “Sáng ngày 27/4, cán bộ Trung đoàn 28 họp quân chính quán triệt nhiệm vụ giải phóng Sài Gòn. Sáng sớm 28/4, hành quân. Đúng 5 giờ sáng ngày 30/4, lệnh nổ súng phát ra, quân ta từ các hướng tấn công vào đồn địch. Bộ binh bao vây xung quanh, không cho quân địch đường lui nào. Trung đoàn 28 được giao nhiệm vụ đánh chiếm Bộ Tổng tham mưu. Khoảng 11 giờ cùng ngày, sau khi quân ta chiếm được cổng Bộ Tổng tham mưu, tôi nhanh chóng chỉ đạo 2 chiến sĩ Tân và Lựu giật lá cờ ba que của địch dẫm dưới chân mình và kéo lá cờ quyết chiến quyết thắng của E28 F10 lên cổng chính Bộ Tổng tham mưu. Sau đó cùng đơn vị tiến đánh thẳng vào tòa nhà chính Bộ Tổng tham mưu và cắm cờ lên nóc nhà Bộ Tổng tham mưu quân đội Sài Gòn lúc 11h30’ ngày 30/4/1975... Sau chiến dịch đơn vị được tuyên dương Đơn vị Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân, tôi và nhiều chiến sĩ khác được tặng Huân chương Chiến công hạng Ba”.

Ông Đằng là một trong hàng chục vạn người con Thanh Hóa góp mặt trên khắp các chiến trường gay go, ác liệt nhất lập nên những chiến công oanh liệt hào hùng.

Còn tại hậu phương, với tinh thần vừa tích cực sản xuất, vừa sẵn sàng chiến đấu, quân và dân trong toàn tỉnh đã lập nên những chiến công oanh liệt, vang dội khắp nơi. Như Hàm Rồng, Phà Ghép, Đảo Mê, Đò Lèn... với những Trung đội lão dân quân Hoằng Trường, Trung đội dân quân gái Hoa Lộc... anh dũng, kiên cường chiến đấu, bắn rơi hàng chục máy bay Mỹ bằng súng bộ binh, chặn đứng mọi cuộc tấn công phá hoại của giặc Mỹ. Trong đó, phà Ghép (xã Quảng Trung, Quảng Xương) nằm ở vị trí chiến lược quan trọng trong tuyến đường vận tải cho miền Nam, nơi được ví như “tọa độ lửa”, “túi bom” trong kháng chiến chống Mỹ.

Theo các nhân chứng lịch sử trong xã kể lại, trong cuộc chiến chống chiến tranh phá hoại lần thứ nhất của Mỹ, tại phà Ghép hầu như không có ngày nào ngớt tiếng bom đạn của máy bay Mỹ. Thông thường ban ngày sẽ có 3 tốp, mỗi tốp có 3 máy bay rút bom liên tục xuống khu vực phà Ghép. Buổi chiều để tránh hỏa lực của ta, chúng lợi dụng ánh nắng mặt trời để thả bom và gây khó khăn cho các xạ thủ pháo binh của ta tấn công. Trong cuốn Lịch sử Đảng bộ xã Quảng Trung có ghi “... Mức độ đánh phá ngày càng ác liệt, có ngày chúng đánh đến 18 - 20 trận. Có tháng cao điểm như tháng 8/1965, tháng 6/1967, tháng 3/1968, máy bay Mỹ đánh phá liên tục không kể ngày đêm. Từ ngày 4/4/1965 đến ngày 3/11/1968 máy bay Mỹ bắn phá 867 trận (có 391 trận đánh ban đêm), trong đó có 321 trận đánh phá trực tiếp vào làng xã Quảng Trung với 11.284 lần chiếc, chúng đã trút xuống 3.296 quả bom các loại, 1.060 quả bom bi, 265 quả thủy lôi, 383 quả tên lửa. Ngoài ra, pháo tầm xa của địch từ Hạm đội 7 ngoài biển bắn 770 lần vào mảnh đất Quảng Trung đã gây ra đau thương tang tóc, nhà cửa tài sản ruộng vườn bị tàn phá. Làng Ngọc Trà không còn mấy nóc nhà nguyên vẹn”.

Ông Đằng (trái) cùng đồng đội ôn lại kỷ niệm thời kháng chiến chống Mỹ.

Ông Đằng (trái) cùng đồng đội ôn lại kỷ niệm thời kháng chiến chống Mỹ.

Không mảnh đất nào có thể chịu đựng được sức tàn phá khủng khiếp từ bom đạn như thế, chỉ có mảnh đất được nuôi dưỡng từ lòng yêu nước, quyết tâm giành độc lập tự do đến cùng của những người con quê hương mới kháng cự được những vũ khí hiện đại của đế quốc Mỹ. Thời đó, ông Hoàng Quý Trang (từng làm bí thư đoàn thanh niên, quyền trung đội trưởng xã Quảng Trung) đã chiến đấu cùng đồng đội hàng trăm trận. Ông kể: Hàng trăm dân quân, thanh niên nam, nữ được các HTX cử vào đội dân quân trực chiến suốt ngày đêm. Trung đội trực chiến thường xuyên có 25 đội viên (10 nam, 15 nữ) được trang bị súng bộ binh, đã thường trực chiến đấu và hiệp đồng chiến đấu. Quân địch càng điên cuồng ném bom thì quân dân hai bên bờ sông càng kiên trì, quyết bám trụ không rời một ly. Giặc phá đứt cầu phao thì chúng ta nối lại, ngày thì tháo cầu phao mang giấu, tối lại kéo ra nối lại cho xe qua... Trong chiến đấu đã có nhiều tấm gương dũng cảm, ngoan cường. Đó là người thiếu niên dũng cảm Nguyễn Bá Ngọc, đã lấy thân mình che đạn pháo cứu sống hai em nhỏ; là Trung đội trưởng Nguyễn Thị Nở bị bom vùi khi được cứu ra vẫn tiếp tục chỉ huy chiến đấu; đội viên trẻ Lê Thị Hợi anh dũng hy sinh trong chiến đấu ở trận địa Đồng Hàng (Ngọc Trà)...

Hậu phương vững chắc, tiền tuyến anh dũng, hậu phương kiên định, tiền tuyến quyết thắng... tất cả cùng chung ý chí “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”, dù kẻ thù có mạnh đến đâu, vũ khí có tối tân, hiện đại như thế nào cũng không thể nào xâm lược nổi một dân tộc có sức mạnh đoàn kết. Đó là niềm tự hào về một thời hoa lửa không bao giờ phai nhạt trong tâm trí của của những người đã góp phần làm nên mùa xuân lịch sử như ông Trang, ông Đằng và tất cả những thế hệ mai sau.

Bài và ảnh: Phong Vân

Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/thoi-nbsp-hoa-lua-30875.htm