Thói quen nào có nguy cơ gây ung thư vú?
Ung thư vú là một trong những căn bệnh phổ biến và đáng lo ngại nhất ở phụ nữ. Mặc dù không thể phòng ngừa hoàn toàn, nhưng chúng ta có thể chủ động giảm nguy cơ bằng cách điều chỉnh những thói quen hàng ngày.
Vậy, thói quen nào có thể dẫn đến nguy cơ ung thư vú?
Bệnh ung thư vú sinh ra do các đột biến gen làm tế bào sinh sản không kiểm soát được. Có nhiều lý do mà cơ thể có các đột biến gen, trong đó khoảng 5-7% trường hợp có nguyên nhân di truyền, còn lại hơn 90% trường hợp chịu tác động của các yếu tố môi trường và lối sống.
Dưới đây là thói quen xấu có nguy cơ cao ung thư vú
1. Thừa cân, béo phì sau mãn kinh
Béo phì hoặc thừa cân sau mãn kinh làm tăng nguy cơ ung thư, trong đó có ung thư vú. Sau tuổi mãn kinh, cơ thể phụ nữ ngừng sản sinh estrogen từ buồng trứng, thay vào đó estrogen được tạo ra từ mô mỡ. Vì thế, càng nhiều mỡ, càng nhiều estrogen – và điều này có thể kích thích sự phát triển của tế bào ung thư vú. Chưa kể, thừa cân cũng liên quan đến tình trạng tăng insulin trong máu, một yếu tố có thể làm tăng nguy cơ nhiều loại ung thư khác. Hiệp hội Ung thư Hoa kỳ khuyến cáo phụ nữ nên có cân nặng hợp lý và cân đối chế độ dinh dưỡng và luyện tập.
2. Lười vận động, ít tập thể dục
Lười vận động cũng là một thói quen xấu gây ung thư vú. Nghiên cứu cho thấy, những phụ nữ ít vận động có nguy cơ mắc ung thư vú cao hơn 1,4 lần so với người năng động, luyện tập đều đặn. Theo khuyến nghị của Hội Ung thư Hoa Kỳ cần vận động thường xuyên sẽ giúp giảm nguy cơ ung thư vú. Nên tập luyện 150 phút/tuần vận động vừa phải (như đi bộ nhanh, đạp xe nhẹ) hoặc 75 phút/tuần vận động mạnh (như chạy bộ, bơi lội).

Thừa cân sau mãn kinh làm tăng nguy cơ ung thư, trong đó có ung thư vú
3. Ăn uống kém lành mạnh
Nguy cơ ung thư vú có thể liên quan đến chế độ ăn. Nghiên cứu cho thấy nguy cơ mắc ung thư tăng ở những người có thói quen ăn uống kém lành mạnh. Nếu ăn quá nhiều đồ ăn nhanh khiến chúng ta thừa cân hoặc béo phì, đây là yếu tố tăng nguy cơ ung thư vú.
Bia rượu cũng có thể gây ra các bệnh ung thư khoang miệng, họng, thanh quản, thực quản, đại trực tràng, gan và ung thư vú ở phụ nữ. Vì vậy, nên hạn chế hoặc tốt nhất không nên uống rượu và đồ uống có cồn để ngăn ngừa ung thư vú.
Ngoài ra, ăn nhiều thịt đỏ chiên, nướng có thể làm tăng nguy cơ ung thư vú. Để chế biến những món chiên rán, buộc phải làm nóng dầu ở nhiệt độ cao. Khi dầu dưới sự tác động của nhiệt độ sẽ phản ứng hóa học và biến đổi thành chất béo không bão hòa, cơ thể rất khó hấp thụ gây béo phì có nguy cơ ung thư vú.
Theo Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ (ACS), chế độ ăn uống giàu chất béo bão hòa và đường tinh luyện làm tăng nguy cơ béo phì. Mô mỡ thừa trong cơ thể người béo phì có khả năng sản xuất estrogen, một loại hormone sinh dục nữ. Nồng độ estrogen cao kéo dài có thể kích thích sự tăng trưởng và phát triển của các tế bào ung thư vú.
4. Thức khuya, stress kéo dài
Thức khuya và stress kéo dài được xem là những yếu tố nguy cơ tiềm ẩn của ung thư vú. Thức khuya làm giảm sản xuất melatonin - một hormone có tác dụng điều hòa chu kỳ giấc ngủ và ức chế sự phát triển của tế bào ung thư. Khi mức melatonin càng giảm thì nguy cơ ung thư vú càng tăng. Một nghiên cứu trên International Journal of Cancer năm 2018 cho thấy, phụ nữ làm việc ca đêm có nguy cơ mắc ung thư vú cao hơn 14% so với người làm việc ban ngày.
Stress kéo dài làm cơ thể tăng tiết cortisol - một loại hormone gây căng thẳng. Cortisol cao làm suy yếu hệ miễn dịch, giảm khả năng chống lại sự phát triển của tế bào ung thư và thúc đẩy sự hình thành khối u. Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng thức khuya và stress có thể gây ra những thay đổi trong biểu hiện gen, ảnh hưởng đến quá trình phân chia và chết tế bào. Những thay đổi này có thể làm tăng nguy cơ đột biến gen, dẫn đến sự hình thành tế bào ung thư.
Ngăn ngừa ung thư vú hiệu quả
Ung thư vú là một trong những thể ung thư phổ biến, thường gặp và gây tử vong cao nhất ở phụ nữ trên toàn thế giới. Ung thư vú có thể xảy ra ở bất kỳ lứa tuổi nào. Chúng ta không thể thay đổi được nguy cơ ung thư vú như: gen di truyền hoặc tuổi tác nhưng hoàn toàn có thể kiểm soát lối sống của mình.
Việc phòng ngừa ung thư vú rất quan trọng, chị em không sử dụng rượu, bia; điều chỉnh thói quen sinh hoạt, lối sống lành mạnh như tập thể dục, đi bộ; bổ sung đầy đủ dinh dưỡng, ăn nhiều rau quả, duy trì thể trọng cân đối; tự kiểm tra vú mỗi tháng 1 lần; hạn chế mặc áo ngực, thức khuya làm việc đêm; chụp nhũ ảnh mỗi năm một lần đối với phụ nữ ngoài 40 tuổi và đến cơ sở y tế kiểm tra định kỳ tầm soát ung thư vú. Sàng lọc sớm được coi là chìa khóa vàng để phát hiện và đưa ra các phương pháp ngăn chặn, giảm nguy cơ tử vong và chi phí cho người bệnh.