Thơm một đóa quê hương

Chuyện những người làm khoa học tự nhiên hay kinh tế sáng tác văn học không có gì lạ. Lạ chăng nếu họ sáng tạo thành công thì luôn mang tới những tác phẩm khác biệt nhờ tư duy lạ của họ. Thơ của Huỳnh Thị Quỳnh Nga là một trường hợp như vậy. Lòng biết ơn đối với sông nước ruộng đồng quê hương đã mang lại cho chị nguồn cảm hứng mạnh mẽ tạo nên những trang viết thắm tình và lạ lẫm.

Nhà thơ Huỳnh Thị Quỳnh Nga. Ảnh do nhân vật cung cấp

Cắt dọc mùi hương (NXB Hội Nhà văn, quý IV/2022) là tập thơ thứ hai của Huỳnh Thị Quỳnh Nga, sau tập Trăng phục sinh (2021). Nhận tập thơ mới của người phụ nữ trẻ ở Tiền Giang xuất thân kế toán mà tôi chưa được gặp mặt, đọc đi đọc lại không phải bài nào cũng dễ nắm bắt hết thần thái. Nhưng càng đọc “vỡ chữ” càng mở ra nhiều chiều kích vẻ đẹp ẩn hiện trong thơ.

Huỳnh Thị Quỳnh Nga cho hay chị làm thơ sau những mệt mỏi của công việc thường nhật gắn với những con số tính toán căng thẳng. Thơ như cứu cánh tâm hồn, lưu giữ những bí mật cảm xúc và là người bạn “không nói lời nào nhưng đủ hiểu mình nghĩ gì”!

Đối với tôi, thơ trước hết là sự cảm. Cảm thức vẻ đẹp ngôn từ cấu trúc khác lạ. Cảm thức không gian thẩm mỹ kiến tạo khác biệt. Cảm thức tiếng nói mơ hồ cất lên trong những khoảnh khắc kỳ diệu của tâm hồn. Và từ đó những thông điệp tình yêu phát sáng. Tình yêu thương con người và thiên nhiên đang hiện hữu hay chỉ tồn tại trong giấc mơ mỗi chúng ta.

Tôi bước vào thế giới thơ của Huỳnh Thị Quỳnh Nga bằng cảm thức như vậy. Một thế giới thơ không phải được tạo dựng bằng mắt thường vần vè ve vuốt. Một thế giới thơ được nuôi dưỡng bằng tâm hồn đa cảm, trái tim tinh nhạy ngân rung, đặc biệt đôi tai biết “Lắng nghe những cảm thức rất lạ” và thẩm thấu những va đập nhiều chiều của đời sống. Một thế giới thơ không dễ nắm bắt nếu ngang nhiên bước vào bằng thói quen sáo mòn phàm tục: “Không có đường viền trên những dòng cảm thức/ Không có những định dạng chấm than” (Tôi cầm những mùa dại và đi). Một thế giới thơ bay lên giấc mơ tỏa hương:

“Trổ một loài linh lan trắng

Về phía đoàn người hành hương

Ngược dòng châu thổ. Đi tìm mê khúc đồng lam

Tôi cúi xuống nhặt bóng chiều

Nghe đồng bằng sâu trong vòm mắt

Thấy em bay lên phía đàn chim lạc Việt”

(Que thời gian)

Có thể nói tinh thần chi phối toàn bộ tập thơ Cắt dọc mùi hương của Huỳnh Thị Quỳnh Nga là một cuộc hành hương trở về ký ức và những giấc mộng không biên giới. Với ý thức tạo dựng sự khác biệt về thi pháp, từ thể loại đến diễn ngôn, cuộc hành hương và giấc mộng của nhà thơ cũng có bước đi và đường bay khác trong thế giới riêng.

Tập thơ Cắt dọc mùi hương của Huỳnh Thị Quỳnh Nga. Ảnh: NGUYỄN HÒA ĐỒNG

Ngược dòng thời gian châu thổ đồng bằng sông Cửu Long sinh trưởng nên mình, Huỳnh Thị Quỳnh Nga không sa vào kể lể hoài niệm mà tái hiện ký ức bằng lòng biết ơn, kiến văn nung nấu và sự liên tưởng độc đáo. Một bức tranh hư thực hiện lên với vẻ đẹp diệu vợi, sinh sôi, hài hòa giữa con người và thiên nhiên từ thẳm sâu lịch sử. Bức tranh tâm thức nguồn cội trĩu lòng nữ sĩ hiện đại sông Tiền với “Nụ cười trong như mắt sông”.

Chất liệu thơ Huỳnh Thị Quỳnh Nga thật phong phú, đa dạng nhưng cơ bản vẫn trên nền tảng văn hóa châu thổ sông Cửu Long. Cả những giấc mơ tưởng chừng vượt thoát vào vũ trụ huyền ảo thì cuối cùng đôi cánh thi sĩ cũng đáp xuống cõi mộng sinh thành. Những chất liệu cuồn cuộn như phù sa mà tinh tế, quyến rũ như hương lụa, cành sen ẩn thoại phận người mong manh:

“Nhẹ như hương lụa em cầm

Đồng chiều thơm trên sóng bạc

Khói mùa vàng từ trăm năm

Tay ôm cành sen trước biển

Phận người như cỏ long chong”

(Nhẹ như hương lụa em cầm)

Cái nền văn hóa miệt vườn cũng chính là quê hương văn học của Huỳnh Thị Quỳnh Nga. Một nền văn hóa phương Nam kết tinh từ bước chân của bao thế hệ lưu dân khẩn hoang mở đất, chinh phục những cánh rừng bạt ngàn, những dòng sông mênh mông, dựng nên những cánh đồng bát ngát thẳng cánh cò bay. Gần gũi hơn, đó là hình bóng đấng sinh thành, kỷ niệm ấu thơ và nhịp sống thiên nhiên đất trời “Trôi trong hơi thở của lá” xanh mỗi ngày đi vào những cơn mơ thánh thiện:

“Phương Nam mềm như dải lụa trong trăng

Người về qua đây

Xin cúi đầu tạ ơn tiền nhân

Tạ ơn hồn nước

Tạ ơn những điều được mất

Một phương nam trầm lắng giữa đồng bằng rất thật

Ta nghe dậy mùi đất

Ta nghe dậy mùi rạ rơm

Mùi khói đốt đồng rưng cay khóe mắt

Phương nam ơi cánh cò trắng bay vào trong câu hát

Đọng trên áo người

Thơm một đóa quê hương”

Khi mà trong tâm khảm vẫn còn “Mùi khói đốt đồng rưng cay khóe mắt” với niềm tự hào “Thơm một đóa quê hương” và lòng biết ơn đối với nền văn hóa châu thổ sinh thành, thì những giấc mơ Huỳnh Thị Quỳnh Nga còn bay lên nhiều điều thú vị và con đường thơ của chị sẽ còn mở ra những điều mới lạ phía trước.

NGUYỄN HÒA ĐỒNG

Nguồn Phú Yên: http://baophuyen.vn/93/289182/thom-mot-doa-que-huong.html