Thổi 'làn gió mới' cho nghệ thuật tuồng

Tuồng hay hát bội là loại hình nghệ thuật truyền thống kết hợp nhiều yếu tố như sân khấu, âm nhạc, văn học, ca múa, võ thuật, mỹ thuật… đem lại ấn tượng mạnh về thị giác, thính giác và cảm xúc cho khán giả. Môn nghệ thuật này cũng là nguồn cảm hứng cho những người làm nghệ thuật hiện nay sáng tạo nên nhiều tác phẩm thú vị, hấp dẫn, góp phần lưu giữ, truyền tải và thổi 'làn gió mới' vào loại hình này trong đời sống đương đại.

Các nghệ sĩ biểu diễn tác phẩm múa “Đối diện với vô cùng” lấy cảm hứng từ nghệ thuật tuồng.

Các nghệ sĩ biểu diễn tác phẩm múa “Đối diện với vô cùng” lấy cảm hứng từ nghệ thuật tuồng.

Vượt khỏi giới hạn quen thuộc

Cuối tuần này, vở múa đương đại “Đối diện với vô cùng” bắt đầu được công diễn tại Rạp Hồng Hà (Hà Nội). Đây là tác phẩm hợp tác thực hiện giữa Nhà hát Tuồng Việt Nam và nền tảng văn hóa, nghệ thuật đa ngành Lên Ngàn cùng biên đạo múa Tú Hoàng. Trong “Đối diện với vô cùng”, các nghệ sĩ lấy cảm hứng từ những nội dung tinh tế, giàu cảm xúc và những câu chuyện đậm tinh thần văn học từ sân khấu tuồng truyền thống, đặc biệt là vẻ đẹp của vũ đạo trong môn nghệ thuật này kết hợp với múa và âm nhạc đương đại thể nghiệm, đem đến một hành trình khám phá thú vị cho khán giả.

Dự án “Đối diện với vô cùng” cũng là hoạt động nằm trong chương trình phát triển khán giả trẻ của Nhà hát Tuồng Việt Nam, với chuỗi sự kiện hướng công chúng vượt ra ngoài giới hạn nghệ thuật quen thuộc và tiếp cận với di sản sân khấu truyền thống theo cách thức sáng tạo hơn. Trước đó, nhà hát đã kết hợp với nhiều đơn vị thực hiện những chương trình nghệ thuật sáng tạo như “Tuồng kể”, “Giới thiệu nghệ thuật tuồng với khán giả trẻ”… Còn nền tảng Lên Ngàn cũng giúp công chúng nhớ tới với hai phiên bản lấy cảm hứng từ vở tuồng “Sơn hậu” là “Sơn hậu - Beyond the Mountain” và “Cõi thinh không”.

Nghệ thuật tuồng đã thôi thúc niềm say mê, nghiên cứu và sáng tạo của nhiều người trẻ làm nghệ thuật. Có thể kể đến là dự án “Vẽ về hát bội” với triển lãm và cuốn sách cùng tên, đưa đến công chúng hơn 40 tác phẩm tranh vẽ về nghệ thuật hát bội được sáng tạo bởi các bạn trẻ trên nhiều chất liệu... Hay bạn trẻ Nguyễn Phương Vy gần đây tạo ấn tượng trong giới mỹ thuật với bộ “bội tự” - cách điệu các chi tiết đặc trưng hát bội thể hiện bảng chữ cái tiếng Việt và bộ “bội ký” - khắc họa lại tạo hình, tư thế của những nhân vật tiêu biểu của tuồng.

Không chỉ những người hoạt động ở các loại hình nghệ thuật khác, ngay chính các nghệ sĩ tuồng cũng đang có những chuyển động để “thổi gió mới” cho bộ môn nghệ thuật này. Điển hình như Nghệ sĩ nhân dân Minh Gái với tiết mục thử nghiệm “Bách giai xuân ý” biểu diễn trong chương trình của nhóm Đông Kinh cổ nhạc tại Trung tâm Giao lưu văn hóa phố cổ Hà Nội. Nghệ sĩ đã thử nghiệm lựa chọn những làn điệu hay nhất của tuồng để thể hiện những câu thơ thiền Lý - Trần và một phần tác phẩm “Chinh phụ ngâm”…

Mở tương lai phát triển cho nghệ thuật truyền thống

Nghệ thuật tuồng cũng như những môn nghệ thuật truyền thống khác, trước sự phát triển mạnh mẽ của các loại hình giải trí hiện đại, đang dần ít được khán giả chú ý, nhất là các bạn trẻ. Bên cạnh đó, nghệ sĩ Tạ Văn Sốp, Phó Giám đốc Nhà hát Tuồng Việt Nam chia sẻ, đây là môn nghệ thuật mang tính hàn lâm và ước lệ cao, từng hành động và diễn xuất của diễn viên đều trở thành quy ước, quy tắc. Nội dung tác phẩm tuồng đều dựa theo tích cổ, yếu tố lịch sử nên không phải ai cũng biết và hiểu rõ. Vì vậy, Nhà hát Tuồng Việt Nam đã nỗ lực chuyển động, triển khai chương trình “Giới thiệu nghệ thuật tuồng với khán giả trẻ” ở các trường học khá hiệu quả, đồng thời, kết hợp với các tổ chức, nhóm hoạt động nghệ thuật đương đại để phát triển và sáng tạo nghệ thuật tuồng.

Dành thời gian dài tìm hiểu, nghiên cứu về nghệ thuật truyền thống làm chất liệu cho công việc thiết kế đồ họa của mình, họa sĩ Nguyễn Phương Vy cho biết, nghệ thuật tuồng có những ấn tượng về mặt mỹ thuật từ cách trang điểm, vẽ mặt đến trang phục, thế biểu diễn của nghệ sĩ... Bởi vậy, nghệ sĩ trẻ đã chắt lọc những yếu tố đặc trưng của nghệ thuật tuồng vào trong những thiết kế ứng dụng mới, nhận được sự hưởng ứng của khán giả. Còn Tú Hoàng - biên đạo múa và nghệ sĩ biểu diễn tác phẩm “Đối diện với vô cùng”, lại hấp dẫn bởi những chuyển động và võ thuật trong nghệ thuật tuồng. Anh đã kết hợp những yếu tố đó cùng với kiến thức và trải nghiệm nghệ thuật mà bản thân học được ở châu Âu để tạo nên tác phẩm vừa mang hồn cốt truyền thống, vừa có tính hiện đại.

Là người sáng lập nền tảng Lên Ngàn, đồng thời có nhiều dự án nghệ thuật đương đại ghi dấu liên quan đến tuồng như “Sơn hậu - Beyond the Mountain”, “Cõi thinh không”, Nguyễn Quốc Hoàng Anh nhận định, tuồng là môn nghệ thuật đa sắc, lộng lẫy, dữ dội, tạo nhiều cảm hứng sáng tạo cho người làm nghệ thuật. Bản thân Nguyễn Quốc Hoàng Anh vốn theo học âm nhạc cổ điển, nhưng khi dấn thân vào con đường này, anh đã nghiêm túc tìm hiểu, học tập về di sản, truyền thống, về các loại hình nghệ thuật, trong đó có tuồng. Đây cũng là hướng đi để nghệ thuật tuồng vẫn giữ được tinh thần, vẻ đẹp đặc trưng vốn có trong những sáng tạo mới, nhưng dễ tiếp cận hơn với khán giả hôm nay, mở tương lai phát triển cho nghệ thuật tuồng nói riêng và nghệ thuật truyền thống nói chung.

An Nhi

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/thoi-lan-gio-moi-cho-nghe-thuat-tuong-673845.html