Thời trang nhanh 'mỳ ăn liền': Nguồn phát thải khí nhà kính cực lớn ít ai ngờ tới

Mỗi bộ quần áo bình dân mà chúng ta vứt đi mỗi năm lại chính là nguyên nhân gián tiếp kích thích phát thải khí nhà kính trên toàn cầu mỗi năm. Nếu tìm hiểu về số liệu, có lẽ nhiều người sẽ muốn ngừng sử dụng thời trang nhanh ngay từ bây giờ.

Vốn tưởng rằng những ngành công nghiệp nặng như khai thác tài nguyên thiên nhiên hay sản xuất xi măng, sắt thép mới là nguồn phát thải gây ảnh hưởng lớn tới môi trường. Thế nhưng, ít ai biết được rằng, những ngành công nghiệp nhẹ như may mặc, cụ thể là thời trang nhanh - thời trang “mỳ ăn liền” lại đóng góp không ít lượng khí thải cho bầu khí quyển của Trái đất. Đằng sau vẻ ngoài “lành tính” ấy, thời trang nhanh đang khiến con người đang phải trả một cái giá rất đắt cho môi trường và hành tinh.

Thời trang nhanh phát thải nhiều như thế nào?

 Sa mạc Atacama của Chile - nơi dừng chân của những bộ quần áo bình dân bị vứt bỏ.

Sa mạc Atacama của Chile - nơi dừng chân của những bộ quần áo bình dân bị vứt bỏ.

Fast Fashion - Thời trang nhanh là thuật ngữ chỉ dòng thời trang bình dân có tần suất thay đổi mẫu mã liên tục để bắt kịp với phong cách mới nhất của các sàn diễn thời trang và người nổi tiếng. Thời trang nhanh có ưu điểm là giá thành rẻ, mẫu mã đa dạng lại thời thượng nên thường được số đông người tiêu dùng trên thế giới lựa chọn. Mặc dù vậy, thời trang nhanh có chất lượng không cao, từ chất liệu cho tới đường may đều được tối giản.

Bị gắn mác “mỳ ăn liền” nên thời trang nhanh được sản xuất với tốc độ rất nhanh. Mẫu mã thay đổi theo từng ngày, thậm chí từng giờ cũng khiến các dây chuyền may phải hoạt động hết công suất để cho kịp với thị hiếu của người tiêu dùng.Theo dữ liệu của Tổ chức Môi trường Liên Hợp quốc United Nations Environment Programme - UNEP), ngành thời trang đóng góp tới 10% lượng khí thải carbon cho toàn cầu mỗi năm. Thật khó có thể tin nhưng con số này còn nhiều hơn tổng lượng khí thải hàng không và vận tải biển của thế giới cộng lại. Nếu cứ tiếp tục xu hướng này, lượng khí nhà kính của ngành may mặc dự kiến sẽ tăng hơn 50% vào năm 2030, đạt 2,8 tỷ tấn carbon. Con số này tương đương với lượng khí thải của khoảng 550 triệu ô tô trong 1 năm.

Rõ ràng số liệu về lượng khí thải kể trên không chỉ là của riêng thời trang nhanh thải ra, nhưng cũng không thể phủ nhận rằng, thời trang nhanh chính là một trong những tác nhân gây phát thải lớn nhất, để lại nhiều dấu chân carbon nhất.

Khi những sản phẩm thời trang nhanh ra mắt ngày một nhiều thì thói quen mua sắm của người tiêu dùng cũng ngày một tăng. Vì giá rẻ nên những bộ quần áo mới vẫn còn mặc được đã bị vứt bỏ để nhường chỗ cho những bộ mới thời trang hơn, hợp mốt hơn. Chu kỳ mua và vứt bỏ quần áo này đã làm tăng đáng kể lượng khí thải carbon cũng như khiến cho môi trường bị hủy hoại hơn.

Cụ thể các nguồn khí phát thải của thời trang nhanh

Rõ thấy nhất, sản xuất thời trang nhanh làm cạn kiệt và gây ô nhiễm nguồn nước. Bên cạnh đó, nguồn phát thải khí nhà kính của thời trang nhanh cũng gây tác hại không kém. Chúng bao gồm các nguồn phát thải như sau:

Sản xuất vải

Sản xuất vải trong thời trang nhanh bị coi là nguyên nhân chính gây ra lượng khí nhà kính. Theo phát hiện của Tổ chức Changing Markets Foundation, các nhà sản xuất thời trang nhanh đã sử dụng sợi polyester tổng hợp giá rẻ làm từ dầu mỏ để sản xuất vải đáp ứng nhu cầu may mặc. Đây là một loại sợi có chi phi thấp nhưng lại phải sử dụng tới nhiên liệu hóa thạch để sản xuất. Vải polyester mềm va rẻ hơn cotton nhưng lại không thể tự phân hủy trong thời gian lên tới 200 năm.

Quy trình sản xuất vải polyester có thể thải ra lượng khí carbon gấp 3 lần so với vải cotton. Điều này đã dẫn tới tình trạng ô nhiễm không khí nghiêm trọng. Theo ước tính, một chiếc áo phông polyester có thể tương đương với 5,5kg carbon. Trong khi đó, một chiếc áo phông cotton chỉ thải ra 2,1kg carbon.

Nhà máy may mặc

 Những nhà máy may mặc như thế này không còn xa lạ ở các quốc gia châu Á - nơi nhân công rẻ mạt so với các nước phát triển.

Những nhà máy may mặc như thế này không còn xa lạ ở các quốc gia châu Á - nơi nhân công rẻ mạt so với các nước phát triển.

Sau khi sản xuất vải, quy trình may mặc chính là nguyên nhân thứ 2 đóng góp một lượng lớn khí thải cho hành tinh. Như đã biết, ngành công nghiệp may mặc thường đặt nhà máy tại các nước đang phát triển như Ấn Độ, Trung Quốc, Bangladesh, nơi các nhà máy đều sử dụng than đốt để lấy nhiệt điện. Lượng hàng hóa thời trang nhanh tăng cũng khiến cho lượng than sử dụng ngày càng nhiều, khí thải carbon từ đó cũng ngày một tăng. Đây chính là nguồn ô nhiễm không khí cũng đóng góp phần quan trọng không kém.

Vận chuyển hàng hóa

Hàng hóa may mặc sau khi được hoàn thiện sẽ cần phải vận chuyển tới các đại lý bán lẻ. Lúc này, quá trình vận chuyển của thời trang nhanh lại đóng góp một phần khí thải carbon vào khí quyển. Trước hết, các công ty phải vận chuyển nguyên liệu thô đến các quốc gia sản xuất gia công, sau đó lại tiếp tục vận chuyển để phân phối hàng hóa trên khắp toàn cầu. Thậm chí, một số loại hàng may mặc còn được vận chuyển trên khắp thế giới nhiều lần trong quá trình sản xuất.

Cần hướng tới may mặc bền vững trong tương lai

Nếu thế giới vẫn tiếp tục thúc đẩy thời trang nhanh, ngành may mặc thế giới có thể chiếm tới 26% lượng khí thải toàn cầu vào năm 2050. Điều quan trọng cần làm ngay từ bây giờ đó là hướng tới một nền công nghiệp may mặc bền vững và xanh - sạch hơn. Cùng với xu hướng thời trang chậm, con người cũng cần học cách tái chế các sản phẩm may mặc nhiều hơn.

 Thời trang chậm, bền vững là đích đến mong muốn của ngành may mặc toàn cầu.

Thời trang chậm, bền vững là đích đến mong muốn của ngành may mặc toàn cầu.

Gia Tuệ

Nguồn Kinh tế Môi trường: https://kinhtemoitruong.vn/thoi-trang-nhanh-my-an-lien-nguon-phat-thai-khi-nha-kinh-cuc-lon-it-ai-ngo-toi-92378.html