Thói quen cực hại cho trí não: Nhiều người trẻ làm mỗi tối mà không biết
Xem TV là một hoạt động giải trí lành mạnh, nhưng xem quá nhiều có thể gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe. Nghiên cứu dưới đây cho thấy tác động của việc 'cày phim' trong nhiều tiếng.
Nhiều người, đặc biệt là người trẻ, có thói quen dành hàng giờ để xem phim hoặc các chương trình khác mỗi ngày. Theo một nghiên cứu, những người này cần cân nhắc về những tác động của việc xem TV đối với não bộ.
Nghiên cứu từ Vương quốc Anh được đăng trên tạp chí Scientific Reports năm 2019 cho thấy thường xuyên xem TV hơn 3 tiếng mỗi ngày có thể dẫn đến suy giảm nhận thức về ngôn ngữ và trí nhớ.
Các nhà nghiên cứu đã kiểm tra chi tiết dữ liệu từ một nghiên cứu về sự lão hóa ở Anh trên 3.662 người trưởng thành trên 50 tuổi. Những người tham gia ghi lại thời gian mà họ dành cho việc xem TV hằng ngày. Bên cạnh đó, các nhà nghiên cứu cũng tiến hành đo lường kỹ năng suy luận và tư duy của họ.
Các tác giả của nghiên cứu đã xem xét các con số về thời lượng xem TV của những người này vào các năm 2008 và 2009, sau đó xem xét các thước đo nhận thức về trí nhớ và ngôn ngữ vào năm 2014 và 2015.
Họ phát hiện ra rằng trong khoảng thời gian 6 năm, những người xem TV 3,5 tiếng mỗi ngày bị suy giảm trí nhớ ngôn ngữ nhiều hơn. Điều này không phụ thuộc vào các yếu tố khác như tình trạng kinh tế xã hội, sức khỏe thể chất tổng thể và trầm cảm.
TS Daisy Fancourt, tác giả chính của nghiên cứu và là nghiên cứu viên cấp cao tại Đại học College London (Anh), cho biết: “Các phân tích của chúng tôi cho thấy rằng những người trưởng thành xem TV ít hơn 3,5 tiếng mỗi ngày trung bình chỉ giảm trí nhớ ngôn ngữ khoảng 4 – 5% trong vòng 6 năm sau, trong khi những người xem TV nhiều hơn 3,5 tiếng mỗi ngày lại giảm trí nhớ ngôn ngữ từ 8 – 10%”.
Xem TV gây suy giảm nhận thức như thế nào?
TS Fancourt cho biết lý do là những thay đổi nhanh chóng về hình ảnh, âm thanh và hành động mà não bộ xử lý trong khi tiếp nhận thông tin một cách thụ động.
Khi xem TV, bạn sẽ không tương tác với bất kỳ những gì bạn nhìn thấy, không giống như khi chơi trò chơi điện tử hay lướt mạng.
“Các nghiên cứu trong phòng thí nghiệm đã chứng minh việc xem TV có thể giúp não bộ tỉnh táo nhưng lại gây kém tập trung hơn. Một số người khi xem TV có thể gặp phải tình trạng căng thẳng và điều này có liên quan đến suy giảm nhận thức”, TS Fancourt nói.
“Xem TV hơn 3,5 tiếng mỗi ngày cũng làm bạn giảm bớt thời gian cho các hoạt động có lợi về mặt nhận thức khác như đọc sách”.
Chuyên gia Tina Hoang là nghiên cứu viên tại Đại học California (Mỹ) và là tác giả chính của một nghiên cứu tâm thần học về việc xem TV tác động như thế nào đến nhận thức ở thanh niên được đăng trên tạp chí JAMA vào năm 2015. Chuyên gia Hoang cho biết vẫn còn nhiều điều chưa rõ về những tác động lâu dài của việc ‘cày phim’ đối với não bộ và cần có thêm nhiều nghiên cứu để xác định cơ chế làm tăng nguy cơ suy giảm nhận thức.
“Như các nhà nghiên cứu đã giải thích, việc xem TV quá say mê chủ yếu là một hoạt động thụ động, kéo dài thời gian ngồi và không hoạt động thể chất”, Hoang cho biết.
“Việc nhận thức được những ảnh hưởng của việc xem TV với sức khỏe não bộ có thể giúp chúng ta tìm ra cách thay đổi những hành vi có hại này”, Hoang nói thêm.
Những nghiên cứu như thế này có thể khiến nhiều người lo lắng, đặc biệt khi hoạt động xem TV thụ động đã trở thành một phần tất yếu của cuộc sống.
Ngoài ra, ngày nay, nhiều người còn xem phim trên các thiết bị khác như máy tính, máy tính bảng và điện thoại. Hoang cho biết đây là một sự thay đổi lớn trong xã hội có thể có những ảnh hưởng lâu dài.
“Với sự thay đổi nhanh chóng của các hoạt động với màn hình trong vài thập kỷ qua, đây thực sự là một vấn đề quan trọng”, Hoang cho hay.
“Chúng ta sử dụng các thiết bị điện tử như điện thoại, máy tính bảng và máy tính xách tay cho nhiều mục đích khác nhau. Bên cạnh đó, có rất ít nghiên cứu về sự suy giảm nhận thức liên quan đến việc sử dụng các thiết bị này”.
“Cần một nghiên cứu sâu hơn để giúp chúng tôi đưa ra kết luận chắc chắn về những cám dỗ cũng như thời gian khi sử dụng các thiết bị điện tử”, Hoang cho biết thêm.
Xem TV thế nào là tốt nhất?
Hoang khuyên bạn nên cân bằng việc xem TV với các hoạt động hấp dẫn khác như chơi các trò chơi giúp rèn luyện trí não, giải câu đố hoặc học một kỹ năng mới trong thời gian rảnh rỗi.
“Các hoạt động thể chất như tập thể dục rất tốt cho tim mạch và giữ cho trái tim khỏe mạnh là chìa khóa giúp cho bộ não luôn hoạt động tốt,” Hoang nói.
TS Fancourt cũng đồng ý với quan điểm đó, bà nói rằng hãy kết hợp cả xem TV thụ động với các hoạt động thể chất ngoài trời để giúp hạn chế thời gian ở trong nhà.
(Nguồn: Healthline