Thời tiết ngày càng cực đoan

Trong khi Đông Á đang vất vả đối phó với bão lũ, những nơi khác trên thế giới lại hứng chịu cái nóng thiêu đốt. Thời tiết cực đoan đang khiến thế giới phải oằn mình chống đỡ.

Người dân địa phương theo dõi vụ cháy rừng ở West Kelowna (Canada). Ảnh: AFP.

Người dân địa phương theo dõi vụ cháy rừng ở West Kelowna (Canada). Ảnh: AFP.

Tại Ethiopia (châu Phi), mưa lớn những ngày qua đã gây ra 2 thảm họa lở đất liên tiếp, khiến 229 người thiệt mạng và hơn 14.000 người khác bị ảnh hưởng.

Ngày 25/7, truyền thông nhà nước Ethiopia cho biết thảm họa xảy ra tại vùng núi Gofa Zone, hầu hết nạn nhân là những nhân viên cứu hộ, đã bị chôn vùi khi đang tìm kiếm những người sống sót sau một trận lở đất khác trước đó một ngày (22/7). Cho đến ngày 25/7, việc đào bới tìm kiếm vẫn tiếp tục. Tại hiện trường, nhiều người dân dùng xẻng đào bới, hy vọng tìm được thi thể và người sống sót.

Ông Moussa Faki Mahamat - Chủ tịch Ủy ban Liên minh châu Phi cho rằng đây là thảm họa lở đất chết chóc nhất từng được ghi nhận tại Ethiopia. Trong khi đó, Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Ghebreyesus đã cử một nhóm nhân viên đến Ethiopia để hỗ trợ nhu cầu y tế.

Ethiopia và các quốc gia Đông Phi khác ngày càng dễ bị tổn thương trước khủng hoảng khí hậu, khi thời điểm bắt đầu và kết thúc của mùa mưa và mùa khô thay đổi. Vụ lở đất chết chóc nhất tại châu Phi là ở Sierra Leone vào năm 2017, khi hơn 1.100 người thiệt mạng.

Trong khi đó, tại châu Á, Philippines là quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất từ trận bão Gaemi. Mưa to gió lớn khiến cho khu vực thủ đô và các tỉnh phía bắc nước này gần như tê liệt, ảnh hưởng đến cuộc sống của khoảng 13 triệu người ở 16 tỉnh thành phố.

Theo Cục Quản lý thiên văn, địa vật lý và khí quyển Philippines (PASAGA), ngày 25/7, bão Gaemi tiếp tục di chuyển về phía bắc qua biển Philippines, gây ngập lụt ở nhiều nơi trên đảo Luzon.

Truyền thông Philippines và mạng xã hội nước này liên tục đăng tải dày đặc những bức ảnh người dân dùng thuyền, phao di chuyển trên những tuyến phố bị ngập lụt do bão Gaemi ở Manila (Philippines). Sức gió mạnh nhất gần tâm bão Gaemi 155 km/giờ, giật lên tới 190 km/giờ.

Trong khi đó, lực lượng bảo vệ bờ biển Philippines cho biết hàng nghìn hành khách và 31 tàu thuyền đang bị mắc kẹt tại các cảng mà chưa rõ thời gian được “giải phóng”.

Trong một diễn biến trái ngược, hàng chục triệu người ở Bờ Tây nước Mỹ đã và đang tiếp tục phải hứng chịu cái nắng như thiêu đốt. Sức nóng cộng với không khí khô và gió đã khiến các đám cháy rừng lan rộng. Tổng cộng khu vực miền tây Mỹ, có khoảng 69 đám cháy lớn.

Tại Canada, các đám cháy rừng ở thị trấn Jasper thuộc tỉnh bang Alberta đã buộc hơn 25.000 người sơ tán. Khói bụi từ các đám cháy đã được thổi sang các vùng miền tây Mỹ khiến chất lượng không khí bị suy giảm nghiêm trọng.

Có phần dữ dội hơn, tại các nước vùng Vịnh, ngày 25/6 nhiệt độ ngoài trời đã vượt 50 độ C; trong khi tại các vùng ôn đới tại châu Âu nhiệt độ cũng lên tới 40 độ C. Cơ quan theo dõi thời tiết Copernicus (CAMS) của Liên minh châu Âu cho biết, ngày 22/7 là ngày nóng nhất lịch sử (tính từ năm 1946). Vẫn theo CAMS, nhiều vụ cháy rừng dữ dội đã xảy ra ở vùng Bắc bán cầu, mang theo lượng khói khổng lồ bay khắp khu vực châu Âu, châu Á và Bắc Mỹ; trong đó nhiều đám cháy bùng cháy ở Canada, Alaska và miền Đông nước Nga.

Lượng khí thải từ các vụ cháy rừng cao hơn so với 2 năm trước đó. Mark Parrington - nhà khoa học cấp cao tại CAMS cho biết: "Chúng tôi đã theo dõi chặt chẽ các vụ cháy rừng trong nhiều năm, ghi nhận chỉ số phát thải cháy rừng và tác động đến khí quyển đặc biệt nghiêm trọng trong thời gian này, dẫn đến lượng khí thải từ khói ngày càng tăng”.

Còn theo GS Guillermo Rein, nhà khoa học về lửa tại London (Anh) cho rằng, “mùa cháy rừng ngày càng mở rộng, bắt đầu sớm hơn và kéo dài hơn. Đáng sợ là cường độ của nó đang trở nên chưa từng có".

Tiến sĩ Marina Romanello - nhà nghiên cứu tại Viện Sức khỏe toàn cầu (UCL) cảnh báo, khi cháy rừng ngày càng gia tăng, con người liên tục phải đối mặt với mức độ ô nhiễm không khí cấp tính, làm tăng nguy cơ mắc các bệnh mãn tính như bệnh tim mạch và ung thư. Tiến sĩ Romanello cho biết, các hạt PM2.5 có thể đi rất sâu vào phổi, vượt qua hàng rào máu phổi và đi vào máu, khiến mức phát thải khói cao này đặc biệt đáng lo ngại.

Mùa hè năm nay, nhiều nơi trên thế giới ghi nhận các sự kiện thời tiết khắc nghiệt đang trở nên phổ biến hơn. Nhà khoa học khí hậu Katharine Hayhoe cho biết, mưa lớn và lũ quét; bão nhiệt đới, lốc xoáy; cháy rừng; nhiễu loạn không khí là những gì đang diễn ra ngày một dồn dập hơn đặt thế giới vào tình trạng nguy hiểm.

"Sự sống trên hành tinh của chúng ta rõ ràng đang bị đe dọa" - William Ripple, nhà sinh thái học tại Đại học bang Oregon (Mỹ) nói và cho rằng tới năm 2050 có thể 1/3 dân số thế giới (gần 3 tỷ người) có thể bị đẩy ra khỏi "khu vực có thể sống được".

THẾ TUẤN

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/thoi-tiet-ngay-cang-cuc-doan-10286679.html