'Thổi hồn' cho gỗ lũa

Qua đôi bàn tay khéo léo, tài hoa và trí tưởng tượng phong phú của mình, anh Hoàng Văn Kiên - thợ chạm khắc đã 'thổi hồn' và biến những gốc cây, khúc gỗ xù xì, vô tri trở thành sản phẩm độc đáo, mang giá trị nghệ thuật cao. Những sản phẩm nghệ thuật được chế tác từ gỗ lũa này từng bước có chỗ đứng trên thị trường, được nhiều khách hàng ưa chuộng.

Anh Kiên (bên phải) hoàn thiện tác phẩm “Phu thê viên mãn” cho khách hàng.

Anh Kiên (bên phải) hoàn thiện tác phẩm “Phu thê viên mãn” cho khách hàng.

Khởi nghiệp từ đam mê

Tình cờ vào một ngày Đông, tôi chạy xe dọc tuyến đường Nguyễn Tất Thành, đoạn qua phường Vân Phú, thành phố Việt Trì thì bắt gặp cánh thợ đang cặm cụi đánh giấy giáp bộ bàn ghế được chế tác từ những gốc cây khúc khuỷu. Trong bộ quần áo bảo hộ lao động đầy bụi gỗ và chiếc khẩu trang kín mít, tôi không thể nhận ra đâu là chủ xưởng và thợ làm công. Thấy có người đến thăm xưởng, anh Hoàng Văn Kiên - chủ cơ sở chạm khắc gỗ phủi qua lớp bụi bám trên bộ quần áo và tạm cởi chiếc khẩu trang mời khách vào uống nước.

Mỗi năm xưởng của anh Kiên đưa ra thị trường hàng trăm sản phẩm chạm khắc độc đáo.

Mỗi năm xưởng của anh Kiên đưa ra thị trường hàng trăm sản phẩm chạm khắc độc đáo.

Bên chén trà nóng, anh Kiên chia sẻ về niềm đam mê với nghề không phải ai muốn cũng có thể làm được. Sinh năm 1985 trong gia đình thuần nông ở xã Hải Lựu, huyện Sông Lô, tỉnh Vĩnh Phúc, sau khi tốt nghiệp Trường công nhân kỹ thuật chế biến gỗ Trung ương nay là Trường Cao đẳng nghề Công nghệ, Kinh tế và Chế biến Lâm sản - chiếc nôi đào tạo nghề chế biến gỗ chuyên sâu và có quy mô đào tạo công nhân kỹ thuật chế biến gỗ lớn nhất trong ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn của cả nước, anh Kiên không về quê lập nghiệp mà bươn chải từ Bắc vào Nam. Anh nhận làm thuê cho các xưởng chế tác gỗ ở tỉnh Kon Tum rồi Hà Giang - những nơi có nghề chế biến gỗ, chạm khắc gỗ phát triển. Được đào tạo tay nghề qua trường lớp lại thêm gần chục năm rèn rũa ngoài thực tế, anh học được nhiều điều, tiếp xúc với nhiều thợ giỏi, từ đó giúp nâng cao tay nghề và tích lũy kinh nghiệm. Quyết tâm theo đuổi nghề, năm 2015 anh Kiên quyết định rời Hà Giang về thành phố Việt Trì lập nghiệp với khát khao mở được một cơ sở chạm khắc gỗ riêng cho mình thay vì trở về quê nhà Sông Lô, Vĩnh Phúc. Bởi theo anh, những món đồ chạm khắc từ gỗ chủ yếu phục vụ khách hàng có kinh tế khá giả, có gu thẩm mỹ, nên thành phố Việt Trì là nơi phù hợp để mở xưởng.

Anh Kiên kể về thời gian đầu mở xưởng gỗ: “Được sự ủng hộ của gia đình, tôi mở xưởng gỗ tuy có vị trí đẹp sát đường giao thông, nhưng thời kỳ đầu xưởng ít khách hàng. Một phần là bởi khách hàng chưa biết đến sản phẩm của mình và giá trị thực của các tác phẩm điêu khắc gỗ. Dù vậy, tôi không nản chí mà tự sáng tạo ra các tác phẩm từ nhỏ nhất như tượng danh nhân nổi tiếng đến các sản phẩm lớn như tranh gỗ với các nét đục đẽo tinh xảo, sắc nét, có hồn. Dần dần khách yêu nghệ thuật truyền tai nhau và đến xưởng mua hàng càng nhiều”.

Chạm khắc là nghề thủ công mỹ nghệ cao cấp, ngoài khéo tay, có óc sáng tạo, nghề điêu khắc cũng đòi hỏi người thợ phải có tính kiên trì và thực sự đam mê với nghề. Khi học nghề, ngoài các kỹ thuật cơ bản, người thợ phải rèn luyện trí tưởng tượng để biết cách tạo dáng, phác thảo ra sản phẩm ngay từ trong suy nghĩ. Theo anh Kiên, cũng là tạo tác trên gỗ, nhưng nghề chạm khắc gỗ khác với nghề mộc dân dụng ở chỗ nghề chạm khắc gỗ đòi hỏi sự kiên trì, khéo léo, tỉ mỉ óc sáng tạo và có tính nghệ thuật nhiều hơn. Trong khi nghề mộc dân dụng có thể sử dụng máy móc sản xuất ra sản phẩm hàng loạt giống nhau, thì mỗi tác phẩm điêu khắc nghệ thuật ra đời gần như là phải làm thủ công và là duy nhất.

Từ các gốc cây, thân cây, bộ rễ cây... người thợ sáng tạo ra những sản phẩm dựa theo hình dạng, màu sắc, vân gỗ hay chính những vết sần sùi trên từng khối gỗ. Từ đó, tạo ra những chi tiết sống động, đậm nét văn hóa của người Việt Nam. Do vậy, dù cùng kích thước, hình dáng hay chất liệu gỗ nhưng nét đẹp, cái “hồn” của mỗi tác phẩm do anh Kiên chế tác đều có sự khác biệt, không có tác phẩm nào giống tác phẩm nào.

Kỹ thuật đục kênh bong đòi hỏi sự khéo léo, tỷ mỉ trong từng chi tiết tạo nên tác phẩm nghệ thuật độc đáo.

Kỹ thuật đục kênh bong đòi hỏi sự khéo léo, tỷ mỉ trong từng chi tiết tạo nên tác phẩm nghệ thuật độc đáo.

Người thợ đục tạo hình thủ công từng chi tiết nhỏ trên sản phẩm.

Người thợ đục tạo hình thủ công từng chi tiết nhỏ trên sản phẩm.

Mở rộng thị trường

Các sản phẩm chạm khắc gỗ nghệ thuật do anh Kiên sáng tạo có hình ảnh thân thuộc, gần gũi với đời sống con người Việt Nam như tượng Phật, tượng phúc - lộc - thọ, tượng 12 con giáp, tranh đồng quê... Mỗi tác phẩm giá từ vài triệu đồng đến vài chục triệu đồng, thậm chí hàng trăm triệu đồng tùy từng loại gỗ, kích thước và sự cầu kỳ, công phu. Sau 20 năm gắn bó với nghề, cơ sở chạm khắc gỗ của anh đã khẳng định niềm tin với khách hàng. Từ gốc cây, bộ rễ tưởng chừng bỏ đi, qua đôi bàn tay tài hoa của anh đã mang dáng vẻ, thần thái riêng, nâng tầm giá trị cho gỗ được khách hàng yêu thích. Hiện, mỗi tháng cơ sở nhận thực hiện từ 10-15 đơn hàng cho khách trong và ngoài tỉnh.

Vừa thoăn thoắt đánh bóng hoàn thiện sản phẩm “Phu thê viên mãn” sau một tháng thi công, anh Kiên bảo, để sáng tạo ra một tác phẩm điêu khắc phải trải qua 4 công đoạn, gồm: Lên ý tưởng, đục vỡ tạo dáng, gọt chi tiết và cuối cùng là đánh bóng, trong đó quan trọng nhất là lên ý tưởng. Ngoài các kỹ thuật cơ bản, người thợ phải học vẽ để biết cách tạo dáng, biết phác thảo những đường nét lớn cũng như từng họa tiết nhỏ trên mỗi tác phẩm. Vì vậy, khi chọn gỗ cũng phải thật tỉ mỉ, gỗ loại tốt, ít cong vênh, có độ dẻo, dai, không nứt và không bị mối, mọt.

Tâm đắc trước tác phẩm “Phu thê viên mãn” mà anh Kiên đang hoàn thiện công đoạn cuối cùng, anh Hoàng Việt Cường - khách hàng chia sẻ: “Trong chuyến công tác, tôi vô tình mua được khúc gỗ lũa xù xì ở Sơn La với giá 2,5 triệu đồng của người dân ở bản, nên mang về nhờ thợ chế tác. Khi cùng với anh Kiên lên ý tưởng cho khúc gỗ này, tôi nghĩ nó sẽ tương tự như mấy tác phẩm mẫu quen thuộc trên mạng. Nhưng khi mắt thấy, tay sờ từng chi tiết đục kênh bong tinh xảo, sắc nét, mềm mại, tôi rất hài lòng. Phu thê viên mãn là biểu tượng mạnh mẽ cho vẻ đẹp viên mãn của hạnh phúc lứa đôi. Tác phẩm đẹp, hài hòa ngoài sự mong đợi này sẽ mang lại hạnh phúc, may mắn, phú quý, tài lộc cho gia đình tôi trong năm mới Ất Tỵ đang đến rất gần”.

Nhờ sự thông minh, nhanh nhạy, những tác phẩm đẹp, độc đáo từ đôi bàn tay với 9 hoa tay do anh Kiên chế tác ngày càng được nhiều người biết đến. Xưởng gỗ của anh thu hút nhiều người đến học nghề và hành nghề. Một số người sau khi được anh “cầm tay chỉ việc” đã ra mở cơ sở riêng, trở thành xưởng “vệ tinh”. Mỗi năm, cơ sở của anh đưa ra thị trường hàng trăm sản phẩm chế tác từ gỗ, từ đó tạo việc làm ổn định cho 3-5 lao động với mức lương từ 15-17 triệu đồng/người/tháng.

Chia sẻ về dự định trong thời gian tới, anh Kiên cho biết: “Trước đây, tôi cứ nghĩ đơn giản là làm tốt, sản phẩm đẹp thì tự khắc nhiều người truyền tai nhau sẽ biết đến địa chỉ của mình. Nhưng thời đại công nghệ số rồi, mình cũng phải thay đổi tư duy tiếp cận, mở rộng thị trường. Vì thế, tôi dự định sẽ mở một cửa hàng trưng bày, giới thiệu sản phẩm và tiếp tục mở rộng cơ sở chạm khắc mỹ nghệ để phát triển nghề hơn nữa, đồng thời tiếp tục đào tạo và tạo việc làm cho nhiều lao động có niềm đam mê với nghề”.

Với khát vọng khởi nghiệp, dám nghĩ, dám làm của anh Hoàng Văn Kiên, tin tưởng rằng cơ sở chạm khắc gỗ mỹ nghệ do anh làm chủ sẽ không ngừng phát triển, góp phần tạo việc làm cho nhiều lao động tại địa phương và chế tác ra nhiều tác phẩm nghệ thuật làm đẹp cho đời.

Hồng Nhung

Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn/thoi-hon-cho-go-lua-225838.htm