Thời tiết chuyển mùa dễ ốm, uống trà bồ công anh mỗi ngày để nhận được nhiều lợi ích sức khỏe
Trà bồ công anh là một thức uống lành mạnh, giàu chất chống oxy hóa tốt cho sức khỏe và hệ miễn dịch, đặc biệt là khi thời tiết thay đổi thất thường.
Theo Y học cổ truyền, cây bồ công anh vị đắng, tính mát, quy vào các kinh can, thận, tâm và có công dụng thanh nhiệt, giải độc, tiêu viêm và hóa thấp. Từ rễ đến hoa, lá - bồ công anh là loại thực vật giàu dinh dưỡng chứa nhiều vitamin, khoáng chất và chất xơ.
Trong 105 gam rau bồ công anh tươi, loại rau này cung cấp khoảng 25 calo; 103 mg canxi; 14,8 µg folate; 1,7 mg sắt; 218mg kalo; 279 µg vitamin A; 19,2 mg vitamin C. Rễ bồ công anh rất giàu carbonhydrate inulin - một loại chất xơ hòa tan có trong thực vật tốt cho nhiều khía cạnh sức khỏe, đặc biệt là hệ tiêu hóa.
1. Tác dụng của trà bồ công anh đối với sức khỏe
Trà bồ công anh có thể được pha từ hoa, lá và rễ cây ở dạng tươi hoặc phơi khô. Dưới đây là một số lợi ích của trà bồ công anh dựa trên các nghiên cứu khoa học, theo Healthline và WebMD:
- Giảm đầy hơi
Một nghiên cứu năm 2009, người tham gia được uống 2 cốc trà từ lá bồ công anh cho thấy lượng nước tiểu và tần suất đi tiểu có sự tăng lên đáng kể sau 5 giờ. Vì thế, nếu bị đầy hơi, trà bồ công anh có thể giúp giảm bớt tình trạng này nhờ tác dụng lợi tiểu của trà và bồ công anh đồng thời tăng lượng nước tiểu, từ đó hỗ trợ giảm nhẹ đầy hơi hiệu quả.
Trong y học cổ truyền, bồ công anh cũng là một vị thuốc phổ biến để chữa táo bón và tăng cường tiêu hóa.
- Hỗ trợ sức khỏe lá gan
Rễ bồ công anh từ lâu đã được coi là "thuốc bổ gan" trong y học dân gian nhờ thành phần chống oxy hóa polysaccharides có tác dụng giảm căng thẳng cho gan và tăng khả năng sản xuất mật gan cũng như giúp gan lọc bỏ các hóa chất có khả năng gây hại ra khỏi cơ thể.
- Đặc tính chống viêm
Trà bồ công anh chứa taraxasterol, một hợp chất được biết đến với đặc tính chống oxy hóa và chống viêm đáng kể bằng cách iều chỉnh các tế bào bạch cầu và ngăn chúng gây viêm không cần thiết.
Viêm là một phản ứng bình thường của hệ miễn dịch với chấn thương hay các nhiễm trùng. Tuy nhiên tình trạng viêm nhiễm kéo dài có thể dẫn tới các tổn thương vĩnh viễn cho các mô và DNA của cơ thể.
Cây bồ công anh cũng chứa lượng lớn beta carotene có tác dụng bảo vệ chống lại các tổn thương tế bào và stress oxy hóa.
- Hỗ trợ hạ huyết áp
Từ lâu, kali được biết đến là một khoáng chất và chất điện giải có tác dụng duy trì sự ổn định của huyết áp. Kali giúp giãn mạch máu, từ đó có thể giúp hạ huyết áp cao.
Một chế độ ăn giàu kali được cho là có thể giảm nguy cơ tăng huyết áp và có lợi cho sức khỏe tim mạch. Trà bồ công anh là một nguồn kali tuyệt vời tốt cho sức khỏe nói chung và huyết áp nói riêng. Hơn nữa, uống trà bồ công anh cũng có tác dụng lợi tiểu, giúp loại bỏ chất lỏng dư thừa ra khỏi cơ thể và giúp hạ huyết áp.
- Hỗ trợ tăng cường miễn dịch
Bồ công anh cũng là nguồn cung cấp Vitamin C, một trong những loại vitamin hữu ích nhất cho hệ miễn dịch. Sự hiện diện của Vitamin C có thể giải thích cho hiệu quả được báo cáo của nó đối với cảm lạnh theo mùa.
Các nghiên cứu trên ống nghiệm đã phát hiện ra rằng chiết xuất bồ công anh chứa luteolin giúp giảm đáng kể khả năng nhân lên của virus cũng như một số hợp chất trong bồ công anh có thể bảo vệ chống lại các vi khuẩn có hại khác nhau.
- Ngăn ngừa nhiễm trùng đường tiết niệu
Trà bồ công anh khi kết hợp với các loại thảo mộc khác như lá dâu gấu (tiếng Anh là uva ursi) có thể giúp ngăn ngừa nhiễm trùng đường tiết niệu nhờ tác dụng kháng khuẩn và lợi tiểu của hai thành phần này.
Một số tác dụng tiềm năng khác của trà bồ công anh có thể kể đến như: Hỗ trợ giảm cân, chống ung thư hắc tố và ung thư tuyến tụy. Tuy nhiên những nghiên cứu đều sử dụng chiết xuất bồ công anh và chưa có nghiên cứu rộng rãi trên quần thể người một cách quy mô, vì thế cần nhiều nghiên cứu hơn trước khi kết luận.
2. Uống trà bồ công anh có lợi sữa không?
Y học cổ truyền sử dụng bồ công anh trong nhiều bài thuốc cho phụ nữ sau sinh để thông tuyến sữa (tắc tia sữa), tăng tiết sữa hay sưng vú. Điều này có thể là nhờ bồ công anh giàu giá trị dinh dưỡng và các hợp chất như canxi, sắt, vitamin A, vitamin C… rất tốt cho cơ thể. Tuy nhiên, nếu băn khoăn về tính an toàn, phụ nữ sau sinh nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi uống, hiệu quả có thể khác nhau tùy từng cơ địa.
Một số bài thuốc tham khảo sử dụng bồ công anh sau sinh:
- Bài thuốc giảm sưng vú, tắc tia sữa theo kinh nghiêm dân gian:
+ Chuẩn bị 20 đến 50 gam lá bồ công anh tươi, rửa sạch, thêm vài hạt muối giã nát rồi vắt lấy nước uống còn bã thì dùng đắp lên nơi vú sưng đau. Thường chỉ dùng 2 - 3 lần là đỡ. Lưu ý không đắp lên vết thương hở, loét.
+ Chuẩn bị 120 gam bồ công anh, sài đất 80 gam, thông thảo 12 gam, quả chộp phơi khô (vương bất lưu hành) 30 gam, gai bồ kết 20 gam, bạch tật lê 15 gam... Đem các nguyên liệu sắc uống ngày 1 thang, chia 2 - 3 lần, uống khi thuốc còn ấm.
- Bài thuốc tăng tiết sữa, mất sữa
Chuẩn bị bồ công anh 60 gam, thông thảo 8 gam. Đem sắc uống ngày 1 thang, chia 2 lần sáng và chiều. Vừa uống, vừa lấy bã thuốc, bọc trong vải sạch, làm nóng áp lên vú. Thường chỉ uống 2 thang là hiệu nghiệm.
- Trị viêm tuyến sữa cấp tính:
Chuẩn bị bồ công anh 30 gam, liên kiều 20 gam, bạch tật lê 12 gam, thông thảo 5 gam. Sắc uống ngày 1 thang, chia 2 - 3 lần, uống khi thuốc còn ấm. Kết hợp dùng bồ công anh tươi lượng vừa đủ, giã nát, rang nóng, đắp vào chỗ đau.
3. Lưu ý khi uống trà bồ công anh
Mặc dù có nhiều tác dụng đối với sức khỏe nhưng uống trà bồ công anh cũng có thể gây ra một số tác dụng phụ không mong muốn cho người uống, chẳng hạn như:
- Dị ứng: Nếu là người dị ứng với các nhóm thực vật khác trong họ hoa cúc như cúc vạn thọ, cúc vàng,... thì bạn cũng có nguy cơ bị dị ứng với bồ công anh. Nên tránh uống trà bồ công anh và thăm khám khi có các dấu hiệu dị ứng như mẩn ngứa, sưng phù nề miệng họng, khó thở, chóng mặt, buồn nôn,...
- Không nên uống trà bồ công anh trong khi đang sử dụng thuốc lợi tiểu bởi điều này có thể khiến tác dụng lợi tiểu tăng lên. Vì bồ công anh có đặc tính lợi tiểu tự nhiên nên nó có thể ảnh hưởng đến tác dụng của lithium và các loại thuốc tương tự. Cũng nên tránh uống trà bồ công anh nếu đang dùng thuốc kháng sinh như Cipro, Levaquin, Noroxin.
- Không nên uống trà bồ công anh nếu đang điều trị các vấn đề gan, thận trừ khi có sự đồng ý của bác sĩ bởi bồ công anh của thể làm tăng nguy cơ biến chứng cho người mắc bệnh thận do gia tăng gánh nặng lên thận.
- Do kali trong trà bồ công anh có thể ảnh hưởng tới lưu lượng máu và quá trình đông máu, nên tốt nhất nên tránh uống trà bô công anh nếu đang sử dụng thuốc chống đông máu và thuốc điều trị huyết áp.
Nhìn chung, bồ công anh được xem như an toàn với hầu hết mọi người. Nếu đang sử dụng thuốc hoặc từng có tiền sử dị ứng, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi uống trà hay sử dụng bồ công anh ở bất kỳ hình thức nào.
4. Cách pha trà bồ công anh
Cách pha trà bồ công anh rất đơn giản, dễ dàng thực hiện tại nhà. Với hoa và lá bồ công anh tươi, chỉ cần rửa sạch, đem hãm với nước sôi từ 15 - 20 phút là có thể dùng được.
Nếu muốn uống trà từ rễ cây bồ công anh, cần rửa sạch rễ rồi thái nhỏ. Sau đó đem sấy ở nhiệt độ cao trong khoảng 2 giờ. Mỗi khi uống, lấy 1 thìa cà phê rễ đã sấy khô đem ngâm với nước nóng khoảng 10 phút rồi uống.
Điều đặc biệt là trà bồ công anh không chứa caffeine nên có thể uống vào nhiều thời điểm trong ngày, ngay cả vào buổi sáng khi cần tăng năng lượng để bắt đầu một ngày mới.
Về liều lượng, hiện tại chưa có hướng dẫn rõ ràng về liều lượng sử dụng bồ công anh, tuy nhiên theo Healthline và các dữ liệu đề xuất cho thấy:
- Lá tươi: 4 - 10g mỗi ngày
- Lá khô: 4 - 10g mỗi ngày
- Nước ép lá tươi: 5ml mỗi ngày
- Chiết xuất dạng lỏng: 5 - 10ml mỗi ngày
- Rễ tươi: 2 - 8g mỗi ngày
- Bột khô: 250 - 1000mg mỗi ngày
- Chiết xuất từ lá: 2 - 5ml/3 lần mỗi ngày.
Nhìn chung, trà bồ công anh có nhiều công dụng đối với sức khỏe. Tuy nhiên nếu đang điều trị bệnh theo đơn thuốc của bác sĩ, hãy nói chuyện trước khi uống trà bồ công anh để tránh tương tác thuốc khiến tình trạng bệnh nghiêm trọng hơn.
Nguồn: Tổng hợp