Thói quen ăn uống tùy tiện làm gia tăng bệnh lý tiêu hóa
Bệnh lý đường tiêu hóa gan mật đang gia tăng nhanh chủ yếu do thói quen xấu trong sinh hoạt của người dân.
Gia tăng bệnh đường tiêu hóa
Ngày 29/9, tại Hà Nội, Hội nghị khoa học quốc tế "Thiết lập mạng lưới Microbiome toàn cầu" do Viện Nghiên cứu và Đào tạo Tiêu hóa, Gan mật với sự tham gia của hàng trăm chuyên gia trong lĩnh vực tiêu hóa trong và ngoài nước tới từ các viện nghiên cứu hàng đầu của các nước Anh, Brazil, Mỹ, Thụy Điển, Nhật Bản, Hàn Quốc…
Theo thống kê của ngành y tế, số người thực nhiễm bệnh về tiêu hóa ngày càng gia tăng. Nhẹ thì táo bón, rối loạn tiêu hóa, trào ngược dạ dày… nặng thì viêm loét dạ dày, hội chứng ruột kích thích, viêm ruột, ung thư... Đáng báo động là ung thư liên quan đến đường tiêu hóa như ung thư dạ dày, gan, đại tràng ngày càng gia tăng, đa phần phát hiện muộn nên việc điều trị khó.
GS Đào Văn Long – nguyên trưởng khoa Tiêu hóa, Bệnh viện Bạch Mai, Viện nghiên cứu và Đào tạo Tiêu hóa, Gan mật cho biết, sự thay đổi của hệ vi sinh đường ruột đóng vai trò vô cùng quan trọng đối với sức khỏe và bệnh tật của con người. Các bệnh của nhiễm trùng, đường tiêu hóa, bệnh tim mạch, ung thư, bệnh về chuyển hóa, cũng như các rối loạn tâm thần, thậm chí là béo phì... có liên quan chặt chẽ với các hệ vi sinh trong đường ruột của chúng ta.
Hiện nay ở nước ta một số bệnh lý tiêu hóa gan mật gia tăng nhanh chủ yếu do ô nhiễm môi trường, vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm kém, cùng với đó là thói quen xấu trong sinh hoạt của nhiều người như ăn uống tùy tiện, thiếu tính khoa học, không đủ chất. Ăn ít rau xanh, chất xơ, tăng cường đồ ăn nhanh là thói quen xấu nhiều người mắc.
GS, TS Hidemi Goto (Nhật Bản) cũng cho biết, ở Nhật Bản nói riêng và các nước Châu Á, hiện bệnh viêm đường ruột (IBD) đang gia tăng nhanh. Nguyên nhân chủ yếu là do thói quen ăn uống của người bệnh, sử dụng thực phẩm từ thịt nhiều khiến mất cân bằng dinh dưỡng.
Đưa vi khuẩn chí đường ruột vào can thiệp bệnh lý đường tiêu hóa
Tại hội nghị, các chuyên gia đã cung cấp nhiều thông tin quý giá về vai trò của hệ vi khuẩn chí đường ruột trong các bệnh lý tiêu hóa chuyên. Việc đưa lợi khuẩn can thiệp trực tiếp vào trong điều trị của một số bệnh về tiêu hóa là một phương pháp hiệu quả để kiểm soát các bệnh lý này.
Hiện nay, Việt Nam đã đưa vi khuẩn chí đường ruột (microbiom) vào can thiệp một số bệnh lý như loét dạ dày tá tràng. Trước khi điều trị chỉ điều trị bằng sử dụng thuốc ức chế a xít và kháng sinh, việc bổ sung vi khuẩn lợi khuẩn trong điều trị bệnh này đã làm giảm tác dụng phụ của thuốc kháng sinh. Microbiom cũng được sử dụng hiệu quả trong hỗ trợ điều trị bệnh tiêu chảy và có thể có ích đối với những tình huống gây căng thẳng cho cơ thể…
Tuy nhiên, các ứng dụng hiện nay của microbiota trong đời sống và thực hành lâm sàng là rất đa dạng, điển hình là việc sử dụng các lợi khuẩn (probiotic) ở Việt Nam đang là một chủ đề khoa học khá mới mẻ. Ở nước ta vẫn còn rất ít nghiên cứu, chưa xác định được các chủng chủ yếu của người Việt Nam và chưa có được ngân hàng về gen của hệ vi sinh vật này. Trên cơ sở thiết lập mạng lưới Microbiome toàn cầu, các chuyên gia hi vọng có nghiên cứu sâu hơn về việc có nhiều bệnh lý đường tiêu hóa được chữa khỏi.
GS Đào Văn Long nhấn mạnh, hệ vi sinh của đường tiêu hóa bao gồm rất nhiều vi khuẩn khác nhau. Những nghiên cứu về hệ vi khuẩn đường tiêu hóa sẽ giúp xác định các chủng vi sinh vật chủ yếu của từng loại bệnh, để sử dụng các lợi khuẩn trúng đích.
Sai lầm của nhiều người hiện nay là tùy tiện bổ sung lợi khuẩn cho trẻ bằng các loại men vi sinh. Ở mỗi một lợi khuẩn chỉ có một tác dụng cho một số bệnh, triệu chứng nhất định. Ví dụ người bị táo bón, ỉa chảy, người bị béo phì... sẽ được dùng các lợi khuẩn khác nhau chứ không phải bổ sung hoặc uống rất dài, nhiều tháng, thậm chí cả năm một loại men vi sinh vật mà nhiều người hiện vẫn đang làm. Thứ 2, trong rất nhiều loại lợi khuẩn bán trên thị trường chỉ có một vài loại có tác dụng được ghi nhận. Việc bổ sung duy nhất một hệ kéo dài không có tác dụng còn gây hại sức khỏe.
Để tránh nguy hại sức khỏe, mọi người không nên tự mua thuốc điều trị hoặc uống không đúng đơn của bác sĩ để tránh tình trạng bệnh nặng hơn, tái đi, tái lại hoặc kháng thuốc. Quan trọng hơn, cần có giải pháp cho việc phát hiện bệnh sớm nhằm giúp cho việc trị bệnh đạt hiệu quả.