Thời khắc quan trọng đối với châu Âu
Liệu châu Âu có tiếp tục giữ được vai trò 'quan trọng' trên trường quốc tế, hay sẽ chìm vào tình trạng chia rẽ và thụ động, khiến vị thế của mình ngày càng trở nên mờ nhạt?

Ngày 19/2/2025, nghĩa là chỉ hai hôm sau hội nghị khẩn cấp với các nhà lãnh đạo châu Âu, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron chủ trì một cuộc họp mới về Ukraine với sự tham gia của 19 quốc gia, bao gồm Canada, nhằm nỗ lực phối hợp phản ứng của châu Âu sau khi Mỹ thay đổi chính sách. Ảnh: Emmanuel Macron/X
Bối cảnh ngoại giao quốc tế đã chứng kiến nhiều biến đổi đáng kể kể từ khi ông Donald Trump trở thành Tổng thống thứ 47 của Mỹ, đặc biệt là sự lúng túng dè dặt của các nhà lãnh đạo châu Âu trong các cuộc thảo luận về an ninh và các biện pháp gìn giữ hòa bình cho Ukraine.
Đề xuất của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron về việc triển khai lực lượng gìn giữ hòa bình tại Ukraine đã tạo ra nhiều phản ứng trái chiều, phơi bày những chia rẽ sâu sắc giữa các quốc gia châu Âu. Trước đây, phần lớn các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) bác bỏ bất kỳ sứ mệnh gìn giữ hòa bình nào tại Ukraine, và chính ông Macron cũng bị gạt ra ngoài lề.
Còn nhớ, sau cuộc họp của khoảng 20 nhà lãnh đạo phương Tây ở Paris, vào hôm 26/2/2024, nhà lãnh đạo Pháp tuyên bố Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) không loại trừ khả năng sẽ đưa quân tới Ukraine trong tương lai. Khi đó, tuyên bố về viễn cảnh điều quân đến Ukraine của ông Macron đã gây ra một làn sóng phủ nhận từ các thành viên NATO, với nhiều thành viên lớn của khối, bao gồm Mỹ, Anh và Đức, khẳng định họ không có kế hoạch nào như vậy. Thay vào triển khai lực lượng gìn giữ hòa bình, tới nay, 28 thỏa thuận an ninh đã được ký kết giữa Kiev với các nước và khối, bao gồm Anh, Pháp, Đức, Đan Mạch, Canada, Italy, Hà Lan, Phần Lan, Latvia, Tây Ban Nha, Bỉ... trong bối cảnh cuộc chiến ở Ukraine vẫn tiếp diễn.
Tuy nhiên, ban đầu, dường như các nhà lãnh đạo châu Âu không coi những thỏa thuận này là sự đảm bảo thực sự, mà chỉ xem chúng như những lời hứa mang tính biểu tượng. Tuy nhiên, ngày nay, một số nhà lãnh đạo châu Âu lại kêu gọi các cam kết an ninh rõ ràng hơn. Điều này có nghĩa là các thỏa thuận được ký kết không hiệu quả, hay nó chỉ phản ánh một sự chia rẽ nghiêm trọng trong nội bộ châu Âu? Sự chia rẽ này chắc chắn khó có thể dẫn đến một giải pháp.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky (trái) và Thủ tướng Ba Lan Donald Tusk tại lễ ký thỏa thuận an ninh ở Warsaw hôm 8/7/2024. Ảnh: Văn phòng Tổng thống Ukraine
Tình hình cấp bách hiện nay, cùng với cách tiếp cận ngoại giao mới của Mỹ dưới chính quyền Trump, đã thúc đẩy châu Âu phải đánh giá lại vai trò của mình. Đề xuất của ông Macron về việc triển khai lực lượng gìn giữ hòa bình tại Ukraine như một phần của thỏa thuận ngừng bắn đã trở thành tâm điểm của các cuộc thảo luận. Nhà lãnh đạo Pháp hình dung về một “lực lượng trấn an” giúp ổn định Ukraine sau xung đột, cung cấp các đảm bảo an ninh thực tế thay vì chỉ dựa trên những thỏa thuận trên giấy.
Tuy nhiên, đề xuất của ông Macron không nhận được sự đồng thuận. Trong một hội nghị thượng đỉnh khẩn cấp tại Paris vào hôm 17/2/2025, sự chia rẽ giữa các nước châu Âu đã bộc lộ rõ ràng. Thủ tướng Anh Keir Starmer bày tỏ sự sẵn sàng triển khai quân đội Anh, với điều kiện phải có một thỏa thuận hòa bình bền vững và sự hậu thuẫn từ Mỹ. Ngược lại, Thủ tướng Đức Olaf Scholz cho rằng cuộc thảo luận này là “quá sớm” và “không phù hợp” trong khi chiến sự vẫn đang tiếp diễn, phản ánh lập trường thận trọng của Đức đối với việc can dự quân sự trực tiếp.
Về phần mình, Thủ tướng Italy Giorgia Meloni bày tỏ hoài nghi về tính khả thi của kế hoạch, cho rằng việc triển khai quân đội châu Âu tại Ukraine là phức tạp và có lẽ không hiệu quả nhất. Trong khi đó, Thủ tướng Ba Lan Donald Tusk thẳng thừng bác bỏ khả năng triển khai quân đội Ba Lan nhưng nhấn mạnh việc tiếp tục hỗ trợ Ukraine thông qua hậu cần và ủng hộ chính trị. Tương tự, Ngoại trưởng Tây Ban Nha Jose Manuel Albares cảnh báo về nguy cơ của một thỏa thuận hòa bình không có lệnh ngừng bắn, lưu ý rằng lực lượng gìn giữ hòa bình hiện không phải là một lựa chọn khả thi do chiến tranh vẫn đang diễn ra.
Những bất đồng giữa các nhà lãnh đạo châu Âu phản ánh một vấn đề lớn hơn: châu Âu đang vật lộn với việc khẳng định quyền tự chủ chiến lược và năng lực quốc phòng của mình. Các cuộc thảo luận tại Paris cũng đề cập đến nhu cầu gia tăng chi tiêu quốc phòng và xây dựng một chiến lược thống nhất hơn về an ninh tập thể của châu Âu, đặc biệt là trong bối cảnh chính sách của Mỹ dưới thời Tổng thống Trump có sự thay đổi. Ông Trump đã nhiều lần thể hiện mong muốn tiến hành đàm phán trực tiếp với Liên bang Nga và điều này rất có thể sẽ làm lu mờ vai trò của châu Âu trong vấn đề Ukraine, nơi mà như tiết lộ của Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock thì kể từ khi cuộc chiến tại Ukraine nổ ra, họ đã cung cấp số viện trợ trị giá hơn 140,16 tỷ USD, trong đó riêng Đức đóng góp gần 46 tỷ USD. Vậy châu Âu đã phản ứng thế nào?
Rõ ràng, châu Âu đang ở vào một thời điểm quan trọng, mắc kẹt giữa nhu cầu khẳng định vai trò của mình trong an ninh toàn cầu và những thực tế về cam kết quân sự cũng như chính trị. Cuộc tranh luận về lực lượng gìn giữ hòa bình tại Ukraine không chỉ là vấn đề triển khai, mà còn liên quan đến bản sắc và vai trò của châu Âu trong quan hệ quốc tế, đặc biệt là trong một thế giới hậu Chiến tranh Lạnh, nơi mà các liên minh truyền thống đang được tái định hình. Cách châu Âu phản ứng với những biến động mới này sẽ không chỉ định hình tương lai của Ukraine mà còn ảnh hưởng đến vị thế chiến lược của EU trong các vấn đề toàn cầu. Tâm điểm tiếp tục dồn về Paris khi ngày 19/2, Tổng thống Macron chủ trì một cuộc họp mới về Ukraine với sự tham gia của 19 quốc gia, bao gồm Canada, nhằm nỗ lực phối hợp phản ứng của châu Âu sau khi Mỹ thay đổi chính sách.