Thói quen ăn vặt ảnh hưởng đến sức khỏe học sinh
Ăn vặt đang trở thành thói quen phổ biến trong học đường. Ít ai ngờ, những món ăn hấp dẫn ấy lại tiềm ẩn nhiều hệ lụy về sức khỏe và học tập nếu không được kiểm soát kịp thời.
Ăn vặt học đường: Thói quen nhỏ, hệ lụy lớn
Giờ ra chơi, cổng trường rộn ràng như một khu chợ mini. Học sinh vây quanh quầy hàng, tay cầm que xiên chiên, miệng nhấp ngụm trà sữa, mắt vẫn dán vào điện thoại tìm “món mới hot trend”. Cảnh tượng ấy không còn xa lạ tại các trường học, nhất là ở các thành phố lớn.
Nội dung
Ăn vặt học đường: Thói quen nhỏ, hệ lụy lớn
Thói quen ăn vặt đã trở thành “một phần không thể thiếu” trong đời sống học sinh. Từ bữa phụ, món vui miệng, cho đến cách xả stress, việc tiêu thụ đồ ăn nhanh và thức uống công nghiệp dần trở thành hành vi phổ biến – thậm chí được “bình thường hóa” trong học đường.

“Xiên bẩn” – món ăn vặt yêu thích của học sinh. Ảnh: Phương Anh.
Tuy nhiên, điều đáng nói là phía sau những món ăn tưởng chừng vô hại ấy là hàng loạt cảnh báo về sức khỏe thể chất, tinh thần và khả năng học tập. Trong nhiều trường hợp, đó không chỉ là những cảnh báo y tế, mà còn là hồi chuông báo động cho cả hệ sinh thái giáo dục. Thế nhưng, thực trạng ấy vẫn chưa được nhìn nhận đúng mức. Một thói quen nhỏ nếu không được định hướng hoàn toàn có thể để lại hệ lụy lớn.
Không thể phủ nhận, đồ ăn vặt gắn liền với tuổi học trò bởi sự nhanh gọn, tiện lợi, rẻ và... vui. Từ gói snack, xúc xích chiên đến trà sữa, khoai tây lắc, tất cả đều đầy màu sắc và hương vị kích thích vị giác. Nhưng hầu hết các món ăn vặt học đường đều có chung một điểm: giàu năng lượng rỗng, nghèo dinh dưỡng.
Nhiều em học sinh ngày nào cũng “lót dạ” bằng đồ ăn vặt thay vì một bữa ăn tử tế. Kết quả là cơ thể no nhưng vẫn... đói – đói chất đạm, thiếu vitamin, hụt khoáng chất. Dễ nhận thấy nhất là tình trạng béo phì, rối loạn tiêu hóa, nổi mụn, thiếu máu và chậm phát triển chiều cao – những hệ lụy đang âm thầm hiện diện trong học đường.
Không chỉ vậy, việc ăn quá nhiều thực phẩm chế biến sẵn còn ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa chưa hoàn thiện của trẻ, gây táo bón, đầy bụng, thậm chí là rối loạn chuyển hóa sớm nếu kéo dài.
Khi bụng no... đầu óc rỗng
Một số nghiên cứu cho thấy việc tiêu thụ quá nhiều thực phẩm chứa đường tinh luyện và phụ gia nhân tạo (như snack, nước ngọt có gas, kẹo…) có thể làm giảm khả năng tập trung và ảnh hưởng đến chức năng nhận thức của não bộ. Theo Harvard Health Publishing (Harvard Medical School), chế độ ăn nhiều đường có thể gây dao động mạnh mức đường huyết, từ đó dẫn đến tình trạng mệt mỏi, mất tập trung hoặc thậm chí là thay đổi tâm trạng thất thường ở trẻ em.
Nhiều giáo viên cũng phản ánh thực tế học sinh thường xuyên ăn vặt trong lớp, dẫn đến tình trạng buồn ngủ, kém tập trung hoặc đôi khi tăng động rồi nhanh chóng xuống sức do tụt đường huyết. Việc bỏ bữa sáng hoặc thay thế bữa trưa bằng các loại thực phẩm thiếu dưỡng chất như vài que xiên, cốc nước ngọt… có thể gây ra sự suy giảm âm thầm về trí nhớ, khả năng học tập và tư duy logic.
Tệ hơn, một số học sinh còn hình thành thói quen “vừa học vừa nhai cho đỡ buồn”, điều này không chỉ gây xao nhãng trong học tập, ảnh hưởng đến tính kỷ luật lớp học, mà còn tạo nên một lối tư duy lệch chuẩn về thói quen ăn uống từ khi còn nhỏ.
Cạm bẫy từ cổng trường đến... màn hình
Không chỉ bị “cám dỗ” bởi mùi thơm ngào ngạt từ các xe đẩy ngoài cổng trường, học sinh ngày nay còn chịu tác động không nhỏ từ mạng xã hội. Các clip review đồ ăn vặt, các món “trend TikTok” như mỳ cay 7 cấp độ, thạch siêu chua, bánh tráng trộn siêu cay… được quảng bá rầm rộ khiến học sinh tò mò, muốn ăn thử liên tục.

Học sinh ăn vặt tại các quán vỉa hè sau giờ học. Ảnh: Mai Hương.
Với 10.000 - 20.000 đồng tiêu vặt mỗi ngày, các em có thể dễ dàng tiếp cận vô số thực phẩm không rõ nguồn gốc, không kiểm định vệ sinh an toàn thực phẩm, tiềm ẩn nguy cơ ngộ độc, dị ứng, hoặc tệ hơn là ảnh hưởng lâu dài đến sức khỏe.
Đừng để “ăn vặt” trở thành thói quen gây hại
Ăn vặt là một phần tuổi thơ của trẻ, vậy làm thế nào để trẻ em vẫn được ăn vặt nhưng an toàn và có chọn lọc? Để làm được điều này, phụ huynh cần đồng hành bằng cách trang bị cho con kỹ năng lựa chọn thực phẩm thông minh. Thay vì cấm tuyệt đối, hãy chuẩn bị các món ăn nhẹ lành mạnh như sữa chua, trái cây cắt sẵn, hạt dinh dưỡng. Đồng thời, trò chuyện để con hiểu được sự khác biệt giữa “ăn cho ngon miệng” và “ăn để khỏe mạnh”.
Với nhà trường, bên cạnh tuyên truyền, cần siết chặt hoạt động bán hàng rong quanh cổng trường, kiểm soát chất lượng canteen và khuyến khích các mô hình “góc dinh dưỡng học đường” để học sinh được biết về các món ăn bổ dưỡng, an toàn.
Nhìn chung, ăn vặt không xấu nhưng ăn vặt thiếu kiểm soát lại là nguy cơ lớn. Trong bối cảnh sức khỏe học sinh đang đối mặt với nhiều áp lực từ cả môi trường sống lẫn thói quen hiện đại, việc định hướng hành vi ăn uống từ sớm là một trong những bước quan trọng để xây dựng một thế hệ khỏe mạnh, tỉnh táo và học tốt. Giáo dục dinh dưỡng học đường không nên chỉ là khẩu hiệu, mà cần bắt đầu từ những hành động cụ thể từ chính bữa ăn phụ của các em nhỏ hôm nay.